Gặp Tổng biên tập đầu tiên của báo Thái Nguyên

Thứ năm - 24/11/2022 14:57   Đã xem: 868   Phản hồi: 0

Năm nay đã bước sang tuổi 96 xưa nay hiếm song ông Lê Chỉnh (Nguyễn Đình Thông) - Tổng Biên tập đầu tiên của báo Thái Nguyên (1962-1971) vẫn đi lại nhanh nhẹn và đặc biệt trí nhớ còn minh mẫn. Rót nước mời tôi, ông mở đầu câu chuyện: Tôi đang ở đây cùng gia đình cậu con trai thứ hai, xung quanh đều là nhà các con cháu. Nhà này được xây trên khu đất lấp hố bom trong đợt đế quốc Mỹ thả xuống cầu Gia Bảy vào tháng Mười lịch sử năm 1965. Chắc cô nhà báo cũng nghe kể về trận bom ác liệt này rồi…

 
nhà báo Lê Chỉnh (1)

 Nhà Báo Lê Chỉnh Tổng Biên tập đầu tiên của báo Thái Nguyên
 
Căn nhà nhỏ xinh, giản dị số 87 ông Chỉnh nhắc tới nằm trong ngõ cạnh Nhà hát ca múa dân gian Việt Bắc thuộc tổ dân phố 11, phường Hoàng Văn Thụ (TP. Thái Nguyên). Những ngày đầu tháng Tám, đúng dịp kỷ niệm 60 năm ra đời báo Thái Nguyên, tôi đã tới thăm, nghe ông ôn lại những kỷ niệm về nghề làm báo thời kỳ kháng chiến chống Mỹ năm xưa.
Ánh mắt ông dõi xa xăm, giọng ông đều đều trôi về miền ký ức: Năm 1965, tôi khi ấy là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, đi tháp tùng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Hoàng khảo sát thiệt hại người và của do trận bom để lại ở khu vực cầu Gia Bảy. Không may là chúng tôi lại gặp đợt bom Mỹ thả xuống ầm ào dữ dội, đoàn công tác phải nhanh chóng vào hầm trú ẩn. Sau trận bom ấy, tôi đã lấy máy ảnh ghi lại hiện trường, tập hợp số liệu, phỏng vấn nhân chứng và lược ghi ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để viết bài. Tôi và mọi người xót xa lắm khi cây cầu Gia Bảy bị đánh sập, trên 100 người thương vong, nhiều ngôi nhà khu vực đó bị cháy, đổ, 3 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp bị phá hủy. Trong bài viết, tôi cũng trích ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân hãy biến đau thương thành hành động, tạo thành sức mạnh trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Bài viết càng chân thực hơn khi tôi nghe tin ngôi nhà của mình ở gần đó cũng bị bom đánh nát, may là người nhà tôi đã sơ tán cả. Đêm ấy ngồi viết, tôi đã khóc, bản thảo viết lại đến mấy lần vì nước mắt làm nhòe hết chữ. Đó là một trong những kỷ niệm sâu sắc nhất quãng thời gian tôi làm báo.
Trò chuyện với ông tôi được biết, Lê Chỉnh là bí danh khi hoạt động cách mạng, còn tên khai sinh của ông là Nguyễn Đình Thông. Ông sinh năm 1926, tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội). Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng nên ông đã tham gia phong trào Việt Minh từ năm 1945 và đến năm 1947, vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi chưa đầy 21 tuổi, được bầu làm Bí thư Văn phòng Sở Công an khu 12 (gồm các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang). Năm 1949, ông về làm Trưởng Văn phòng rồi Trưởng Ban Chính trị của Công an tỉnh Thái Nguyên.
Sau thời kỳ cải cách ruộng đất, ông được điều chuyển làm Trưởng phòng Thông tin tỉnh, phụ trách tờ Tin Thái Nguyên (tiền thân của tờ báo Thái Nguyên sau này). Lịch sử báo Thái Nguyên còn ghi lại: Sau hơn 4 năm hoạt động (1958-1962), ngày 25-8-1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết “chuyển tờ Tin Thái Nguyên thành tờ báo Thái Nguyên và tổ chức của Báo, Đài Truyền thanh tỉnh”. Khi đó, đồng chí Trần Oanh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách đường lối chung là Chủ nhiệm tờ báo còn ông Lê Chỉnh làm Phó Chủ nhiệm tờ Báo Thái Nguyên kiêm Trưởng Ban Biên tập của Báo và Đài.

 
thẻ nhà báo (1)

 Thẻ nhà báo của Nhà báo Lê Chỉnh
.
Lật mở xem kỹ càng mấy tờ báo Thái Nguyên, ông bảo: Báo bây giờ in và trình bày đẹp quá, bài viết cũng phong phú, đa dạng trên các lĩnh vực. Cầm tờ báo trên tay, tôi lại thấy nhớ những ngày đầu làm số báo đầu tiên.
Giọng ông hào hứng, sôi nổi, đưa tôi trở về quãng thời gian 60 năm trước: Sau khi thành lập, tháng 10-1962, số báo đầu tiên của Báo Thái Nguyên ra đời, được in 2 màu, 4 trang khổ nhỏ (27x39cm- PV), mỗi tuần xuất bản một kỳ. Tên báo trong “Măng séc” bằng cả chữ in hoa và thường, màu đỏ tươi rất đẹp, phần còn lại của tờ báo in mực đen. Các số báo đều tập trung tuyên truyền lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phản ánh khí thế thi đua sôi nổi của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đơn vị, xí nghiệp, công, nông trường và quần chúng nhân dân cũng như nêu những gương điển hình trong lao động, sản xuất.
- Cán bộ, phóng viên ở Tòa soạn khi đó có đông không ông? Điều kiện tác nghiệp trong những năm kháng chiến chắc là rất khó khăn, vất vả ạ?
- Ban đầu Tòa soạn chỉ có 5-7 người, gồm Trưởng Ban biên tập và phóng viên, biên tập viên trước công tác ở một số cơ quan thông tin văn hóa, giáo dục, phụ nữ được điều chuyển sang. Trụ sở báo lúc ấy được Tỉnh ủy giao cho mấy gian nhà nhỏ gần khu vực Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam bây giờ. Cơ sở vật chất của Tòa soạn còn nhiều thiếu thốn, chỉ có một máy đánh chữ và 1-2 chiếc máy ảnh cho các phóng viên tác nghiệp, in bằng bản kẽm tại Nhà máy in Việt Bắc. Số lượng người làm ít nên báo chủ yếu lấy tin tức thông qua việc xây dựng mạng lưới cộng tác viên làm công tác tuyên huấn ở các huyện, thị. Hàng quý, báo đều tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên cách viết tin, bài tuyên truyền.
Năm 1965, Thái Nguyên sáp nhập với Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái, tờ báo Thái Nguyên cũng mang tên Bắc Thái từ đó. Tháng 6-1965, báo Bắc Thái phát hành số đầu tiên sau sáp nhập, từ đó ấn định mỗi tuần ra hai số, 4 trang. Sau sáp nhập, số phóng viên, biên tập viên ở báo tăng lên hơn chục người. Một số phóng viên được giao phụ trách địa bàn ở lại huyện Na Rì, Chợ Đồn, Bạch Thông… viết tin bài gửi bưu điện về. Giai đoạn Mỹ ném bom chống phá miền Bắc dữ dội, trụ sở báo phải sơ tán lên xã Phấn Mễ (Phú Lương) rồi chuyển về xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng (Đồng Hỷ). Anh chị em của tòa soạn vất vả lắm, ngoài giờ tác nghiệp phải tự làm nhà, đào hầm trú ẩn, đi lại đều bằng xe đạp. Một số phóng viên không ngại nguy hiểm xung phong ở lại TP. Thái Nguyên đầy “mưa bom” với tấm phù hiệu “phóng viên chiến đấu”, thường xuyên viết bài, ghi hình phản ánh tinh thần đánh trả quyết liệt máy bay Mỹ của quân dân Bắc Thái.
- Ông ơi, ông có thể chia sẻ những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời làm Tổng Biên tập của ông không ạ?
- Vinh dự với tôi là làm Tổng Biên tập đầu tiên của báo Thái Nguyên và vào tháng 9-1962, tại Đại hội các nhà báo Việt Nam lần thứ 3, tôi được kết nạp vào Hội Nhà báo, trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Tôi còn nhớ, khi làm Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Lê Hoàng có gọi tôi sang và nói: Tôi coi báo các anh là cái miệng của Tỉnh ủy. Sở dĩ tôi ví như vậy vì chúng tôi muốn nói cái gì với nhân dân, với Đảng đều nhờ đến các anh. Còn nhân dân muốn nói gì với Đảng, với cấp ủy thì cũng phải qua các anh. Nhớ lời chỉ đạo của Bí thư, tôi đã cùng anh em trong tòa soạn ngày càng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền của tờ báo. Vậy nên dù mới ra đời nhưng báo Thái Nguyên đã tỏ rõ sự vững vàng của một cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh. Sau khi thành lập được mấy năm, tôi vinh dự được đi báo cáo điển hình là một trong những tờ báo Đảng địa phương có thành tích tuyên truyền tốt do Trung ương tổ chức ở Bãi Cháy, Quảng Ninh. Một dấu mốc tôi không thể quên nữa là năm 1968, tôi được Giám đốc Sở báo chí Trung ương cấp thẻ nhà báo. Đến giờ, tôi vẫn trân trọng và gìn giữ nó như một kỷ vật trong cuộc đời.
Chợt đôi mắt ông dõi nhìn ra xa: Một số anh em cùng công tác với tôi khi đó ở Tòa soạn giờ đều đã về với tiên tổ. Nhưng tôi không quên những cái tên đã gắn bó với mình hồi ấy, đó là phóng viên, biên tập viên Lương Ngọc Giáp, Hoàng Loan, Lường Ước, Văn Giang, Chu Thị Tú, phóng viên chuyên ảnh Nguyễn Tính.
Chỉ tay vào chồng báo dày dặn được sắp gọn gàng ở gần bàn uống nước, ông Chỉnh cười nói: Hằng tháng, Ban biên tập Báo Thái Nguyên đều gửi báo, tôi vẫn đọc để nắm bắt tình hình phát triển của tỉnh nhà cũng như dõi theo sự phát triển của tờ báo khi xưa mình công tác. Thật mừng bởi hình thức và nội dung của tờ báo ngày càng phong phú, hấp dẫn. Mừng hơn là đội ngũ lãnh đạo của báo và anh em phóng viên, biên tập viên hiện nay đều trẻ, khỏe, năng động và có trình độ chuyên môn tốt. So với trước đây, đội ngũ làm báo đã có điều kiện vật chất và trình độ chuyên môn tốt hơn rất nhiều.
Khi chia tay, ông cầm chắc tay tôi nhắn nhủ: Tôi tin tưởng và kỳ vọng, đội ngũ làm báo Thái Nguyên hôm nay sẽ phát huy tốt sức trẻ, năng động, sáng tạo để xây dựng tờ báo Thái Nguyên phát triển hơn nữa. Mong rằng mỗi người làm báo hãy luôn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, giữ cho “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”.

 
trò chuyện với tác giả (1)

 Nhà Báo Lê Chỉnh Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Thái Nguyên trò chuyện với tác giả

Tác giả bài viết: Linh Lan ( Báo Thái Nguyên)

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập590
  • Hôm nay7,501
  • Tháng hiện tại607,007
  • Tổng lượt truy cập28,256,752

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:283 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:518 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:469 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:102 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:105 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây