Sống để tìm đồng đội

Thứ tư - 26/07/2023 09:53   Đã xem: 324   Phản hồi: 0

“Tôi có em ruột là liệt sĩ Dương Văn Minh hi sinh tại Quảng Trị năm 1972 đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Thế nên tôi rất thông cảm với sự mong mỏi của các gia đình liệt sĩ, khi đón được con, em trở về họ mừng lắm”. Với suy nghĩ ấy, cựu chiến binh Dương Mạnh Việt (Trưởng Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên) luôn gắng sức tìm hài cốt đồng đội để đưa các anh về với người thân.

Ông Dương Mạnh Việt
Ông Dương Mạnh Việt (người đứng hàng trước, thứ sáu từ trái sang) cùng các cựu Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên tưởng nhớ các liệt sĩ tại tượng đài chiến thắng tại thị xã Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn (Lào).

Năm 1969, tròn 19 tuổi, đang là học sinh trường cấp III Đại Từ thì ông Dương Mạnh Việt lên đường nhập ngũ, biên chế về Tiểu đoàn 923, Trung đoàn 766, Bộ Tư lệnh 959. Cuối năm 1969 đơn vị hành quân sang chiến đấu ở Lào, mặt trận chính là tỉnh Sầm Nưa. Chiến đấu giải phóng các cứ điểm cuối cùng của tỉnh này, ông tiếp tục hành quân lên Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng. Cuối tháng 5/1972 ông được về Việt Nam đi học Trường Sĩ quan lục quân (Sơn Tây), học xong  lại tiếp tục trở về đơn vị. Năm 1976 ông ra quân, chuyển ngành về tỉnh Thái Nguyên sinh sống và làm việc. Ông nghỉ hưu năm 1995, hiện vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, giữ chức vụ tại một số hội của huyện Đại Từ.
Từng là một huyền thoại trong chiến đấu với những thành tích vang dội trong đánh đồn, được phong danh hiệu dũng sĩ và được thưởng Huân chương Chiến công, song điều khiến ông tự hào nhất là hành trình đưa đồng đội đã hi sinh về với Tổ quốc, với quê hương. Ông Dương Mạnh Việt kể lại:
Từ tháng 3/1973, sau 10 tháng học tại Trường Sĩ quan lục quân tôi tiếp tục trở lại Lào và được giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội quy tập liệt sĩ tại khu vực Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng. Trong hơn một năm, đội của tôi đã quy tập 2.250 hài cốt liệt sĩ, đồng thời lập hồ sơ ghi chép đầy đủ danh tính, đưa về Nghĩa trang liệt sĩ Anh Sơn (Nghệ An) và Nghĩa trang Bá Thước (Thanh Hóa). Công việc rất vất vả, phải trực tiếp “làm sạch” hài cốt, rồi đi hơn 10km mới đến suối để “tắm rửa” cho đồng đội. Đêm khuya phải thức canh, đợi xe vận chuyển tới đưa hài cốt về nước…
Có một kỷ niệm khiến ông không bao giờ quên khi quy tập 46 hài cốt  đồng đội cùng đại đội chiến đấu, tại hang đá Nậm Păng, khu vực giáp ranh 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Luông Pha Băng. Ông vẫn nghẹn ngào mỗi lần kể lại:
- Khi khai quật mộ, rạch phần vải bọc và nilon ra, Đại đội trưởng thân thương của tôi hiện ra, vẫn khuôn mặt đầy đặn, đôi mắt nhắm nghiền, trán anh dính đầy bụi đất… Tôi vuốt tóc và nói: “Thủ trưởng chịu đau một chút nhé, để em tắm gội cho anh rồi em đưa anh về quê anh! Khi tôi dứt lời, các chiến sỹ đi cùng khóc nấc lên nghẹn ngào, có chiến sỹ không chịu được còn ngất ngay tại chỗ. Lúc ấy, ngay lập tức tôi phải trấn an anh em: Đây là đồng chí Mang, nguyên đại đội trưởng của đơn vị ta. Anh Mang cùng nhiều chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Nhiệm vụ của chúng ta là đưa hài cốt các liệt sỹ về Tổ quốc, ai cũng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ!
Cuối năm 1974, do điều kiện chiến tranh ác liệt, công tác quy tập tạm dừng, đơn vị ông chuyển về mặt trận Tây Nguyên, ông được cấp trên quán triệt rất kỹ, phải tuyệt đối giữ bí mật về hồ sơ liệt sĩ. Năm 1976, ông xuất ngũ và chuyển ngành, bất cứ đi đâu, làm gì, tập hồ sơ luôn được ông cất giữ “bảo mật” cẩn thận, ngay cả vợ con, người thân không ai biết.
Đến tận năm 2006, khi được các đội quy tập của Bộ Chỉ huy quân sự Nghệ An tại Xiêng Khoảng, Bộ Chỉ huy quân sự Thanh Hóa tại Hủa Phăn liên lạc, ông đã cung cấp bản đồ, sơ đồ của nhiều nghĩa trang liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam với trên 1.000 liệt sĩ. Từng tham gia nhiều chiến trường ở Lào, từng chết đi sống lại nhiều lần trong mưa bom bão đạn, tận mắt chứng kiến không biết bao nhiêu đồng đội đã hy sinh cũng tại các trận địa, ông giữ vai trò đặc biệt  quan trọng trong việc xác định vị trí, tọa độ và trực tiếp nhận diện các di vật, đặc điểm của nhiều liệt sĩ. 
 Khi nghỉ hưu, ông cùng một số đồng đội thành lập Đội tình nguyện tìm mộ liệt sĩ hy sinh tại Lào. Cũng từ năm 2006 đến năm nay, ông Việt đã hàng chục lần tình nguyện trực tiếp cùng các đội quy tập, tham gia tiến hành, xác minh thông tin thông báo cho thân nhân về danh tính liệt sĩ theo trích lục hồ sơ và giám định AND, tìm thêm được 164 liệt sĩ. 
- Gần đây tôi không còn khỏe như trước, thình thoảng ốm đau nhưng hễ có đơn vị quy tập nào gọi điện cần tôi có mặt để xác định vị trí hoặc danh tính liệt sĩ là tôi lập tức bỏ lại tất cả để lên đường. Có khi nhờ đồng đội phù hộ, che chở nên mặc dù theo đội quy tập rất vất vả nhưng tôi lại thấy khỏe khoắn hẳn ra - Ông Dương Mạnh Việt tâm sự. 
Những năm gần đây, thể theo nguyện vọng của nhiều đồng đội trong Ban liên lạc Quân tình nguyện và Chuyên gia quân sự Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên, hàng năm ông cũng tổ chức nhiều chuyến về thăm lại chiến trường xưa tại nước bạn Lào, nơi họ đã cống hiến những năm tháng tuổi trẻ đầy ý nghĩa để sống, chiến đấu, lao động… 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập119
  • Hôm nay22,292
  • Tháng hiện tại629,455
  • Tổng lượt truy cập25,176,398

Hình ảnh nổi bật

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:239 | lượt tải:88

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:247 | lượt tải:90

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:719 | lượt tải:163

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:724 | lượt tải:225

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:936 | lượt tải:229

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây