Tính tài liệu đâu chỉ có ở ảnh báo chí

Thứ sáu - 27/09/2013 22:07   Đã xem: 856   Phản hồi: 0

Trên biểu trưng của Tổ chức FIAP, sáng lập năm 1947, chép ba thuật ngữ: Scientia (Khoa học), Art (Nghệ thuật), Lumen (Ánh sáng). Khoa học được hiểu là “hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ánh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như của hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực” (Từ điển tiếng Việt). Nghệ thuật: Hình thái ý thức xã hội đặc biệt, dùng hình tượng sinh động, cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền đạt tư tưởng, tình cảm. Ánh sáng: dạng vật chất do vật phát ra hoặc phản chiếu trên vật, nhờ nó mắt có thể cảm thụ mà nhìn thấy vật ấy.

Trong nhiếp ảnh, “Khoa học” là dùng một bộ máy với công nghệ thu hình rồi hiện hình thế giới một cách trung thực bằng hình tượng sinh động … nhờ ánh sáng. Năm 1839, Viện Hàn lâm Khoa học Pháp công bố phát minh hoạt động chụp ảnh, lập tức được xã hội đón nhận, thực hành và phát triển. Dần dần tinh xảo hơn, mở rộng ứng dụng, hình thành quan điểm, phân chia thể loại.v.v…

 

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, một số nhà khoa bảng nghệ thuật học kiêm triết học, mỹ học: Berthol Beiler (CHDC Đức), Xecgây Môrôzôp, Kagan, Đưkô (Liên Xô) riêng từng người sơ thảo học thuyết nhiếp ảnh. Kagan định tính nhiếp ảnh: Tài liệu, Khoa học, Nghệ thuật. “Tài liệu” giúp con người phát hiện, khám phá hiện thực, nhắm tới giá trị của mình trong xã hội. Vì vậy, cũng là thuộc tính của sáng tạo.

 

1. Nhiều người chúng ta hiểu chưa đúng về tính tài liệu. Bất cứ sự vật nào cũng bộc lộ “tài liệu” riêng của mình. Trong thiên nhiên: gốc cây gạo với những u nần bên Bờ Hồ, ta lấy điểm tựa cho Tháp Rùa; vòm hang Bồ Nâu vịnh Hạ Long một vẻ khác lạ với vòm động. Hoặc Tràm Chim thì sếu đầu đỏ nó như thế nào?  “Tài liệu xã hội” buộc NAG phải dấn thân vào hiện thực xã hội thời chiến tranh. Ngày nay lùng sục khắp nơi cùng chốn cõi nhân gian để trải nghiệm, điều tra, nghiên cứu, đánh giá, cuối cùng chọn phương pháp thể hiện. Đối tượng là đời sống, những thế thái nhân tình (ái ố hỉ nộ, sinh lão bệnh tử), các thân phận cá thể hoặc tập thể nhân quần, việc làm ăn hướng thiện, tự khẳng định và đổi đời.

 

Tính tài liệu hiện thực có nhiều tầng nấc: Thời sự tác động quốc kế dân sinh (diễn đàn của ảnh báo chí), những di sản từ quá khứ đang mất dần đi (đối tượng của ảnh báo chí và ảnh sáng tác), những sinh hoạt tập tục, lễ hội, tập quán đậm sắc dân tộc (đối tượng của tất cả các thể loại ảnh, kể cả ảnh báo chí), v.v…

 

Số đông chúng ta có sự nhầm lẫn – cho đến tận ngày nay – rằng, hễ ảnh chụp được của “người nhà báo” thì cho rằng đấy là “ảnh báo chí”. Hoặc giả, hễ ảnh chụp tài liệu xã hội thì nhắm mắt gọi chung là “ảnh báo chí”. Thời chiến, đi chụp chiến sự không lăn xả thì không chụp được trận đánh. Nhưng mà đi đến nơi để chụp được ảnh rồi trở về cơ quan phải mất hàng tuần, hàng tháng. Đã hiếm hoi báo chí, lại không có chế bản in ảnh lên báo, chỉ có thể tuyển chọn in phóng ảnh triển lãm cho nhân dân xem một cách hạn chế. Ví dụ: Trận Phố Ràng (Nguyễn Tiến Lợi) chụp năm 1949 đến năm 1960 dự thí được giải Grand Prix, thiên hạ mới biết mặt ảnh. Hoặc như Ca giải phẫu tiền phương (Võ An Khánh) chụp năm 1972 đến năm 2002, giới nhiếp ảnh nước Mỹ phát hiện giới thiệu lên công luận thì mọi người mới được xem. Vậy mà các “nhà lý luận” bình luận là “ảnh báo chí” (!?).

 

Phải coi những tác phẩm như vậy là đỉnh cao nghệ thuật nhiếp ảnh phản ánh hiện thực xã hội.. Thực tế, trong đời mỗi NAG có thể chụp tới hằng chục nghìn ảnh phẩm, thì số ảnh được đưa lên mặt ấn phẩm, chỉ khiêm tốn một phần trăm ?!.

 

Ảnh tài liệu nói chung, kể cả ảnh thời sự đã in lên báo, thì khi tính thời sự qua đi, còn nguyên giá trị (tài liệu lịch sử) về sự kiện, con người và bối cảnh xã hội của quá khứ. Vì vậy, tập hợp ảnh thời chiến mang tính sử thi mới thành một bộ sử nhìn thấy được của dân tộc. Ở đấy, lưu giữ sự tàn khốc của chiến tranh, tội ác của kẻ xâm lược cùng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng của nhân dân ta.
 

2. Giới nhiếp ảnh ngày nay cần trân trọng tính tài liệu. FIAP chủ xướng ba thuật ngữ thuộc bản chất nghệ thuật nhiếp ảnh (nhưng FIAP chưa hẳn đã thực thi như vậy). Từ thủa bình minh, nhiếp ảnh đã khẳng định bản chất Ghi thực, Chụp thực, đạt tới hàng triệu chân dung cho loài người, điều mà hội họa chỉ thực hiện nhỏ nhoi cho tầng lớp trên: tính dân chủ của nhiếp ảnh trong thời cực thịnh của chủ nghĩa tư bản!

 

Phiên bản những di sản văn hóa trí tuệ của nhân loại, những thắng cảnh khắp năm châu bốn biển được phổ cập bằng ảnh. Ngay chân dung các nhà trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng cùng những họa phẩm danh tiếng cũng đã phổ cập bằng ảnh. Mà rất thực! Nếu không có cái tài liệu thực đó thì hoạt động nhiếp ảnh đã không thể tồn tại.

 

Hơn một lần, các trào lưu nhiếp ảnh chủ trương “đẹp như tranh vẽ”, “trường phái chủ quan”, “trường phái siêu thực”, khiến xa rời cái thực bản chất của nhiếp ảnh, cho nên rùm beng một thời rồi nhanh chóng tàn lụi. Tuy nhiên, trong thâm tâm những “NAG biến tấu ấy” vẫn muốn lưu giữ một giá trị tài liệu nào đấy.

 

Nhiếp ảnh tài liệu xã hội kết duyên bền vững với báo chí hơn trăm năm qua, thành một lợi thế văn hóa báo chí và một món ăn giàu tri thức của loài người. “Trăm nghe không bằng một thấy”, “Có ảnh mới tin”, “Một tấm ảnh bằng vạn lời nói” … đã ăn sâu vào trí não loài người. Nhưng tính tài liệu, như đã nói, không chỉ riêng ảnh báo chí cần chụp.

 

Ngày hôm nay – thời bình và phát triển đời sống – thì ai chụp ảnh tài liệu, tài liệu xã hội? Xin thưa, tất cả những người có máy ảnh, không riêng gì nhà báo, kể cả với cái máy điện thoại đời mới; nghệ nhân và những người chụp ảnh nghiệp dư, tài tử. Bất cứ ai cũng có thể chụp chân dung cùng việc làm từ người trong nhà ra xã hội. Tuổi trẻ chụp khi đi picnic, đi khám phá đất nước; những người đi du lịch... Thế là nhiếp ảnh đã xã hội hóa cao, y như thời Bình dân học vụ giúp mọi người đọc thông viết thạo. Điều thích thú của tất cả những người đi chụp ấy là kỷ niệm tài liệu một cách sáng tạo.

 

Trong tình hình xã hội hóa nhiếp ảnh cao, thì nổi lên vấn đề: Các NAG chuyên nghiệp, các phóng viên và nghệ sĩ đích thực chụp như thế nào đây là một vấn đề lớn phải được nghiên cứu. Các “Nhà lý luận của Hội” lâu nay ở đâu? xin hãy lên tiếng.

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập109
  • Hôm nay14,576
  • Tháng hiện tại595,240
  • Tổng lượt truy cập28,244,985

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây