Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng được gặp lại kiều bào trong ngày 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Công, ông Táo, có ý nghĩa linh thiêng đối với mỗi gia đình Việt Nam. Thủ tướng cũng xúc động trước tình cảm của kiều bào - những người đã vượt qua rất nhiều giới hạn để về với quê hương; đánh giá các ý kiến hết sức tâm huyết, với tình yêu, khát vọng cháy bỏng mong muốn cống hiến cho đất nước.
Theo Thủ tướng, sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 409 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 4.110 USD. Như vậy, GDP Việt Nam đã tăng 100 lần. Thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Thủ tướng cũng nêu rõ, Việt Nam đã "đi sau về trước" về vắc xin, chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện để tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định; chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,15%; GDP cả năm tăng 8,02%; các cân đối lớn được bảo đảm. Vốn FDI giải ngân hơn 22 tỷ USD, cho thấy sự tin tưởng của các nhà đầu tư quốc tế.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được tăng cường. Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, tiếp tục mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và các nước; trong đó, quan điểm của Việt Nam về xung đột tại Ukraine được nhiều nước chia sẻ.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng. Các giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc được đề cao hơn, quan tâm hơn với nhiều nỗ lực thiết thực.
Thủ tướng nêu rõ, để thực hiện tốt hơn mục tiêu "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới", cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước (như ổn định vĩ mô; ổn định an ninh trật tự, xã hội; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ vướng mắc, rào cản, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy hội nhập, đổi mới chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích đầu tư ra nước ngoài).
Trong những năm gần đây, một số doanh nhân Việt Nam đã có xu hướng đầu tư ra nước ngoài. Điều này thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và tầm nhìn của người Việt Nam. Mặt khác, cũng cần chú trọng đến việc giáo dục đào tạo để các thế hệ sau hiểu hơn về đất nước, lịch sử, văn hóa, truyền thống và con người Việt Nam.
Đồng thời, "Đưa Việt Nam đến gần hơn với thế giới" qua việc tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; quảng bá về truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa, sự chân thành, thân tình, lòng mến khách của dân tộc Việt Nam, để các nước, người nước ngoài hiểu rõ hơn về Việt Nam, chia sẻ hơn với Việt Nam.
Mặt khác, "Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam" qua việc tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, đầu tư; tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch để thu hút sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
"Chúng ta 'Mang thế giới đến gần hơn với Việt Nam' bằng cách đẩy mạnh hợp tác về du lịch, mở rộng hơn nữa các thị trường du lịch tiềm năng ở khu vực và trên toàn thế giới, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam thân thiện, mến khách", Thủ tướng nêu rõ.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên