Bài 1: Nghị quyết 37 - dấu ấn 17 năm
Tính đến khi NQ11 ra đời (10/2/2022), NQ37 (1/7/2004) đã được các tỉnh trong Vùng triển khai, thực hiện hơn 17 năm. Có thể nói, NQ37 đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo nên sự thay đổi to lớn của cả Vùng, góp phần quan trọng bảo đảm sự ổn định và phát triển chung của cả nước. Đối với Thái Nguyên, tỉnh cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ NQ37 đặt ra; hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch hằng năm. Đặc biệt, ngay từ đầu, vị trí hạt nhân, kết nối và dẫn dắt của Thái Nguyên đối với cả vùng đã dần hình thành.
Nghị quyết đi vào cuộc sống
Đánh giá về kết quả sau 17 năm thực hiện NQ37, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện NQ11 do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức ngày 15/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu, khẳng định: Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết, các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng và khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng. Hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong Vùng và giữa Vùng với cả nước. Một số địa phương đã có sự bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong Vùng và cả nước. Toàn vùng đã đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng.
Nhìn từ con số tăng trưởng, quy mô tổng sản phẩm (GRDP) vùng trung du và miền núi Bắc Bộ tăng từ mức trên 1,6 triệu tỷ đồng giai đoạn 2011-2015 lên mức gần 2,87 triệu tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 (gấp 1,8 lần). Nếu như giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng GRDP chỉ đạt 7,9%/năm, thì giai đoạn 2016-2020 đã đạt gần 9%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đạt mức 12,76% vào cuối năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)...
Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tốc độ tăng GRDP của Vùng giai đoạn 2016-2020 cao hơn mức bình quân của cả nước và cao nhất trong các vùng. Không chỉ có vậy, cơ cấu kinh tế Vùng cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng nông - lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI) và các lĩnh vực đều đạt được kết quả rất tích cực… Điều này minh chứng NQ37 đã tạo động lực và thấm sâu trong đời sống xã hội.
Định hình vai trò hạt nhân, cực tăng trưởng
Triển khai thực hiện NQ37, tỉnh Thái Nguyên có đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong từng giai đoạn, tỉnh đã xác định trúng và đúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện nghị quyết; chủ động, sáng tạo triển khai các chương trình phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, khẳng định: Với mục tiêu và định hướng rõ ràng, Thái Nguyên đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, tạo nền tảng, tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục vươn lên mạnh mẽ hơn, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế hiện đại của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Cụ thể, GRDP năm 2020 của tỉnh Thái Nguyên đạt 116 nghìn tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm đầu thực hiện NQ37 (2004). Nếu so sánh với 13 tỉnh còn lại, GRDP của Thái Nguyên chiếm 17,1% tổng quy mô GRDP chung của Vùng. So với cả nước, GRDP của tỉnh năm 2004 chiếm 0,8% tổng GRDP, năm 2010 chiếm 1,1%, năm 2015 chiếm 1,52% và năm 2020 chiếm 1,84%.
Năm 2020, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ của tỉnh Thái Nguyên chiếm tới 88,5% cơ cấu kinh tế, đứng thứ nhất cả vùng. Về ngân sách, Thái Nguyên luôn dẫn đầu cả vùng về số thu trong giai đoạn 2016-2020. Tương tự, GRDP bình quân đầu người, năng suất lao động, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu… của Thái Nguyên cũng thường xuyên duy trì ở vị trí cao trong nhiều năm.
Giai đoạn 2004-2020, Thái Nguyên đã phối hợp triển khai Dự án quy hoạch đường vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội đi qua Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và Hòa Bình; Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ đi qua các địa phương trong Vùng như cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Chợ Mới; Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B; đường Hồ Chí Minh...
Những con số trên cho thấy, Thái Nguyên đã từng bước khẳng định vị trí, vai trò trung tâm, đầu tàu trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Không chỉ có vậy, sự kết nối các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh với các tỉnh lộ đã tạo thành hệ thống giao thông rộng khắp, liên kết Thái Nguyên với nội vùng và các tỉnh phía Nam.
Những vấn đề đặt ra
Trong quá trình thực hiện NQ37, toàn vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã đạt kết quả quan trọng, tuy nhiên cũng còn không ít hạn chế. Bộ Chính trị đánh giá: Sau hơn 17 năm thực hiện NQ37, nhiều tiềm năng, lợi thế của Vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Đây vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, liên kết nội vùng còn yếu, vẫn chưa hết tình trạng “mạnh tỉnh nào, tỉnh ấy làm”, giao thông kết nối vùng chưa phát triển đồng bộ. Thêm vào đó, khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người trong nội vùng so với bình quân chung cả nước tiếp tục gia tăng. Quy mô kinh tế còn nhỏ; tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành kinh tế chuyển dịch còn chậm. Các địa phương trong Vùng đều chưa cân đối được ngân sách. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; kết quả giảm nghèo chưa bền vững.
Phân tích những hạn chế, yếu kém sau hơn 17 năm thực hiện NQ37, tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ ra: Chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu kinh tế nông thôn ở các xã vùng cao, vùng sâu chuyển dịch còn chậm; mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch phát triển chưa mạnh; vốn đầu tư cho phát triển còn thấp; nguồn lực đầu tư của Trung ương cho Vùng nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng trong giai đoạn 2004-2020 còn ít, chưa tạo thêm nguồn lực để phát triển Vùng và tỉnh Thái Nguyên nhanh hơn, đặc biệt chưa có các chính sách liên kết vùng rõ nét…
Trước những vấn đề đặt ra sau khi tổng kết NQ37, Bộ Chính trị quyết định ban hành NQ11 để tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển nhanh và bền vững vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, từng bước thu hẹp khoảng cách các địa phương trong Vùng với các vùng khác của cả nước. Cùng với các tỉnh trong Vùng, Thái Nguyên bắt tay ngay vào thực hiện NQ11, đến nay đã đạt được những kết quả đáng tự hào.
(Còn nữa)
Nguồn tin: baothainguyen.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam