Làm báo: Nghề suốt đời tự học

Thứ hai - 17/06/2024 09:40   Đã xem: 208   Phản hồi: 0

Khi còn là cộng tác viên, tôi chỉ viết những đề tài bản thân am hiểu và yêu thích, nhưng với vai trò một nhà báo chuyên nghiệp, tôi phải phản ánh mọi lĩnh vực theo kế hoạch tuyên truyền của Toà soạn. Để hoàn thành định mức được giao, tôi đã lao vào tự học nghề …

tác nghiệp
Các nhà báo tác nghiệp tại Thái Nguyên

Làm báo không khó

Làm báo không phải một nghề khó. Tôi đã nghĩ như vậy khi quyết định chuyển công tác từ ngành công an sang văn phòng thường trú của một tờ báo lớn và trở thành một nhà báo chuyên nghiệp vào cuối năm 2004.
Với sở thích đọc và niềm đam mê viết lách, trước đó tôi đã thử sức viết một số đề tài về lĩnh vực văn hoá, gửi cộng tác với các tờ báo của tỉnh và được đăng tải. Trên thực tế, Báo Thái Nguyên luôn có đội ngũ cộng tác viên là những cây bút đang công tác tại nhiều ngành nghề, họ tham gia nhiều cuộc thi của Báo và giành giải cao. Tôi cũng biết nhiều nhà báo chuyên nghiệp rất vững nghề nhưng xuất phát điểm của họ không phải từ môi trường đào tạo báo chí mà là những ngành thuộc khối kỹ thuật, tự nhiên như Bách khoa, Công nghiệp, Sư phạm Toán… 
Thời gian đầu làm báo đối với tôi không quá khó khăn. Khi chuyển công tác, trên cơ sở bậc lương hiện hưởng, tôi được xếp vị trí tương đương phóng viên bậc 4/9. Tuy chưa được tham gia bất cứ lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nào, cũng chưa từng được tập sự trong môi trường báo chí chuyên nghiệp nhưng nhờ chút năng khiếu và sự ham học hỏi nên tôi vẫn hoàn thành khá tốt định mức tin bài.  
Cho đến nay, sau gần 20 năm theo nghề báo, tôi vẫn giữ thói quen đọc báo mỗi ngày, không chỉ với mục đích giải trí, làm giàu vốn tri thức mà còn để học nghề, nắm bắt “gu” của mỗi tờ báo để khi viết bài cộng tác sẽ dùng ngôn ngữ, văn phong cho phù hợp ... Với mỗi sự kiện thời sự, đặc biệt là những sự kiện lớn của tỉnh, tôi đọc kỹ cách đưa tin của từng báo, tìm học những cách khai thác độc đáo, thông tin hấp dẫn, cũng tìm ra những lỗi của đồng nghiệp để bản thân không lặp lại, 
Nếu yêu thích việc viết báo, khi gặp được đề tài hay, tác giả sẽ dễ dàng sáng tạo một tác phẩm báo chí hấp dẫn. Tuy nhiên, nghề viết nói chung, trong đó có viết báo, rất cần sự mới mẻ, sáng tạo. Khó nhất là làm sao để không bị lặp lại, mỗi tác phẩm không phải là bản sao những bài báo của đồng nghiệp và của chính bản thân mình. 

Làm báo chuyên nghiệp: Nghề học suốt đời

Làm báo không hề dễ! Tôi sớm nhận thức điều đó khi bắt tay vào thực hiện nhiều mảng đề tài thuộc các lĩnh vực khác nhau tại nhiều tỉnh, trong đó có những bài phỏng vấn lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành hoặc những bài điều tra buộc phải phỏng vấn cơ quan chức năng. 
Không chỉ riêng thể loại phỏng vấn, để đáp ứng yêu cầu cơ bản của một tác phẩm báo chí đã được khái quát bằng công thức 6W + 1 H (1. Who? Ai có mặt hoặc liên quan đến sự kiện đó? 2. When?  Sự kiện đó xảy ra khi nào? 3. Where? Sự kiện đó xảy ra ở đâu? 4. What? Sự kiện đó là gì? 5. Which?  Những tình tiết cụ thể nào liên quan đến sự kiện đó? 6. Why? Nguyên nhân xảy ra  sự kiện là gì? 7. How? Toàn bộ diễn biến của sự kiện như thế nào?) cũng hoàn toàn không đơn giản. 
Trước hết tôi giành nhiều thời gian để đọc bộ sách về nghiệp vụ báo chí, nghiên cứu nắm vững khái niệm, yêu cầu của từng thể loại cùng kỹ năng tác nghiệp. Bên cạnh đó, tôi nghiên cứu tài liệu của các lĩnh vực được phân công như các báo cáo, đề án của các ngành, các địa phương, đọc những bài báo về đề tài liên quan. Thói quen sưu tầm, nghiên cứu tư liệu được tôi luôn duy trì, cho đến nay để viết bài báo khoảng 1.000 chữ, tôi mất từ 8-10 giờ đọc tài liệu, vừa để hiểu hơn vấn đề sẽ viết vừa tránh lặp lại những bài báo của các tác giả khác.
Muốn thu thập được thông tin hay, chất lượng, bắt buộc nhà báo phải có “nghệ thuật hỏi”, điều này phụ thuộc vào sự hiểu biết về chuyên môn và thực tế của nhà báo. Nhờ rèn luyện cho mình có phông văn hóa phong phú, hiểu biết nhiều lĩnh vực, nhà báo sẽ hỏi đúng, hỏi trúng, hỏi sâu, tạo sự hứng khởi cho người trả lời, thông qua đó, tìm ra chi tiết mới mẻ, hấp dẫn cho tác phẩm, đáp ứng sự quan tâm của độc giả, công chúng. 
Đặc trưng của báo chí là tính thời sự, phản ánh nhanh nhất, kịp thời nhất những đề dư luận đang quan tâm, vì thế bản thân nhà báo cũng luôn phải “thời sự hoá” chính mình. Đây cũng là lý do quan trọng để tôi cũng như những đồng nghiệp làm báo khác luôn phải học hỏi, tự làm mới chính mình. Đơn cử như lĩnh vực tưởng chừng ít thay đổi nhất là sản xuất nông nghiệp, nếu nhà báo không bám sát thực tiễn cuộc sống sẽ dẫn đến thông tin sai lệch, khoa học kỹ thuật phát triển đã thay đổi toàn diện hoạt động sản xuất, từ giống, quy trình sản xuất, mùa vụ gieo trồng… Để đáp ứng thực tiễn, hệ thống văn bản pháp luật cũng luôn được sửa đổi, bổ sung, những chính sách của hôm qua không còn đúng cho hôm nay, nếu nhà báo không kịp “cập nhật” dễ dẫn đến việc tuyên truyền sai, phản tuyên truyền.
Bằng cách hoà mình vào dòng chảy của cuộc sống, với tri thức và kinh nghiệm nghề nghiệp, nhà báo sẽ lọc ra trong vô số sự kiện diễn ra mỗi ngày những vấn đề có thể thực hiện thành tác phẩm báo chí. Đây là lý do khiến người làm báo sử dụng thành thạo mạng xã hội để phục vụ công tác chuyên môn. Nhờ mạng xã hội, tôi phát hiện ra một số đề tài hay, cũng giúp tôi tìm kiếm và kiểm chứng thông tin, liên lạc với các đầu mối tư liệu để thực hiện thu thập thông tin. 
Nhờ sự nỗ lực tự học hỏi, trang bị kiến thức chuyên môn nên dù không được đào tạo nghề báo, tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ phóng viên của một tờ báo lớn, yêu cầu rất khắt khe về chất lượng tác phẩm.
Từ năm 2013, tôi chuyển công tác về Hội Nhà báo tỉnh và có điều kiện được tham dự nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, bản thân được tiếp cận và  nâng cao kỹ năng làm báo hiện đại, đa phương tiện. Được sự quan tâm của Ban Biên tập Báo Thái Nguyên, tôi cũng thường xuyên gửi bài cộng tác và tham dự các giải báo chí do Báo tổ chức. Đây thực sự là những cơ hội quý để các nhà báo cọ sát nghề nghiệp và học hỏi lẫn nhau. 
Năm vừa qua tôi đã mạnh dạn đăng ký cộng tác với nhóm phóng viên Báo Thái Nguyên thực hiện tác phẩm đa phương tiện nhiều kỳ về đề tài nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, tôi được các đồng nghiệp “cầm tay chỉ việc”, thực hành các kỹ năng tác nghiệp trên thiết bị thông minh. Tác phẩm sau đó đã được giải thưởng cuộc thi báo chí Đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống cấp tỉnh, được Hội Nhà báo tỉnh trao giải báo chí chất lượng cao…
Cũng qua những cuộc thi này, tôi ý thức rõ sự thay đổi của việc làm báo trong thời đại công nghệ số. Bản thân tôi cũng như các nhà báo đồng nghiệp ngoài việc có những kỹ năng cần thiết thì còn phải không ngừng học hỏi, tìm tòi để sử dụng thành thạo các trang thiết bị hiện đại, phù hợp xu thế của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, trở thành một phóng viên đa phương tiện, đáp ứng đòi hỏi của báo chí hiện đại.

 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập160
  • Hôm nay26,785
  • Tháng hiện tại370,115
  • Tổng lượt truy cập26,652,527

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:51

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:128

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:137

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:187

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:260

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây