Chú trọng công tác phòng ngừa và chấn chỉnh những sai phạm của người làm báo trong việc tham gia mạng xã hội
Thứ năm - 17/10/2024 15:04
Đã xem: 233
Phản hồi: 0
Hiện nay, trong bối cảnh mạng xã hội (MXH) trở thành một phần không thể thiếu của đời sống, việc các nhà báo tham gia MXH không chỉ nhằm mục đích tiếp cận thông tin nhanh chóng mà còn tương tác với công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích, sự phát triển của MXH cũng đặt ra nhiều thách thức đối với đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của người làm báo.Để đảm bảo không xảy ra sai phạm, cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí cũng như từ mỗi cá nhân hội viên Hội Nhà báo. Vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đến Hội Nhà báo, và từng cơ quan báo chí trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Hội viên Liên Chi hội Đài PT-TH tỉnh tác nghiệp livestream trực tiếp trên mạng xã hội.
Những năm gần đây, đã có những nhà báo, hội viên bị cơ quan chức năng xử lý vì các sai phạm khi sử dụng MXH, từ việc đưa tin sai sự thật đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tại một số cơ quan báo chí, đã có trường hợp phóng viên bị xử lý vì chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan báo chí và tổ chức Hội.
Tình trạng có sai phạm này diễn ra không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với báo chí.
Hội viên Hội Nhà báo là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật khi tham gia MXH. Trong quá trình sử dụng MXH, từng hội viên cần ý thức rõ rằng họ đại diện không chỉ cho cá nhân mà còn cho cơ quan báo chí và Hội Nhà báo. Do đó, các hành vi chia sẻ thông tin sai lệch, phát ngôn thiếu trách nhiệm đều có thể gây ra những hậu quả lớn.
Tại Thái Nguyên, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ những nguời làm báo và hội viên trong việc tham gia MXH. Các nội dung chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp và quy định sử dụng MXH, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải đã được phổ biến đến nhà báo và hội viên. Nhờ đó, đội ngũ những người làm báo cơ bản đã nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình và tránh được các sai phạm không đáng có.
Trong chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nhà báo có trách nhiệm giám sát hội viên; kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm đạo đức nghề nghiệp trên MXH. Do vậy rất cần thiết lập một quy chế giám sát nội bộ; yêu cầu các hội viên thường xuyên thông tin về hoạt động của mình trên các nền tảng MXH để đảm bảo không xảy ra sai phạm.
Trong lĩnh vực này, mỗi cơ quan báo chí cũng cần nêu cao trách nhiệm quản lý và giám sát hoạt động của đội ngũ phóng viên khi tham gia MXH. Đây là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tình trạng sai phạm. Các cơ quan báo chí cần xây dựng quy tắc ứng xử rõ ràng cho phóng viên khi tham gia MXH, đặc biệt là trong việc kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải và không để quan điểm cá nhân lấn át sự trung lập nghề nghiệp.
Nhiều cơ quan báo chí đã ban hành quy chế cụ thể yêu cầu phóng viên phải tuân thủ các nguyên tắc khi sử dụng MXH, trong đó quy định rõ các hình thức xử lý khi có sai phạm, từ việc cảnh cáo đến kỷ luật, thậm chí có thể đình chỉ công tác. Việc áp dụng các quy chế này giúp nâng cao trách nhiệm của từng phóng viên và hạn chế những sai phạm đáng tiếc.
Tại Thái Nguyên, Hội Nhà Báo và các cơ quan báo chí đã ký cam kết thực hiện quy định về xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo. Báo Thái Nguyên đã yêu cầu các phóng viên, hội viên, người làm báo ký cam kết tuân thủ các quy định khi tham gia MXH. Hội Nhà báo trong giao ban công việc, sinh hoạt chi bộ … để nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, hội viên tuân thủ các quy định khi tham gia MXH để không ảnh hưởng đến tổ chức và cơ quan…
Đồng thời, các cơ quan báo chí cũng cần có bộ phận chuyên trách theo dõi hoạt động của phóng viên trên MXH. Những phóng viên có lượng người theo dõi lớn cần được giám sát chặt chẽ hơn bởi sự ảnh hưởng của họ trên MXH không chỉ đến cá nhân mà còn đến cơ quan báo chí.
Trong lĩnh vực này, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy có vai trò quan trọng trong việc định hướng, chỉ đạo công tác báo chí, trong đó bao gồm cả việc quản lý hoạt động của nhà báo trên MXH. Thông qua các chỉ đạo, Ban Tuyên giáo cần yêu cầu các cơ quan báo chí địa phương xây dựng quy chế giám sát và quản lý hoạt động của nhà báo trên các nền tảng trực tuyến. Các văn bản chỉ đạo cần đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức cụ thể để người làm báo tuân thủ khi sử dụng MXH.
Trong hoạt động báo chí tại Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra về hoạt động trên MXH. Các cuộc họp giao ban định kỳ giữa Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin Truyền thông, Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định khi sử dụng MXH, từ đó góp phần xây dựng môi trường báo chí trong sạch, lành mạnh.
Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng, nhiệm vụ quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí và truyền thông trên địa bàn. Trong đó, việc giám sát hoạt động của phóng viên, nhà báo trên MXH là một phần quan trọng trong nhiệm vụ được đặt ra. Trong thời gian qua, Sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí để phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm trên MXH; trong đó có một số trường hợp người làm báo phát ngôn, đăng tải thông tin sai lệch trên MXH.
Theo chỉ đạo từ Hội Nhà báo Việt Nam, các hội nhà báo địa phương như Hội Nhà báo Thái Nguyên, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp và nâng cao ý thức trách nhiệm của các hội viên. Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí đề ra những quy chế cụ thể về việc sử dụng MXH, yêu cầu các hội viên thường xuyên thực hiện trên các nền tảng trực tuyến.
Hội Nhà báo Thái Nguyên đã có sáng kiến trong việc giám sát và chấn chỉnh hoạt động của các hội viên. Tăng cường nâng lên về đạo đức nghề nghiệp và sử dụng MXH, trong đó yêu cầu mỗi hội viên phải cam kết tuân thủ quy định khi tham gia các nền tảng này.
Sự nở rộ của các mạng xã hội mang lại tiềm năng và thách thức trong việc quản lý. Ảnh minh họa.
Một vấn đề được quan tâm, lưu ý đó là cần thống nhất quan điểm và phát ngôn giữa việc thực hiện tác phẩm báo chí và trên mạng xã hội; cần nhấn mạnh rằng, một nhà báo, hội viên Hội Nhà báo cần phải duy trì sự nhất quán trong cả hai lĩnh vực này. Việc phát ngôn không chính xác trên MXH dù có tác phẩm báo chí chất lượng sẽ gây ra sự mâu thuẫn, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như cơ quan báo chí.
Thực tế tại Thái Nguyên và nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo viết bài chính thống khá tốt nhưng lại có những phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực trên MXH. Sự mâu thuẫn này làm giảm đi sự tin tưởng từ công chúng và làm sai lệch bản chất nghề báo.Vì vậy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông các cơ quan báo chí và tổ chức như Hội Nhà báo, đã thống nhất trong chủ trương và biện pháp cụ thể để nhắc nhở hội viên, phóng viên về tầm quan trọng của việc duy trì nhất quán trong quan điểm và phát ngôn. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ban hành quy tắc ứng xử, yêu cầu nhà báo không chỉ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp khi viết bài mà còn khi sử dụng MXH. Các cơ quan cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực.
Trong quá trình này, Hội Nhà báo cần đóng vai trò trung gian, tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên về cách thức giữ vững tính chuyên nghiệp trong cả hai môi trường, tạo điều kiện để nhà báo vừa hoàn thành tốt công việc, vừa duy trì uy tín cá nhân.Việc nâng cao trách nhiệm cá nhân của mỗi phóng viên, nhà báo là yếu tố then chốt để phòng ngừa sai phạm. Mỗi người làm báo cần nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc cung cấp thông tin cho công chúng, đồng thời luôn giữ vững đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ quy định pháp luật.
Có thể nói, công tác phòng ngừa và chấn chỉnh những sai phạm của người làm báo trên MXH là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức báo chí và từng cá nhân phóng viên, nhà báo. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo cùng các cơ quan báo chí cần đóng vai trò chủ động trong việc giáo dục, giám sát và xử lý sai phạm, nhằm bảo vệ uy tín của ngành báo chí và góp phần xây dựng xã hội thông tin lành mạnh, trung thực.Việc tham gia MXH của người làm báo là điều tất yếu trong thời đại công nghệ số, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu nghiêm ngặt về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp.Để ngăn chặn những sai phạm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức báo chí và bản thân mỗi nhà báo. Việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng quy tắc ứng xử và nâng cao ý thức cá nhân là những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo người làm báo không chỉ tham gia MXH một cách hiệu quả mà còn giữ vững uy tín và phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo./.
Nguyễn Bảo Lâm
Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên