Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; bí thư tỉnh ủy, thành ủy; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư, các chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; các chính ủy quân khu, đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Coivd-19.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch và ổn định kinh tế- xã hội. Báo cáo nêu rõ, đến nay Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, có 268 ca nhiễm, trong đó 223 ca đã được chữa khỏi và chưa có trường hợp tử vong. Đạt kết quả quan trọng này là do chúng ta sớm nhận thức đúng, có đối sách phù hợp, kịp thời, tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ, hiệu quả. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đã đồng lòng, chung sức, quyết tâm “chống dịch như chống giặc”. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt đối với các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, địa phương tập trung triển khai, ứng phó và ngăn chặn dịch lây lan.
Cùng với việc chủ động phòng chống, dịch bệnh, Đảng, Nhà nước kịp thời thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc sau dịch.
Báo cáo nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể là tập trung sức mạnh đoàn kết và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa tập trung cao độ phòng chống dịch, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định xã hội, đời sống của nhân dân. Coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả nước, của tất cả các cấp, các ngành trong thời gian tới.
Về phòng chống dịch, tiếp tục thực hiện cách ly tất cả những người nhập cảnh vào nước ta và những người nhiễm bệnh, người có nguy cơ cao, nhanh chóng phát hiện ca bệnh, khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả; từng bước nới lỏng, khôi phục các hoạt động xã hội và phát triển kinh tế. Tiếp tục yêu cầu người dân đeo khẩu trang nơi công cộng; một số loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu tiếp tục phải đóng cửa ở những nơi còn nguy cơ cao; hạn chế tụ tập đông người. Một số khu vực có nguy cơ cao vẫn phải thực hiện cách ly xã hội. Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch,…
Tập trung khởi động lại, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, bảo toàn lực lượng sản xuất, nhất là khu vực kinh tế hộ, kinh tế hợp tác xã và khu vực doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ nghiên cứu phát triển, ứng dụng và hợp tác chuyển giao công nghệ để nền kinh tế có thể phục hồi nhanh và có sức bật mạnh sau dịch,…
Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là: đẩy mạnh triển khai các kế hoạch tái khởi động và phát triển kinh tế- xã hội theo lộ trình phù hợp với diễn biến của dịch ở trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn ngừa không để dịch bùng phát trở lại; cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, bảo vệ quyền lợi người nông dân và bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Tiếp tục cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, miễn giãm lãi vay, giảm chi phí đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; có chương trình cho vay ưu đãi phù hợp, hỗ trợ ổn định kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề do dịch gây ra. Tiếp tục rà soát, thực hiện theo thẩm quyền và báo cáo cấp có thẩm quyền việc giãn, hoãn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; trong đó lưu ý miễn giảm các loại phí, lệ phí liên quan đến thủ tục hành chính, dịch vụ công, giao thông vận tải,…. Khơi thông và huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Nắm bắt thời cơ về nhu cầu gia tăng đột biến làm việc từ xa và thương mại điện tử của người dân, doanh nghiệp để tăng tốc thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Tập trung rà soát, hoàn thiện, kịp thời ban hành cơ chế chính sách cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tổ chức thực hiện hiệu quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và tận dụng tốt các thời cơ để phục hồi, mở rộng sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp ổn định đời sống nhân dân; khẩn trương chuẩn bị các phương án để học sinh, sinh viên đi học trở lại an toàn và tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng,…. Tiếp tục làm tốt công tác quản lý chặt chẽ xuất, nhập khẩu và quản lý biên giới; theo dõi sát diễn biến tình hình, nhất là tình hình biển Đông để chủ động có biện pháp phù hợp không bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao kết quả đạt được, đồng thời nhấn mạnh, cuộc chiến đấu với đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn. Đồng chí nêu rõ, theo đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch này là phép thử lớn nhất kể từ khi thành lập Liên hợp quốc, quy mô lớn, lan rộng nhanh, hậu quả vô cùng nguy hại, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của loài người. Hệ lụy của nó phải mất rất nhiều năm mới thấy hết, với những dự báo có thể tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, thậm chí còn xấu hơn cả cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929- 1933.
Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động phản ứng tốt, kịp thời và đạt kết quả rất mừng, qua đó càng củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế càng được khẳng định và nâng cao. Có thể khẳng định không có hệ thống chính trị như ở nước ta thì không thể làm được như vậy, trên dưới một lòng đoàn kết thống nhất, lòng yêu nước của nhân dân, tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của đồng bào ở mọi miền Tổ quốc lại được nhân lên trong phòng chống dịch. Tất cả các ngành, các cấp, y tế, các lực lượng công an, quân đội, người già, người trẻ đều hưởng ứng phòng chống dịch,.. Đồng chí nhấn mạnh, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, vì đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều việc phải làm; phải đồng tâm, nhất trí, trên dưới một lòng vừa chủ động phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển sản xuất, ổn định xã hội, chăm lo cuộc sống của nhân dân, tăng cường củng cố quốc phòng và an ninh.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tháng 5 tới, Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp, trong đó có nội dung rất quan trọng là Trung ương sẽ cho ý kiến về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. Nhân Hội nghị này, đồng chí muốn trao đổi một số vấn đề cần quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng. Đồng chí cho rằng, công tác nào cũng có cái khó, phức tạp của nó, nhưng công tác nhân sự là khó và phức tạp hơn cả. Do vậy, phải tổng kết công tác nhân sự các khóa gần đây, nhất là khóa XII cho thật tốt để làm tốt công tác nhân sự khóa tới, để bầu được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng chí nhấn mạnh, ở bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào, cán bộ bao giờ cũng là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nói đến chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là người đứng đầu. Chọn đúng người đứng đầu thì dân được nhờ, đất nước phát triển, chọn sai người đứng đầu thì đất nước sẽ ra sao, bài học từ Liên Xô trước đây thấy rất rõ điều đó. Đội ngũ cán bộ của ta trưởng thành về nhiều mặt, được đào tạo cơ bản, được rèn luyện qua nhiều môi trường tốt, cho nên việc chọn cán bộ vào Ban Chấp hành Trung ương phải làm cho tốt, nếu chọn sai không biết điều gì sẽ xảy ra. Đại hội XIII là sự kiện chính trị quan trọng, là dấu mốc quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước. Tình hình tư tưởng trong Đảng, trong nhân dân rất phấn khởi, nhưng cũng còn nhiều lo lắng. Đảng sẽ ra sao, đất nước phát triển như thế nào; lực lượng thù địch, phần tử bất mãn chống đối thế nào nhất là đối với công tác nhân sự Đại hội. Có thể nói nhiệm vụ đặt ra với chúng ta rất nặng nề. Vấn đề hàng đầu là xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng; về cơ cấu, số lượng như hiện nay hay thế nào; quan hệ giữa tiêu chuẩn, chất lượng và cơ cấu như thế nào? Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Ban Chấp hành Trung ương phải là một tập thể thật sự đoàn kết, thống nhất; phải là những cán bộ có đức, có tài, có tầm nhìn chiến lược; có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trách nhiệm, cách làm của các cấp ủy trong công tác nhân sự là phải làm từng bước vững chắc, tuyệt đối không được để xảy ra sai sót. Đồng chí cho rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà còn là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự Đại hội XIII. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu. Ngay từ khâu giới thiệu phải thật sự công tâm khách quan, không có “cánh hẩu”, lợi ích nhóm. Các cơ quan, tổ chức có liên quan, trước hết là Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải dày công chuẩn bị, xác định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, là khâu "then chốt" của nhiệm vụ “then chốt”; có liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ. Các cơ quan, địa phương, cán bộ trực tiếp tham gia công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình đối với công việc có vị trí, ý nghĩa đặc biệt hệ trọng này, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, công tác nhân sự đặc biệt quan trọng, phức tạp vì liên quan đến con người, là công tác về con người, nhận xét, đánh giá, bố trí, sử dụng như thế nào, liên quan đến danh dự, chế độ chính sách của cán bộ, dễ phát sinh tâm tư, mất đoàn kết. Vì vậy, công tác nhân sự phải được tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm dân chủ, công tâm, công khai, thật sự trong sáng, khách quan; đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. Những người tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, đặc quyền, đặc lợi, gia trưởng, trù dập người dân, nâng đỡ kẻ xấu, bao che cho tội phạm, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng đều không xứng đáng là cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Các thành viên Tiểu ban Nhân sự và Tổ giúp việc của Tiểu ban phải nắm chắc, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc, chế độ, quy chế và lề lối làm việc; phải tỉnh táo, tinh tường. Tuyệt đối giữ vững nguyên tắc, quan hệ công tác phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân có liên quan. Trong quá trình lựa chọn nhân sự cụ thể, cần thống nhất quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử - cụ thể, không quá cầu toàn, tuyệt đối hóa, bởi con nguời ai cũng có điểm yếu này hoặc điểm yếu khác. Phải phân biệt, đánh giá chính xác bản chất, mức độ các điểm yếu để không chọn nhầm nguời và phải có cách lựa chọn, bố trí, sắp xếp con nguời phù hợp, phát huy mặt mạnh của các thành viên để bổ sung cho nhau, tạo ra một ê-kíp mạnh, một tập thể lãnh đạo tuơng đối hoàn chỉnh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mong muốn là làm sao để có Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước mạnh, được dân tin yêu, như thế chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước .
Theo nhandan.com.vn
Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)
Nguồn tin: nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Kế hoạch Tổ chức Giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Thái Nguyên lần thứ II - năm 2026
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên