"Giãn cách xã hội" sự lựa chọn thời đại dịch

Thứ sáu - 03/04/2020 15:50   Đã xem: 941   Phản hồi: 0

Khi việc tìm ra thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa Covid-19 vẫn nằm ở thể chờ, thì “Giãn cách xã hội (social distancing)” được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là yếu tố quyết định để hạn chế sự lây lan của dịch. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện lựa chọn và thực hiện “Giãn cách xã hội” vẫn là câu chuyện đầy mầu sắc tại nhiều quốc gia.

Có lẽ phải mất tới rất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ sau này, những người dân ở đất nước hình chiếc ủng mới có thể nguôi ngoai bớt phần nào nỗi đau gây nên cho họ, cho đất nước họ bởi những ngày chìm trong đại dịch Covid-19. Ngày 29/1/2020, Italia phát hiện và cô lập các trường hợp nhiễm corona virus đầu tiên. Tuy nhiên, sự kiện này không hề làm giới chức cũng như người dân Italia lo lắng. Thậm chí, họ còn hé lộ cho thế giới biết họ có trong tay hệ thống phòng ngừa an toàn nhất châu Âu và tự tin hết sức rằng Italia sẽ là “pháo đài” mà Covid-19 không thể nào tấn công. Nhưng họ đã rất lầm, rất sai lầm. Nước Ý đã thất thủ trong chóng vánh. Chỉ đến ngày 20/3, Italia đã chạm “cột mốc buồn” khi số ca tử vong tại Ý đã tăng hơn 486 lần, vượt qua Trung Quốc trở thành nước có số người chết vì Covid-19 nhiều nhất thế giới trong khi số ca nhiễm chỉ bằng một nửa. Trung bình cứ khoảng 13 phút có 1 người chết vì Covid-19 ở Ý. Những chiếc xe chở đầy ắp quan tài, những cái chết không kịp tổ chức tang lễ, các nhà xác, nhà hỏa thiêu hoạt động hết công suất, hệ thống y tế từng được WHO xếp hạng tốt thứ 2 toàn cầu đã đến bên bờ vực sụp đổ vì quá tải… là cái giá quá đắt mà nước Ý đã phải trả cho sự chủ quan quá mức của mình.

Sự thất thủ của Châu âu và "kỷ lục buồn của nước Mỹ"

Cũng lúc này, châu Âu cũng rơi vào tình trạng “thất thủ” và vỡ trận trong cuộc đối đầu với Covid-19, thê thảm không kém gì nước Ý. Số ca nhiễm bệnh, tử vong lan nhanh một cách không thể kiểm soát. Tính đến ngày 20/3, trong danh sách 10 quốc gia ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 nhiều nhất thế giới, thì chiếm tới 2/3 là các quốc gia châu Âu: Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Thụy Sĩ, Anh. Số ca tử vong tới ngày 27/3 đã vượt qua mốc 15.000 ca trở thành châu lục có nhiều người tử vong vì Covid-19 nhất thế giới. Một điều lạ là nước Mỹ năng động dường rất chậm chễ trong việc rút cho mình điều gì đó từ từ nỗi đau của người Ý, từ sự thất thủ “nhanh như chớp” của châu Âu. Thế nên, nước Mỹ rộng lớn và dân cư đông đúc cũng thất thủ chóng vánh không kém. Ngày 29/2, nước Mỹ mới chỉ ghi nhận 67 ca nhiễm. Nhưng chỉ một tháng sau, đến ngày 29/3, tổng số ca nhiễm tại Mỹ đã là 120.529 ca, số ca tử vong lên tới 2.008 ca. Không hề mong muốn, không hề chờ đợi, nước Mỹ đã bất ngờ vượt qua Trung Quốc và Ý, trở thành trung tâm của đại dịch Covid-19. Một “kỷ lục buồn” mà có lẽ không một người Mỹ nào muốn… quảng bá.

"Thích nghi với thời chiến" hay sự quyết liệt của Việt Nam

Từ “nỗi đau thế kỷ” của mình, nước Ý chợt nhớ tới “khả năng chống dịch thần kỳ” của một thị trấn nhỏ thuộc vùng Veneto, nơi được cho là đã khống chế sự gia tăng của các ca bệnh một cách cực kì hiệu quả. Từ sự thất thủ của mình, châu Âu bảo thủ không thể không đặt cho mình một câu hỏi: Vũ Hán đã đi qua những ngày những ngày dịch bệnh bằng cách nào? Tại sao một châu lục nằm cách xa tâm dịch Vũ Hán đến cả ngàn km, sở hữu hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ưu việt lại có tốc độ lây nhiễm nhanh và số lượng ca tử vong cao khủng khiếp đến vậy? Các quan chức, chuyên gia y tế Mỹ đều thừa nhận việc chính quyền Mỹ chần chừ, thiếu mạnh tay trong việc thực hiện “giãn cách xã hội” cũng như người dân phớt lờ về quy định này được xem là nguyên nhân cốt yếu. Mật độ dân số quá cao của các thành phố, như New York với khoảng 28.000 dân/2,5km2, San Francisco 17.000 dân/2,5km2… những chuyến tàu điện ngầm động nghẹt, những quảng trường đi bộ chen kín người… đã là khoảng không gian lý tưởng cho virus corona lây lan, phát tán với tốc độ tên lửa. Các câu hỏi, các sự nghiền ngẫm, suy tư của nước Ý, của châu Âu, của nước Mỹ không hoàn toàn giống nhau, nhưng lời đáp cho những câu hỏi, những suy tư ấy rốt cuộc lại tựu về chung một khái niệm đã, đang được nhắc đến rất nhiều những ngày này: giãn cách xã hội. Giá như Mỹ và châu Âu đánh giá đúng mức hơn về khả năng lan truyền của Covid-19, giá như họ quyết liệt hơn trong câu chuyện phong tỏa, giãn cách xã hội… đừng quá thủ cựu khăng khăng về đặc tính ưa tự do cá nhân, ít chxaịu ràng buộc về luật lệ của mình…. mọi chuyện có thể đã khác. Lẽ ra họ chẳng nên bĩu môi chê bai Vũ Hán với những ngày quyết liệt “ở đâu yên đấy”, phong tỏa, cách ly diện rộng… Nhưng thực sự, giãn cách xã hội đã chứng minh hiệu quả chống dịch rõ ràng. Ở Vũ Hán, lệnh phong tỏa quy mô rộng đã khiến hệ số lây nhiễm ở đây giảm từ 2,35 xuống gần 1. Nên nhớ, khi hệ số lây nhiễm là 1, số ca mắc bệnh sẽ ngừng tăng vì một người nhiễm virus chỉ truyền cho một người khác. Tới lúc này, báo chí cũng như các chuyên gia mới lần lại lịch sử cũng các cứ liệu khoa học để làm rõ nhận định: “giãn cách xã hội” là một bước quan trọng đối với tất cả mọi người trong phòng, chống Covid-19. “Mọi người cần hiểu đúng vai trò của việc chủ động giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19”- ông Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cố vấn y tế Nhà Trắng - nhấn mạnh. Đài BBC (Anh) nhìn lại đại dịch cúm Tây Ban Nha hơn 100 trước và khẳng định tuân thủ nguyên tắc giãn cách xã hội đã giúp giảm thiểu số người mắc trong đại dịch này. Cụ thể, tháng 9/1918, thành phố Philadelphia (bang Pennsylvania), lúc đó đã có 600 người lính bị cúm, vẫn quyết định tổ chức duyệt binh trong khi thành phố Saint Louis, (bang Missouri) hủy bỏ, triển khai các biện pháp để giảm tụ tập đông người. Một tháng sau, hơn 10.000 người ở Philadelphia chết vì cúm Tây Ban Nha, trong khi số ca chết ở Saint Louis chưa tới 700 người. Một thực nghiệm giãn cách xã hội được thực hiện tại hai thị trấn Bergamo và Lodi của Italia. Tại Lodi, ngày 23/2, áp dụng hạn chế đi lại. Ở Bergamo, những ca đầu tiên xuất hiện ngày 23/2 nhưng không thực hiện cách ly cho tới khi có lệnh phong tỏa toàn quốc ngày 8/3. Tới ngày 7/3, cả hai thành phố đều có khoảng 800 ca, nhưng tới 13/3, số ca ở Bergamo tăng lên 2.300, còn số ca ở Lodi chỉ khoảng 1.100. Tới lúc này, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, giãn cách xã hội là biện pháp được áp dụng để làm chậm lại sự lây lan của dịch Covid-19, giảm áp lực cho hệ thống y tế và giúp các nước có thêm thời gian. Còn Giám đốc phụ trách châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới WHO Hans Kluge thì cho rằng kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước cho thấy, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng lây nhiễm kết hợp với các biện pháp tránh tiếp xúc xã hội và huy động sức mạnh cộng đồng có thể ngăn ngừa lây nhiễm virus và cứu sống bệnh nhân.

Tới những biện phạm mạnh tay chưa từng có

Tới thời điểm này, khi đại dịch đã lên tới mức đỉnh tại Vũ Hán, tại châu Âu, tại nước Mỹ… tất cả các quốc gia đều đã nhận thức rõ về giãn cách xã hội, xem đó là sự lựa chọn duy nhất và không thể khác trong việc phòng chống đại dịch Covid-19. Sự lựa chọn chưa từng có trong thời bình nhưng là giải pháp tối ưu để các quốc gia vượt qua cơn ác mộng mang tên Covid-19, bảo đảm cho sự an nguy của mình. Singapore, Australia… được xem là những nước mạnh tay nhất trong việc thực thi giãn cách xã hội và đều chủ trương xử phạt bằng hình thức đánh mạnh vào hầu bao của người dân. Theo các điều khoản mới sửa đổi và bổ sung vào Đạo luật bệnh truyền nhiễm do Bộ Y tế Singapore vừa ban hành, từ ngày 27/3, mọi hành vi vi phạm quy định “giãn cách xã hội” (cố tình đứng hoặc ngồi cách người khác dưới 1 mét ở nơi công cộng) có thể bị phạt tiền tới 10.000 đô la Singapore (hơn 162 triệu đồng) hoặc lĩnh án tới 6 tháng tù giam hoặc phải nhận cả hai hình phạt. Chính phủ Australia xử phạt rất nặng, lên tới 50.000 AUD (700 triệu đồng) với những trường hợp trốn cách ly, phạt tại chỗ các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội từ lên tới hơn 13.000 AUD với cá nhân và hơn 66.000 AUD với cơ quan, tổ chức. Là người đến sau nhưng châu Âu dường như đã trở thành khu vực hết sức quyết liệt với những biện pháp giãn cách xã hội. Italia là quốc gia đầu tiên trên thế giới ra lệnh phong tỏa toàn quốc đi kèm với đó là việc ban hành các quy tắc kiểm dịch và lệnh cấm tụ tập đông người… Đức đang áp dụng những quy định “cách ly xã hội” chặt chẽ nhất. Theo đó, việc tụ tập nhiều hơn 2 người sẽ bị cấm tại Đức (lệnh cấm này chỉ dành ra ngoại lệ cho gia đình và những người cùng chung sống). Các tương tác giữa người và người được khuyến cáo hạn chế tới mức tối thiểu với khoảng cách tiếp xúc được khuyến khích ít nhất 1,5m. Tại Anh, đã có những biện pháp giới hạn nghiêm khắc nhất được áp dụng kể từ sau Thế chiến thứ II như chính phủ cấm gặp bạn, người thân, cấm tổ chức lễ cưới, cấm tụ tập quá hai người… Một động thái đáng ngạc nhiên từ nước Mỹ là Tổng thống Trump, người từng cười khẩy về chính sách giãn cách xã hội, ngày 29/3 đã lên tiếng tuyên bố đã chính thức kéo dài thời hạn thực hiện biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 30/4/2020. Động thái này được xem là nằm trong nỗ lực ngăn số lượng các ca tử vong tăng tại nước Mỹ và rằng chính quyền Mỹ đang cố gắng giữ số lượng các ca tử vong do Covid-19 dưới mức 100.000 ca. Đến thời điểm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc phải thừa nhận sẽ có 2,2 triệu người chết tại Mỹ nếu không có các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn tác động tiêu cực của bệnh dịch. Một trong các biện pháp mạnh đó chính là giãn cách xã hội. Nơi sớm, nơi muộn, nơi quyết liệt, nơi hà khắc, nơi lại mang màu săc khuyến khích động viên nhẹ nhàng (như tại Thái Lan, chính phủ động viên người dân “Ở nhà, ngăn virus, cứu nước”)… nhưng tựu chung, để chống dịch, cả thế giới đều đang chung một sự lựa chọn là buộc phải thực hiện giãn cách xã hội. Cũng những ngày này, tròn 45 năm trước, cả đất nước đang dồn lực cho cuộc “Tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975” với khí thế quyết chiến, quyết thắng. Và giờ đây cả đất nước cũng đang được vào những ngày… như thời chiến như thế. Cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc, quyết liệt khẩn trương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, càng khó khăn, càng quyết tâm, cố gắng chống dịch. Tuần cuối cùng của tháng 3 năm 2020 đã được xác định là tuần mở màn cho “cuộc tổng tấn công mùa xuân 2020” vào đại dịch Covid-19 dự kiến kéo dài trong vòng 2 tuần, cũng với khí thế quyết chiến, quyết thắng ấy. Chỉ khác là nếu 45 năm trước, mọi hướng tấn công đều hướng về Sài Gòn thì nay, các mũi tiến công đã tỏa về nhiều tỉnh, thành trong đó, “chiến trường” tâm điểm là Hà Nội, TP HCM để “thập diện mai phục” , truy đuổi, tiêu diệt đến cùng Covid-19. Mệnh lệnh trong “lời hịch” ra trận của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp 45 năm trước: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút” đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc- vị Tổng Tư lệnh của “cuộc tổng tấn công chống dịch Covid-19” nhắc lại trong nhiều cuộc họp về công tác phòng chống dịch những ngày này bởi chúng ta chỉ có hai tuần quyết định để hành động, để có thể vượt qua tốc độ lây lan nhanh như vũ bão của virus SARS-CoV-2. Trong hai tuần quyết định ấy, “mạnh tay như thời chiến”, “quyết liệt như thời chiến” là điều mà chúng ta hướng tới. Theo đó, hàng loạt biện pháp mạnh đã được triển khai để ngăn đà lây lan Covid-19. Trong đó, giãn cách xã hội là một trong những biện pháp mấu chốt. Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng; Người dân được yêu cầu ở trong nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài; Tạm dừng hoặc tổ chức lại rất ít chuyến giao thông công cộng. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế bay từ 2 thành phố lớn đến các thành phố khác; tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người; Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra việc tập trung trên 20 người; Đóng cửa toàn bộ dịch vụ cơ sở không cần thiết; Cấm tụ tập nhiều hơn 10 người ở bên ngoài các công sở, trường học và bệnh viện... Và quyết liệt nhất trong các biện pháp quyết liệt là chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4 /2020 trên phạm vi toàn quốc. Khí thế ấy, tâm thế ấy đã được các “tư lệnh” của các địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội, TP. HCM lĩnh hội trọn vẹn, thậm chí việc “quyết liệt như thời chiến” đã được Hà Nội và TP. HCM chủ động triển khai từ trước đó. Chiều 27/3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3 của Thủ tướng Chính phủ về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, ông Chung yêu cầu các đơn vị của Hà Nội tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại kinh tế để phòng, chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây. Trong đó, các biện pháp giãn cách xã hội được người đứng đầu UBND TP chỉ đạo quyết liệt: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở; đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người; Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người; Tạm dừng toàn bộ hoạt động xe buýt đến ngày 15/4…. Cũng trong ngày 27/3, TP. HCM đã đưa ra 12 việc “phải làm ngay” trong đó cũng đặc biệt chú trọng với giãn cách xã hội như: Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên; Người dân không ra khỏi nhà nếu không có việc thực sự cần thiết. Người trên 60 tuổi cần phải ở nhà toàn bộ thời gian; đảm bảo cự ly an toàn tối thiểu 2m để tránh nguy cơ virus lây lan; Tất cả các cơ sở dịch vụ phải đóng cửa, trừ các cửa hàng: xăng dầu, thuốc tân dược, siêu thị, các cửa hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các cơ sở khám chữa bệnh; Các cơ quan tổ chức doanh nghiệp có văn phòng trong cao ốc, chung cư cần ưu tiên lựa chọn hình thức làm việc trực tuyến và làm việc tại nhà… Cách ly, ở nhà, bớt đi lại, bớt tụ tập, hạn chế giao lưu với bạn bè, người thân, đồng nghiệp… đó là những điều khiến chúng ta không mấy dễ chịu, thậm chí có lúc nào đó khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt, bức bối. Nhưng, người xưa có câu “Thuốc đắng dã tật”. Nếu chúng ta không can đảm thử cho mình liều thuốc đắng có tên gọi “giãn cách xã hội”, “cách ly xã hôi” thì liệu chúng ta có tìm thấy liều thuốc nào trị Covid-19 hiệu quả hơn vào thời điểm này? Mọi sự, ở nhà hay đi lại- âu cũng là một thói quen sống. Đã là thói quen thì không gì là không thể làm quen, không thể thích nghi được, nhất là khi sự thích nghi ấy là phương cách duy nhất giúp chúng ta đi nhanh qua những ngày ngột ngạt bởi đại dịch, giảm thiểu khó khăn cho tiến trình phục hồi kinh tế xã hội sau này. Bớt đi một thói quen của riêng mình vì sự an nguy của chính mình, của gia đình mình và cộng đồng- thiết nghĩ âu cũng là sự hy sinh đáng giá.

 
Theo Congluan.vn

Nguồn tin: congluan.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập153
  • Hôm nay23
  • Tháng hiện tại382,526
  • Tổng lượt truy cập26,664,938

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây