Đến Đắk Lắk, đến với trời cao nguyên xanh

Thứ ba - 08/10/2019 10:25   Đã xem: 1128   Phản hồi: 0

Tôi luôn ao ước được đi đến các miền quê của đất nước để biết, để yêu thêm mảnh đát hình chữ S thân thương. Vì thế, tôi rất thích thú mỗi khi được đi xa. Khi nhận được điện thoại của anh Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Đắk Lắk thông báo, Hội Nhà báo Thái Nguyên và Bắc Giang được mời dự Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại địa phương, tôi đã rất vui mừng.

Bước xuống sân bay Buôn Ma Thuật, điều đầu tiên tôi cảm nhận ở mảnh đất này là gió. Trốn được cái gió khi vào sân ga, tôi lại thắc mắc về cái tên Buôn Ma Thuật. Khi trên xe đón chúng tôi về khách sạn, anh Định giải thích: Buôn Ma Thuột gốc tiếng Ê Đê, nghĩa là "bản hoặc làng của Ama Thuật", nó xuất phát từ tên gọi buôn của A ma Thuật - tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, có con tên là Thuật, để rồi từ đây hình thành nên các buôn làng xung quanh, phát triển thành thành phố Buôn Ma Thuột ngày hôm nay.
Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc (theo tiếng M'Nông: Đăk = nước; Lăk = hồ) là một tỉnh nằm ở trung tâm Tây Nguyên, phía Bắc giáp Gia Lai, phía Nam giáp Lâm Đồng, phía Tây Nam giáp Đăk Nông, phía Đông giáp Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài 70 km.
Tỉnh lỵ của Đắk Lắk là thành phố Buôn Ma Thuột, cách Hà Nội 1.410 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km.
Hội Nhà báo Đắk Lắk, thu xếp cho chúng tôi đi tham quan Bản Đôn. Chúng tôi chụp rất nhiều ảnh dưới gốc cây Kơnia, trên những chiếc cầu treo đung đưa và cả cạnh những chú Voi Tây nguyên đồ sộ. Cả đoàn háo hức muốn cỡi Voi thì đã đến giờ quay về ăn cơm trưa. Tôi cứ tiếc mãi vì chưa được khám phá nhiều hơn. May có chị Kim Loan, Phó Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, có bạn là Giám đốc Vườn Quốc gia Yooc Đôn, đã rủ chúng tôi vào thăm bạn. Trưa đó, chúng tôi được ăn cơm với mắm chấm với anh chị em ở Vườn. Thú vị là cô gái người dân tộc Ê Đê, tên Hơ Riêu đã hát tặng chúng tôi nhiều bài hát rất hay với chất giọng ngọt, vang, mạnh mẽ của Tây Nguyên. Đi thăm Vườn, chúng tôi hiểu thế nào là rừng thưa, là rừng khộp. Thăm anh em ở các đội kiểm lâm mới biết bảo vệ Vườn rừng thật gian lao. Quản lí hơn 113.000 ha vườn, trước có tới 40 đội kiểm lâm, nay chỉ còn 12 trạm, trong đó có 2 đội cơ động.  Trò chuyện cùng anh em kiểm lâm, được biết ở đây anh em chủ yếu dùng thực phẩm khô. Tôi thắc mắc sao không nuôi gà, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn. Mọi người cười ồ, nhìn vẻ ngơ ngác của tôi, Phan Thanh Hoà, trưởng trạm, quê Quảng bình giải thích: Không được chị ơi, vì nuôi gà, lợn sẽ dễ gây dịch bệnh cho động vật của rừng. Ôi! thế mới biết mình đúng là người ngoại đạo.
Đi sâu vào vườn, ngắm nhìn những cây cổ thụ có gốc mấy người vòng tay ôm không xuể, những thác nước trắng xoá vỗ nước vào vườn, mới cảm thụ được phần nào sự hùng vĩ, hoang dã của núi rừng Tây Nguyên Điều đặc biệt là môi trường này đã tạo nên trường ca Đam San, Xinh Nhã dài hàng nghìn câu truyền miệng từ bao đời nay, làm ra con chữ riêng cho người Ê Đê, người M'Nông; làm nên đàn đá, đàn T'rưng, đàn K'lông pút độc đáo và làm nên biệt tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của người Buôn Đôn đứng đầu Đông Nam Á. Vua voi (N'Thu K'nul, trong 110 năm của đời mình đã săn bắt và thuần dưỡng được hơn 170 con voi rừng, trong đó có con Bạch Tượng tặng vua Xiêm và R'Leo K'Nul người kế tục cũng bắt được hơn 100 con voi có 1 con Bạch tượng tặng vua Bảo Đại.
Đắk Lắk là một trong những cái nôi nuôi dưỡng Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
Đáng chú ý khi đến thăm Đắk Lắk là những ngôi nhà dài truyền thống theo huyền thoại có thể "dài như tiếng chiêng ngân" hoặc các bến nước của các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng đất này và ấn tượng với du khách bằng những sản phẩm gia dụng như bàn, ghế và cả thuyền độc mộc đẻo từ những cây rừng lớn nguyên vẹn... Đắk Lắk có Lễ hội đua voi, Lễ hội Cồng chiêng và Lễ hội cà phê đã được nhà nước công nhận và tổ chức đều đặn hàng năm như một giá trị truyền thống.


Đoàn Hội Nhà báo Thái Nguyên và Bắc Giang tại Bản Đôn, Đắc Lắc


  Ở Đắk Lắk có mạng lưới sông suối rất dầy với một số sông chính như sông Krông H’Năng, sông Ea H'leo, sông Đồng Nai, sông SeRePốk; nhưng lớn nhất là dòng sông Serepôk dài 322 km bắt nguồn từ hai nhánh nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô. Dòng sông Serepôk có nhiều thác ghềnh hùng vĩ và hoang sơ là những điểm du lịch hấp dẫn như thác Trinh Nữ, Thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... Ở Đăk Lăk có một số hồ lớn tự nhiên lớn như Hồ Ea RBin-Nam Kar, Hồ Lắk; một số hồ lớn nhân tạo như Hồ Buôn Triết, Hồ Buôn Tría, Hồ EaKao, Hồ Ea Súp thượng... Tuy là một tỉnh cao nguyên nhưng ở đây có đến trên 500 hồ nước tự nhiên và nhân tạo lớn nhỏ với 47.000 ha mặt nước, một tiềm năng không nhỏ về phát triển chăn nuôi thủy sản. Hiện tại Đăk Lăk đang giữ kỉ lục Việt Nam về tỉnh có nhiều hồ nhất.
 Đến Đắck Lắk vào cuối năm, nhìn những vườn cà phê ngút ngàn, trĩu đỏ quả chín mọng khiến lòng ai cũng xao xuyến.Ở đây, quán bán cà phê rất nhiều. Tôi được các bạn giới thiệu: Hãy thưởng thức hương vị cà phê Ban Mê tại các địa chỉ có phong cách Tây nguyên như Làng cà phê Trung Nguyên, Cà phê Pơ lang, Cà phê Thung lũng hồng, Cà phê Chuông đá, Quán Văn...  Quà cho bạn phương xa của Hội Nhà báo Đắk Lắk cũng là cà phê. 
Trò chuyện với nhiều người ở đây, tôi được biết: Tuy cây cà phê không phải là cây nguyên sản, có xuất xứ ở Đắk Lắk nhưng do đã được du nhập vào trồng tại đây từ rất sớm và mảnh đất này đặc biệt phù hợp với việc canh tác cà phê. Cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk luôn được đánh giá là có chất lượng cao, có hương vị đặc trưng; do đó thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột đã được thế giới biết đến; địa danh Buôn Ma Thuột cũng được nhiều người ví như một "thủ phủ cà phê" của Việt Nam do ở đây cây cà phê chiếm giữ một vị trí độc tôn, không loại cây trồng nào sánh được. Cây cà phê đã góp phần đưa Buôn Ma Thuột từ vị trí một thị xã tỉnh lẻ cao nguyên trở thành một thành phố sầm uất. Ở Đắk Lắk, một số vấn đề liên quan đến cà phê đã trở bản sắc văn hóa, như việc mời đi uống cà phê đã là một nét văn hoá rất đặc trưng của vùng này.
Ngoài ra, thân và gốc cây cà phê già trên 30 năm, có thể được xử lý chế biến và chế tạo với các dụng cụ thủ công, để chế tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như bàn ghế từ gốc cà phê, tượng mỹ thuật từ tua rễ, cây thế, các độc bình u, tường rào, gạt tàn thuốc, lọ cắm hoa, khay bàn... Ngoài ra, các thợ thủ công ở Đắk Lắk còn làm ra các tranh mỹ nghệ có tính mỹ thuật cao với hương thơm đặt biệt từ hạt cà phê.
 Chia tay vùng đất cao nguyên đầy nắng, đầy gió, chúng tôi mãi giữ trong lòng hình ảnh một Tây Nguyên ấm áp, trong trẻo trần đầy sức sống của một mầu xanh ngút ngàn./. 
 

Tác giả bài viết: Giang Thị Kim Quy

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập127
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm124
  • Hôm nay11,804
  • Tháng hiện tại415,896
  • Tổng lượt truy cập26,698,308

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:53

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:355 | lượt tải:130

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:367 | lượt tải:140

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:831 | lượt tải:191

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:860 | lượt tải:262

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây