Đa phương tiện hội tụ để tạo ra các giá trị đột phá - xu thế tất yếu của thời đại

Thứ tư - 10/01/2024 08:50   Đã xem: 398   Phản hồi: 0

 Ứng dụng công nghệ số để tạo nên một tòa soạn đa phương tiện hội tụ những giá trị của công nghệ, kỹ năng và thích ứng để mang lại những giá trị đột phá cho công chúng - được coi là chìa khoá cho sự phát triển của nền báo chí trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ.


Chuyển đổi số là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai

Hơn 10 năm qua, công nghệ đã có sự thay đổi lớn, tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Sự khác biệt giữa báo in, truyền hình và báo điện tử nới rộng bởi yếu tố công nghệ cho phép trình bày các thể loại báo chí đặc thù trên nền tảng Internet với tính tương tác cao.

Nhiều độc giả lớn tuổi vẫn đang giữ thói quen đọc báo in, nhưng tương lai không xa, những người sinh ra trong thế giới digital sẽ là nhóm độc giả chủ đạo. Mark Thompson, Giám đốc điều hành của New York Times, dự đoán báo in sẽ chấm dứt vai trò trong vòng 20 năm tới.

Sự phát triển của mạng xã hội đã tạo cạnh tranh với báo điện tử, đồng thời cũng đẩy người dùng lên internet để tiếp nhận thông tin nhiều hơn. Theo nghiên cứu của Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), trong 3 năm 2020-2022, số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống sụt giảm mạnh, thay vào đó là tiếp nhận thông tin qua điện thoại di động.

da phuong tien hoi tu de tao ra cac gia tri dot pha xu the tat yeu cua thoi dai hinh 1


Mặc dù có hơn 2/3 doanh thu đến từ báo in, The New York Times vẫn quyết định chuyển đổi số là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai. (Ảnh nguồn: Plitico)

Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, gần 70% số tiền chi cho quảng cáo trên các ấn phẩm giấy đã bay hơi trong 15 năm qua. Năm 2022, tổng doanh thu quảng cáo trên toàn cầu vượt mức 500 tỷ USD, trong đó doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch Covid-19. 

The New York Times  là một trong những tờ báo từng có lượng bản in khổng lồ xuất bản mỗi ngày. Mặc dù có hơn 2/3 doanh thu đến từ báo in, The New York Times vẫn quyết định chuyển đổi số là chiến lược phát triển quan trọng trong tương lai. Cụ thể, với bộ máy lãnh đạo gồm 14 người thì đa số (bao gồm cả người sáng lập) tập trung nghĩ các chiến lược tiếp theo cho kế hoạch số hóa.

Sự chuyển đổi kịp thời và chiến lược này đã giúp tòa soạn đương đầu được với một trong những vấn đề cốt lõi cơ bản của ngành báo chí - khi mà công nghệ thay đổi, các thiết bị điện tử lên ngôi thì những tờ báo in truyền thống sẽ phải thay đổi thế nào. New York Times tiên phong chuyển đổi số bằng giá trị cốt lõi, thế mạnh nền tảng là kho tàng nội dung không giới hạn của họ kết hợp với công nghệ hiện đại trong sản xuất, phân phối.

Tại Việt Nam, không ít cơ quan truyền thông đã có những thay đổi mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều cơ quan báo chí cũng đẩy nhanh thực hiện chiến lược multi-platform - đa nền tảng và xu hướng social-first - ưu tiên phát thông tin lên mạng xã hội.

Vào cuối tháng 12/2023, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã thông báo kết quả khảo sát, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí năm 2023. Theo đó, top 5 cơ quan báo chí dẫn đầu khối Báo chí Trung ương đạt mức xuất sắc là: Báo VnExpress; Báo Lao động; Báo Điện tử Vietnamplus; Báo Vietnamnet; Báo Điện tử VTC News.

Người đứng đầu Báo Điện tử Vietnamplus - cơ quan báo chí đạt mức xuất sắc về trưởng thành chuyển đổi số, Tổng biên tập Trần Tiến Duẩn cho biết, Vietnamplus của TTXVN là đơn vị báo chí đầu tiên ở Việt Nam đăng tải các bài viết, video dạng WebStory, Shorts Video.

Tin tức theo dạng ảnh, video không chỉ được hiển thị tối ưu trên điện thoại thông minh mà còn giúp người xem có trải nghiệm không ngắt mạch, tương tự cách trải nghiệm tin tức trên các nền tảng video dọc như Reels, Shorts hay Tiktok.

Tăng trưởng dựa trên sản phẩm

Theo Giáo sư truyền thông Eli Noam của Đại học Columbia (Mỹ), “nếu như chúng ta vẫn hay nói Nội dung là Vua - Content is King thì Phân phối tin tức phải là Nữ hoàng". Một bài viết có thể hay đến mấy, nhưng nếu tiếp cận được số ít độc giả thì khó có thể được coi là thành công. 

Chia sẻ về hệ sinh thái số tại báo Điện tử Vietnamplus, ông Trần Tiến Duẩn cho biết, nắm bắt được xu thế mới, CMS của VietnamPlus đã mở kết nối thẳng với tài khoản Official Zalo, cho phép gửi thông tin nóng lên trang Zalo chính thức của báo, qua đó có khả năng tiếp cận hàng chục triệu người dùng trên nền tảng nhắn tin này.

CMS mới cũng cho phép thiết lập kênh Podcast kết nối với trợ lý ảo sử dụng tiếng Việt Maika. Theo đó, người sử dụng loa thông minh Olli, hoặc người dùng FPT Play có thể nghe được bản tin báo chí, thông qua cả 2 hình thức TTS - biến văn bản thành giọng nói và người đọc. Một số đơn vị làm thông tin video của TTXVN như báo VietnamNews đã sử dụng MC ảo để trình bày các bản tin có nội dung đơn giản. 

da phuong tien hoi tu de tao ra cac gia tri dot pha xu the tat yeu cua thoi dai hinh 2

Ông Trần Tiến Duẩn - Tổng biên tập Vietnamplus cho rằng, xu thế tích hợp các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và quản trị tòa soạn là không thể đảo ngược, Vietnamplus cũng sớm nắm bắt xu hướng này khi tích hợp chức năng gợi ý từ khóa, giúp các biên tập viên thuận lợi hơn trong quá trình tác nghiệp, tạo thêm cơ hội cạnh tranh của tin tức chính thống trên các nền tảng tìm kiếm phổ biến như Google Search, Bing, Cốc Cốc. (Ảnh: Quang Hùng)

"Phát triển tư duy sản phẩm, coi tác phẩm báo chí không chỉ là dạng văn bản mà là sản phẩm, luôn là trọng tâm trong việc phát triển của Vietnamplus, nhằm tạo ra các sản phẩm báo chí sáng tạo, có khả năng thu hút bạn đọc, tăng cường trải nghiệm cho người dùng.

Từ tư duy đó, các toà soạn báo chí số đã thiết lập quy trình sáng tạo các sản phẩm báo chí đa phương tiện. Điều thuận lợi là CMS hiện đại cho phép sản xuất bài chất lượng cao theo dạng tích hợp nhiều loại hình trong một sản phẩm như longform, megagtory", ông Trần Tiến Duẩn cho hay.

Để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, ông Trần Tiến Duẩn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực.

Báo cáo về chuyển đổi số báo chí do WAN-IFRA phát hành năm 2021 có nêu rõ, muốn thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, các tòa soạn cần thay đổi cơ cấu tổ chức, nhất là về nhân sự. Khi đó, trong tòa soạn sẽ không chỉ gồm các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đơn thuần mà còn cần thêm các vị trí cho giám đốc sản phẩm, chuyên viên dữ liệu...

"Chính vì thế, công tác đào tạo phải được thực hiện thường xuyên và liên tục, cập nhật kiến thức mới cho toàn bộ các cấp, từ cán bộ quản lý tới nhân viên. Việc đào tạo phải gắn với thực hành, tập làm quen với văn hóa A/B testing - thử nghiệm sản phẩm, văn hóa sử dụng dữ liệu để đưa ra quyết định", ông Trần Tiến Duẩn đánh giá.

Để trở thành “tòa soạn tốt nhất thế giới”, trong 5 năm qua, tờ New York Times đã ưu tiên đầu tư vào báo chí, phần mềm, sản phẩm và tiếp thị, đồng thời xây dựng kênh khán giả tự nhiên mạnh mẽ.

Tổng biên tập Vietnamplus đưa ra ví dụ, một khách truy cập thông thường từ Google được yêu cầu đăng ký để đọc thêm miễn phí, sau đó đăng ký nhận bản tin, tải xuống ứng dụng và chơi thử trò chơi. Sau đó, New York Times sẽ giám sát mức độ tương tác và có thể giới thiệu đăng ký thông qua tất cả các kênh trực tiếp mà nó đã kết nối. 

Các chuyên gia gọi cách tiếp cận này là “tăng trưởng dựa trên sản phẩm”. Theo báo cáo thường niên năm 2022, New York Times đã chi 25% tổng chi phí hoạt động cho việc nghiên cứu phát triển. "Công nghệ hiện nay đồng hành cùng báo chí, do vậy các tòa soạn cần dành khoản kinh phí nhất định cho việc phát triển, hoặc tìm hướng liên kết với các công ty công nghệ theo nguyên tắc hai bên cùng có lợi", ông Trần Tiến Dẩn nhận định.

Theo ông Trần Tiến Duẩn, để có chi phí đầu tư vào công nghệ, các tòa soạn cần đa dạng hóa nguồn thu, mở hướng kinh doanh dựa trên sản phẩm thế mạnh của mình, trong đó có doanh thu từ công chúng báo chí qua thu phí, tổ chức sự kiện, chiến dịch truyền thông với các sản phẩm báo chí hiện đại chất lượng phát trên nhiều kênh và đa nền tảng, kinh doanh dữ liệu...

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hóa nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hóa trong tòa soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí Việt Nam phải suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.

Nguồn tin: congluan.vn::

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập254
  • Hôm nay4,523
  • Tháng hiện tại604,029
  • Tổng lượt truy cập28,253,774

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:283 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:518 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:469 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:102 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:105 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây