Sự kiện bi tráng đó có những lúc bị bụi thời gian làm lu mờ. Nhưng nhờ quyết tâm của một số đồng chí cựu TNXP và sự ủng hộ của nhân dân, sau 37 năm, công trạng của Đại đội 915 và các liệt sĩ đã được ghi nhận vào năm 2009…
I - Họ đã chiến đấu và hy sinh như thế
Với Bắc Thái và cả miền Bắc, đến năm 1972, việc tránh và đánh trả máy bay đủ loại của Mỹ không còn gì xa lạ. Riêng với "pháo đài bay" B-52 thì quân và dân ta chưa từng "thử lửa". Thời điểm đó, cảng Hải Phòng bị đế quốc Mỹ phong toả bằng ngư lôi, ga Lưu Xá của Thái Nguyên trở thành cảng trên cạn. Hàng hoá của các nước xã hội chủ nghĩa vận chuyển bằng tàu hoả đến ga Kép (Bắc Giang) thì chuyển về ga Lưu Xá rồi chuyển đi chiến trường bằng tàu hoặc ô tô. Đường bộ thì ô tô chuyển hàng từ Hữu Nghị quan về theo đường 1B rồi đi tiếp. Các cảng cạn Thái Nguyên "phình" ra cực lớn, trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ.
Trong trận chiến 12 ngày đêm năm 1972, đánh trả máy bay có bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương; bốc dỡ hàng, sửa chữa cầu đường có lực lượng TNXP làm chủ lực… Những năm tháng ấy, nhiệm vụ của Bắc Thái rất nặng nề. Ngoài các cảng cạn, còn phải bảo vệ Khu công nghiệp Gang thép và hàng trăm nhà máy, xí nghiệp, trường đào tạo… những cơ sở vật chất ban đầu của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Việc lần tìm tư liệu của sự kiện 915 dồn dập vào những năm đầu thế kỷ XXI, trong đó có vai trò của đồng chí Nghiêm Xuân Đạo, lãnh đạo - đồng thời là nhân chứng; đồng chí Hà Nhân Thăng, Chủ tịch Hội TNXP và bác Dương Hồng Nguyên. Sổ ghi chép tư liệu của tôi ngày 7/10/2003 ghi: Cuộc họp ngày hôm nay, các bác đã cơ bản thống nhất những nội dung chính về Đại đội 915, tiếp tục thực hiện việc đi tìm nhân chứng đề nghị chính sách cho 7 TNXP sống sót; chuẩn bị bước 1 hồ sơ xin truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 915… Đề nghị Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tiếp tục viết bài khẳng định công trạng của 915, kể cả cá nhân các đội viên…
…Đội TNXP 91 Bắc Thái được thành lập vào mùa Hè năm 1966, có hơn 600 đội viên, gồm 4 đại đội trực thuộc là 911, 912, 913, 914 do đồng chí Nghiêm Xuân Đạo, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Bắc Thái, làm Đội trưởng. Đại đội 915 thành lập thêm vào tháng 6/1972 gồm những người trẻ, tuổi đời hầu hết khoảng 17-18, phần lớn trong số họ là người dân tộc Tày, Dao được phân công bảo đảm giao thông dọc Quốc lộ 1B từ cầu Gia Bẩy đi Đình Cả, tiếp giáp Lạng Sơn. Sau đó, Đại đội 915 được phân công thêm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tuyến đường 16A vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ từ Lạng Sơn qua Bắc Giang, qua Trại Cau, Chùa Hang rồi hàng hoá mới đi tiếp về các tỉnh phía Nam.
Không quân Mỹ phát hiện con đường bí mật này nên liên tục oanh tạc hòng vô hiệu hoá tuyến đường. Mùa hè năm 1972, Mỹ dùng cả B-52 đánh phá, có lần Đại đội trúng bom, đội viên Hoàng Thị Cát hy sinh khi mới tròn 20 tuổi; 8 đội viên khác bị thương, không thể tiếp tục "bám" đường: Lương Thị Phương,Trần Văn Vọng, Lương Thị Hồi, Nguyễn Thị Ly, Cà Thị Phương, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thảo, Lê Thị Đoàn.
Liên tục ba ngày, 14 đến 16/9/1972, máy bay Mỹ liên tục rải thảm 450 quả bom các loại, làm 47 người chết và hơn 50 người bị thương, trong số đó hầu hết là các TNXP liên tục có mặt trên đường, san lấp hố bom, kịp thời thông xe.
Ngày 25/9/1972, máy bay Mỹ ném 50 quả bom phá và bom phát quang xuống Kho dự trữ xăng, dầu Hoá Trung (Đồng Hỷ) làm 3 bể chứa 70 tấn xăng dầu bốc cháy dữ dội, TNXP Đại đội 915 dũng cảm lao vào dập lửa, cứu được 350 tấn xăng dầu còn lại. Tháng 10 và 11, Mỹ ném hơn 100 quả bom xuống đường 1B, 16A và các kho xăng, dầu, nhà máy, gây tổn thất nặng nề cho ta… Có thể nói rằng, ngay sau khi thành lập, Đại đội 915 đã phải gồng mình với bom đạn khốc liệt. Tuy nhiên, theo các nhân chứng và tài liệu thì Đại đội 915 không để đứt tuyến, ách tắc giao thông trong bất cứ giờ, ngày nào, cho dù suốt ngày đêm từng đoàn xe chở nặng hàng hoá nối đuôi nhau ra trận…
Từ ngày 18 đến 30/12/1972, đế quốc Mỹ mở một cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 bắn phá Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Thái Nguyên và một số tỉnh, thành phố khác tại miền Bắc. Thời điểm này, phần lớn người dân TP. Thái Nguyên đã đi sơ tán. Bám trụ lại thành phố có 3 lực lượng chính: bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương làm nhiệm vụ chiến đấu; lực lượng TNXP làm nhiệm vụ bốc dỡ hàng hóa, sửa chữa cầu đường.
Chiến dịch dội bom của Mỹ nhằm 4 mục tiêu lớn: Một là, ngăn chặn tối đa việc vận chuyển người, vũ khí, khí tài, lương thực và các hàng hóa, vật chất từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam. Thứ hai, phong tỏa, cô lập miền Bắc, ngăn cản và cắt đứt viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa (chủ yếu là Liên Xô và Trung Quốc) vào miền Bắc Việt Nam; phá hủy tiềm lực kinh tế quốc phòng ở miền Bắc. Thứ ba, gây tác động tâm lý đến người dân Việt Nam, qua đó tác động đến tâm lý của các nhà lãnh đạo Việt Nam, tạo điều kiện cho phái đoàn của Hoa Kỳ gây sức ép với đoàn đàm phán của Việt Nam tại Hội nghị Paris nhằm tìm giải pháp chấm dứt chiến tranh có lợi cho Mỹ. Và thứ tư là khẳng định lòng tin rằng Hoa Kỳ không “bỏ rơi” chính quyền Sài Gòn.
Để đạt được 4 mục tiêu này, đế quốc Mỹ đã huy động một lực lượng không quân hùng hậu, bao gồm 4 liên đoàn không quân chiến lược B-52; 1 liên đội máy bay F111; 5 liên đoàn không quân chiến thuật F-4 và A-7; 2 liên đội trinh sát và tác chiến điện tử SR-71, EB-66, EC-121, F-105; 2 liên đoàn tiếp dầu KC-135; 6 tàu sân bay; 135 tàu tuần dương, khu trục và tàu nổi khác. Tổng cộng có 741 chiếc B-52 rải thảm và 729 phi vụ đã thực hiện xong. Có 15.237 tấn bom đạn đã được ném xuống miền Bắc Việt Nam.
Bên cạnh đó, các máy bay chiến thuật cũng đã ném xuống 5.000 tấn bom đạn. Con số thống kê sau chiến dịch cho thấy, nếu tính số lượng bom trong một ngày thì có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức cuối Chiến tranh thế giới thứ II. Đồng thời, nếu xét khu vực hạn chế đường kính 100km quanh Hà Nội thì chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy. Điều đó cho thấy Mỹ đã huy động sức mạnh quân sự, rải thảm bằng cả pháo đài bay B-52 xuống miền Bắc hòng đè bẹp ý chí người dân Việt Nam.
Thái Nguyên thời điểm đó phải gồng mình trước các đợt ném bom dữ dội và cũng tại thời điểm đó, ga Lưu Xá còn lưu giữ 2 vạn tấn hàng quân sự. Từ Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tập trung mọi lực lượng, phương tiện để giải toả hàng hoá tại các vùng trọng điểm.
Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Bắc Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Hành chỉnh tỉnh Bắc Thái Doanh Hằng triển khai ngay theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ… Đại đội 915 được giao cử 60 đội viên, Đại đội 912 cử 40 tham gia chiến dịch. Từ tờ mờ sáng 24/12/1972, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Triệu Đức Việt, 66 đội viên 915 tức tốc đến ga Lưu Xá thực thi nhiệm vụ, mặc cho hiểm nguy cận kề, hàng trăm tấn hàng trong kho bãi được TNXP bốc lên ô tô chuyển đến nơi an toàn.
Cảm động thay, những TNXP Nguyễn Thị Ly, Nguyễn Thị La, Lê Thị Thảo, Nguyễn Thị Phương dù vết thương chưa lành trong trận bom ngày 13-9 vẫn xung phong đi làm nhiệm vụ… Cả một ngày lao động vất vả, hơn 5 giờ tối, hàng chỉ còn 40 tấn, trong điều kiện đó, Đội phó Nguyễn Thế Cường cùng cả đội dự định nghỉ vài chục phút, ăn cơm tại chỗ, không dời kho, khẩn trương giải toả nốt 40 tấn hàng cho yên tâm, nghỉ ngơi tối Noel. Không ngờ, toàn đội chưa kịp bưng bát cơm ăn thì 34 máy bay B-52 cùng 40 máy bay cường kích ồ ạt lao tới, trút 700 quả bom xuống TP. Thái Nguyên. Bom rơi trúng hầm, 60 đội viên 915 cùng 2 nhân viên thủ kho Lưu Xá hy sinh, 8 người bị thương… Sự hy sinh anh dũng của 60 cán bộ, đội viên Đại đội 915 là tổn thất lớn nhất ở mặt trận hậu phương của lực lượng TNXP trong kháng chiến chống Mỹ...
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam