Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, tổng thu NSNN đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; chi NSNN ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn.
Với kết quả thu, chi NSNN như vậy, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương được đảm bảo. Ước tính, bội chi NSNN thực hiện đạt dưới 4% GDP.
Bên cạnh đó, trong điều hành, Bộ Tài chính đã tiếp tục thực hiện tốt việc kiểm soát nợ công, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững; tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, kiểm soát lạm phát…
Đặc biệt, Bộ đã tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách tài khóa để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19…
Năm 2022, ngành Tài chính quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó tập trung hoàn thành dự toán thu 1.411,7 nghìn tỷ đồng; dự toán chi 1.784,6 nghìn tỷ đồng; dự toán bội chi mức 4% GDP…
Phát biểu thảo luận tại Hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên báo cáo khái quát những kết quả nổi bật mà tỉnh đạt được trong năm qua; trong đó, thu NSNN lần đầu tiên chạm mốc 18 nghìn tỷ đồng. Để việc thực hiện các nhiệm vụ của tỉnh đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ kiến nghị: Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, tháo gỡ khó khăn trong thanh toán các dự án BT (nhất là dự án đã được triển khai trước ngày 1-8-2021); báo cáo Quốc hội để Thái Nguyên được sử dụng nguồn dư từ cải cách tiền lương (5.200 tỷ đồng hiện đang nằm tại Kho bạc Nhà nước) để đầu tư cho công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án đầu tư công; tiếp tục dành nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh; mong muốn Trung ương cho phép triển khai các dự án về chuyển đổi số, kể cả là dự án, mô hình thí điểm…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và kết quả mà ngành Tài chính đạt được trong năm 2021. Đồng thời nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ mà toàn Ngành cần quan tâm thực hiện trong năm 2022, đó là: Thể chế hóa các nghị quyết để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; khắc phục hạn chế, bám sát thực tiễn, chủ động thích ứng và nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược, lắng nghe ý kiến của địa phương và tập trung đẩy mạnh 3 đột phá; phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; tăng thu giảm chi, đảm bảo chi hiệu quả, tiết kiệm, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách khác; đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai hóa đơn điện tử, chuyển đổi số…
Thủ tướng tin tưởng, năm 2022, toàn ngành Tài chính sẽ đạt thành tích cao hơn năm 2021.
Tác giả bài viết: Thu Hằng - Lăng Khoa
Nguồn tin: baothainguyen.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên