Rừng ATK Định Hóa phủ thơm hương quế

Thứ sáu - 09/07/2021 09:20   Đã xem: 1400   Phản hồi: 0

Không chỉ là loài cây quý được sử dụng nhiều trong y dược, công nghiệp chế biến thực phẩm, hương liệu,… đem lại thu nhập cao cho người nông dân vùng núi, cây quế còn góp phần vào bảo vệ môi trường sinh thái, làm tăng độ che phủ rừng, tạo cảnh quan đẹp. Triển khai thực hiện dự án trồng cây quế từ năm 2015, đến nay huyện Định Hoá đã khoảng 2.700ha quế. Nhiều hộ dân vùng chiến khu cuộc sống ngày càng ấm no nhờ bắt đầu có thu nhập từ loài cây quý này.

mở rộng trồng quế
Định Hóa mở rộng diện tích trồng quế, phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha trên địa bàn toàn huyện

Trước đây, tinh dầu quế luôn được coi là “thần dược” đối với sức khỏe con người, thì nay nó càng càng được phát huy giá trị trong phòng chống đại dịch. Theo kinh nghiệm dân gian, xông hương bằng tinh dầu quế giúp làm sạch không khí, phòng tránh được các loại virus gây bệnh. Một số cơ sở y tế cũng đã sản xuất nước rửa tay khử trùng từ tinh dầu quế để phục vụ phòng chống virus SARS-CoV-2.
Là chủ 8ha rừng trong đó có đến hơn 4ha quế, ông Bùi Văn Hanh, 55 tuổi, ở xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, được coi là tỷ phú rừng của huyện Định Hoá, cũng là người đầu tiên đưa cây quế về trồng từ hơn 20 năm trước. Bên ấm trà  ngát hương, ông Hanh tâm sự chuyện đời, chuyện làm ăn, chuyện bén duyên với vùng đất lành thủ đô kháng chiến năm xưa. Theo lời kể của ông Hanh, ông quê gốc ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, thời trẻ phiêu bạt khắp nơi, buôn bán hàng hoá. Vì thế ông thường vào các xóm bản để thu mua nông sản. Cảm nhận Định Hoá là vùng đất lành, con người hồn hậu chất phác, đất đai rộng rãi, nghề làm rừng có nhiều triển vọng, rất phù hợp với niềm đam mê cây cối của ông, vì thế ông đã thuyết phục gia đình chuyển từ đồng bằng lên sinh sống ở vùng rừng núi. 
Năm 1997, ông Hanh mua khoảng 4ha đất rừng tại Trung Lương để trồng keo, chè và một số loại cây ăn quả. Là một trong những người đầu tiên ở Định Hóa xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trong đó đầu tư vào trồng rừng, ông đã đi tham quan nhiều mô hình rừng tại nhiều tỉnh miền núi để tìm hiểu mô hình hiệu quả và phù hợp nhất. Ông đã chọn cây quế để đưa về trồng ở vùng đất vốn dĩ là xứ sở của cọ và chè.
Trước đây, người dân thường thu hoạch quế khi cây được 10 năm tuổi bằng cách chặt hạ cả cây xuống, chặt hết cành lá và bóc lấy vỏ. Gần đây, để khai thác lâu dài, chỉ bóc tách một phần vỏ quế để sau một thời gian cây sẽ tự tái sinh lớp vỏ mới, sau khoảng 1 năm lại có thể bóc tiếp. 
Chỉ với thu nhập từ phát tỉa cành, cây con và khai thác diện tích ít ỏi trồng thử nghiệm trước đây, mỗi năm ông Hanh thu về từ 300 - 400 triệu đồng từ cây quế. Ông chắc chắn rằng sau khoảng 15 năm chăm sóc, mỗi ha quế cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng, cao gấp vài lần so với trồng các loại cây lâm nghiệp khác như keo, mỡ hay bạch đàn. Rừng quế có chu kỳ đến cả trăm năm, cây càng to càng có giá trị. Có thể nói trồng quế là rất bền vững, lâu dài cả về thu nhập và giữ độ che phủ rừng. 
Từ triển vọng của cây quế, năm 2015, UBND huyện Định Hoá đã liên kết với Công ty TNHH Vũ Hoa (trụ sở tại Thị trấn Chợ Chu) thực hiện Dự án trồng quế. Phía doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu (gồm cây giống, phân bón) và tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế cho người dân đồng thời cam kết sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm quế để chế biến tinh dầu tại địa phương. Để khuyến khích nhân dân tham gia dự án, huyện đã trích ngân sách trên 10,6 tỷ đồng hỗ trợ toàn bộ chi phí mua cây quế giống. Hàng năm, ngành Kiểm lâm đều có cấp cây giống, phân bón cho bà con nhân dân trên địa bàn, có cán bộ xuống tận xóm thôn hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm cây đạt tỷ lệ sống cao nhất.
Dự án trồng quế được triển khai rộng khắp tại 24/24 xã thị trấn. 
ông Hanh 1

Ông Bùi Văn Hanh, xóm Hồng Lương, xã Trung Lương, Định Hóa  thu nhập từ quế hơn 300 triệu đồng/năm.

Hiện, toàn huyện đã có khoảng 2.700ha, một số diện tích quế đủ 5 năm tuổi được trồng theo Dự án đã bắt đầu cho khai thác tỉa, vỏ quế tươi được thu mua với giá 27 nghìn - 28 nghìn đồng/kg, cành lá tươi từ 1.500 - 2.000 đồng/kg. Nhiều hộ dân ở các xã trong huyện đã thu nhập ổn định từ cây quế.
Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng ATK Định Hoá chia sẻ: Muốn làm tốt công tác bảo vệ rừng, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên để lưu giữ lại những giá trị lịch sử, thì người dân xung quanh rừng phải được hưởng lợi rừng. Xác định mục tiêu đưa cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển, mở rộng diện tích trồng quế, phấn đấu đến năm 2030 diện tích quế đạt 10 nghìn ha, hàng năm toàn huyện trồng trên 500 ha quế, nâng tỷ lệ che phủ của rừng lên 60% vào năm 2025. Kế hoạch năm 2021, huyện thực hiện trồng 1.000ha rừng, trong đó có diện tích quế khá lớn. 
Định Hoá cũng là địa phương đi đầu trong việc thực hiện Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. Nhân “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” - Xuân Tân Sửu 2021, toàn huyện đã trồng mới được 126.000 cây phân tán, chiếm tới 84% kế hoạch trồng cây phân tán của cả tỉnh Thái Nguyên trong năm 2021. Để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của cây trồng trong chương trình một tỷ cây xanh, Thái Nguyên cũng là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện số hóa trong quản lý cây trồng. Toàn bộ quá trình trồng, quản lý, chăm sóc, theo dõi việc phát triển của cây được quản lý bằng công nghệ, thông qua gắn một mã số (QRCode) cho từng cây.
Dễ thấy, việc phát triển kinh tế rừng đã góp phần làm vùng ATK đổi thay thật rõ nét với những con đường nông thôn mới trải dài, mọc lên nhiều ngôi nhà mới khang trang. Trong màu xanh biếc bạt ngàn của rừng núi chiến khu, đan xen màu xanh thẫm của những rừng quế đang độ trưởng thành. Giữa muôn hương thơm cây cỏ của Định Hoá, có hương quế nồng cay, thật quyến rũ mà thật ấm áp.
Ngọc Khuê
 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập136
  • Hôm nay31,700
  • Tháng hiện tại375,030
  • Tổng lượt truy cập26,657,442

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây