Mục đích của hoạt động này là đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn hai nhóm vấn đề liên quan đến 9 lĩnh vực, gồm: nhóm vấn đề thứ nhất liên quan đến lĩnh vực Công Thương; Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Văn hóa, thể thao và du lịch; nhóm vấn đề thứ 2 liên quan đến lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; An ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thanh tra; Tòa án; Kiểm sát.
Sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn
Đáng chú ý ở nhóm vấn đề thứ nhất, trả lời đại biểu về phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu "mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao".
Đối với mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng "du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa".
Còn theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong thực tế, nhiều địa phương đã có những cách làm mới, sáng tạo, gắn với giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố, văn hóa nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, tạo ấn tượng với khách du lịch. Du lịch Việt Nam đã phục hồi tích cực sau đại dịch, được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội của đất nước.
Năm 2023, chúng ta đã đón 12,6 triệu khách quốc tế, tăng 57,5% so với mục tiêu đề ra, tổng thu đạt 672 nghìn tỷ đồng, lần thứ 5 liên tiếp nhận giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu Á”. Trong 7 tháng năm 2024 đã đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu ước đạt 513,3 nghìn tỷ đồng.
Cũng ở nhóm vấn đề thứ nhất, hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường với nông sản và những khó khăn trong vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với thủy sản Việt Nam - là hai trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Trả lời đại biểu về các giải pháp gỡ "thẻ vàng" IUU, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.
Làm rõ nội dung này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, 28/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ chức kiểm ngư. Xác định công tác xử lý vi phạm IUU nhằm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam là vấn đề hết sức quan trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt. Kết quả đến nay, công tác quản lý, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá cũng đã có những tiến triển; số lượng tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình đạt gần 100%; cơ quan điều tra đã khởi tố 4 vụ án liên quan đến môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp. Phía Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục đánh giá cao các cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai chống khai thác IUU…
Ở nhóm vấn đề thứ hai, các lĩnh vực gồm: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Nổi bật, khi chất vấn về tình hình tội phạm trên mạng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đánh giá, tội phạm trên mạng đang ngày càng trở nên nặng nề và ác liệt; đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm của Chính phủ trong việc tổ chức lực lượng để phòng, chống tội phạm trên mạng trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, vấn đề tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao không chỉ riêng ở Việt Nam. Đây là một trong những thách thức an ninh phi truyền thống mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt. Liên hợp quốc đang đề xuất Hiệp định tội phạm mạng quốc tế của Liên hợp quốc sẽ ký kết trong thời gian tới và Bộ Công an Việt Nam sẽ là một trong những thành viên, tham gia ký kết hiệp định này. Bộ trưởng cũng nêu rõ loại tội phạm này có 3 đặc điểm dẫn đến khó phát hiện, xử lý là: không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao; “hầu hết đời thực có cái gì thì trên mạng có cái đó, và đời thực chỉ có một thì trên mạng có thể nhân lên nhiều lần”. Do vậy, giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này cũng phải có tính đặc thù.
Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân, đây được xem là "căn cước trên không gian mạng" để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động phục vụ quản lý Nhà nước, hạn chế tình trạng nặc danh, lừa đảo…
Tại phiên họp, nhiều đại biểu quan tâm về giải pháp thống nhất hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cải cách hành chính nhà nước và đã được lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian qua.
Về lĩnh vực tư pháp, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh…
Cũng tại phiên họp, trả lời về việc giải quyết chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã khi thực hiện chế độ thôi việc do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, các địa phương không tự cân đối ngân sách thì tổng hợp để Bộ báo cáo Chính phủ cấp ngân sách thanh toán kinh phí. Việc giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư được thực hiện trong 5 năm, đến năm 2030 giải quyết dứt điểm…
Phát biểu kết luận sau 1,5 ngày thực hiện "giám sát lại", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về chất vấn với những yêu cầu cụ thể đối với từng nội dung, nêu rõ thời gian thực hiện, hoàn thành.
Góp phần tích cực trong hoàn thiện thể chế
Đã có 9 thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Từ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và giải trình của các thành viên Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Các Bộ trưởng phải trực tiếp phụ trách công tác pháp chế, đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long khi trả lời đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về vấn đề khắc phục những hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa đảm bảo chất lượng; việc gửi hồ sơ chậm, không đảm bảo thời gian; bổ sung nhiều dự án luật vào chương trình sát kỳ họp, gây không ít khó khăn cho công tác nghiên cứu, thẩm tra.
Về lĩnh vực nông nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, khẳng định được vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và duy trì xuất khẩu. Xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2023 đạt mức cao kỷ lục, trên 53 tỷ USD; xuất siêu 11 tỷ USD và 7 tháng năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ và xuất siêu đạt 9,42 tỷ USD, tăng 60%.
Về gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm, quyết liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 32 của Ban Bí thư, đồng thời tiếp tục trao đổi, vận động các nước thành viên Liên minh châu Âu ủng hộ sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Bảo đảm an ninh năng lượng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết Chính phủ đã tập trung chỉ đạo từ sớm, từ xa việc cung ứng đủ điện, xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân, đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.
Về lĩnh vực tư pháp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn xác định nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành quyết liệt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm…
Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, qua các báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội và qua phiên chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực; đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu một số nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm liên quan trực tiếp đến trách nhiệm chính của các Bộ, ngành để tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần đề cập đến vai trò quan trọng, yêu cầu cấp bách trong việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, công tác đối ngoại và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Phiên chất vấn cũng là góp phần tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu rất quan trọng đó.
Tiếp nối thành công của hoạt động chất vấn tại các Kỳ họp vừa qua, hoạt động “giám sát lại” lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đã thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hoạt động này cũng thể hiện sự đồng hành của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ trong việc thực hiện, triển khai các yêu cầu đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề ra trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Nguồn tin: Theo TTXVN:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024