Nhiều địa phương trong tỉnh đã, đang và sẽ là những công trường lớn, đặc biệt là nơi có các dự án (DA) trọng điểm về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, như: Đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đường tỉnh (Đ.T) 261, Đ.T 266; các công trình, hạng mục thuộc DA Phát triển tổng hợp đô thị động lực TP. Thái Nguyên; Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang - Vĩnh Phúc; DA xây dựng Quần thể khu văn hóa - thể thao - công viên cây xanh TP. Phổ Yên; các DA xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp ở khu vực phía Nam của tỉnh…
Sắp tới đây là các DA có quy mô lớn được khởi công mới, như: Sân vận động Thái Nguyên; Đường vành đai V qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang); xây dựng cầu Quang Vinh 1, Quang Vinh 2 và hệ thống đường giao thông kết nối một số xã, phường phía Đông TP. Thái Nguyên; Đường 47 mét (Khu công nghiệp Yên Bình) giai đoạn 2…
Nhìn vào thực tế có thể thấy điểm nổi bật đáng chú ý nhất ở đầu nhiệm kỳ này của tỉnh là việc tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối vùng, liên tỉnh. Điều đó phù hợp với nguyên lý “giao thông đi trước mở đường cho phát triển”, nhằm sớm cụ thể hóa định hướng lớn đầu tiên được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX: “…Phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội”.
Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh đối với các DA trọng điểm, nhất là về giao thông phần nào được thể hiện qua những cuộc kiểm tra thực địa thường xuyên của các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy; tỉnh và các địa phương tổ chức nhiều cuộc họp để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, cơ chế, nguồn vốn…
Thời gian gần đây, các DA giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được hoàn thiện thủ tục đầu tư, bố trí vốn để triển khai, vì vậy đều cơ bản hoàn thành kế hoạch đầu tư, bảo đảm tiến độ.
Có DA như cải tạo, nâng cấp Đ.T 266 được triển khai rất nhanh, kế hoạch thực hiện là giai đoạn 2021-2023 nhưng hiện đã thi công đạt trên 95% giá trị hợp đồng, dự kiến được hoàn thành trong quý III năm nay. Đây là tuyến đường rất quan trọng kết nối 2 địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp của tỉnh là TP. Phổ Yên và huyện Phú Bình (nơi có các khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy và nhiều khu, cụm công nghiệp đang được triển khai), kết nối Quốc lộ 3 với Quốc lộ 37, góp phần hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng giao thông phía Nam tỉnh.
Hay như Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc (vừa được khởi công đầu tháng 5-2022). Tuyến đường không chỉ có ý nghĩa rất lớn và trực tiếp đối với các địa phương nơi nó đi qua, “đánh thức” tiềm năng của một khu vực rộng lớn phía Tây TP. Phổ Yên (nơi đang có nhiều nhà đầu lớn đề xuất triển khai các DA quy mô) mà còn tạo một huyết mạch giao thông mới kết nối Thái Nguyên với các tỉnh đang phát triển rất năng động trong khu vực.
Ngay sau Lễ khởi công, các nhà thầu đã tích cực tập kết máy móc, vật liệu, xây dựng lán trại và tiến hành đào bóc lớp đất hữu cơ tại những vị trí đã được giao mặt bằng. Đến nay, tổng số vốn đã giao cho DA đạt trên 1.248 tỷ đồng. Người đứng đầu chính quyền các địa phương có tuyến đường đi qua là TP. Phổ Yên và huyện Đại Từ đều cam kết sẽ tập trung GPMB, bảo đảm an ninh trật tự phục vụ thi công. Chủ đầu tư, các nhà thầu và địa phương liên quan cùng khẳng định quyết tâm hoàn thành DA trước kế hoạch (cuối năm 2024)…
Theo báo cáo tổng hợp của các sở, ngành liên quan, đến nay các DA trọng điểm của tỉnh về phát triển hạ tầng sử dụng nguồn vốn đầu tư công đã và chuẩn bị được khởi công đều cơ bản bảo đảm tiến độ theo yêu cầu. Kể cả với những DA phải xây dựng dự toán phức tạp (do cần nhiều loại vật tư, vật liệu đặc thù), giá trị bồi thường GPMB phát sinh thêm gần 70 tỷ đồng như DA Xây dựng sân vận động Thái Nguyên; hoặc DA phải điều chỉnh, phát sinh thêm 1 gói thầu như Đ.T 261…
Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của các cấp, ngành, chủ đầu tư cũng như các nhà thầu trong bối cảnh đợt cao điểm của dịch COVID-19 qua chưa lâu, đặc biệt là khi giá xăng, dầu và nhiều loại nguyên vật liệu thiết yếu tăng cao, nguồn vốn bố trí cho các DA không phải lúc nào cũng sẵn sàng.
Cùng với đó, việc thu hút và triển khai các DA sử dụng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh cũng cho thấy nhiều khởi sắc trong bối cảnh nền kinh tế cả nước vẫn còn những khó khăn chung. Có thể kể đến như DA Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc, DA Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình, DA Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế tại TP. Phổ Yên, các DA phát triển hạ tầng công nghiệp như: Cụm công nghiệp Tân Phú 1, Tân Phú 2 (TP. Phổ Yên), Lương Sơn (TP. Sông Công), Hạnh Phúc - Xuân Phương (Phú Bình), Yên Lạc (Phú Lương)… Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thái Nguyên.
Nhiều chuyên gia nhận định Thái Nguyên đang đi đúng hướng khi tiếp tục tập trung phát huy tiềm năng về công nghiệp (tăng cường thu hút các DA lớn, sử dụng công nghệ cao), du lịch - dịch vụ, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính và đặc biệt là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, từng bước phát triển hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Một Thái Nguyên năng động đang hội tụ đủ tâm thế và tiềm lực để hoàn thành các mục tiêu lớn, tạo thêm những bước đột phá trong ngắn hạn và dài hạn…
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024