Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những trào lưu được khởi phát từ mạng xã hội như thay ảnh đại diện hay sơn cờ Tổ quốc lên mái, cổng, tường nhà. Việc người dân bày tỏ lòng yêu nước dưới nhiều hình thức khác nhau là rất đáng trân trọng, tuy nhiên tình cảm này sẽ càng trân quý, ý nghĩa hơn khi mỗi cá nhân tham gia đều thận trọng trong việc chọn địa điểm, cách thức sơn quốc kỳ, lựa chọn cách thức thực hiện phù hợp, tránh chạy theo trào lưu hình thức...
Những ngày qua, nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trên mạng xã hội sôi động với trào lưu (trend) sơn cờ Tổ quốc trên mái nhà, tường nhà, cửa ra vào,… như một cách để bày tỏ lòng yêu nước. Tại Thanh Hóa, một người dân đã sử dụng photoshop chỉnh sửa bức ảnh chụp thị trấn Quán Lào, huyện Yên Ðịnh từ trên cao, với nhiều mái nhà đều được vẽ cờ Tổ quốc lập tức được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến trầm trồ thán phục trước hình ảnh ấn tượng cũng đã xuất hiện những ý kiến bày tỏ sự không đồng tình vì bức ảnh không phản ánh đúng hiện thực.
Quan sát trào lưu sơn cờ Tổ quốc hiện nay đặt ra nhiều vấn đề rất đáng quan tâm. Trước hết có thể nhận thấy tình yêu nước nồng nàn trong mỗi người dân Việt Nam, nay có dịp thể hiện thông qua việc sơn cờ Tổ quốc nên nhiều người đã nồng nhiệt tham gia. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng hiện diện ở nhiều vùng miền đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nhất là trong thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, việc làm này cũng bộc lộ những bất cập như việc sơn cờ sai quy cách, ngôi sao vàng bị vẽ ngược, hay vẽ cờ Tổ quốc ở những nơi không thật sự phù hợp như các bức tường đổ nát, chân tường rào, cửa ki-ốt bán hàng, nhà để xe… Mặt khác, việc sử dụng loại sơn không bảo đảm chất lượng khiến cho mầu sắc của lá cờ nhanh chóng bị bợt bạt, nhem nhuốc, rất mất mỹ quan.
Chưa kể việc dùng sơn kém chất lượng còn có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Hoặc việc trèo lên các mái nhà trơn, dốc để sơn cờ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người thi công. Việc ứng xử với những lá cờ vừa được sơn cũng đã xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực như một số cá nhân chạy nhảy, nằm, ngồi, dẫm chân lên lá cờ trên ở nóc nhà mình để chụp ảnh, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của lá quốc kỳ.
Từ đây cho thấy một trào lưu dù với mong muốn chính đáng là thể hiện lòng yêu nước song mỗi cá nhân cũng cần cân nhắc cách thực hiện, tuyệt đối không để rơi vào tình trạng chạy theo trào lưu nhất thời cho vui rồi vô trách nhiệm với sản phẩm do mình tạo ra.
Chia sẻ về trào lưu này, bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Yên Ðịnh, tỉnh Thanh Hóa, nơi được dư luận đặc biệt chú ý sau bức ảnh photoshop các mái nhà có hình cờ đỏ sao vàng đã bày tỏ: “Việc vẽ cờ Tổ quốc trên mái nhà là trào lưu, nhưng trào lưu lấy hình ảnh cờ Tổ quốc gắn lên như thế thì không đúng về mặt tuyên truyền. Cờ Tổ quốc phải treo ở nơi trang trọng chứ không phải chỗ nào cũng tự ý vẽ hay treo lên được”.
Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, phân tích: “Khi sơn bạc đi hay bụi bặm bám vào (với những nhà sơn cửa cuốn), “lá cờ” sẽ rất xấu. Lúc ấy lại thành phản cảm. Cửa cuốn, ban ngày thì phải cuốn lên, tối/đêm mới hạ xuống, sơn cờ cho ai ngắm? Các bạn trẻ đang hăng hái trèo lên các nóc nhà, tình nguyện sơn cửa cuốn giúp các nhà… nên cân nhắc những điều này. Yêu Tổ quốc suốt đời và bằng những việc làm thiết thực, hữu ích vì cộng đồng thì không cần trend”.
Còn nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ: “Tôi thấy, khi mái nhà nào cũng sơn quốc kỳ như thế thì hiệu ứng nghệ thuật (cái đẹp) hình như không còn nguyên vẹn nữa. Mỗi khu phố, một thôn bản có một mái nhà sơn cờ Tổ quốc là đã đủ và rất đẹp. Theo tôi, nên dành vinh dự này cho nhà văn hóa hay nơi sinh hoạt cộng đồng. Còn mỗi gia đình nên treo cờ Tổ quốc trang trọng theo quy định của Nhà nước là được.
Ðáng chú ý, hiện các thế lực thù địch đang lợi dụng trào lưu sơn cờ đỏ sao vàng để xuyên tạc chính sách của Ðảng, Nhà nước ta, bôi nhọ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Các đối tượng chống phá rêu rao rằng lại thêm một “căn bệnh hình thức”, không có giá trị thực tế, chỉ tạo nên lòng tự hào sáo rỗng. Ðồng thời, các đối tượng triệt để khai thác sự việc xảy ra ở phường Yết Kiêu, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để bôi nhọ Ðảng, Nhà nước.
Cụ thể tại đây, một người dân đã sơn toàn bộ bức tường nhà mầu đỏ và ở giữa vẽ ngôi sao vàng, nhìn giống với hình lá cờ Tổ quốc. Tuy nhiên từ sự trao đổi, phân tích chân tình từ cơ quan chức năng về các quy định của pháp luật đối với kích cỡ, hình thức, hình ảnh cờ Tổ quốc và việc quản lý, sử dụng, bảo quản hình ảnh cờ Tổ quốc, công dân này đã tự nguyện sử dụng sơn đỏ phủ lên hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh trên bức tường.
Sự việc xảy ra từ năm 2020, thế nhưng gần đây lợi dụng trend sơn cờ, một cá nhân khác đăng tải lại trên mạng xã hội, với nội dung phản ánh không đúng bản chất sự việc. Theo cách viết của người này khiến người đọc hiểu lầm rằng, chủ nhà đã bị chính quyền bắt buộc phải xóa bỏ hình cờ đỏ sao vàng dù không hề vi phạm pháp luật.
Từ đây nhiều ý kiến vào chỉ trích, lên án chính quyền. Nhân cơ hội này, các thế lực thù địch lớn tiếng bêu riếu “Ðảng Cộng sản Việt Nam độc tài”, cản trở dân chủ, nhân quyền, can thiệp vào quyền tự do bày tỏ lòng yêu nước của người dân...
Trước hết cần khẳng định rằng, việc người dân, nhất là giới trẻ bày tỏ tình yêu Tổ quốc trong các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước là rất đáng trân trọng, cần được ghi nhận. Tuy nhiên, cách thức thể hiện tình cảm của từng cá nhân phải phù hợp quy định pháp luật, văn hóa dân tộc, tránh những ứng xử lệch chuẩn, phản văn hóa.
Ngày 2/10/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Hướng dẫn số 3420/HD-BVHTTDL về việc sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó quy định về hình quốc kỳ có những điểm cần lưu ý như: Ðiểm giữa ngôi sao vàng đặt ở điểm giao nhau của hai đường chéo quốc kỳ. Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của quốc kỳ. Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên. Tuy nhiên một số ít người khi sơn cờ đã thiếu quan tâm đến những quy định này, khiến cho hình quốc kỳ xuất hiện méo mó, tùy tiện.
Trào lưu sơn cờ Tổ quốc lên mái, tường, cổng nhà cần xác định đây là phong trào yêu nước tự phát đáng trân trọng của quần chúng nhân dân, song cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan như quy định về quốc kỳ, kích thước cờ, chú ý lựa chọn loại sơn bền mầu, an toàn với môi trường, đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn địa điểm, cách thức sơn và việc bảo quản lá cờ sau khi sơn, bởi đây cũng là cách thể hiện sự trân trọng với lá quốc kỳ.
Tuyệt đối không có những hành vi phản cảm như nằm ngồi, hay đứng lên cờ vì hành động này xâm phạm đến sự thiêng liêng của quốc kỳ. Ngành văn hóa và các đơn vị chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá và có định hướng trào lưu này đúng đắn, thông tin rộng rãi trong xã hội, bảo đảm vừa thể hiện sự trân trọng, mỹ quan, vừa khuyến cáo người dân tham gia trào lưu này tránh vi phạm quy định pháp luật liên quan đến sử dụng hình ảnh quốc kỳ, bị các thế lực thù địch lợi dụng, xuyên tạc, bôi nhọ.
Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng có nhiều cách thức, việc làm ý nghĩa khác giúp mỗi cá nhân có thể bày tỏ tình yêu Tổ quốc. Có những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn như bảo vệ môi trường, tham gia giao thông có văn hóa, gương mẫu chấp hành pháp luật, hiến máu cứu người,… Hoặc mỗi người dù làm ở lĩnh vực, ngành nghề gì nhưng nếu biết cống hiến hết mình vì công việc thì đó cũng là cách thể hiện lòng yêu nước.
Ðiều quan trọng hơn cả là tình yêu đất nước rất cần được mỗi cá nhân quan tâm nuôi dưỡng thường xuyên, qua đó không ngừng góp phần khẳng định lòng tự hào dân tộc cũng như thể hiện ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc chung tay xây dựng và phát triển đất nước ngày càng hùng mạnh.
Nguồn tin: Theo NDĐT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam