Đi thật xa để nghĩ thật gần: Kỳ 1

Thứ ba - 06/02/2024 14:56   Đã xem: 171   Phản hồi: 0

Kỳ 1: Đi hơn hai nghìn cây số…
Đoàn mình chú ý nhé: Người đón chúng ta ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ cầm tấm biển: “Trà Vinh – Miền đất thuận thiên”. Thu Hiền, người tổ chức cho chúng tôi chuyến du hành phương Nam nhắn lên nhóm zalo trước hôm chúng tôi bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh. Vì sao “Trà Vinh”? Vì sao “Miền đất thuận thiên”? Tôi nghĩ miên man trong lúc nhìn chàng trai da ngăm mắt ấm cầm tấm biển “nhận diện” hồ hởi đón chào. Để rồi sau đấy, mọi việc mở dần, không chỉ trả lời thắc mắc mà còn khiến tôi không ngừng nghĩ đến nơi ấy - địa danh trước đây với tôi mơ hồ, nhợt nhạt; và cũng không ngừng nghĩ đến nơi này - Thái Nguyên, nơi tôi yêu từ lúc được sinh ra.

Du lịch tự thân

Lịch trình 7 ngày của 20 thiếu nữ 40 năm trước cùng nằm giường tầng ký túc xá khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm 1 Hà Nội được các cộng sự của Thu Hiền ở Viện Nghiên cứu, phát triển Kinh tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch hoàn hảo từng “milimet”. Tâm lý lứa tuổi, sức khỏe, sở thích… của chúng tôi được các chuyên gia đặt lên “bàn” phân tích. Tôi đoán như vậy, bởi điểm đến, thời gian dừng chân, món ăn, nơi nghỉ đều mang đặc trưng vùng miền và rất hài hòa với các U60 không còn trẻ trung dư sức. Chúng tôi được đưa đến những điểm đặc trưng nhất của 6 tỉnh và thành phố. Nhưng nơi chúng tôi ở lâu nhất, nhiều ấn tượng mê đắm nhất là Trà Vinh.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi “đổ bộ” thẳng Cồn Hô, hòn đảo cô đơn nằm trên sông Cổ Chiên (xã Mỹ Đức, huyện Càng Long). Cồn là “đặc sản” vùng miền của Trà Vinh. Người dân trên cồn kết nối với đất liền bằng chiếc xuồng ba lá mỏng manh. Cồn Hô chỉ cách đất liền khoảng 20 phút đi tàu nhưng người dân vẫn le lói đèn dầu, con đê chắn lũ thành “quốc lộ” nối các nóc nhà trên cồn. Thi thoảng có khách ghé thăm, cả Cồn cùng vui đón, cùng tiếp. Khi khách về, họ ra bến sông tiễn biệt. Những đốm lửa đèn dầu trên tay lập lòe như trái tim thập thõm mong chờ.
Chúng tôi được tiến sĩ Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, phát triển Kinh tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, người đón chúng tôi ở sân bay với tấm biển “Trà Vinh - Miền đất thuận thiên” giới thiệu sơ cho nghe về Cồn Hô như vậy.
Tàu cập bến Cồn Hô trong ánh mắt ngóng chờ của hơn 20 gia đình. Những vị khách trung niên là chúng tôi lập tức trở về thời quá vãng của chính mình. Tiếng cót két võng tre, tiếng “bõm” quả dừa buông nhẹ mặt sông, vạt ngò gai nở hoa thơm lựng. Đặc biệt, những chiếc đèn dầu và mùi dầu hỏa gợi chúng tôi nhớ thời che đèn học trong góc hầm trú ẩn.
Mọi thứ ở Cồn Hô thật đơn sơ dịu dàng. Trước các cổng nhà có tấm biển gỗ ghi “nhà Hai Trải”, “nhà Vũ Minh”, “nhà Hai Nguyên”… Ống hút nước vạt từ đoạn thân cây sậy, cá nướng lót lá chuối, hỏa lò đất sét, mọi thứ nương vào thiên nhiên và tôn kính thiên nhiên. Tôi rất thích slogan “du lịch tự thân” ở đây. Bà con thết đãi du khách những thứ lấy từ vườn nhà và tự tay chế biến. Bác Hai Nguyên mời nước hoa đậu biếc, bưởi da xanh; cô Hai Trải mời khách ngâm chân thư giãn; cô Tư Khen có tài nấu chè bưởi, chú Tư Lập rành món bánh chuối chiên; nhà Vũ Minh làm món cá nướng ốc nhồi hấp sả… Chúng tôi nhún nhẩy trên cây cầu dừa bắc qua rạch nhỏ, đu đưa trên tấm võng mắc ngẫu hứng trong vườn, nặn bùn nướng trứng gà, hít hà mùi chè bưởi, ăn bát cháo gà sôi lịch sịch trên hỏa lò. Tầm 9 giờ tối, chúng tôi đành chia tay bà con Cồn Hô. Những ngọn đèn dầu lập lòe di chuyển theo chân chúng tôi ra bến sông, nó đu đưa theo tay vẫy, vẽ vào màn đêm biểu tượng mong chờ.
Đón gần 400 du khách mỗi tháng, trong đó khách nước ngoài chiếm 1/3, có lẽ chính bà con Cồn Hô cũng không dám nghĩ đến kết quả này sau 3 năm làm du lịch cộng đồng. Từ những cư dân nhút nhát, có người mù chữ, nay họ tự tin hát vọng cổ, giới thiệu sản vật quê mình cho khách quay phim, chụp ảnh. Nhiều đứa trẻ Cồn Hô đứt đoạn học hành bởi nghèo khó không ngờ có ngày được bố mẹ cho vào đất liền học tiếng Anh. Vùng đất nghèo nhất, lạc hậu nhất Trà Vinh đã thành điểm “son” trên bản đồ du lịch.
Sẽ không đầy đủ khi nói đến Cồn Hô mà bỏ qua Cồn Chim (xã Hòa Minh, huyện Châu Thành). Ba năm trước, Linh và các cộng sự cũng đưa mô hình “Du lịch tự thân” vào Cồn Chim. Nghèo nhất Cồn là anh chị Ba Sữa, gia sản chỉ có cái cối đá thì làm bánh lá và căn nhà nền đất lồi lõm, nền nhà “vảy rồng” trở thành điểm tham quan; chị Sáu Giàu có tài đổ bánh xèo; nhà Khang đãi khách món dừa chan nước cốt lạc rang. Các nhà ở Cồn Chim còn tổ chức trò chơi đua cua, chèo thuyền bắt cá, hát vọng cổ…
Chúng tôi đạp xe trên con đường trải bê tông sạch sẽ, hai bên đường rặng dừa trĩu quả. Hành trình ăn và chơi lại nối tiếp đến khi trời ngả về khuya và bến sông lại lưu luyến những bàn tay vẫy mãi. Du lịch cộng đồng khiến cuộc sống của bà con Cồn Chim thay đổi ngoạn mục. Nhà anh Ba Sữa mang món nợ bao năm không trả nổi đã có lúc nghĩ đến cái chết, nay không những trả hết nợ còn tích lũy để làm nhà mới. Anh Ba Sữa nói với Linh: “Nếu em chết anh xin được thờ, Linh ạ”. Còn bà con Cồn Hô thì gọi các chuyên gia của Viện là Thầy. Họ nói vui rằng, sau này xin dựng tượng những con người đã mang cuộc sống mới đến cho họ.

Cuộc nhập thân bền bỉ

Linh nói đi nói lại với tôi câu này, cho đó là gốc rễ cơ bản để thành công. Trước 2019, du lịch Trà Vinh không có tên tuổi. Nhưng đến 2022, Trà Vinh đã là điểm sáng về du lịch, được nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và cả thành phố Hồ Chí Minh đến học tập. Đây là kết quả của mối duyên lành giữa lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh và Viện Nghiên cứu, phát triển Kinh tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh.
Linh tâm sự: “Ngoài kiến thức hàn lâm thì người làm du lịch cần nhập thân sâu sắc. Đội ngũ chuyên gia của Viện hầu hết đã trải qua nghề hướng dẫn viên, điều hành công ty du lịch. Họ hiểu tâm lý khách du lịch, tâm lý người làm du lịch và thiết lập mạng lưới cộng tác viên là giám đốc các công ty lữ hành, các chuyên gia lĩnh vực môi trường, đất đai, y tế, côn trùng...”.
Khi được tỉnh Trà Vinh mời cộng tác, các chuyên gia của Viện đã tìm thấy ở đây những người cùng nhập thân, đó là mấu chốt của thành công. Ngay như chuyến chúng tôi đến Cồn Chim, anh Dương Hoàng Sum, Giám đốc và anh Lâm Hữu Phúc, Phó Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Du lịch Trà Vinh đề nghị được cùng đi. Nhìn ánh mắt nụ cười bà con trao cho các anh, nhìn các anh hòa cùng bà con, tôi biết họ đã trao tâm hồn cho mảnh đất này.
Nói thêm về việc nhập thân, Linh bảo: Chúng em đã ở lại nơi này đủ lâu để bà con từ chỗ nghi ngờ bất hợp tác đến chỗ đặt niềm tin hoàn toàn, coi chúng em là người thân và nghe theo mọi vấn đề chúng em đưa ra.
Quả thật, bà con ở Cồn Hô và Cồn Chim làm du lịch mộc mạc mà cẩn trọng. Chi tiết nhỏ như cái móng tay, các thầy cũng yêu cầu không được sơn, phải cắt ngắn và thật sạch. Ngay như chuyện phơi quần áo ở vị trí nào; cái bát, cái chén không được sứt miệng; đũa không được mốc, ướt; trồng loại hoa gì ở bờ ao… bà con cũng làm đúng theo chỉ dẫn. Các sản phẩm du lịch cũng vậy. Vẫn là món bánh, bữa cơm hàng ngày, nhưng các thầy đã mời chuyên gia ẩm thực đến, dạy họ gia giảm, bày biện sao cho đẹp.
Muốn những việc đó trở thành nếp sống của bà con, các chuyên gia của Viện đã coi Trà Vinh là quê, coi Cồn Hô, Cồn Chim là nhà. Hay nói như Linh: Em đã bị Trà Vinh “bỏ bùa” và em sẽ “bỏ bùa” lại cho những ai đến Trà Vinh.
Sự dấn thân bền bỉ của đội ngũ chuyên gia được cộng hưởng sức mạnh bởi hậu thuẫn hết lòng của lãnh đạo địa phương, sự tin yêu, ủng hộ của bà con các điểm du lịch mà làm nên kết quả mỹ mãn. Cũng từ đó, Viện được các tỉnh như An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang biết tên, đặt vấn đề hợp tác làm du lịch.

Miền đất thuận thiên

Rời Trà Vinh, tôi vẫn nghĩ miên man về slogan “Trà Vinh - Miền đất thuận thiên”. Tôi chợt nhận ra rằng, hàng nghìn năm nay Trà Vinh đã thuận thiên rồi. Trà Vinh hiện còn giữ được hơn 10.000 cây cổ thụ. Thành phố Trà Vinh được mệnh danh là “Thành phố trong rừng” với gần 1.000 cây quý tuổi đời vài trăm năm. Giữa lòng thành phố, một cây Dầu dù 800 năm tuổi vẫn sum suê khỏe khoắn nhờ người dân chăm nom, bảo vệ. Khu du lịch Ao Bà Om là thiên đường cây cổ. Những bộ rễ vĩ đại cuồn cuộn nuôi vòng cây vài chục người ôm làm nên bầu khí quyển trong vắt. Người dân Trà Vinh truyền nhau quan điểm khôn ngoan: “Muốn hưởng thụ của mặc nhiên, phải biết sống thuận theo trời đất”. Ngay ở Cồn Hô và Cồn Chim, bà con chỉ đón dưới 100 khách mỗi ngày và 1-2 ngày trong tuần không đón khách cho cồn được nghỉ.
Từ đặc điểm vùng đất, con người, nhóm chuyên gia đã nghĩ ra slogan: “Trà Vinh - Miền đất thuận thiên”. Cách làm “du lịch tự thân”: không xây mới; không hiện đại hóa; đề cao bảo vệ môi trường; lấy cái bình dị mộc mạc làm thế mạnh… một lần nữa bồi đắp thêm cho nơi này thật sự “thuận thiên”.
Slogan thật chất mà sâu sắc nay trở thành slogan chính thức của du lịch tỉnh Trà Vinh.

Nguồn tin: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập49
  • Hôm nay4,766
  • Tháng hiện tại572,870
  • Tổng lượt truy cập27,432,494

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:191 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:417 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:50 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây