Cần giải pháp quyết liệt hơn nữa để đưa nền kinh tế đất nước phục hồi và phát triển bền vững

Thứ tư - 01/11/2023 08:44   Đã xem: 293   Phản hồi: 0

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Screenshot 2023 11 01 090105

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp chiều 31/10.


Làm rõ hành vi cấm, thao túng thị trường bất động sản

Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội nghe đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Báo cáo cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung khoản 2 Điều 1 về các trường hợp không áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản, trong đó điểm đ quy định về trường hợp “Tổ chức, cá nhân bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng thuộc quyền sở hữu hợp pháp, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của mình không nhằm mục đích kinh doanh”, do đây là những giao dịch dân sự, không phải là hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư; đồng thời chỉnh lý khoản 1 Điều 3 về khái niệm kinh doanh bất động sản, chỉnh lý Điều 5 để làm rõ các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh…

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay Quốc hội đang thảo luận và thông qua ba luật là Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), đều quy định chung về dự án bất động sản phải xây nhà mới được chuyển nhượng.

Tại kỳ họp trước, quy định này tại ba luật không thống nhất. Do vậy, các đại biểu đề nghị chỉ quy định nội dung này trong một luật, tránh trường hợp không thể sửa độc lập trong một luật khi cần thiết; nội dung quy định về việc cho phép xây nhà ở để kinh doanh chỉ nên quy định trong Luật Nhà ở hoặc Luật Kinh doanh bất động sản là phù hợp, luật khác khi còn áp dụng thì sẽ dẫn chiếu để tránh chồng chéo.

Cũng theo các đại biểu, tại khoản 7 Điều 30, quy định căn cứ theo loại đô thị như dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là chưa có sự so sánh về tốc độ phát triển đô thị ở các địa phương, vì đô thị loại một, có nơi là các tỉnh, có nơi là cấp huyện. Quy định chung một nội dung cho nhiều loại đô thị sẽ xảy ra bất cập, vì phường ở đô thị loại một sẽ khác xa rất nhiều so với xã ở đô thị loại ba. Nhưng quy định chung tất cả các dự án tại đô thị loại ba phải xây dựng nhà ở để bán mà không bắt buộc đối với bất kỳ một dự án nào tại đô thị loại bốn là một bất cập.

Do vậy, các đại biểu đề nghị, đối tượng được quy định trong nội dung này cần thống nhất về một cấp hành chính là cấp xã, phường, thị trấn; đô thị nào cũng cần phát triển các khu dân cư mới, ở các xã, thị trấn thì đối với một khu dân cư mới cần 5 đến 10 năm hoặc lâu hơn để hình thành. Do đó, tùy vào mức độ phát triển đô thị bình quân chung của các đơn vị hành chính cấp xã mà quy định đơn vị hành chính cấp xã nào thuộc đơn vị hành chính cấp huyện nào thì dự án đó phải xây nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê xây dựng tối thiểu bao nhiêu phần trăm và sẽ được quy định cụ thể.

Về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân khi kinh doanh bất động sản, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, quy định đối với cá nhân quy mô nhỏ thì không cần thành lập doanh nghiệp, kinh doanh bất động sản thì cần phải nộp thuế. Quy định này có phần bất cập. Đại biểu băn khoăn như thế nào là kinh doanh quy mô nhỏ? Vì như vậy sẽ dễ phát sinh tiêu cực hoặc trốn thuế. Theo đại biểu, đã là kinh doanh bất động sản thì bắt buộc phải thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp; do đó, đối với trường hợp kinh doanh bất động sản thì cần thành lập hợp tác xã hoặc doanh nghiệp.

Hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán.

Bày tỏ thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật nêu trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, đây là dự án Luật rất quan trọng, có nhiều nội dung liên quan dẫn chiếu với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) và một số luật khác, được cử tri, nhân dân và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rất quan tâm.

Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; đồng thời giúp công tác quản lý nhà nước hiệu lực và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, góp ý về các hành vi bị cấm, các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm quy định rõ về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Bởi thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định thị trường bất động sản, làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo các đại biểu, hành vi thao túng trong thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay, thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá “trên trời” so với thực tế; việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao, người dân thật sự có nhu cầu về nhà ở, bất động sản không thể mua đất và xây dựng nhà ở… nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng.

Tuy nhiên, quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 9 trong dự thảo Luật nêu trên về điều kiện để kinh doanh bất động sản còn chung chung. Để thống nhất với các quy định của Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, đồng thời bảo đảm đầy đủ điều kiện, tránh trường hợp bỏ sót nhiều tổ chức không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia kinh doanh bất động sản. Do vậy, cần quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản trong dự án Luật này và có quy định để loại trừ.

Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp đối với 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu trong năm 2023

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021-2025; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đề cập vấn đề nêu trên, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng: Năm 2023, mặc dù đã chủ động dự báo nhưng tác động tiêu cực của kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới nước ta. Vượt lên khó khăn, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, một số thành tích nổi bật như: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát; thu ngân sách có khả năng vượt mục tiêu đề ra… Đối ngoại tiếp tục có kết quả tốt, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn, thách thức như ba động lực tăng trưởng đó là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu vẫn trong tình trạng phát triển chậm; áp lực giải ngân vốn đầu tư công chậm…; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống nhân dân. Do vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ cần quan tâm cải thiện, tăng năng suất lao động, đó là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững; đồng thời, cần có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức. Ba động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá, chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiến độ giải ngân của các chương trình mục tiêu quốc gia, tiến độ, lập triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia dù có nhiều cố gắng, đạt được kết quả tích cực nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đại biểu đề nghị, đầu tư công cần “bung” ra mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế. Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp quyết liệt hơn nữa tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Đầu tư công cần “bung” ra mạnh mẽ hơn nữa, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng tổng cầu của nền kinh tế.

Nhằm phản ánh thực trạng tình hình góp phần xây dựng hoàn thiện đồng bộ, toàn diện hơn về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) đề nghị, Chính phủ chỉ đạo đánh giá kỹ hơn, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đề ra giải pháp phù hợp đối với 5 chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu trong năm 2023, nhất là chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội ba năm liên tiếp không đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay, đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) kiến nghị Chính phủ cần đánh giá lại tổng thể phân bổ nguồn lực và các điều kiện bảo đảm cho chính quyền địa phương, trong đó xem xét việc phân bổ biên chế hành chính và ngân sách nhà nước phù hợp hơn với những việc được phân cấp và với từng loại hình chính quyền địa phương để báo cáo Quốc hội, kiến nghị Trung ương quyết định vấn đề này một cách hợp lý hơn. Có đại biểu cho rằng, trong ba năm vừa qua, chúng ta đều chưa hoàn thành chỉ tiêu về năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thật sự là động lực, đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường…

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề này; đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động. Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề; nghị quyết chuyên đề thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, nâng cao năng suất lao động ■
 

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công. Đồng thời, xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999), nhằm theo kịp xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

Đại biểu PHẠM TRỌNG NGHĨA (Lạng Sơn)

Cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) nhằm bảo đảm đồng bộ thống nhất với các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan đến các quy định như: quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở; quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu NGUYỄN ĐẠI THẮNG (Hưng Yên)

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) là luật rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, phát triển thị trường bất động sản, liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức. Do đó, các quy định của Luật cần bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, phải đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Đại biểu NGUYỄN MẠNH CƯỜNG (Quảng Bình)

5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế, điều này phản ánh tình hình “sức khỏe” của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, khó khăn thách thức trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024. Do vậy đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu TRẦN CHÍ CƯỜNG (Đà Nẵng)

Nguồn tin: Theo nhandan.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập67
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm66
  • Hôm nay1,475
  • Tháng hiện tại569,579
  • Tổng lượt truy cập27,429,203

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:189 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:412 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:415 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:47 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:48 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây