Tác động của truyền thông xã hội với báo chí Bài 1: Các mạng xã hội đã làm đảo lộn tin tức như thế nào?

Thứ năm - 27/04/2023 15:34   Đã xem: 484   Phản hồi: 0

(CLO) Câu chuyện về sự ảnh hưởng của truyền thông xã hội đối với các mô hình báo chí truyền thống không có gì mới, song cũng chưa bao giờ hết nóng, nhất là khi tác động của các MXH đối với báo chí ngày càng lớn và sâu rộng hơn, thậm chí còn đang làm đảo lộn ngành tin tức trên toàn thế giới.

Khi MXH thống trị truyền thông

Sau nhiều thập kỷ doanh thu bị thu hẹp, ngành truyền thông toàn cầu đã đạt đến đỉnh điểm khủng hoảng, ngày càng sụt giảm, thậm chí khiến không ít tổ chức truyền thông thế giới và cả ở Việt Nam đã phải chấp nhận cam phận sống nương nhờ, trở thành người làm công không lương cho chính các MXH như Facebook, TikTok, Twitter… hay các nền tảng tìm kiếm của Google và Microsoft.
 

bai 1 cac mang xa hoi da lam dao lon tin tuc nhu the nao 205511247

Các MXH nhờ tận dụng cộng nghệ và thuật toán đang áp đảo hoàn toàn ngành báo chí truyền thống. Ảnh minh họa: GI
 

Sự sụp đổ mới nhất của trang tin được xem như hình mẫu thành công trong kỷ nguyên truyền thông kỹ thuật số Buzzfeed News, sau khi hàng trăm nghìn trang báo điện tử và các tờ báo in truyền thống khác trên thế giới cũng đã phải đóng cửa, hẳn đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo cuối cùng đối với thế giới báo chí.

Đến lúc này không có gì phải tranh cãi, các nền tảng MXH và công nghệ là tác nhân chính, dù theo cách trực tiếp hay gián tiếp, đang bóp nghẹt báo chí, không riêng ở một quốc gia, một khu vực nào mà ở quy mô toàn cầu.

Chính người đồng sáng lập và CEO Jonah Peretti của BuzzFeed News đã phải cáy đắng thừa nhận trang tin vừa bị đóng cửa của ông là nạn nhân của thế giới công nghệ và MXH, thậm chí theo cách như một ông chủ vào một ngày nào đó bị kẻ làm thuê hất cẳng ra khỏi ngôi nhà của chính mình.

BuzzFeed News, người tiên phong về tin tức kỹ thuật số đã thúc đẩy sự phát triển ban đầu của các nền tảng như Facebook và Twitter lên tầm cao mới. Trong khi các đối thủ cạnh tranh cảnh giác, thì BuzzFeed đã tin vào các nền tảng này, khai thác các nền tảng để thu hút sự chú ý của độc giả và gặt hái những thành công đáng kinh ngạc.

Nhưng rồi đến lúc, giống như một mỏ dầu cạn kiệt, các nhà xuất bản tin tức không còn có thể khai thác Facebook như nguồn cung cấp lưu lượng truy cập và doanh thu. Peretti thừa nhận rằng ông quá chậm để nhận ra rằng “các nền tảng MXH sẽ không giúp hỗ trợ phát hành hoặc tài chính cho báo chí, ngay cả khi mô hình báo chí đó được xây dựng có mục đích cho mạng xã hội”.

Cũng như Peretti, các trang tin và tổ chức báo chí phải đóng cửa khác khi nhận ra sự thật phũ phàng thì đã quá muộn!

Mặt trái của sự phụ thuộc vào MXH

Mặc dù không có một nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến sự suy giảm của các ngành truyền thông truyền thống, nhưng phần lớn đổ lỗi cho các nền tảng xã hội trực tuyến, những nền tảng mà lợi nhuận về cơ bản vẫn tăng lên ngay cả trong bối cảnh nguồn tài trợ cho báo chí đang héo mòn.

Theo các chuyên gia truyền thông quốc tế, có một mối liên hệ giữa hai xu hướng ngược chiều này. Đó là vì sự kiểm soát của nền tảng xã hội đối với cách chúng ta truy cập thông tin. Có nghĩa, các tổ chức truyền thông tin tức quá phụ thuộc vào MXH và nền tảng công nghệ để phân phối sản phẩm.

Để rồi, Facebook, Google hay TikTok gần như có được “quyền sinh quyền sát” đối với việc phát hành trực tuyến các sản phẩm báo chí (thông qua thuật toán). Từ đó, họ đã sử dụng lợi thế này để thống trị thị trường quảng cáo trực tuyến, giữ phần lợi nhuận lớn nhất cho chính mình!

Sự xâm chiếm của mạng xã hội và nền tảng công nghệ không chỉ cắt đi hầu hết nguồn thu của báo chí, cả trực tuyến lẫn báo in, mà còn lấy đi của họ rất nhiều chất xám. Khi MXH và các nền tảng chia sẻ trở thành mảnh đất màu mỡ, nơi có hàng triệu độc giả túc trực ở đó, thì các nhà báo buộc phải “đổ xô” đến, nhất là trong bối cảnh nhiều tổ chức tin tức buộc phải cắt giảm việc làm, nhuận bút và như đã nói thậm chí phải đóng cửa.
 

bai 1 cac mang xa hoi da lam dao lon tin tuc nhu the nao 205546388

Không thể phủ nhận việc nhiều tổ chức tin tức trên thế giới vẫn đang quá phụ thuộc vào các nền tảng truyền thông và công nghệ xã hội trong việc phát hành tức. Ảnh minh họa: GI
 

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, 94% các nhà báo ở Mỹ cho biết họ sử dụng mạng xã hội một cách chuyên nghiệp. Đồng thời, 2/3 trong số họ cho rằng mạng xã hội có tác động “ở mức độ nào đó” cho đến “rất tiêu cực” đối với công việc của họ.

Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng các cơ quan báo chí trên khắp thế giới đã không lường trước được mức độ ảnh hưởng của mạng xã hội. Bắt đầu với vai trò trung gian giữa các trang báo truyền thông và người dùng, các nền tảng truyền thông xã hội đã nhanh chóng mở rộng vai trò để tạo ra sự tương tác với độc giả. Ngày nay, TikTok, Facebook, Twitter hay Instagram thậm chí còn đang cạnh tranh với các trang tin tức để trở thành điểm truy cập thông tin chính.

Cần sự chung tay và sự đoàn kết

Một trong vô vàn ví dụ về việc các tổ chức tin tức phụ thuộc vào MXH và bị “hất cẳng” rất đau đớn là hãng tin Atlatszo ở Hungary. Ban đầu, họ từng rất hào hứng và lạc quan về sự phát triển của mình khi có tới hàng trăm nghìn người dùng theo dõi trên Facebook.

Nhưng sau đó, thật bất ngờ là mức độ tương tác và phạm vi tiếp cận thực tế của độc giả đối với các bài đăng của họ ngày càng giảm theo thời gian. Điều này phần lớn là do sự thay đổi chính sách vào năm 2018, khi Facebook thông báo rằng thuật toán của họ sẽ ưu tiên “các bài đăng khởi xướng cho các cuộc trò chuyện và tương tác có ý nghĩa” giữa bạn bè và gia đình. Sau đó, các nền tảng khác cũng làm theo.

Atlatszo và nhiều tổ chức tin tức khác lúc đó hẳn đã có cảm giác “bị phản bội”, nhưng chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Theo một thống kê mới nhất, tin tức chỉ còn chiếm 3% nội dung trên các bảng tin của Facebook. Tỷ lệ này ở các MXH khác cũng không khá hơn là bao.

Leticia Duarte, một nhà báo người Brazil và là người quản lý chương trình tại Report for the World, giải thích rằng sau khi đã lấy được độc giả từ báo chí, các thuật toán của các MXH đã được thiết kế lại để phổ biến nội dung “gây xúc động” thông qua các câu chuyện “nhảm nhí”, “giật gân” để thu hút sự tương tác và tạo ra sự lan truyền.

Rất dễ nhận ra, những nội dung kiểu như vậy dễ lôi cuốn người dùng hơn là những bài báo, nhưng qua đó cũng tạo ra những làn sóng thông tin sai lệch, tin giả và tin độc hại lan truyền nhanh chóng ra toàn xã hội.

Như vậy, có thể nói đã đến lúc ngành báo chí và truyền thông cần phải nhìn lại mối quan hệ với các nền tảng công nghệ và MXH, đặc biệt trong không gian kỹ thuật số. Và theo các chuyên gia và xu hướng chính sách ở một số nước, thì một trong những giải pháp là buộc các nền tảng này phải chia sẻ lợi nhuận khi sử dụng thông tin báo chí; đồng thời các chính phủ phải đưa ra những quy tắc nghiêm ngặt khiến các nền tảng công nghệ phải kiểm duyệt tốt nội dung, ngăn chặn thông tin sai lệch và độc hại.

Đây là kịch bản lý tưởng nhưng mang tính dài hạn, đòi hỏi nỗ lực phối hợp từ các chính phủ, các nền tảng, các nhà quảng cáo… và đặc biệt sự đoàn kết của các tổ chức báo chí truyền thống.

Đón đọc Bài 2: Cách các nền tảng công nghệ bóp nghẹt báo chí trên thế giới

Nguồn tin: congluan.vn:

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập402
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm401
  • Hôm nay4,351
  • Tháng hiện tại249,487
  • Tổng lượt truy cập25,766,310

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:47 | lượt tải:24

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:284 | lượt tải:112

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:288 | lượt tải:112

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:749 | lượt tải:174

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:772 | lượt tải:245

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây