TRUYỀN THỐNG VẺ VANG 70 NĂM HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM

Thứ tư - 15/04/2020 09:03   Đã xem: 1318   Phản hồi: 0

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2020), Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên trân trọng giới thiệu về lịch sử ra đời và truyền thống vẻ vang của Hội Nhà báo Việt Nam qua 10 kỳ Đại hội.

Di tích nơi ra đời Hội Nhà báo Việt Nam nay là nơi về nguồn cội của báo chí cả nước
SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM
Vào đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của Thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936-1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Ông Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27/12/1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.

Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì chiến tranh xảy đến bởi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành. Việt Bắc trở thành một cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.
Ngày 04/4/1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.
Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21/4/1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm M­­ặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 02/6/1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.
Tháng 7/1950, đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ.
Ngày 16-17/4/1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu ra Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Ngày 07-08/9/1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.
htk khanh thanh bia 1
Khánh thành bia di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xóm Bờ Rạ, huyện Đại Từ, Tỉnh Thái Nguyên.

KHAI GIẢNG LỚP HỌC ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG DẠY LÀM BÁO HUỲNH THÚC KHÁNG
Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ban giám đốc trường được chỉ định thành lập gồm 5 người, trong đó ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh làm Giám đốc, ông Xuân Thủy làm Phó Giám đốc.
Sáng 04/4/1949, tại xóm Bờ Rạ (nay thuộc xã Tân Thái), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra một sự kiện quan trọng: Lễ khai giảng khóa học đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn. Học viên không đông, gồm 42 (có tài liệu 43) người, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy, là những đồng chí lãnh đạo giầu kinh nghiệm chính trị, phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ có tên tuổi: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu, Nguyễn Thành Lê, Quang Đạm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nam Cao, Thế Lữ, Nguyễn Tuân …
Ba tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Lý thuyết có các bài như: Báo chí là gì? Điều kiện người viết báo. Chuyên môn có: phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách loan tin, viết tin, cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, phát hành, in báo. Thực hành là đi thực tế, viết bài và ra báo ở từng tổ. Các giảng viên đến lớp triển khai bài giảng theo từng chuyên đề: xã luận (Trường Chinh), viết tin chiến sự trên báo chí như thế nào (Võ Nguyên Giáp), lên trang (Trần Đình Thọ) v.v...
Trong cuốn sổ ghi cảm tưởng về lớp học, tại trang bút tích đề ngày 22/6/1949, Tổng Bí thư Trường Chinh viết: “Khóa thứ nhất Trường Huỳnh Thúc Kháng này là một thí nghiệm hay. Tôi tin rằng sau khi rút tỉa kinh nghiệm của khóa này, Tổng bộ Việt Minh sẽ thành công hơn trong việc đào tạo cán bộ chiến đấu với quân thù bằng ngòi bút và hướng dẫn dư luận quốc dân”.
Đặc biệt quan tâm đến Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần gửi thư cho các học viên. Tại bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu Quốc số 1264 ra ngày 09/6/1949, Người biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4-  Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”.
Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay.
Từ mái trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu Quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)…
Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sỹ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay có hơn 900 cơ quan báo chí và 50 nghìn người làm báo. Nhân dịp sự kiện tròn 70 năm của Trường, Bảo tàng Báo chí Việt Nam Hội Nhà báo Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên để triển khai việc sưu tầm, hoàn thiện và lập hồ sơ xin công nhận di tích địa chỉ đỏ này. Với các tư liệu, hiện vật, thông qua lời kể trực tiếp của các nhân chứng, được sự giúp đỡ và hợp tác của cán bộ và nhân dân xã Tân Thái - huyện Đại Từ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên, đã định vị lô đất đồi rừng số 32 tờ bản đồ 47, vị trí 21 độ 35 phút 20 giây Vĩ Bắc; 105 độ 41 phút 42 giây Kinh Đông làm nơi đặt Bia Di tích Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng năm xưa.

Ngày 04/4/2019, tại xã Tân Thái - huyện Đại Từ - tỉnh Thái Nguyên, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng - nơi giảng dạy lớp báo chí đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam và đón nhận Bằng công nhận Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Từ đây, Di tích quốc gia - nơi tổ chức Trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tng thể Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM QUA 10 KỲ ĐẠI HỘI
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ I
Ngày 21/4/1950 đã trở thành mốc thời gian lịch sử của giới báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị-xã hội và nghề nghiệp của mình. Tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hoá, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Ðại hội đã thông qua Ðiều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội do ông Xuân Thuỷ làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.
Ngày 02/6/1950, Bộ Nội vụ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra Nghị định số 232-NV/H chính thức công nhận sự hợp pháp của Hội Những người viết báo Việt Nam. Tháng 9/1950, Hội Những người viết báo Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Số lượng nhà báo gia nhập Hội ngày càng tăng. Đến cuối năm 1950, Hội Những người viết báo Việt Nam có 300 hội viên.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ II
Ðại hội lần thứ II Hội những người viết báo Việt Nam họp trong 2 ngày 16 và 17/4/1959 tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và phát biểu.
Ðại hội đã nhất trí đổi tên hội thành Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN), thông qua điều lệ mới, bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thuỷ làm Chủ tịch; các ông Hoàng Tùng, Huỳnh Văn Tiểng và Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch; ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng thư ký.
Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11/11/1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ III
Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp từ ngày 07 đến 08/9/1962 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với các đại biểu với chủ đề: “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”.
Tại Đại hội, ông Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch. Các ông Huỳnh Văn Tiểng, Phùng Bảo Thạch làm Phó chủ tịch. Ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.
 Nhiệm kỳ Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam chứng kiến sự kiện lịch sử: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 07/7/1976 Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch; Các ông Tân Ðức và Huỳnh Văn Tiểng làm Phó Chủ tịch, ông Lưu Quý Kỳ làm Tổng Thư ký.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ IV
Từ ngày 8-10/12/1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và 6 Phó Chủ tịch: Hồng Chương, Hồng Hà, Trần Lâm, Trần Công Mân, Thanh Nho, Ðào Tùng. Đại hội bầu Ban Thư ký do ông Ðào Tùng làm Tổng Thư ký. Từ tháng 1/1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội. Một sự kiện đáng chú ý của nhiệm kỳ này là tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định lấy ngày 21/6/ 1925, ngày ra số đầu của báo Thanh Niên do Bác Hồ sáng lập làm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam.
 * ĐẠI HỘI LẦN THỨ V
Từ ngày 16-18/10/1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi. Theo Điều lệ mới sửa đổi, Ban Chấp hành Hội không có chức danh Chủ tịch mà chỉ có chức danh Tổng thư ký. Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký; các ông: Trần Công Mân, Hồ Xuân Sơn làm Phó Tổng Thư ký. Cũng trong nhiệm kỳ này, ngày 28/12/1989, kỳ họp thứ 6 QH khóa VIII quyết định thông qua Luật báo chí.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ VI
Từ ngày 08-09/3/1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 Uỷ viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và ông Nguyễn Long Khởi làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam (Điều lệ mới của Hội khôi phục lại chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch). Điểm nhấn lớn nhất tại Đại hội này là thông qua bản Quy ước về tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp của báo chí Việt Nam. Cũng trong nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn báo chí ASEAN (CAJ).
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ VII
Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24- 25/3/2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, ông Ðinh Phong làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950- 21/4/2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tại Lễ Kỷ niệm 75 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2000), giới báo chí Việt Nam và Hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Ðảng trao bức trướng với dòng chữ vàng “Báo chí Cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ VIII
Ðại hội lần thứ VIII Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 11-13/8/2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu ra Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 uỷ viên. Ông Ðinh Thế Huynh, được bầu làm Chủ tịch; ông Lê Quốc Trung, làm Phó Chủ tịch Thường trực; ông Phạm Quốc Toàn, làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Ðại hội đã quyết nghị thay “Quy ước về đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” bằng “Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, sửa đổi Ðiều lệ và Chương trình Hành động đến năm 2010. Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ IX
Ðại hội lần thứ IX Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra từ ngày 10-12/8/2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, tháng 1/2011, ông Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Do yêu cầu công tác, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015) ngày 27/3/2012, đã nhất trí để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch và bầu ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân tiếp quản chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ông Hà Minh Huệ là Phó chủ tịch Thường trực. Các ông Mã Diệu Cương, Trần Gia Thái làm Phó chủ tịch, ông Phạm Quốc Toàn làm Phó chủ tịch phụ trách phía Nam.
* ĐẠI HỘI LẦN THỨ X
Từ 07-09/8/2015 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Nhà báo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội. Đại hội có sự tham gia của 502 đại biểu, đại diện cho hơn 22.000 hội viên - nhà báo thuộc 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 19 Liên chi hội và gần 200 Chi hội trực thuộc.
  Phát biểu tại Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, dành cho báo chí sự quan tâm sâu sắc, ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho báo chí phát triển. Báo chí cách mạng đã thực sự xứng đáng là vũ khí tinh thần, vũ khí chính trị sắc bén của Đảng trên mặt trận tư tưởng – văn hóa, trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, sự đoàn kết, trí tuệ, nhất trí cao, Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm  57 đồng chí. ÔngThuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Hồ Quang Lợi giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, ông Mai Đức Lộc làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Bé làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam.
Thu Quỳnh

Tác giả bài viết: Thu Quỳnh

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập842
  • Hôm nay10,294
  • Tháng hiện tại90,644
  • Tổng lượt truy cập26,373,056

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:95 | lượt tải:43

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:321 | lượt tải:123

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:327 | lượt tải:133

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:798 | lượt tải:185

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:821 | lượt tải:256

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây