Tại Liên hoan Phát thanh Toàn quốc lần thứ XVI, năm 2024, các đơn vị đã lựa chọn những đề tài thời sự, hấp dẫn, đầu tư công phu, với điểm nhấn là chuyển đổi số. Hứa hẹn các phần thi sẽ đem đến liên hoan những góc nhìn mới, để lại nhiều ấn tượng trong lòng thính giả.
“Sập bẫy” mạng – một vấn đề không mới nhưng khó ngăn chặn. Mỗi ngày trôi qua lại có thêm nhiều phận đời khốn khổ khi trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo qua mạng. Việc này càng trở nên nhức nhối với người dân miền núi, đồng bào còn hạn chế về kiến thức và khó khăn về kinh tế. Ban Dân tộc (VOV4) Đài TNVN đã chọn câu chuyện của chị Ma Thị Nhì ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang để truyền thông đến mọi người qua phần thi phát thanh trực tiếp.
Nhà báo Thu Hoà, Ban Dân tộc – Đài TNVN cho rằng: "Chúng tôi chọn chủ đề “Sập bẫy mạng ở miền núi vùng cao” là vấn đề đang nhức nhối hiện nay, và qua tác nghiệp tại địa bàn miền núi thì chúng tôi thấy rằng nhiều bà con mất trắng tài sản mà không biết nói với ai để lấy lại số tiền đã mất. Đây là lý do chúng tôi quyết định chọn đề tài này để thực hiện. Chúng tôi đã mất nhiều thời gian để chọn nhân vật vì không phải ai cũng có thể chia sẻ câu chuyện của mình. Rất may khách mời của chúng tôi là 1 người đã lấy lại được số tiền đã mất, và theo kinh nghiệm chị chia sẻ thì sẽ là lời cảnh tỉnh đối với bà con".
Xác định giá trị nhân văn của câu chuyện, với mong muốn lan toả, như là lời cảnh tỉnh đối với người dân, ê kíp thực hiện chương trình đã lên kế hoạch đưa nhân vật từ tỉnh Tuyên Quang về Thanh Hoá tham gia chương trình phát thanh trực tiếp của mình.
"Tôi muốn câu chuyện của tôi đến với khán thính giả có bài học kinh nghiệm, khuyến cáo mọi người để không phải lừa đảo như vậy trên mạng, tin tưởng bọn lừa đảo gửi tiền cho họ", nhà báo Thu Hoà thông tin.
Để có câu chuyện hay, hấp dẫn, các nhóm thi hát thanh trực tiếp đã trăn trở, tìm cho mình góc tiếp cận mới, nhưng phải vận dụng tối đa nền tảng số, truyền thông đa phương tiện. Với chủ đề “ngăn chặn sóng ngầm tà đạo”, ê kíp chương trình thi phát thanh trực tiếp của Đài PTTH tỉnh Thanh Hoá đã tức tốc vượt gần 300km, có mặt tại biên giới huyện Mường Lát – nơi đây từng là điểm nóng của tà đạo.
Tại đây sẽ đặt điểm cầu trực tiếp, bổ trợ cho phần thi trực tiếp tại phòng thu Đài PTTH tỉnh Thanh Hoá bằng những câu chuyện cụ thể, xác thực. Ngoài phát thanh, điểm cầu này sẽ được livestream trực tiếp trên nền tảng số như facebook; fanpage…
BTV Thuỳ Dung - Đài PTTH Thanh Hoá chia sẻ: "Để có thể chuẩn bị tốt cho phần thi trực tiếp thì tôi và êkip chương trình đã có mặt tại huyện biên giới Mường Lát trước đó 1 ngày, chuẩn bị thiết bị lên nội dung và trò chuyện với khách mời để làm sao có phần thi tốt nhất trong liên hoan năm nay. Đây là cơ hội để chúng tôi giao lưu, gặp gỡ với các anh chị em đồng nghiệp trên toàn quốc và hy vọng tác phẩm của chúng tôi sẽ đạt kết quả cao trong kỳ liên hoan lần này".
Lần đầu tiên dự thi ở thể loại phát thanh trực tiếp, Đài PTTH Thái Nguyên khá tự tin khi là đơn vị đầu tiên có mặt tại Thanh Hoá và được đội ngũ kỹ thuật của Đài TNVN, Đài PTTH Thanh Hoá hỗ trợ tích cực.
"Chúng tôi cũng có những lo âu, băn khoăn khi bắt tay thực hiện chương trình này. Nhưng khi đến đây thì chúng tôi thấy rằng các đơn vị thực hiện, ban tổ chức, đơn vị đã hỗ trợ chúng tôi, hướng dẫn chúng tôi text kỹ thuật và có gặp khó khăn nhưng được sự hỗ trợ thì chúng tôi tự tin"-nhà báo Nông Thị Thu Thuỷ, Trưởng phòng Phát thanh- Đài PTTH tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Ông Huỳnh Thăng Long, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình – Đài TNVN cho biết, với số lượng 37 đoàn thi trực tiếp, phần lớn các bài thi thực hiện livestream trực tiếp trên nền tảng số, vì vậy những cán bộ kỹ thuật nhiều ngày qua đã ngày đêm làm việc, lắp đặt thiết bị, đảm bảo cho an toàn làn sóng. Các kỹ thuật viên luôn là những người “đến trước, về sau” – thầm lặng sau cánh sóng, để làm nên thành công của các phần thi nói riêng và Liên hoan phát thanh toàn quốc nói chung.
"Để thành công được trong LHPT thì khâu kỹ thuật rất quan trọng, do đó đơn vị lên kế hoạch và đã di chuyển vào Thanh Hoá sớm để lắp đặt khối lượng thiết bị lớn – khoảng 300 thiết bị, bao gồm âm thanh, thiết bị hình ảnh và hệ thống cáp tín hiệu, phục vụ cho khâu kỹ thuật. Đội ngũ kỹ thuật anh em đã thực hiện nhiều chương trình phát thanh trực tiếp của Đài nhưng ngày hội LHPT là rất quan trọng, anh em ý thức được trách nhiệm và tự hào đối với chúng tôi, để phục vụ tốt để thành công và truyền tải được các nội dung biên tập, chúng tôi nghĩ vất vả đó đổi lại được thành công cho các đơn vị cũng là tự hào của anh em", ông Long cho biết.
Dự kiến phần thi phát thanh trực tiếp sẽ diễn ra trong 4 ngày 8-11/7, các bài thi sẽ được phát sóng trực tiếp, livestreams trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện.
Nguồn tin: vov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024