Giọng điệu của các giám đốc điều hành ngành công nghệ trong các phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ những năm gần đây thường được mô tả là đối phó, thậm chí chống đối. Mark Zuckerberg, Jeff Bezos và gần nhất là CEO Shou Zi Chew của TikTok đều đã khiến các nhà lập pháp không hài lòng với cách phản ứng khi công ty của họ bị chỉ trích.
Nhưng vào ngày 16/5 vừa qua, khi Sam Altman, Giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp OpenAI ở San Francisco, điều trần trước các thành viên của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, mọi chuyện rất khác. Bản thân Altman cũng hoàn toàn đồng ý với họ về sự cần thiết phải điều chỉnh công nghệ AI, thứ đang khiến OpenAI và những công ty công nghệ hàng đầu khác như Google và Microsoft chạy đua để phát triển.
Ngay trong phát biểu đầu tiên trước Thượng viện Mỹ, Altman đã kêu gọi các nhà lập pháp điều chỉnh AI. “Tôi nghĩ nếu công nghệ này gặp trục trặc, nó có thể trở nên tồi tệ. Và chúng tôi muốn lên tiếng về điều đó”, CEO của OpenAI nói. “Chúng tôi muốn làm việc với Chính phủ để ngăn chặn điều đó xảy ra”.
Phiên điều trần đã nhấn mạnh sự bất an sâu sắc của các nhà công nghệ và Chính phủ Mỹ về những tác hại tiềm ẩn của AI. Nhưng sự khó chịu đó không ảnh hưởng đến ông Altman, người có một lượng khán giả thân thiện là… các thành viên của tiểu ban.
Altman ra mắt công chúng trên Đồi Capitol khi sự quan tâm đến AI bùng nổ. Những gã khổng lồ công nghệ đã đổ nhiều công sức và hàng tỷ USD vào thứ mà họ gọi là “công nghệ biến đổi”, trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về vai trò của AI trong việc truyền bá thông tin sai lệch, giết chết việc làm và một ngày nào đó sánh kịp trí thông minh của con người.
Sự xuất hiện của Altman, một doanh nhân công nghệ và bỏ học tại Đại học Stanford, 38 tuổi, tại phiên điều trần không chỉ là sự tôn vinh của CEO này với tư cách là nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực AI. Nó còn cho thấy, ngay cả cha đẻ của ứng dụng AI tiên phong nhất hiện nay, ChatGPT, cũng hiểu được sự nguy hiểm từ “con quái vật” mà mình sinh ra.
Trước buổi điều trần ở Thượng viện Mỹ, Altman cũng đã nói về công nghệ của công ty mình trong bữa tối với hàng chục thành viên Hạ viện và gặp riêng một số thượng nghị sĩ. Trong các cuộc gặp đó, CEO trẻ tuổi này đều đề xuất một số chế tài để quản lý những gì xảy ra tiếp theo với các hệ thống AI đang phát triển nhanh chóng mặt.
Sự phát triển thần tốc của AI, đặc biệt sau khi ChatGPT ra đời và trở thành ứng dụng gây sốt trên toàn thế giới, khiến công nghệ này trở thành tâm điểm chú ý ở Washington.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 5 cũng đã nói trong một cuộc họp với một nhóm giám đốc điều hành của các công ty AI rằng “những gì các vị đang làm có tiềm năng to lớn và sự nguy hiểm to lớn”. Các nhà lãnh đạo hàng đầu trong Quốc hội Mỹ cũng đã hứa sẽ đưa ra các quy định về AI.
Về phần mình, Altman cho biết công nghệ của công ty ông có thể phá hủy một số công việc nhưng cũng tạo ra những công việc mới và điều quan trọng là “Chính phủ phải tìm ra cách chúng tôi muốn giảm thiểu điều đó”.
Nhắc lại một ý tưởng của Tiến sĩ Marcus, thành viên tiểu ban, Altman đề xuất thành lập một cơ quan cấp giấy phép phát triển các mô hình AI quy mô lớn, các quy định an toàn và các bài kiểm tra mà các mô hình AI phải vượt qua trước khi ra mắt công chúng.
Nhà lãnh đạo công nghệ 38 tuổi cho biết: “Chúng tôi tin rằng lợi ích của các công cụ mà chúng tôi đã triển khai cho đến nay lớn hơn rất nhiều so với rủi ro, nhưng việc đảm bảo an toàn cho chúng là rất quan trọng đối với công việc của chúng tôi”.
Hiện không rõ các nhà lập pháp Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước lời kêu gọi điều chỉnh AI. Hồ sơ theo dõi của Quốc hội Mỹ trông quá khứ về các quy định công nghệ thực ra là không ấn tượng.
Hàng chục dự luật về quyền riêng tư, ngôn luận và an toàn đã thất bại trong thập kỷ qua do sự tranh cãi giữa các đảng phái và sự phản đối gay gắt của các đại gia công nghệ. Vì thế, trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc ban hành các quy định về quyền riêng tư, ngôn luận và bảo vệ trẻ em… thì nước này lại đang chậm chân trong các quy định về AI.
So với Mỹ, nhiều nước và khu vực đã sớm đạt được những bước tiến về quản lý AI. Tại châu Âu, các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) mới đây đang xem xét một dự luật kiếm soát AI, trong đó trọng tâm là các sản phẩm AI tạo sinh (Generative AI), mà ChatGPT là ví dụ.
Dự kiến, Nghị viện châu Âu sẽ thông qua dự luật này vào cuối năm nay bởi sự đồng thuận của cả khối về vấn đề AI đang rất rõ ràng. Thậm chí, có những nước như Italy còn đi trước một bước khi ban hành lệnh cấm ChatGPT vào cuối tháng 3 vừa qua và chỉ tạm thời rút lại sau khi nhận được sự cam về việc minh bạch hóa dữ liệu.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng sớm ban hành các quy định buộc các nhà phát triển AI tuân thủ luật kiểm duyệt của nước này. Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) hồi đầu tháng 4 đã công bố dự thảo “Biện pháp quản lý đối với Dịch vụ trí tuệ nhân tạo sáng tạo”, trong đó yêu cầu các công ty phát triển AI gửi đánh giá an ninh về ứng dụng của mình tới cơ quan quản lý nhà nước trước khi đưa ra công chúng.
Bản thân một số thành viên Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Mỹ cũng thừa nhận Quốc hội Mỹ đã không theo kịp việc ra đời các công nghệ mới trong quá khứ. Chủ tịch Hội đồng Thượng viện Richard Blumenthal, nói: “Mục tiêu của chúng tôi là làm sáng tỏ và quy rõ trách nhiệm với những công nghệ mới đó để tránh một số sai lầm trong quá khứ, khi Quốc hội đã không bắt kịp các mạng xã hội”.
Điều đó có nghĩa rằng các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách các nước cần sớm đưa ra các quy tắc AI để giúp nó trở thành một công cụ tốt cho con người, thay vì nó có thể bị mất kiểm soát, trở thành công cụ của kẻ xấu và gây hại cho xã hội.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam