“Nghĩ đột phá cho format báo chí” – sách khích lệ nỗ lực sáng tạo

Thứ hai - 21/02/2022 13:00   Đã xem: 941   Phản hồi: 0

Sách về báo chí truyền thông ở Việt Nam hiện được xuất bản tương đối nhiều, nhưng thường hoặc là đi theo hướng lý luận thuần túy hoặc là chỉ hướng dẫn kỹ năng tác nghiệp. Nhưng giờ đây lần đầu tiên có một cuốn sách được viết theo một lối tiếp cận khác, với tên gọi “Nghĩ đột phá cho format báo chí” - bàn riêng về ý tưởng sáng tạo và thiết kế các chương trình, chuyên mục báo chí.

(Cuốn sách “Nghĩ đột phá cho format báo chí” của Vũ Quang Hào được Nhà xuất bản Thông tấn ấn hành tháng 11 năm 2020.)
 
“Nghĩ đột phá cho format báo chí” hội tụ bởi nhiều cơ hội được học tập, thụ hưởng và chắt lọc những lý thuyết mới từ báo chí thế giới, cũng như từ thực tiễn nghề báo ở Việt Nam của chính tác giả.
 “Lời nói đầu” của cuốn sách “Đây là kết quả của những chuyến đi với nghề báo: đi làm, đi dạy, đi học, đi thảo luận, đi thăm thú. Niềm vui và nỗi nhọc nhằn của mỗi chuyến đi nơi Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh thành khắp cả nước hoặc những chốn xa xôi hơn đã giúp chúng tôi nhận thấy rõ hơn bà con đang cần/muốn/thích xem/nghe/đọc cái gì và cái đó nên được trình diễn trên báo chí như thế nào.” như một minh chứng cho tính khoa học gắn liền với thực tiễnvề cả lý luận báo chí lẫn kỹ năng tác nghiệp.
Được trải nghiệm thực tế giảng dạy và quá trình tư vấn, làm việc với nhiều cơ quan báo chí ở trung ương và địa phương trong suốt 30 năm, tác giả Vũ Quang Hào đã có nhiều ý tưởng sáng tạo và theo đó là nhiều thiết kế sản phẩm mới cho cả bốn loại hình báo chí: truyền hình, phát thanh, báo in, báo điện tử. Tất cả đều được tác giả thể hiện trong 594 trang của cuốn sách với các điểm sáng nổi bật về nội dung:
Cuốn sách là một sản phẩm thiết kế các loại chương trình, chuyên trang, chuyên mục, các sản phẩm báo chí mới.Ngoài 113 thiết kế format mới cho cả bốn loại hình báo chí, tác giả còn đề cập đến những vấn đề lý luận rất mới thông qua việc đặt ra một số vấn đề thiết thực đối với thực tiễn báo chí Việt Nam.Nhiều vấn đề trong số đó thể hiện sự độc lập trong tư duy, trăn trở tìm tòi và sáng tạo về phát thanh, truyền hình của tác giả:“Các bản tin và chương trình của Ban Thời sự gần đây – nhìn từ rating”, “Một thảo luận về mối liên hệ giữa breaking news và công chúng truyền hình”, “Quản trị rủi ro bản tin thời sự truyền hình sản xuất trên nền tảng kỹ thuật số”; “Một thảo luận về công chúng chuyên biệt của phát thanh dân tộc”, “Đề xuất một tiếp cận cho phát thanh dân tộc”, “Hệ phát thanh và tiêu chí đánh giá chất lượng”, .. Đặc biệt, tác giả đã đề xuất hướng đi mới cho phát thanhvới ý tưởng có tính thực tiễn cao, nhất là phát thanh dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về báo in, cuốn sách này có vấn đề đáng chú ý là tổ chức bài nhiều cửa thông in – một loại bài viết, một kỹ thuật làm báo hiện đại đã được áp dụng nhiều ở Việt Nam những năm gần đây và khắc phục được những điểm yếu của lối viết truyền thống.Đặc biệt, sách này lần đầu tiên bộc lộ một tiếp cận mới về kĩ thuật viết về Con Người, một kĩ thuật có nhiều điểm khác xa với lối viết “kí chân dung” trong truyền thống.
Về báo mạng, cuốn sách đề xuất hai hình mẫu thiết kế, một cho cơ báo in và một cho đài phát thanh truyền hình. Mặc dù là website – trang thông tin điện tử của cơ quan phát thanh – truyền hình nhưng tác giả đã thiết kế nội dung cho nó thực sự như một trang báo điện tử. Đây cũng là quan niệm rất mới của tác giả khi coi trọng trang thông tin điện tử của các Đài phát thanh truyền hình địa phương.
Điều đặc biệt, là các format thiết kế của tác giả đã được nhiều Đài/Báo đón nhận, đặt hàng và cho phép đưa vào sản xuất. Nhiều format vẫn đang được chạy đúng như bản thiết kế gốc hoặc với một vài điều chỉnh nhỏ hay sáng tạo hơn.
Bảng kê chi tiết ở cuối sách về những chuyến đi với nghề báo trong và ngoài nước của tác giả chứng minh những gì viết ra trong sách này là có căn cứ và đáng tin cậy. Dễ nhận thấy lối viết thực chứng, khoa học và tỉ mỉ, tâm huyết vào mỗi ý tưởng sáng tạo, mỗi chương trình, chuyên mục trong cuốn sách. Điều này chứng tỏ tác giả có lối làm việc cẩn trọng,mẫu mực nhưng đột phá đối với công trình của mình.
Với sinh viên và những bạn trẻ say mê nghề làm báo,cuốn sách cung cấp cho họ những nguyên lý cơ bản trong sáng tạo báo chí, trang bị kỹ năng hình thành ý tưởng sáng tạo – kỹ năng đang rất cần phát triển ở người làm báo trẻ tuổi; chuyển ý tưởng thành cấu trúc chương trình và đề cương chuyên trang, chuyên mục có tính khả thi và ứng dụng rất cao, mới mẻ và độc đáo. Trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của báo chí thời đại số, Cuốn sách tiếp thêm ngọn lửa đam mê nghề nghiệp từ cách mở ra cho sinh viên một lối học mới - học kỹ năng làm nghề bằng một lối nghĩ sáng tạo và luôn đổi mới. Đồng thời hướng sinh viên đến cách sản xuất tác phẩm báo chí phù hợp với những xu hướng báo chí hiện đại.
Với những người làm báo,cuốn sách này cũng là một cẩm nang cần thiết gợi mở và chia sẻ với họ cách xây dựng ý tưởng, thiết kế và sáng tạo ý tưởng để cho ra đời những sản phẩm báo chí mới. Cuốn sách cũng là nguồn tài liệu tham khảo bổ ích, thiết thực, gợi mở và hỗ trợ đắc lực cho người làm báo trong quá trình làm nghề.Điều đó giải thích vì sao vừa ra đời, cuốn sách được đông đảo người yêu nghề báođón nhận.
Đặc biệt, cuốn sách cũng có giá trị hữu ích đối với các cơ quan báo chí. Nhu cầu của công chúng đang thay đổi mạnh mẽ và chính sự thay đổi này đã khích lệ các nhà báo, các cơ quan báo chí đầu tư nhiều hơn vào tìm tòi, sáng tạo những cách thể hiện mới. Hiện nay, xu hướng kinh doanh format báo chí là một trong những hình thức kinh doanh đột phá để mang lại giá trị gia tăng cho báo chí. Quan niệm rất mới của tác giả trong cuốn sách đã khích lệ sáng tạo những sản phẩm mới có sức hút đối với công chúng và khép lại những sản phẩm đã lỗi thời hoặc không còn phù hợp với nhu cầu công chúng hiện đại.
Nghĩ đột phá cho format báo chí – một cuốn sách dày dặn được biên soạn thực chứng, công phu,với “độ chín” của một giảng viên có thâm niên sáng tạo trong lĩnh vực báo chí – truyền thông.
Cuốn sách kết thúc rất “lạ”, không phải là kết luận như thường thấy mà là một đề cương môn học có tên “Sáng tạo ý tưởng làm format và chuyên trang, chuyên mục”. Kết luận độc đáo này đã mở ra môn học mới dạy về kỹ năng sáng tạo, kỹ năng hình thành và phát triển ý tưởng thành format –một môn học rất cần thiết không chỉ với sinh viên báo chí mà còn với cả sinh viên các ngành khoa học xã hội nhân văn trong giai đoạn hiện nay.
Nỗ lực sáng tạo của tác giả thể hiện trong cuốn sách này sẽ còn lan tỏa mãi đến những người học làm báo,như lời tác giả nhắn nhủ “Và đặc biệt, chúng tôi trông đợi sinh viên báo chí bước chân vào nghề báo với những đột phá mới cùng những kế thừa quý giá mà lớp lớp các Nhà báo đi trước đã dày công sáng tạo và chắt chiu để lại!”
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này cùng bạn đọc./.
 

Tác giả bài viết: Vi Phương

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập71
  • Hôm nay2,892
  • Tháng hiện tại621,515
  • Tổng lượt truy cập28,271,260

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:287 | lượt tải:70

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:521 | lượt tải:160

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:470 | lượt tải:164

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:102 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:109 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây