Hồi chuông cảnh tỉnh từ Ấn Độ

Thứ hai - 26/04/2021 11:21   Đã xem: 1010   Phản hồi: 0

Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã áp đảo mọi hệ thống phòng thủ và đang nhấn chìm Ấn Độ trong những tháng ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19.

 
Người thân trong trang phục bảo hộ khóc thương bệnh nhân thiệt mạng do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 21/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN
Vinay Srivastava, nhà báo kỳ cựu 65 tuổi tại Lucknow, thủ phủ bang Uttar Pradesh miền Bắc Ấn Độ, chia sẻ trên mạng Twitter rằng nồng độ oxy trong máu ông đang giảm mạnh. Ông tag tên các cơ quan chính phủ trong một nỗ lực tuyệt vọng để cầu viện sự giúp đỡ, khi cơ thể suy sụp với những triệu chứng giống COVID-19. Người ở các bệnh viện và phòng thí nghiệm quá tải đã không nghe máy sau hàng loạt cuộc gọi từ gia đình ông. Dòng tweet cuối cùng cho thấy nồng độ oxy của ông xuống mức 52%, thấp hơn nhiều ngưỡng báo động 88%. Không ai trợ giúp. Ông qua đời một ngày sau đó mà không nhận được bất kỳ sự chăm sóc y tế nào.

Câu chuyện của ông Srivastava được lan truyền rộng rãi trên báo chí và truyền thông xã hội. Nhiều người lên tiếng bày tỏ niềm thương cảm và xót xa cho số phận bi thảm của ông. Nhưng nhìn rộng hơn, đây chỉ là một trường hợp điển hình trong thực trạng rối ren và hỗn loạn trong lòng Ấn Độ, khi làn sóng lây nhiễm thứ hai đã áp đảo mọi hệ thống phòng thủ và đang nhấn chìm nước này trong những tháng ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19. 

Từ ca khúc khải hoàn về kiểm soát dịch bệnh đến cảnh tượng hỗn loạn ở các bệnh viện cạn oxy và những thi thể chất đống tại các lò hỏa thiêu hoạt động bất kể ngày đêm, tất cả chỉ diễn ra trong hơn 2 tháng. Giờ đây, cứ chưa đến 3 người mắc COVID-19 trên toàn cầu thì có một người Ấn Độ. Thực tế nghiệt ngã này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với phần còn lại của thế giới về nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát bất cứ lúc nào và gây ra những thảm kịch khôn lường.  

Harshit, con trai ông Srivastava, cho biết anh đã chạy đôn chạy đáo nhưng không thể kiếm được bình oxy cho cha mình. Anh may mắn được một người họ hàng cho mượn chiếc bình của chính ông ấy và vội vã đi nạp oxy ngay trong đêm. Anh chia sẻ đầy đau đớn: “Nhưng tôi cũng đã phải xếp hàng dài và phải tranh giành với những người khác để cứu cha mình. Mẫu bệnh phẩm của cha tôi được đưa đi xét nghiệm ngày 17/4, nhưng chúng tôi chỉ nhận được kết quả (bằng xét nghiệm RT-PCR để xác nhận COVID-19) sau 3 ngày. Không bệnh viện nào sẵn sàng tiếp nhận cha tôi mà không có kết quả dương tính với COVID-19, mặc dù ông ấy có tất cả những triệu chứng của căn bệnh này”.

 
Người thân khóc thương bệnh nhân thiệt mạng do COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 22/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN
Đến ngày 25/4, Ấn Độ đã 4 ngày liên tiếp ghi nhận trên 300.000 ca nhiễm/ngày, ngày sau cao hơn ngày trước và số ca tử vong theo ngày do COVID-19 cũng liên tục lên mức cao mới, với 349,691 ca mắc mới và 2.767 ca tử vong ngày 25/4. Báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đang lan truyền ngày càng nhiều những hình ảnh hãi hùng về sự hoành hành của dịch bệnh và tình trạng thất thủ của hệ thống y tế quốc gia. 

Ở Surat, bang miền Tây Gujarat, một cơ sở hỏa táng đóng cửa 15 năm qua đã được mở trở lại vì thành phố này hết chỗ hỏa thiêu bệnh nhân tử vong do COVID-19. Trong khi đó, những gì đang diễn ra ở thủ đô New Delhi đã phơi bày quy mô thực sự của cuộc khủng hoảng hiện nay. Tại lò hỏa táng Nigambodh, những chiếc xe cứu thương chở thi thể bệnh nhân COVID-19 xếp hàng dài vượt tầm mắt và người dân thống thiết rằng thân nhân họ đã chết vì không bệnh viện nào có thể cung cấp oxy. Khi các lò thiêu chịu sức ép lớn, nhiều người thậm chí đã tìm đến các cơ sở hỏa táng tập thể tạm ngoài trời để thực hiện nghi lễ cuối cùng cho người thân.

Ở các thành phố trên khắp Ấn Độ, bi kịch cũng lặp lại theo cách tương tự. Các bệnh viện đang từ chối tiếp nhận bệnh nhân vì không còn giường trống, nguồn cung oxy và thuốc men cạn kiệt, máy thở không có sẵn, trong khi nhiều bệnh nhân đang dồn hết tiền của để tìm cách chữa trị. Trong tình trạng khẩn cấp quốc gia này, oxy lưu lượng cao là thứ khan hiếm nhất, bởi đây là phương pháp điều trị duy nhất giúp cứu sống bệnh nhân. Ngày 23/4, Thủ hiến New Delhi Arvind Kejriwal kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi: “Xin hãy giúp chúng tôi có được oxy, sẽ có một thảm kịch ở đây”.

Trước tình hình nguy cấp ở thủ đô, Chính phủ Ấn Độ đã huy động cả máy bay quân sự và tàu hỏa để vận chuyển oxy từ những khu vực xa xôi của đất nước tới New Delhi. Truyền hình chiếu cảnh một chiếc xe tải vận chuyển các bình oxy đến bệnh viện Batra sau khi cơ sở này phát đi lời cầu cứu khẩn cấp rằng họ chỉ còn 90 phút oxy cho 260 bệnh nhân. Một bác sĩ ở tuyến đầu đã chia sẻ những trường hợp đáng sợ về việc các bệnh nhân phải dùng chung máy thở khi nồng độ oxy của họ giảm mạnh. Một số bệnh viện khi tiếp nhận bệnh nhân thậm chí yêu cầu họ ký vào giấy cam đoan, chấp nhận rủi ro liên quan đến tính mạng do không được cung cấp đủ oxy. 

 
 Các bình oxy được chuẩn bị để sử dụng cho bệnh nhân COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ ngày 19/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc Ấn Độ nhanh chóng rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ hiện nay là kết quả trực tiếp từ tâm lý chủ quan của người dân và thiếu sự chuẩn bị của chính phủ. Khi số ca nhiễm giảm đáng kể cho đến giữa tháng 2, Chính phủ Ấn Độ và các nhà hoạch định chính sách đã sớm tuyên bố chiến thắng trước đại dịch. Đầu tháng 3, các bộ trưởng cấp cao đã nói về sự kết thúc của dịch bệnh ở Ấn Độ. 

Các trận đấu cricket với hàng chục nghìn khán giả lấp đầy các sân vận động được phép diễn ra và rạp chiếu phim hoạt động hết công suất. Chính phủ vẫn cho phép, thậm chí tạo điều kiện để các tín đồ Hindu giáo hành hương về những lễ hội tôn giáo lớn như Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Nơi đây, hàng triệu người tụ tập để trầm mình dưới sông Hằng, với niềm tin bất diệt rằng dòng nước thiêng sẽ giúp họ gột rửa mọi tội lỗi.          

Ấn Độ cũng vẫn tiến hành các cuộc bầu cử ở 5 bang theo nhiều giai đoạn trong hơn một tháng. Một trong những cuộc tranh cử quyết liệt nhất là ở Tây Bengal, nơi bầu cử diễn ra theo 8 giai đoạn từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4. Bất chấp số ca nhiễm gia tăng, hàng loạt cuộc mít tinh tại nơi công cộng vẫn được tổ chức, với sự tham gia của hàng chục nghìn người chen chúc và không đeo khẩu trang. Mặc dù không có số liệu chính xác về sự liên quan giữa vận động tranh cử và mức tăng đột biến các ca COVID-19, nhưng số ca mắc bệnh ở Tây Bengal đã tăng gấp 10 lần từ đầu tháng đến giữa tháng 4, nhanh hơn nhiều nhiều tốc độ lây nhiễm ở các thành phố đông dân như Mumbai và New Delhi.

Được truyền thông trong nước loan tải rộng rãi, các sự kiện chính trị, tôn giáo và thể thao đã gửi đi những thông điệp trái chiều về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh tại Ấn Độ. Sự nóng vội trong dân chúng để trở lại với nhịp sống bình thường đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Người Ấn Độ bắt đầu hòa mình sâu hơn trong các hoạt động xã hội và coi nhẹ mối đe dọa. Điều này cũng một phần bởi ý nghĩ chủ quan rằng việc tiếp xúc với môi trường ô nhiễm và bụi bẩn chứa nhiều vi khuẩn đã trang bị cho họ sức đề kháng tự nhiên mạnh mẽ.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Ấn Độ (khoảng 1,13%) tương đối thấp so với các nước khác, chủ yếu nhờ vào dân số trẻ, khi có tới 65% người Ấn Độ dưới 35 tuổi. Nhưng những người Ấn Độ mắc COVID-19 trong độ tuổi từ 40-70 lại có tỷ lệ tử vong cao hơn vì các bệnh lý nền phổ biến như cao huyết áp, tiểu đường và rối loạn hô hấp. Theo một nghiên cứu, các bệnh nhân COVID-19 ở độ tuổi 40 tại Ấn Độ có nguy cơ tử vong cao gấp hai lần so với bệnh nhân COVID-19 cùng nhóm tuổi ở Mỹ. Tỷ lệ này ở Ấn Độ cao hơn 75% so với Mỹ đối với các bệnh nhân trên 50 tuổi. 

Ấn Độ coi chương trình tiêm chủng vaccine như một công cụ chủ lực để chống lại đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nỗ lực này đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu nguồn cung. Đến nay, mặc dù đã mở rộng phạm vi tiêm vaccine tới những người trên 45 tuổi, mới chỉ 1,3% dân số Ấn Độ đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19. Với tốc độ hiện tại, nếu suôn sẻ, phải đến cuối năm 2022 Ấn Độ mới có thể tiêm phòng đầy đủ cho 70% dân số, mức cần thiết để đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng cũng cần lưu ý một điều rằng, các biến thể mới của virus SARS CoV-2 đang gây ra những điều khó đoán định và cả nguy cơ tái nhiễm mà dường như không thể ngăn chặn bằng vaccine. 
4
Hỏa táng thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 23/4/2021. Ảnh: Reuters/TTXVN
Có thể rút ra nhiều bài học từ kinh nghiệm xương máu tại Ấn Độ. Trước hết là đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Hiện tại, rõ ràng tiêm phòng là chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh, nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng và bảo vệ người dân trước nguy cơ dịch tái bùng phát. Nhờ nỗ lực tiêm phòng hiệu quả và thành công, Israel hiện đã có thể nới lỏng một số biện pháp hạn chế chống COVID-19.

Thứ hai là lên kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Ấn Độ bước vào năm 2021 với dự báo lạc quan rằng dịch bệnh đang bị đẩy lùi, các chỉ số kinh tế tăng lên, tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp lên cao. Nước này chưa bao giờ nghĩ rằng làn sóng thứ hai sẽ ập đến dữ dội như vậy chỉ trong vòng vài tháng. Tâm lý tự mãn đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thuốc men, vật tư y tế và giường bệnh không thể lường trước.

Thứ ba là triển khai các công cụ khoa học mới nhất để đối phó với các biến thể mới của virus, như tăng cường giải trình tự gen của các mẫu dương tính để nhanh chóng nắm bắt các biến thể mới khi virus đột biến. Dữ liệu quan trọng này sẽ cho phép chính phủ cập nhật các chiến lược chống virus dựa trên các biến thể mới.

Thứ tư là tăng cường quản trị dữ liệu. Cần có sự hợp tác hiệu quả và chặt chẽ hơn giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời kỳ đại dịch. Ấn Độ cần thành lập một trung tâm chỉ đạo ứng phó COVID-19, với sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân, để xác định, chia sẻ và sử dụng dữ liệu thời gian thực về kho dược phẩm, oxy, giường bệnh… Việc thành lập kho dữ liệu cấp bang hoặc cấp trung ương thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP), có thể giúp người dân truy cập các dữ liệu tiêu chuẩn và tìm kiếm những nguồn lực y tế cần thiết, từ đó tránh xảy ra những cảnh đau thương và ca tử vong không đáng có.

Ấn Độ đang đối mặt với một thảm kịch quốc gia nghiêm trọng. Một lệnh phong tỏa nghiêm ngặt toàn quốc không còn là lựa chọn khả thi bởi hậu quả khốc liệt của nó đối với nền kinh tế, thay vào đó là những biện pháp phong tỏa cục bộ do từng bang quyết định. Người dân nước này sẽ phải tự bảo vệ mình và Chính phủ Ấn Độ cần khẩn trương đưa ra các thông điệp nhất quán về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nếu không, New Delhi sẽ chìm sâu vào cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng.
 
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay6,278
  • Tháng hiện tại598,595
  • Tổng lượt truy cập27,458,219

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:196 | lượt tải:62

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:421 | lượt tải:143

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:420 | lượt tải:151

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:54 | lượt tải:15

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:55 | lượt tải:17

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây