Bác Hồ về thăm Khu Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: NSNA Chu Thi, 1964
Lễ công bố sắc lệnh thành lập doanh nghiệp và quyết định bổ nhiệm ông Phạm Văn Khoa làm Giám đốc đã diễn ra buổi sáng ngày 18/3/1953 tại Đồi Cọ, Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Sự ra đời của Sắc lệnh số 147/SL đã đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Trước đó, nền nghệ thuật nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng Việt Nam bắt nguồn từ các hoạt động ái hữu ở Hà Nội, Sài Gòn những năm 1937 – 1938, hoạt động mạnh mẽ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và dịp Toàn quốc kháng chiến.
Được xem như là “chiếc nôi khai sinh” của nhiếp ảnh, điện ảnh cách mạng nước nhà, 70 năm qua Thái Nguyên đã có một đời sống nhiếp ảnh và điện ảnh đa dạng, phong phú. Từ hoạt động sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực nhiếp ảnh, chiếu bóng đến hoạt động tuyên truyền quảng bá tác phẩm, phục vụ như cầu thưởng thức của nhân dân.
Hòa nhịp cùng với sự phát triển của nhiếp ảnh cả nước, nền nhiếp ảnh của Thái Nguyên đã ra đời khá sớm. Nhiếp ảnh Thái Nguyên có từ thời trước Cách mạng với những cửa hàng, cửa hiệu phục vụ nhu cầu lưu giữ hình ảnh của người dân thị xã Thái Nguyên. Trong kháng chiến chống Pháp, Thái Nguyên là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ cả nước, trong đó có các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Vũ Năng An, Hoàng Tranh, Đinh Đăng Định, Nguyễn Đăng Bảy, Tô Na, Trần Tình. Hòa bình lập lại, Khu Tự trị Việt Bắc được thành lập, các nhà nhiếp ảnh Thái Nguyên – người được cơ quan đoàn thể giao nhiệm vụ tuyên truyền phản ánh đời sống, người làm báo, người kế thừa sự nghiệp nhiếp ảnh của gia đình – đã cùng nhau dựng nên một nền nhiếp ảnh mới mang giá trị riêng có của Thái Nguyên. Đó là các nghệ sĩ lớp trước như: Chu Thi, Trần Việt Thắng, An Sơn, Trần Thông…
Thuyền buồm về Bến Tượng. Ảnh: NSNA An Sơn, 1961.
Các thế hệ cầm máy tiếp sau đó ngày càng đông đảo, có điều kiện được mở rộng lòng yêu nghề và tác nghiệp thuận lợi hơn trong điều kiện đất nước hòa bình, đổi mới và hội nhập. Từ họ và từ sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của các bậc thầy trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, cùng sự ủng hộ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Thái Nguyên dần dần trở thành một tỉnh có phong trào nhiếp ảnh mạnh trong khu vực miền núi phía Bắc, đặc biệt là nhiếp ảnh nghệ thuật. Đến nay, Chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT tỉnh có 45 hội viên, trong đó có 14 người là hội viên Hội NSNA Việt Nam. Cùng với đó, trên địa bàn còn có rất nhiều các câu lạc bộ nhiếp ảnh, các chi hội nhiếp ảnh thuộc Hội VHNT các huyện thành thị, tập hợp hàng trăm tay máy ở khắp nơi. Thái Nguyên có một CLB nhiếp ảnh Công nhân Gang thép, cũng là CLB nhiếp ảnh công nhân duy nhất của cả nước.
Trong những năm qua, đội ngũ nhiếp ảnh Thái Nguyên đã khắc phục nhiều khó khăn, hăng say học hỏi, sáng tạo, đóng góp thiết thực vào đời sống xã hội bằng hàng vạn bức ảnh trên mặt báo, trong các cuộc trưng bày, triển lãm, góp phần đáng kể vào công tác thông tin tuyên truyền, phản ánh và lưu giữ những vẻ đẹp của đời sống, những thành tựu kinh tế văn hóa xã hội của địa phương và đất nước. Nhiếp ảnh nghệ thuật Thái Nguyên đã giành được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Tiêu biểu như: Nhộn nhịp ngày mùa – Huy chương Vàng ASEAN năm 1997 của Văn Chi; Dự hội bản em – Ảnh xuất sắc quốc gia 1994 của Đồng Khắc Thọ, Nền Tổ quốc – Huy chương Vàng toàn quốc 1996 – 2000 của Đào Ngọc Long; Thung lũng Bắc Sơn – Cúp ASEAN, Khơi nguồn – Ảnh xuất sắc quốc gia, của Vũ Kim Khoa, Khép lại nỗi đau – Huy chương Vàng VAPA của Nguyễn Lê Phương… và nhiều tác phẩm khác đạt giải các cuộc thi của trung ương, khu vực, đã xây dựng nên vị thế của Thái Nguyên trong đời sống nhiếp ảnh nước nhà.
Thung lũng Bắc Sơn. Ảnh: NSNA Vũ Kim Khoa, Cúp ASEAN 2017
Về điện ảnh, hoạt động chủ yếu là chiếu bóng nhằm phục vụ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, góp phần nâng cao dân trí và định hướng thẩm mỹ cho nhân dân. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, một mạng lưới chiếu bóng được thiết lập và phát triển rộng lớn, từ trung tâm thành phố Thái Nguyên, Khu công nghiệp Gang Thép đến địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các thế hệ cán bộ ngành chiếu bóng, trải qua các thời kỳ khác nhau, tổ chức bộ máy khác nhau, từ “Quốc doanh chiếu bóng Bắc Thái”, “Công ty Điện ảnh Bắc Thái”, “Trung tâm Điện ảnh Thái Nguyên”, đến nay là “Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Thái Nguyên” vẫn trung thành tận tụy với sự nghiệp quảng bá tác phẩm điện ảnh phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Về sáng tác điện ảnh, Thái Nguyên tự hào vì đã góp cho nền điện ảnh nước nhà những tên tuổi lớn. Đó là Nghệ sỹ nhân dân, đạo diễn, diễn viên điện ảnh Trần Phương (Trần Đức Phương), Nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn, nhà quay phim tài liệu thời sự Ma Văn Cường, Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Minh Châu cùng nhiều nghệ sĩ đương đại. Những năm gần đây, từ sự phát triển của ngành truyền hình Thái Nguyên cùng những cố gắng sáng tạo của các nhà báo – nghệ sĩ, đã có một số bộ phim truyện truyền hình về đề tài lịch sử như “Dưới cờ phục quốc”, “Tể tướng Lưu Nhân Chú” được tổ chức sản xuất, ghi dấu bước tiến mới của người Thái Nguyên trong lĩnh vực điện ảnh – phát thanh truyền hình.
Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương (bên phải) làm cố vấn chuyên môn, giúp Đài PT-TH Thái Nguyên sản xuất bộ phim truyện “Dưới cờ phục quốc”, năm 2012 (Ảnh do nhà báo Phan Hữu Minh cung cấp)
Cán bộ hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên trân trọng cảm ơn các nghệ sĩ, các đồng chí, các anh chị em đã và đang hoạt động trong hai lĩnh vực nhiếp ảnh nghệ thuật và điện ảnh, đã đóng góp tài năng, tâm huyết cho nghề nghiệp để cống hiến cho quê hương, cho nhân dân những giá trị thẩm mỹ tốt đẹp, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật Thái Nguyên.
Những ngày này, các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Hòa chung không khí đó, tự hào là quê hương của nền nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng Việt Nam, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiết thực như gặp mặt các thế hệ hoạt động nhiếp ảnh và điện ảnh, tổ chức về nguồn tại ATK Định Hóa, trưng bày 70 tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu của nền nhiếp ảnh Thái Nguyên,…
Kỷ niệm 70 năm truyền thống nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng không chỉ mang ý nghĩa ôn lại truyền thống lịch sử mà còn để giới nhiếp ảnh và điện ảnh Thái Nguyên cùng nhau đoàn kết, tiếp tục cố gắng sáng tạo và quảng bá những giá trị tốt đẹp của nhiếp ảnh, điện ảnh trong đời sống xã hội.
Nền Tổ quốc. Ảnh: NS Đào Ngọc Long, Huy chương Vàng toàn quốc 1996 – 2000.
Nếu như cách đây 70 năm, thế hệ tiền bối khai sinh nhiếp ảnh và điện ảnh cách mạng Việt Nam từ Đồi Cọ, Bản Bắc đã khoác lên mình sứ mệnh “trực tiếp viết sử bằng ống kính của mình bằng tất cả trí tuệ, tình cảm… thậm chí bằng máu và nước mắt của cả người cầm máy lẫn người trong ảnh” (trích bài Nhiếp ảnh dân tộc từ Mùa thu Cách mạng, Chu Chí Thành, báo Nhân Dân điện tử), thì những người cầm máy hôm nay trên đất Thái Nguyên không thể không nghĩ về trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của mình.
Công cuộc đổi mới và hội nhập đã và đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt giới nhiếp ảnh, điện ảnh đứng trước nhiều thách thức. Thách thức lớn nhất là sự bắt kịp và đồng hành với thời đại số hóa về trình độ, về thiết bị, công nghệ, về tổ chức đội ngũ… Với các Hội địa phương, đó là vấn đề giúp đỡ hội viên và cộng đồng nhiếp ảnh, điện ảnh nâng cao chất lượng và quảng bá tác phẩm phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nâng cao uy tín của nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh.
Làm thế nào để nhiếp ảnh, điện ảnh Thái Nguyên tiếp tục phát triển hơn nữa, làm thế nào để giới sáng tạo, nhà quản lý, các doanh nghiệp và công chúng gắn kết hơn nữa để cùng nhau góp phần xây dựng đời sống nhiếp ảnh và đời sống điện ảnh Thái Nguyên lành mạnh, đa dạng, phong phú, bằng những tác phẩm thật sự nhân văn, hấp dẫn, giàu bản sắc của dân tộc song hành với những giá trị phổ quát của nhân loại.
Hy vọng từ dịp kỷ niệm nhiều ý nghĩa này, mỗi nghệ sĩ, mỗi tay máy sẽ có thêm cảm hứng và động lực để đưa nghệ thuật nhiếp ảnh, điện ảnh về gần với công chúng hơn, làm cho cuộc sống tốt đẹp và đáng sống hơn. Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng nhiếp ảnh, điện ảnh trong sự nghiệp lớn lao này.
Nguyễn Thúy Quỳnh
Chủ tịch Hội VHNT Thái Nguyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024