Phát huy nhãn hiệu tập thể Chè Thái Nguyên

Thứ hai - 12/08/2024 08:53   Đã xem: 209   Phản hồi: 0

Tỉnh Thái Nguyên hiện có vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô lớn, gần 22.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 267,5 nghìn tấn/năm, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã xác lập được quyền sở hữu trí tuệ đối với 12 sản phẩm chè bao gồm 1 chỉ dẫn địa lý, 9 nhãn hiệu tập thể (NHTT) và 2 nhãn hiệu chứng nhận.

Chè HTX Hảo Đạt
Khách hàng chọn lựa sản phẩm tại HTX chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP Thái Nguyên

Bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Chè tỉnh cho biết:
Tỉnh Thái Nguyên đã chú trọng đến công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chè. Cùng với NHTT “Chè Thái Nguyên”  và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, các sản phẩm chè ở các vùng chè đặc sản, các địa phương  như:  “Chè La Bằng”, “Chè Đại từ”, “Chè Trại Cài”, “Chè Vô Tranh”, “Chè Tức Tranh” , “Chè Phổ Yên” , chè “PD Phú Đạt GREEN TEA”, chè “Thanh Tình” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ NHTT; “Chè Phú Lương”, “Chè Võ Nhai” đã  được cấp nhãn hiệu chứng nhận.  NHTT “Chè Thái Nguyên” đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam và được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tạo ra rất nhiều cơ hội để sản phẩm chè Thái Nguyên phát triển cả về giá trị, chất lượng, uy tín thương hiệu và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Hội viên của Hội Chè hiện có 129 đơn vị là các Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Câu lạc bộ và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh, là nguồn lực chủ đạo tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ và phát triển thương hiệu sản phẩm chè Thái Nguyên. 
Các đơn vị hội viên đã nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của NHTT, đăng ký sử dụng NHTT Chè Thái Nguyên và tuân thủ các quy định, quy chế sử dụng và phát triển NHTT. Nhiều đơn vị thành viên của Hội đã và đang tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất để phát triển giá trị của NHTT “chè Thái Nguyên”. Nhiều đơn vị đã  ứng dụng thành công  tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, chế biến, bảo quản, đóng gói, thiết kế mẫu mã bao bì, logo, tem hàng hóa, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra nhiều loại sản phẩm chè đa dạng mang thương hiệu, NHTT chè Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, hữu cơ, chuẩn  OCOP từ 3 -5 sao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. 
Nhiều đơn vị Hội viên đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang sản xuất chè có kiểm soát theo các quy trình canh tác an toàn, hữu cơ;  đến nay có 13 đơn vị là các HTX, tổ hợp tác  đã thực hiện quy trình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam (TCVN 11041-6:2018) trên diện tích 92,11 ha, trong đó có 59.11 ha của 6 đơn vị đã được chứng nhận với sản lượng đạt 772 tấn chè búp tươi /năm.  Có nhiều đơn vị đã đầu tư đồng bộ cơ sở sản xuất, chế biến chè hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm và thực hiện đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường  và thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Có 7 đơn vị hội viên đã thực hiện liên kết với công ty CP Biofarm Việt Nam để tạo vùng sản xuất chè chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường.  100% đơn vị hội viên đã thực hiện chuyển đổi số trong quản lý khâu tiêu thụ sản phẩm, nhiều đơn vị đã thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quản lý sản xuất từ khâu canh tác, chế biến và kinh doanh trên nền tảng số.
Có thể nói, hiện nay các đơn vị hội viên, người sản xuất chè của tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến việc đăng ký sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên”, nhận thức được việc sử dụng NHTT Chè Thái Nguyên là tạo động lực cho phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người sản xuất đồng thời giữ được thương hiệu và phát huy được giá trị sản phẩm chè của địa phương, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao được uy tín và danh tiếng của Chè Thái Nguyên.
Về những khó khăn trong quản lý và phát triển NHTT Chè Thái Nguyên, bà Ngà đánh giá:
- Vẫn còn nhiều cơ sở, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng về việc bảo hộ quyền SHTT sản phẩm chè,  sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên” như là một lợi thế tích cực trong việc mở rộng đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường  nên chưa thực hiện đầy đủ các quy định, gây ra nhiều khó khăn trong quản lý chất lượng và quá trình kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể của sản phẩm chè OCOP chỉ đăng ký quyền sử dụng NHTT Chè Thái Nguyên khi làm các thủ tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong thực tế vẫn còn hiện tượng lưu hành sản phẩm chè mượn danh chè Thái Nguyên để đưa ra thị trường; vẫn còn nhiều  sản phẩm chè Thái Nguyên trên thị trường không thực hiện đúng các quy định về ghi nhãn mác hàng hóa làm ảnh hưởng lớn đến uy tín và giá trị sản phẩm chè Thái Nguyên. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chè mang tên và logo Chè Thái Nguyên mặc dù số lượng tổ chức, cá nhân đăng ký quyền sử dụng NHTT Chè Thái Nguyên còn hạn chế.
Đáng lưu ý là tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè hiện nay có 38 doanh nghiệp, 161 HTX, 259 làng nghề và hàng trăm tổ hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè với trên 91 ngàn hộ nông dân trồng chè, song chỉ có khoảng gần 54%  hộ nông dân đã tham gia HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, làng nghề còn lại trên 46% số hộ là tự sản xuất, tiêu thụ qua nhiều kênh khác nhau. Nhưng theo số liệu của Hội Nông dân tỉnh, đến nay toàn tỉnh mới có 195 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng NHTT “Chè Thái Nguyên”  thấp hơn rất nhiều so với thực tế.
Công tác quản lý NHTT Chè Thái Nguyên chưa được chặt chẽ, chưa có quy định thống nhất về in ấn và nhận diện sản phẩm chè trên bao bì do vậy việc tự in logo Chè Thái Nguyên trên bao bì mà không cần cấp quyền sử dụng đang rất phổ biến. Trên thị trường cả trong và ngoài tỉnh, việc rao bán các bao bì có gắn, in sẵn logo, NHTT chè Thái nguyên đã tạo điều kiện cho việc làm giả sản phẩm Chè Thái Nguyên một cách dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng mà chưa có biện pháp xử lý triệt để…
Để quản lý và phát triển NHTT “Chè Thái Nguyên” có hiệu quả thì cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và sát với thực tế với sự tham gia của các cấp, các ngành và chính người sử dụng NHTT  “Chè Thái Nguyên”.  

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay4,744
  • Tháng hiện tại572,848
  • Tổng lượt truy cập27,432,472

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:191 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:416 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:50 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây