90 năm công tác tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam - Những đóng góp và mục tiêu hướng tới của ngành Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 15/07/2020 09:04   Đã xem: 602   Phản hồi: 0

Công tác tư tưởng là hoạt động có mục đích của một giai cấp, một chính đảng, nhằm hình thành, phát triển, truyền bá hệ tư tưởng của giai cấp trong quần chúng, thúc đẩy quần chúng đi tới hành động. Công tác tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận cấu thành rất quan trọng trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Ngay sau khi thành lập Đảng (03/02/1930), Đảng ta đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền làm nhiệm vụ là cơ quan tham mưu chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng. Ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng đã cho xuất bản tập tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 01/8” nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế đỏ 1/8 - ngày đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hoà bình, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân,... Từ đó, ngày 01/8 trở thành một mốc son lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động có ý nghĩa trong công tác tuyên giáo của Đảng. Với ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khoá VIII) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày Truyền thống công tác tư tưởng, văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) quyết định lấy ngày 01/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.
Trong lịch sử xây dựng và phát triển, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng: từ Ban Cổ động và Tuyên truyền (1930), Bộ Tuyên truyền (1945); Ban Tuyên truyền và Giáo dục Trung ương (1950); Ban Tuyên huấn Trung ương (1951); Ban Tuyên giáo Trung ương (1959); đến năm 1968 Ban Tuyên giáo Trung ương tách thành hai 2: Ban Tuyên huấn Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương; năm 1980, Ban Văn hóa - Văn nghệ được thành lập và đến năm 1989, Ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương sát nhập với Ban Tuyên huấn Trung ương thành Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; năm 2007, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương sát nhập thành Ban Tuyên giáo Trung ương. Cho dù tên gọi có khác nhau, nhưng về cơ bản thống nhất Ban tuyên giáo là cơ quan tham mưu trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản,  dư luận xã hội, văn hoá văn nghệ, khoa giáo, lí luận chính trị, lịch sử đảng và một số lĩnh vực xã hội khác; đồng thời cũng là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng.
Công tác tuyên truyền, cổ động ở tỉnh Thái Nguyên được hình thành và hoạt động từ rất sớm trong giai đoạn vận động cách mạng, giải phóng dân tộc. Đến tháng 3 năm 1948, Ban Tuyên huấn của tỉnh Thái Nguyên được thành lập, gồm có 3 đồng chí do đồng chí Ngô Nhị Quý - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, làm Trưởng Ban. Đầu năm 1949, Ban Tuyên huấn tách ra thành Ban Tuyên truyền và Ban Huấn học; tháng 4 năm 1951 lại sát nhập thành Ban Tuyên huấn; đến ngày 02/8/1960 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ được thành lập thay cho Ban tuyên huấn. Cùng với sự phát triển chung của tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có bước phát triển và trưởng thành mạnh mẽ. Hiện nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên có 24 cán bộ, công chức; được biên chế thành 4 phòng chức năng: Tổng hợp, Thông tin - Tuyên truyền, Khoa giáo - Văn hóa Văn nghệ, Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng. 
Trên chặng đường 90 năm qua, công tác tuyên giáo luôn phát triển cùng với công tác xây dựng đảng của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh ngày càng trưởng thành, không chỉ tăng nhanh về số lượng, trình độ ngày càng cao, mà còn được tổ chức chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở, với phương tiện và công nghệ ngày càng hiện đại. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh cũng gặp không ít những khó khăn, có nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, ngành Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch công tác tuyên giáo đề ra; không ngừng đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương trong triển khai nhiệm vụ và định hướng, chỉ đạo hoạt động tuyên giáo. Việc học tập, quán triệt, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng và đảm bảo theo kế hoạch. Các nội dung thông tin tuyên truyền mang tính toàn diện, phong phú, kịp thời, góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội ngày càng nâng cao về chất lượng, góp phần định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề phức tạp, nhạy cảm mới phát sinh trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Triển khai lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục lý luận chính trị và lịch sử Đảng tại địa phương, đơn vị đảm bảo kế hoạch đề ra. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử ở các cấp, các ngành được thực hiện nghiêm túc từ khâu khai thác, xử lý tư liệu đến biên soạn, hội thảo, thẩm định và nghiệm thu... 
Cùng với ban tuyên giáo các cấp, các đơn vị khác thuộc Ngành Tuyên giáo của tỉnh, nhất là các cơ quan báo chí đã có nhiều đóng góp vào công tác tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ công tác tuyên giáo được phân công, góp phần nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển của Đảng bộ, nhất là về chính trị - tư tưởng. 

 
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (Ảnh chụp ngày 28/5/2020)

Với những thành tích nổi bật đạt được, trong những năm qua nhiều tập thể và cá nhân của ngành tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở đã được các cấp ghi nhận và khen thưởng về những đóng góp to lớn trong công tác tuyên giáo của Đảng. Từ khi được thành lập năm 1948 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao nên đã vinh dự được Thủ tưởng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và các bộ, ban, ngành, đoàn thể tặng thưởng nhiều cờ thi đua, bằng khen và giấy khen. Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vào năm 2005 và Hạng Nhì năm 2010 và năm 2015 Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đây là những phần thưởng quý báu, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần đối với tập thể Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo của tỉnh Thái Nguyên để tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh cũng còn có những hạn chế nhất định cần sớm được khắc phục, như: Công tác tham mưu cho các cấp ủy còn một số nội dung chất lượng chưa cao; công tác thông tin tuyên truyền có lúc, có nơi còn hình thức, chưa đủ mạnh để giải quyết những vấn đề thực tiễn; một số vấn đề nhạy cảm liên quan đến lĩnh vực khoa giáo - văn hóa văn nghệ ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ để xử lý kiên quyết; chất lượng một số bản thảo lịch sử địa phương chưa cao, có cuốn lịch sử khi thông qua Hội đồng thẩm định cấp tỉnh không đạt phải biên soạn lại; trình độ năng lực của một số ít cán bộ làm công tác tuyên giáo ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, chúng tôi tổng hợp xin đưa ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác tuyên giáo của tỉnh trong thời gian tới như sau:
Một là, tiếp tục đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tuyên giáo. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là bí thư, cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, phải nêu cao trách nhiệm, chủ động làm công tác tư tưởng; nâng cao nhận thức và phát huy những kinh nghiệm để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong đổi mới nội dung, phương thức công tác Tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Hai là, đội ngũ cán bộ ngành tuyên giáo cần phải không ngừng học tập nghiên cứu để nâng cao trình độ, năng lực công tác; phải luôn rèn luyện, tu dưỡng, gương mẫu để thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống; chủ động bám sát, dự báo đúng tình hình; nêu cao cảnh giác và tích cực đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, chống âm mưu diễn biến hoà bình, gây chia rẽ nội bộ; thường xuyên nắm bắt tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, qua đó phát hiện những vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống xã hội để tham mưu cho các cấp ủy Đảng chỉ đạo giải quyết kịp thời. 
Ba là, tích cực, chủ động, sáng tạo tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực của công tác tuyên giáo. Đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội; qua đó, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, góp phần đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bốn là, tiếp tục thực hiện tốt phương châm công tác tuyên giáo hướng về cơ sở, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số; đa dạng hoá các hình thức hoạt động, đảm bảo tính sát thực, phù hợp với từng đối tượng. Quan tâm chỉ đạo, định hướng hoạt động báo chí và thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng.
Năm là, đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về phong trào thi đua yêu nước nhằm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa to lớn của phong trào thi đua yêu nước đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta; tuyên truyền động viên, khích lệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Đại hội Đảng các cấp đề ra; cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
                                                                                               Kiều Hoa

 
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập194
  • Hôm nay28,896
  • Tháng hiện tại94,275
  • Tổng lượt truy cập22,488,278

Hình ảnh nổi bật

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:30

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:80 | lượt tải:27

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:558 | lượt tải:129

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:554 | lượt tải:179

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:731 | lượt tải:182

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây