Trang bị bình cứu hỏa trên ô tô: Thừa giấy vẽ voi?

Thứ hai - 18/01/2016 10:07   Đã xem: 751   Phản hồi: 0

Theo Thông tư 57 của Bộ Công an, từ ngày 6/1/2016, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 4 chỗ ngồi trở lên phải trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Trong khi Bộ Công an kiên quyết thực hiện việc trang bị bình chữa cháy trên ô tô thì đại diện các hiệp hội ô tô và nhiều chuyên gia có ý kiến ngược lại. Các chuyên gia cho rằng quy định ô tô bắt buộc phải có bình cứu hỏa phải có lộ trình cụ thể, không thể nóng vội triển khai.


Trên thế giới chưa nhiều nước triển khai

PGS.TS Nguyễn Khắc Trai, nguyên giảng viên Bộ môn ô tô và xe chuyên dụng, ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định trên thế giới cũng chưa nhiều nước có quy định về việc bắt buộc ô tô phải trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy. “Trên thế giới, quy định lắp bình cứu hỏa trên xe ô tô không nhiều, nó tùy thuộc vào các nước chứ không đồng nhất. Có nước triển khai thực hiện nhưng cũng có nước không chú trọng.

Ở Việt Nam, tôi cho rằng nên bố trí, nhất là các đặc điểm sử dụng của người Việt Nam, điều kiện thời tiết, vật liệu sử dụng rồi chất lượng kỹ thuật của nước ta. Chủ trương là đúng còn đưa vào chính sách hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề”, PGS.TS Nguyễn Khắc Trai khẳng định.



Các tài xế cho rằng trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô là không cần thiết.


Là người từng nhiều năm liền gắn bó với ngành ô tô và xe chuyên dụng, PGS.TS Trai cho rằng đối với các xe bus, xe trên 16 chỗ ngồi, xe chở gas, chở dầu hay xe vận tải doanh nghiệp đường dài thì nên có bình cứu hóa trên xe, còn đối với ô tô con, xe du lịch nhỏ thì không cần thiết lắm mà chỉ nên khuyến khích người dân trang bị những dụng cụ hỗ trợ.

Vì sao nhiều người phản đối?

Quy định trang bị bình cứu hỏa trên xe con vấp phải nhiều ý kiến phản đối, lý do chủ yếu là vì chính các tài xế cho rằng điều này là không cần thiết.

Theo ý kiến các hãng sản xuất ô tô, xe dưới chín chỗ ngồi trong thiết kế không có phần vị trí đặt bình cứu hỏa do không gian bên trong xe quá nhỏ, có thể gây nguy hiểm cho hành khách ngồi trong xe. Nếu muốn gắn bình, chủ xe bắt buộc phải đi “độ chế” xe, khá phiền hà và vướng víu.

Trên thế giới, rất ít quốc gia có quy định bắt buộc này, điển hình chỉ có vài nước như Nam Phi, Qatar, Quốc đảo Mauritius, Nigeria… Riêng các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Anh… ngay cả Singapore, Thái Lan nhà nhà sử dụng ô tô đều không bắt buộc xe nhỏ phải có bình cứu hỏa.

Ở Việt Nam, xe cơ giới khi nhập khẩu hay lắp ráp đều được kiểm soát chất lượng chặt chẽ, trong đó có yêu cầu gắt gao về kỹ thuật trong PCCC, sử dụng vật liệu có khả năng chống cháy. Chính vì vậy, tỉ lệ vụ cháy nổ xảy ra trên xe con rất ít so với tổng lượng xe đang lưu hành. Trong năm 2015 xảy ra 123 vụ cháy ô tô trên tổng số 2,6 triệu chiếc lưu hành trên cả nước.
Theo một lãnh đạo Cục Đăng kiểm khuyến cáo, do thiết kế không gian xe bốn chỗ nhỏ hẹp nên khi xảy ra cháy nổ, cách tốt nhất là nhanh chóng thoát ra khỏi xe, tránh xa hiện trường chứ không phải lục tìm bình cứu hỏa.

Thực tế, việc chọn chỗ lắp bình cứu hỏa trên xe con để vừa dễ thao tác khi có sự cố, vừa không cản trở không gian, tầm nhìn, thao tác lái xe, tránh xa tầm tay trẻ em… là rất nan giải. Chưa kể gần đây do thị trường bình cứu hỏa mini hứa hẹn khoản lợi khủng nên đã xuất hiện loại bình giả tràn lan trên thị trường.

Dù mục đích của việc lắp đặt bình cứu hỏa trên xe là để bảo vệ con người, tài sản, song nếu không tính toán kỹ lộ trình áp dụng, quản lý lỏng lẻo thì e rằng sẽ lợi bất cập hại.

Đã cháy thì lo chạy cứu lấy thân!

Trước quyết tâm thực hiện Thông tư 57 của ngành công an, nhiều nhà khoa học và chuyên gia về ô tô tỏ ra không đồng tình.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng Khoa Kỹ thuật Giao thông Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, phân tích: Theo Quy chuẩn 09 của Bộ Giao thông Vận tải, xe 16 chỗ trở xuống không cần thiết phải thiết kế chỗ đặt bình chữa cháy. Với những xe này thì số lượng người ngồi trên xe ít, cửa xe được bố trí thuận lợi, dễ thoát ra ngoài khi có sự cố. Nếu xảy ra cháy thì người trên xe dễ dàng thoát hiểm, nhanh và an toàn hơn là mất thời gian chữa cháy.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng trang bị bình chữa cháy với xe kinh doanh vận tải như xe khách, xe tải là cần thiết nhưng phải là bình chữa cháy lớn. Nếu không may xảy ra sự cố, sẽ kịp ứng cứu để hành khách có thể thoát thân và giảm thiệt hại hàng hóa. Hiện các ô tô chở khách, chở hàng đều trang bị bình chữa cháy loại này. Còn đối với ô tô dưới 9 chỗ thì không cần thiết.

Đây cũng là quan điểm của các nhà sản xuất ô tô với hàng trăm năm nghiên cứu. Họ thiết kế xe dưới 9 chỗ không có nơi đặt bình chữa cháy. Nhiều nước tiên tiến cũng không có quy định như Thông tư 57. “Với những xe 9 chỗ ngồi trở xuống thì mua bình chữa cháy về đặt ở đâu? Tôi cho rằng nếu xảy ra cháy thì tốt nhất nên bỏ chạy cứu lấy mạng. Bình chữa cháy bé như bình gas mini thì làm được gì. Không biết sử dụng có khi còn mang vạ vào thân” – ông Thanh nói.

Trong lúc “tranh tối, tranh sáng”, chưa có qui định cụ thể nào về kỹ thuật thì người có lợi nhất là những người kinh doanh bình chữa cháy. Còn thiệt thòi vẫn là người có ô tô, là dân. Bởi họ “dở đi mắc núi, dở lại  mắc sông”, kiểu gì cũng “chết”. Mua bình thì tốn kém, chưa biết hiệu quả, chẳng may mua phải bình “rởm” thì sao? Không mua thì chẳng may công an “tuýt” thì bị phạt.
Theo khuyến cáo, bình mini chỉ có hiệu quả khi xử lý những đám cháy vừa mới bùng phát hoặc đám cháy nhỏ. Còn đối với các đám cháy lớn, cách tốt nhất là nên tìm sự giúp đỡ của mọi người xung quanh hoặc lực lượng chữa cháy. Các vụ cháy ô tô, xe máy thời gian qua thường là “vô phương cứu chữa” và khi xảy cháy việc đầu tiên của những người trên xe là tìm cách thoát thân. Trong trường hợp chẳng may xảy cháy, nếu không kịp “vớ” bình thì đây còn là hiểm họa gây nổ, nguy hiểm hơn.
Ngoài ra, trong Thông tư của Bộ Công an cũng quy định rõ, các phương tiện PCCC trang bị trên xe được bố trí tại nơi dễ thấy, dễ lấy để sử dụng khi chữa cháy nhưng không ảnh hưởng tới thao tác, tầm nhìn của người lái, an toàn của người đi trên xe. Hầu hết các bình cứu hỏa dành cho ôtô đều có khuyến cáo đặt ở nơi thoáng mát, nhiệt độ không quá 50 – 55 độ C. Thế nhưng, thực hiện được qui định này cũng là một bài toán khó, vì vào những ngày trời nắng nóng, nếu đỗ xe ngoài trời, có khi nhiệt độ lên tới trên 70 độ C, khi ấy nếu xảy ra tình trạng nổ bình chữa cháy, gây thiệt hại về tài sản của người dân thì ai là người chịu trách nhiệm? Hay để bảo đảm an toàn trong những ngày nắng nóng như vậy, khi xuống xe thì … xách theo bình?
Và cũng có thông tin, nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận. Nếu đây là sự thật thì lại là một điểm bất cập nữa của Thông tư, trái với các qui định liên quan đến đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ.
Thiết nghĩ, thay vì bằng chế tài, cơ quan PCCC nên coi đây là một khuyến nghị dành cho các lái xe
Theo http://congluan.vn/
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập126
  • Hôm nay20,264
  • Tháng hiện tại588,368
  • Tổng lượt truy cập27,447,992

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:194 | lượt tải:62

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:419 | lượt tải:143

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:420 | lượt tải:151

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:53 | lượt tải:15

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:52 | lượt tải:17

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây