Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đi qua, đến thời điểm hiện tại, 15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX đề ra đã đạt những kết quả tích cực. Để thực hiện tốt các mục tiêu, Đảng bộ và Nhân dân Thái Nguyên đã cụ thể hóa đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phát huy nội lực, tinh thần ý chí truyền thống quê hương cách mạng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và sức mạnh đoàn kết của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, tạo cơ hội để bứt phá, mục tiêu: Xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Thái Nguyên - điểm đến của các "ông lớn" FDI
Nếu nhìn lại, vào năm 2010, Thái Nguyên chỉ đứng ở vị trí 45/63 địa phương về thu hút FDI, thì đến năm 2013, nhờ tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung đã đầu tư 1,2 tỷ USD xây nhà máy sản xuất vi mạch và linh kiện điện tử tại Thái Nguyên. Và đến nay, dòng vốn FDI tiếp tục được đầu tư mạnh vào tỉnh, giúp Thái Nguyên vươn lên đứng trong Top đầu cả nước. Mới đây, Tập đoàn Sunny Optical Technology thỏa thuận tiếp tục đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào tỉnh Thái Nguyên, một lần nữa minh chứng cho chủ trương đúng đắn này của tỉnh.
Sự đột phá về thu hút FDI của Thái Nguyên gắn liền với định hướng, phát triển nguồn lực, tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo... Cùng với định hướng đúng, đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng, dịch vụ, ưu tiên lĩnh vực tạo giá trị gia tăng cao với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới đến đầu tư sản xuất, kinh doanh, hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu... Điều này góp phần quan trọng để hiện thực hoá mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Nói về casc "ông lớn" đầu tư tại Thái Nguyên, tạo bước đột phá trong sự phát triển tỉnh nhà phải kể đến Tập đoàn Samsung đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình I với số vốn ban đầu là 2 tỷ USD vào năm 2012, một năm sau thì tăng vốn thêm 3 tỷ USD như đánh dấu bước ngoặt sự tăng trưởng dòng vốn FDI của Thái Nguyên. Tháng 02/2022, UBND tỉnh Thái Nguyên trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Samsung Electro - Mechanics Việt Nam với số vốn tăng thêm 920 triệu USD đầu tư vào Khu công nghiệp Yên Bình để mở rộng dự án, tăng năng lực sản xuất. Sự đầu tư của Samsung tại Khu công nghiệp Yên Bình kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ, cung ứng, các nhà cung ứng cấp 1 không chỉ lấp đầy khu công nghiệp này, mà còn đầu tư tại các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Theo thống kê, mặc dù phải đối mặt với khó khăn chung của tình hình chính trị bất ổn và suy thoái kinh tế thế giới cũng như trong nước, nhưng tính chung 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh có 30 dự án FDI cấp mới với tổng số vốn đăng ký đạt 202,3 triệu USD, 10 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký đạt 10,35 triệu USD. Như vậy, lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 200 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt trên 10,6 tỷ USD.
Đóng góp của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn đã đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh luôn duy trì vị trí thứ tư cả nước trong những năm gần đây, thúc đẩy phát triển kinh tế, đô thị, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách. Đồng thời thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thu hút đầu tư nói riêng.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đã bắt tay ngay vào việc triển khai các khu công nghiệp và hàng chục cụm công nghiệp trong quy hoạch nhằm đón “làn sóng” đầu tư.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.245ha và 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067ha. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hút đầu tư, thời gian tới, tỉnh chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua các giải pháp như đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện hạ tầng giao thông, nhất là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường liên kết, kết nối vùng, tỉnh, thành phố; tập trung nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Có thể thấy, bên cạnh việc áp dụng tối đa cơ chế, chính sách mới về thu hút FDI, tỉnh Thái Nguyên sẽ chú trọng công khai, minh bạch về các dự án nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh cũng sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên và lắng nghe, tiếp thu các vướng mắc doanh nghiệp gặp phải để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đây cũng sẽ là yếu tố quan trọng để tiếp tục thu hút làn sóng đầu tư FDI đến với Thái Nguyên trong thời gian tới.
Tiên phong, đột phá về chuyển đổi số
Thực hiện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh, một trong những đột phá phát triển của tỉnh Thái Nguyên là đẩy mạnh chuyển đổi số. Ngày 31/12/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; lấy ngày 31/12 hàng năm là Ngày chuyển đổi số của tỉnh.
Từ sự quyết liệt, nhạy bén trước thời cuộc, Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên đã mở ra hướng đi mới, tạo ra những tiền đề phát triển kinh tế, xã hội và đời sống. Trọng tâm hiệu quả chuyển đổi số trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và có tác động đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Tỉnh Thái Nguyên xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm ít nhất 20% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu toàn tỉnh quy tụ được 700 doanh nghiệp số. Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7% và phấn đấu có trên 3.000 doanh nghiệp số...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp công nghệ... Nhờ sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả nên chiến lược kinh tế số của tỉnh đã đạt được những kết quả rất tích cực. Năm 2022, Thái Nguyên là 1 trong 5 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và thành phố Hải Phòng) có tỷ trọng kinh tế số trên GRDP cao nhất với 42,92%.
Tính năng, tiện ích của các nền tảng được tích hợp sử dụng tại Trung tâm IOC Thái Nguyên
Cụ thể hóa Nghị quyết chuyển đổi số được bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy, nhận thức của người đứng đầu các cấp. Tại các cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến các sở, ngành, địa phương, cơ bản nội dung báo cáo đã được số hóa, phòng họp không giấy, hội nghị trực tuyến được triển khai phổ biến và quen thuộc.
Hệ thống quản lý văn bản đi - đến và điều hành đã gửi, nhận hàng triệu văn bản. Duy trì cung cấp 100% thủ tục hành chính cấp độ 4 đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được xây dựng, kết nối từ Trung ương về 9 đơn vị cấp huyện và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn; cổng thông tin điện tử được xây dựng, kết nối đến 100% cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó là việc đưa vào hoạt động Trung tâm Điều hành thông minh; ứng dụng C-ThaiNguyen; nền tảng xã hội số “ThaiNguyen ID”; ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử...
Tất cả góp phần quan trọng vào công tác lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Trụ cột về kinh tế số cũng đạt được kết quả quan trọng. Theo đánh giá mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, Thái Nguyên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số năm 2022, trong đó kinh tế số xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố.
Toàn tỉnh hiện có 5.079 doanh nghiệp số, trong đó 324 doanh nghiệp công nghệ số cung cấp nền tảng, dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số, tư vấn giải pháp chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ giải pháp công nghệ thông tin. Dự ước, tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn trong năm 2023 đạt khoảng 815.000 tỷ đồng (tương đương 33,1 tỷ USD).
Bên cạnh đó, để triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tỉnh đã hoàn thành tích hợp 25/25 Dịch vụ công thiết yếu (theo Đề án 06) trên Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối liên thông đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với 28 Dịch vụ công thiết yếu tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đã thực hiện cập nhật, hoàn thành tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu theo đúng tiến độ của các bộ, ngành, Trung ương.
Việc cài đặt, sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, thực hiện thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, theo thống kê đến ngày 15/10/2023 đã thu nhận 80.645 hồ sơ cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, 975.241 tài khoản định danh điện tử. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Thái Nguyên đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng chính thức tại tất cả các bộ phận tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên toàn tỉnh, đã được kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo hiển thị đủ 20 trường thông tin phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính đáp ứng theo hướng dẫn tại Công văn số 761/VPCP-KSTT ngày 29/01/2022 của Văn phòng Chính phủ.
Đối với CSDL quốc gia về Bảo hiểm (VssID), đến nay toàn tỉnh có trên 516.000 tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được phê duyệt, đã rà soát, làm sạch 1.187.850/1.196.145 người đang tham gia BHXH, BHYT (không bao gồm lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu, người có quốc tịch nước ngoài), đạt 99,3%. Đến ngày 14/10/2023, đối với tài khoản an sinh chi trả chính sách xã hội, đã tạo tài khoản số cho 25.629/26.869 hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt 95,38%, tài khoản người có công là 15.102/18.927 tài khoản đạt 79,79%, tài khoản đối tượng trợ giúp xã hội 32.961/41.269 tài khoản đạt 79,87%. Triển khai thí điểm chi trả chính sách trợ cấp xã hội hằng tháng không dùng tiền mặt cho 12.826/15.134 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội (đạt tỷ lệ 84,74%) và 10.791/19.329 người có công (đạt tỷ lệ 55,8%). CSDL hộ tịch điện tử, 10 tháng năm 2023 (số liệu từ 01/01/2023 đến 19/10/2023) trên địa bàn tỉnh có 47.378 sự kiện hộ tịch phát sinh trên hệ thống hộ tịch điện tử;…
Đối với kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến, từ đầu năm đến 25/10/2023 đã tiếp nhận 612.221 hồ sơ; đã xử lý 594.406 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 99,68%; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến toàn trình đối với các sở, ban, ngành đạt 95,82%…
Để tiếp tục bứt phá thành công phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số ở những năm tiếp theo, toàn dân trong tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm chuyển đổi số khu vực Trung du miền núi phía Bắc và thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Đặc biệt là việc Thái Nguyên được Trung ương chọn làm điểm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu; hoàn thành tích hợp chức năng số hóa hồ sơ TTHC trên hệ thống ở cả 3 cấp...
Nông nghiệp - trụ đỡ an sinh xã hội
Để thực hiệu quả Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030", Thái Nguyên đã quyết liệt chỉ đạo chuyển đổi theo hướng đưa cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao gắn với lợi thế của các địa phương vào sản xuất... Theo đó, Sở NN&PTNT đã phối hợp cùng các địa phương tập trung quy hoạch vùng sản xuất, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng chuyên canh, sản xuất an toàn, hữu cơ.
Điển hình là vùng sản xuất lúa tập trung với tổng diện tích khoảng 2.720ha với các giống lúa nếp Thầu Dầu (Phú Bình), nếp Vải (Phú Lương), gạo Bao Thai (Định Hóa); áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ vào sản xuất cây chè với diện tích khoảng 17.800 ha; đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với 116/752 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trong toàn tỉnh; hình thành và duy trì 22 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ động vật, chế biến - tiêu thụ...
Cùng với thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương để kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản thông qua các hoạt động như: Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023; Lễ hội vinh danh các làng nghề chè huyện Phú Lương; Chương trình xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na và nông sản tỉnh Thái Nguyên 2023; Festival nông sản, OCOP, làng nghề gắn kết du lịch - Thái Nguyên 2023...
Năm 2024 là năm thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng dự báo nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí còn nhiều hơn cả năm 2023. Song từ những kết quả khả quan đã đạt được và động lực tăng trưởng của 2023, Thái Nguyên đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức 7,5% trong năm 2024.
Thông qua phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng nông thôn mới”, Thái Nguyên đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025 có trên 97% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trên 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có thêm 04 huyện đạt chuẩn NTM. Đến hết năm 2025, tỉnh có 07 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM, trong đó có một huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân tiêu chí toàn tỉnh theo Bộ tiêu chí về xã xây dựng NTM đạt 18,6 tiêu chí/xã; nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập bình quân của người dân nông thôn.
Phong trào thi đua “Thái Nguyên chung sức xây dựng NTM” cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng NTM thông minh, đảm bảo môi trường cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống… Đây cũng là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục chỉ đạo, triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong những năm tiếp theo.
Duy trì tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước
Có thể thấy, nhờ triển khai nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đúng đắn, nên mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên vẫn tiếp tục khởi sắc. Đến nay, 15 chỉ tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra đã đạt những kết quả tích cực, tiêu biểu như: Tốc độ tăng trưởng hằng năm đều cao hơn mức bình quân chung cả nước, năm 2022 đạt 8,59% và 6 tháng đầu năm 2023 đạt 5,17%; cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng; giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 9,04%/năm và 8 tháng năm 2023 tăng 4,01%; tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 tăng bình quân 10,5%/năm, giữ vững vị trí cao thứ 4 cả nước trong 4 năm liên tục. Toàn tỉnh có 108/126 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 85,7%; có 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và đạt chuẩn nông thôn mới.
Xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại, thông minh
Tăng trưởng bình quân của tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 đạt 7,55% (cao hơn bình quân chung của cả nước). Kết thúc năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt trên 5%; quy mô tổng sản phẩm của tỉnh ước đạt 152.000 tỷ đồng. Thái Nguyên đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương, với tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 20.000 tỷ đồng.
Thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực, là điểm sáng trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 204 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,64 tỷ USD. Đặc biệt, trong Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên được xác định là cực tăng trưởng lớn của tiểu vùng 3 (gồm Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng) và cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, căn cứ vào các nguyên tắc lý thuyết “Cực tăng trưởng”, soi chiếu vào các điều kiện tự nhiên và thực tiễn kinh tế của Thái Nguyên trong quan hệ với vùng Thủ đô, có cơ sở để nhận định rằng Thái Nguyên là một trong những địa bàn hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một cực tăng trưởng mạnh của vùng Thủ đô...
Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng xác định đến năm 2030, Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác Hồ
Để xây dựng quê hương giàu có và phồn thịnh như mong mỏi của Bác, Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên xác định nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó chú trọng làm tốt 3 nội dung: Học tập, làm theo và nêu gương của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Kết luận số 01-KL/TW; tập trung chỉ đạo thực hiện Kết luận số 01-KL/TW gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Các cấp, ngành, địa phương lựa chọn những vấn đề trọng tâm, phức tạp như: Cải cách hành chính, quản lý công vụ, chế độ, chính sách, quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, sắp xếp cơ cấu, tổ chức bộ máy, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ để lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết, tránh để tồn đọng, kéo dài.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên cho biết: để phát huy truyền thống lịch sử, quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên luôn đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, tăng cường xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, quốc phòng, an ninh ổn định, hoạt động của chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực...
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh có những mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, như: Mô hình “Cán bộ, công chức huyện Phú Lương tích cực thực hiện “3 không, 4 phải”, “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nhiệm vụ giáo dục đào tạo”; mô hình “Trồng cây ăn quả, nuôi ong phát triển kinh tế gia đình”, “Sản xuất chè theo hướng hữu cơ”, “Cây dược liệu dưới tán rừng” (Võ Nhai); mô hình, chương trình “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, sinh hoạt chính trị: “Tôi yêu Tổ quốc tôi”, “Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn” (Phú Bình); mô hình “Làm một phần việc nhỏ, giúp được người bớt khó” (Đồng Hỷ); mô hình “Giáo xứ an toàn về an ninh trật tự” (thành phố Thái Nguyên); mô hình “Doanh nghiệp cựu chiến binh Thái Nguyên hội nhập và phát triển”…
Theo thống kê, trong 2 năm 2021 và 2022, toàn tỉnh có 2.314 mô hình tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các cấp. Tất cả như những đóa hoa thơm kính dâng lên Bác.
Bác Hồ trò chuyện với nhân dân Thái Nguyên.
Tròn 60 năm kể từ lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, Thái Nguyên đã có bước tiến dài, sự chuyển biến mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tình cảm và những lời căn dặn của Bác là động lực để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và quyết tâm hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh trở nên giàu có, phồn thịnh; bình yên, hạnh phúc, sung túc và ngày càng phát triển.
Sau lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần cuối cùng về thăm Thái Nguyên (ngày 1/1/1964), thay mặt Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng chí Lê Đức Chỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, phát biểu: “Chúng cháu xin hứa với Bác và Trung ương Đảng, sẽ học tập sâu rộng trong toàn Đảng bộ, toàn dân lời huấn thị của Bác để ra sức phát huy những ưu điểm mà Bác đã khen, sửa chữa những khuyết điểm mà Bác đã phê bình, để hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho”. Thực hiện lời hứa đó, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, đóng góp xứng đáng vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.
5 nhóm giải pháp chủ yếu: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Trung ương mới ban hành gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Tăng cường công tác quản lý quy hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy tối đa vai trò là hạt nhân phát triển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là một cực phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội. Phát triển văn hóa - xã hội phải đồng bộ với phát triển kinh tế; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Thời cơ, vận hội mới đang đến, Thái Nguyên - địa chỉ đỏ của vùng Việt Bắc không chỉ hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong kháng chiến mà hôm nay, đang nỗ lực vươn tầm để trở thành điểm đến hấp dẫn trong công cuộc đổi mới, hội nhập; phấn đấu xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại không chỉ của vùng trung du miền núi phía Bắc, mà còn của vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030; đồng thời trở thành một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên năm 1964.
Kỳ vọng, với sự quyết tâm vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các địa phương cùng sự đồng thuận cao của người dân, Dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ, tiếp tục mở ra những cơ hội và sự phát triển mới, toàn diện, bền vững, góp phần xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Nguồn tin: congly.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam