Người phụ nữ cặm cụi ươm cây bên Hồ Núi Cốc

Thứ tư - 21/02/2024 10:43   Đã xem: 1410   Phản hồi: 0

Từng thế chấp bốn mảnh đất vay ngân hàng 1 tỷ đồng để đầu tư mua cây giống, mười năm sau lại phải đồng loạt đốn bỏ vì cây không ra quả, chị Nguyễn Thị Hiền, 46 tuổi (xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên) bất đắc dĩ trở thành người ươm cây chuyên nghiệp để phủ kín hơn 11ha đất của gia đình và cung cấp giống cây quý cho nhiều trang trại ở nhiều tỉnh.

Hiền núi cốc
Chị Nguyễn Thị Hiền (xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên) dày công tuyển chọn, ươm trồng giống trám đen chất lượng tốt.

Chương trình một vạn cây trám giống chất lượng

Chị Nguyễn Thị Hiền chia sẻ:
-    Năm 2012 tôi bắt đầu đầu tư vào trồng cây bài bản trên diện tích hơn 11ha, chủ đạo là các loại cây trám đen, trám trắng, sấu, mít ta, mít Thái. Tôi đã mượn thêm 02 bìa đỏ của mẹ đẻ, đem thế chấp ngân hàng 4 mảnh đất để vay tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng để mua cây giống. Lúc ấy giá cây sấu giống là 155 nghìn đồng/cây, trồng 5-7 năm bắt đầu cho thu hoạch. Trám trắng có giá 15 nghìn đồng/cây, trám đen 25 nghìn đồng, tôi đã đặt rất nhiều hy vọng vào cây trám vì loài cây này phù hợp với đồi đất dốc, giá bán quả cao và ổn định duy trì suốt nhiều năm, hiệu quả kinh tế tốt vì thế đã mua 1.200 cây trám trắng tại Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng nông lâm nghiệp Gia Sàng (thuộc Trung tâm Khuyến nông, Sở NN&  PTNT) và 3.000 cây trám đen ghép của một vườn ươm tại tỉnh Phú Thọ.
Theo lời cam kết của nơi cung cấp cây giống thì trám có quả sau 3 -5 năm, nhưng sau thời gian dài chăm sóc cây thì phát hiện trong số trám  trắng hầu hết là ra rất ít quả, quả nhỏ, chất lượng quả rất kém với vị chát rất khó bán ra thị trường, hoàn toàn không như cam kết về giống. Số cây trám đen sau 3 năm cũng chỉ có một số ít cây sai quả, còn phần lớn ra lác đác vài quả, chất lượng quả cũng không ăn không bán được. Tổng kết sau 7 năm trồng, chị Hiền đã phải chặt bỏ toàn bộ 350 cây sấu, hơn 3.000 cây trám đen và trám trắng, mất trắng khoảng 3 tỷ đồng đầu tư vào cây giống, phân bón, tiền thuê nhân công trồng, chăm sóc cây. 
Thẳng thắn đánh giá, chị Hiền cho rằng giá trị của cây trám rất cao, suốt 10 năm qua, trám đen rất dễ tiêu thụ, giữ giá ở mức 100.000 đồng/kg, 1 cây giống tốt 8 năm tuổi cho thu hái gần 80 kg quả/năm. Sở dĩ bị thất bại trong thời gian qua là chị đã không tìm hiểu kĩ nên đã mua phải giống không đảm bảo. “Không chỉ thiệt hại tiền tỷ mà còn mất hơn 7 năm tuổi thanh xuân” - chị Hiền chua chát nói.
Tuy vậy, vẫn may mắn là dù phải chặt bỏ hơn 90% nhưng có một số ít cây trám đen có năng suất, chất lượng quả rất tốt, chị đã dồn công chăm bón để làm nguồn ghép cây giống chuẩn với những ưu điểm vị thơm, dẻo, béo ngậy, thời gian thu hoạch dài khoảng 3-4 tháng  trên cây phòng khi cung vượt cầu thì vẫn để quả trên cây được. Thực tế có cây rất ngon nhưng thời gian thu hoạch ngắn chỉ trong vòng 20 ngày sau đó quả tự héo trên cây không thu hoạch được, cũng không đủ tiêu chuẩn để chọn nhân giống. Chị chia trám giống thành các hạng: Loại đặc biệt có duy nhất một cây là cây thực sinh, kích thước quả bình thường không to, 100 quả/kg, cùi cũng không dầy nhưng ăn một lần không bao giờ quên bởi vị bùi, béo, dẻo quánh, hiện chỉ để nhân giống trồng tại vườn chưa có bán ra thị trường. Loại 1 có 14 cây loại, loại 2 có 50 cây. Tương ứng với vị và hình thức quả, lá của cây mẹ cũng có sự khác biệt rất rõ về hình dáng, kích thước, màu sắc và cả mùi thơm đặc trưng của loài quả quý này. 
Cách thức bán cây giống của chị Hiền cũng khá độc đáo, chị cam kết giống sai trĩu quả, sau 3 năm không có quả sẽ đền gấp ba lần với điều kiện lá phải giống cây mẹ. Khách buộc phải đến nhận cây giống tại vườn để đối chiếu cây con với cây mẹ. Cây trám giống được trồng từ hạt, sau 1-2 năm tuổi được ghép mắt, giá hiện bán tại vườn  70 nghìn đồng/cây, không đủ hàng bán vì nguồn mắt ghép cây ngon ít lắm. Trong 2 năm qua, hai mẹ con chị cần mẫn ghép được 3 vạn cây nhưng chỉ sống 5 nghìn cây. Riêng trong năm nay, chị có dự kiến sản xuất 1 vạn cây trám đen giống.

Yêu cây, cây không phụ người

Vốn dân gốc tại xóm Đồi Chè, xã Phúc Trìu, ông bà ngoại, và họ hàng của mẹ chị Hiền sinh sống bám vào hồ và khai hoang trồng sắn, làm ruộng, trồng chè ở những diện tích đất ven hồ. Chị Hiền học hết lớp 4 sau đó từng lăn lộn nhiều việc để mưu sinh. Năm 2006, có chút vốn liếng, chị mua gần 1,1ha đất để trồng chè, làm vườn, 5 năm sau mở rộng diện tích lên hơn 12ha do người thân trong họ chuyển nghề không làm nông nghiệp nữa bán chịu cho trả dần tổng số 500 triệu đồng. Thời điểm này chồng chị qua đời, con trai chị mới lên 8 tuổi, chị mơ uớc tạo dựng tương lai vững chắc cho cuộc sống của hai mẹ con từ phát triển đồi cây gắn với du lịch. Các loại cây lâu năm chỉ phải đầu tư một lần nhưng có giá trị khai thác lâu dài. Về thu hoạch quả, thị trường năm được năm mất sẽ “gánh nhau”, cái được bền vững là cảnh quan và giá trị khai thác gỗ. 
Với lợi thế về đất đai, khí hậu và thuận lợi về nước tưới xung quanh đều là hồ, chị Hiền đã thuê người phát lau sậy, cỏ dại để làm vườn và trồng cây. Ít học nhưng có đầu óc làm ăn chắc chắn, chị Hiền trồng xen canh hàng chục loại cây, tầng trên là cây ăn quả, tầng thấp là cây rau màu, lấy cây ngắn ngày để nuôi cây lâu năm. 
Nguồn thu thường xuyên của chị hiện trông vào hơn 1.000 cây mít, mít bản địa gồm mít dai và mít mật được coi là đặc sản, đến mùa quả chưa chín đã có người đặt mua. Mít Thái chất lượng cũng rất tốt, quả to đến 25-30kg, đây còn là nguồn thức ăn chăn nuôi cá và gà vịt. 
-    Bình quân mỗi năm tôi chi phí khoảng 500 triệu, thu lãi khoảng 300 triệu, có công việc đều đều hàng ngày để hai mẹ con cùng làm, ngoài ra còn thuê thêm 5 người làm. Mấy năm từ 2015 đến 2017 nhờ “trúng” mấy vụ dứa, thu vài trăm triệu/vụ nên năm 2018 tôi mới trả được hết nợ ngân hàng, khi vay có gần 1 tỷ phải trả cả gốc lẫn lãi thành 2,3 tỷ, rút được bìa đỏ ra trả lại cho mẹ tôi. Vừa rồi khi nhà nước làm đường ven hồ, tôi được bồi thường hơn 1ha nên mới yên tâm đầu tư bài bản, đốn bỏ số cây giống không chuẩn kia.
Làm nông nghiệp vô cùng cực nhọc và chịu nhiều rủi ro, nhưng bù lại khi vườn cây đã lên xanh tốt sẽ đem lại lợi nhuận lâu dài. Đối với chị Hiền, thành quả lớn nhất không phải cơ ngơi trị giá hàng chục tỷ đồng chị đang sở hữu mà là cậu con trai Trương Tuấn Vũ, 22 tuổi, sinh viên năm cuối ngành Phân tích tài chính và Quản trị kinh doanh (Khoa Quốc tế- ĐH Thái Nguyên). Ngoài giờ học, Vũ là một người làm vườn chính hiệu. Em tự hào về mẹ của mình, về công việc và định hướng mà mẹ của em đã chọn, đã theo học bài bản các khoá học về kỹ thuật làm cây giống, chăm sóc cây trồng. Bằng sức trẻ và tri thức, Vũ quyết tâm khởi nghiệp từ nông nghiệp bền vững gắn với du lịch để phát huy giá trị của danh thắng nổi tiếng Hồ Núi Cốc.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập77
  • Hôm nay4,860
  • Tháng hiện tại623,483
  • Tổng lượt truy cập28,273,228

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:287 | lượt tải:70

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:521 | lượt tải:160

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:470 | lượt tải:164

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:102 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:109 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây