Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư - 22/11/2023 08:52   Đã xem: 281   Phản hồi: 0

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, hôm qua 21/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.

 
 
12324

Chủ tịch Quốc hội Vương Ðình Huệ và các đại biểu tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)


Nỗ lực kéo giảm tình hình tội phạm

Thảo luận tại hội trường, phần lớn đại biểu nhất trí với các báo cáo nêu trên, đồng tình cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn trên các lĩnh vực, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, doanh nghiệp, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Lợi dụng tình hình, các đối tượng tội phạm nổi lên hoạt động, làm phức tạp thêm.

Theo các đại biểu Hoàng Quốc Khánh (Lai Châu), Phạm Ðình Thanh (Kon Tum), nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, ngoài yếu tố chủ quan bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 khiến đời sống gặp nhiều khó khăn, có thể kể đến nhiều bất cập tồn tại như: công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, hiệu quả còn thấp; khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế…

Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp) nêu rõ: có loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình lại tăng; thậm chí, xuất hiện loại tội phạm mới như bắt cóc trẻ em để đòi tiền chuộc, tội phạm đăng kiểm, đào tạo, sát hạch lái xe, vận chuyển hàng cấm, ma túy qua đường hàng không… Cùng với đó, có thể kể đến những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, liên quan cuộc sống, sinh hoạt, tâm lý, tình cảm của cử tri cả nước như vụ việc Vạn Thịnh Phát vừa qua.

Tội phạm và vi phạm pháp luật tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản, nhất là tội phạm xâm hại trẻ em, bạo lực học đường. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là bởi công tác bảo vệ người chưa thành niên thời gian qua còn nhiều bất cập; pháp luật về tư pháp với người chưa thành niên còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, mâu thuẫn; các biện pháp xử lý còn chưa nghiêm, thiếu tập trung do được quy định rải rác ở nhiều đạo luật khác nhau. Do đó, cần sớm nghiên cứu, xây dựng, ban hành một đạo luật riêng quy định toàn diện, đầy đủ các vấn đề đối với người chưa thành niên.

Ðại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) và một số đại biểu khác bày tỏ lo ngại về hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là tình trạng tham nhũng vặt, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân, tham nhũng trong chính một bộ phận những cán bộ có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… thời gian qua. Các đại biểu cho rằng, cần nhanh chóng tiến hành áp dụng những giải pháp phát huy vai trò người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng; đồng thời, đưa ra cơ chế, chế tài bảo đảm việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực thực tế; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng.

Yêu cầu khác là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Ngoài ra, trong quá trình xử lý vi phạm, cần chú trọng xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu bằng biện pháp nghiêm minh; ngược lại, những trường hợp vi phạm do thực hiện theo chỉ đạo thì nên xem xét chính sách khoan hồng.

Liên quan Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, có ý kiến đại biểu đề cập đến tình trạng người dân nộp đơn khởi kiện tại tòa nhưng từ chối hòa giải, đối thoại còn phổ biến ở nhiều nơi, với bằng chứng là số đơn từ chối hòa giải, đối thoại còn nhiều. Ðể Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án thật sự phát huy hiệu quả thực tiễn, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến lợi ích, tính ưu việt của Luật, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại tại tòa án khi có tranh chấp. Cụ thể hơn, cần đầu tư đầy đủ trang thiết bị, nhất là phòng đối thoại, hòa giải trực tiếp đúng quy định, đồng thời dần xây dựng các loại hình đối thoại, hòa giải trực tuyến.

Theo các báo cáo, trong năm 2023, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại. Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.

Trong bối cảnh đó, ngành Kiểm sát nhân dân đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới hơn 98 nghìn vụ án hình sự (tăng 20,4% so với năm 2022). Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, ngành Tòa án đã giải quyết, xét xử 87,04% số vụ việc thụ lý, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao...

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ảnh 1

                                       

  Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo công tác của tòa án nhân dân năm 2023 tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)


Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đủ mạnh

Tại phiên họp, Bộ trưởng Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất phức tạp, tác động sâu sắc đến tình hình trong nước, cùng với những khó khăn tích tụ trong đại dịch Covid-19 đã làm cho các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật nhiều hơn so với các năm trước.

Theo Bộ trưởng, với khối lượng công việc, các cơ quan chức năng phải giải quyết trong năm 2023 rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội thì việc còn hạn chế là điều khó tránh khỏi. Nguyên nhân trước hết thuộc về chủ quan của các cơ quan chức năng như vấn đề triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; các vi phạm trong điều tra, xử lý tội phạm; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng; về tinh thần, trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, cá biệt có những trường hợp sai phạm, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, có vướng mắc về pháp luật, cơ chế chính sách, khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ. Có những vấn đề bất cập tồn tại có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cần thời gian. Do đó, Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động, ngành Tòa án sẽ triển khai tốt các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử; phối hợp chặt chẽ các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Tiếp thu các ý kiến, góp ý và các đề xuất, kiến nghị đối với ngành Kiểm sát trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định: Những việc làm được ngành sẽ tiếp tục phát huy, những mặt hạn chế được quan tâm đầu tư để có những đổi mới, cải tiến góp phần ngày càng đáp ứng được yêu cầu cũng như mong muốn của đại biểu Quốc hội và cử tri. Việc quan tâm, coi trọng và tập trung cho công tác phòng ngừa để có thể chủ động ngăn chặn kịp thời là một trong những giải pháp hiệu quả ngăn chặn tội phạm từ gốc. “Công tác phòng ngừa liên quan cả công tác xây dựng pháp luật, cả việc hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội cùng phải tham gia đồng bộ. Song, ngành Kiểm sát chủ động đã nghiên cứu về những giải pháp, kiến nghị để tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa trong thời gian tới”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.

Giải trình trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Ðoàn Hồng Phong cho biết sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, không thể tham nhũng; đồng thời triển khai tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Ban Bí thư về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành tăng cường chỉ đạo khắc phục những hạn chế tồn tại, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thanh tra; cùng với các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ trong việc chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để xử lý theo quy định pháp luật.
 

Hiện nay, trụ sở nhiều tòa án cấp huyện đang xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí thiếu cả phòng xét xử và phòng hòa giải, đối thoại. Cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này để tăng cường hiệu quả công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án cả về hình thức trực tiếp và tiến tới trực tuyến. Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành cần phân bổ cấp kinh phí phù hợp trong thời gian tới cho hệ thống tòa án cấp huyện.

Ðại biểu PHAN THỊ NGUYỆT THU (Hà Tĩnh)

Những năm gần đây, dù công tác tuyên truyền, giáo dục được đẩy mạnh, nhưng tình trạng học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn ở mức cao. Vì thế, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần xem xét nghiên cứu, ban hành quy định về việc đào tạo, sát hạch với các trường hợp sử dụng xe, phương tiện gắn máy với dung tích dưới 50 cm3 để tăng cường hiệu quả bảo đảm an toàn giao thông trong toàn dân.

Ðại biểu LÝ THỊ LAN (Hà Giang)

Ðấu tranh với tội phạm tham nhũng ngay trong hoạt động tư pháp đang là vấn đề được Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội rất quan tâm. Trong báo cáo có nêu số liệu vụ án, số bị can là công chức ngành Kiểm sát vi phạm pháp luật, nhưng ở các ngành Công an, Tòa án chưa có số liệu về nội dung này; đề nghị cần có báo cáo bổ sung rõ hơn nội dung này với Quốc hội.

Ðại biểu ÐỖ NGỌC THỊNH (Khánh Hòa)

Theo Ðiều 30 Luật An ninh mạng, chúng ta đã có lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Lực lượng này cần thường xuyên rà soát môi trường thông tin trên mạng xã hội để nhắc nhở, cảnh cáo, có sự can thiệp phù hợp, để kịp thời xử lý. Có thể xem xét sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp bước phát triển mới của môi trường mạng xã hội cũng như sự biến tướng của các loại hình tội phạm trên môi trường này.

Ðại biểu NGUYỄN ANH TRÍ (Hà Nội)

Nguồn tin: Theo NDĐT:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập158
  • Hôm nay38,842
  • Tháng hiện tại382,172
  • Tổng lượt truy cập26,664,584

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây