Biến thể tin giả - muôn hình vạn trạng
Tin giả vẫn diễn ra một cách phức tạp và nảy sinh nhiều “biến thể". Ảnh minh họa, nguồn: Getty Images)
Theo thống kê từ đội ngũ phân tích, bức tranh về tin giả liên quan đến dịch Covid-19 gần đây chỉ tập trung vào 4 nhóm vấn đề: Kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật hoặc không có căn cứ khoa học về hiệu quả của các loại vắc-xin Covid-19; tung các thông tin gây hoang mang cho người dân về tình hình ở các khu cách ly, phong tỏa; thông tin liên quan đến các lực lượng hỗ trợ dịch Covid-19, người dân sẽ không được cứu trợ…Theo ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, vấn nạn tin giả, tin sai sự thật không chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn toàn cầu và nước nào cũng phải đối mặt. Và khi đất nước đối mặt với những khó khăn thì tin giả lại càng xuất hiện... Trung tâm xử lý tin giả vừa qua đã phối hợp với một số đơn vị xác minh, công bố nhiều thông tin giả mạo. Trên trang tingia.gov.vn, trong chuyên mục Chống tin giả của báo Nhà báo & Công luận, hay mục Kiểm chứng thông tin của báo Nhân dân liên tục những ngày qua đều cập nhật các tin tức giả để cảnh báo người dân tránh "sập bẫy". Chẳng hạn ngày 6/8/2021, nhiều tài khoản Facebook cá nhân chia sẻ, phát tán nội dung thông tin được cho là phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch COVID-19: “Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ: Xem tất cả bạn bè, người thân, người ta phải tiếp xúc như là người nhiễm dịch. Có như thế chúng ta mới quyết liệt chống dịch được. Chúng ta đừng sợ mất lòng nhau! Không ngồi gần, không ôm ấp, không bắt tay… ngay cả với những người yêu thương nhất…”. Thông tin này ngay sau đó đã được Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) khẳng định là giả mạo. Cũng trong ngày 6/8, một số tài khoản trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện một người mặc đồ liên quan lĩnh vực mai táng, hỏa táng chở các hũ tro cốt người mất đi giao ở hẻm 42 Âu Cơ, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Qua công tác nắm tình hình, Công an quận Tân Phú đã xác định và làm việc với đối tượng đồng thời xử phạt về hành vi đã đăng tin xuyên tạc, sai sự thật... Tháng 7/ 2021, mạng xã hội chia sẻ hình ảnh hàng loạt xác chết của các bệnh nhân Covid-19 được cho là ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) gây hoang mang trong dư luận. Qua xác minh, cơ quan chức năng khẳng định bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar. Mới đây, ngày 15/ 8, tài khoản Facebook Angela Phương Trinh khiến cộng đồng phẫn nộ khi viết thông tin “ca mắc Covid âm tính sau 5 ngày uống Địa Long” trên Facebook của mình. Bài viết này sai sự thật, chủ tài khoản đã bị buộc phải gỡ ngay sau đó...
Tin giả "bác sĩ Khoa" lan truyền chóng mặt và lấy nước mắt của rất nhiều người, có 2 nhà báo đã bị phạt vì đăng tin giả này trên trang cá nhân của mình
Hay điển hình như câu chuyện về “bác sĩ Khoa” mới đây từng khiến dư luận “lên đồng” khi thêu dệt câu chuyện về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ ruột cho một sản phụ song sinh đang cần máy thở. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc, làm rõ đó là tin giả.
Gần đây nhất, Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội cho biết, trên mạng xã hội xuất hiện một số trang, nhóm sử dụng tên, logo “Hà Nội” đăng tải thông tin không chính thống của chính quyền Thành phố, gây hoang mang dư luận; đơn vị đang xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp này.
Tin giả dễ lôi kéo tương tác gấp 6 lần tin thật
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cảnh báo, xử lý các trường hợp tung tin giả, nhưng tin giả vẫn diễn ra một cách phức tạp và nảy sinh nhiều “biến thể”. Nhiều thủ đoạn được các đối tượng sử dụng trong đăng tải tin giả, nguy hiểm nhất là việc sử dụng khoảng trống thông tin, còn gọi là “vùng trắng”, “độ trễ” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng, xuyên tạc làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới.
Đã có báo cáo tổng kết cho biết tin giả dễ lôi kéo tương tác gấp 6 lần tin thật
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nhận định: "Tin giả ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Nếu trước đây, tin giả đi theo hướng bịa đặt, đồn thổi, lấy chuyện của nước ngoài gán vào tin giả về Việt Nam, hoặc lấy chuyện cũ, từ nhiều năm trước để bịa thành tin mới, thì tin giả thời gian gần đây lấy một phần sự thật, hiện tượng và thêm thắt các chi tiết giả vào, hoặc là gán tin giả cho một người nào đó, khoác những chức vị, công việc chuyên môn, để tung các thuyết âm mưu. Nếu người đọc không tinh ý thì rất dễ bị lừa. Nhiều người bị cảm xúc chi phối, rất dễ tin các loại tin giả như vậy, vô tình tiếp tục chia sẻ và lan toả. Đã có báo cáo tổng kết cho biết tin giả dễ lôi kéo tương tác gấp 6 lần tin thật. Cũng có nhiều tin giả xuất phát từ các dự thảo văn bản, nội dung các cuộc thảo luận trong cơ quan nhà nước, nhưng không được thông qua, nghĩa là không phải sự thật. Tôi gọi đây là loại thông tin “cầm đèn đi trước ô tô”, vội vã đăng tải khi nó chưa trở thành tin. Loại thông tin này cũng nguy hiểm, vì nó là một nửa sự thật. Các thuyết âm mưu liên quan đến Covid-19 có rất nhiều, từ những suy đoán thiếu căn cứ về virus, về vắc xin, về các giải pháp chữa trị không có cơ sở khoa học, đến các thông tin về hoạt động chống dịch bệnh. Thông thường thì thuyết âm mưu đánh vào định kiến của người đọc nên rất dễ thuyết phục, dễ được chia sẻ, lan truyền..."
Đáng lo ngại là hiện nay cơ chế đăng tải thông tin, nhất là đăng tải trên mạng xã hội rất đơn giản, dễ dàng, nên bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện. Dễ đăng tải nhưng khó xử lý, bởi vì lượng thông tin đăng tải trên không gian mạng quá lớn, phát tán quá nhanh...và được "chắp cánh" bởi sự cả tin, nỗi sợ hãi và những đối tượng xấu lợi dụng. Thậm chí, các đối tượng xấu đã sử dụng thông tin, hình ảnh giả hoặc thổi phồng sự thật, mỉa mai việc phòng, chống dịch, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong dân chúng. Một số tổ chức phản động, các cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí tung tin xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh, bôi nhọ chính quyền nhằm phủ nhận mọi nỗ lực chống dịch của Việt Nam, kích động người dân làm ngược lại những khuyến cáo, quy định chống dịch của Chính phủ...
Trách nhiệm của lực lượng tuyến đầu trên mặt trận thông tin
Có thể nói, càng ngày tin giả càng hiện diện khó lường hơn, tinh vi hơn... Các giải pháp được đưa ra rất nhiều, trong đó quan trọng vẫn phải là sự vào cuộc ở nhiều "mặt trận". Từ các cấp chính quyền, từ công tác quản lý, quy định xử phạt, ứng dụng công nghệ truy vết, đến ý thức của người dân... Đặc biệt hơn, ở góc độ thông tin, tin giả trở thành một “đối thủ nặng ký” đối với dòng tin tức chính thống.
Theo các chuyên gia, mấu chốt để đối diện với tin giả là một cái đầu đủ tỉnh táo để kiểm chứng, nhận diện và bình tĩnh trước khi chia sẻ bất cứ một thông tin nào trên môi trường mạng. Với lực lượng đi đầu trên mặt trận tin tức là báo chí chính thống thì chắc chắn phải luôn xác định vai trò chủ lực, định hướng dư luận xã hội trong bối cảnh hiện nay. Trước đây, người ta cho rằng nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia vào vấn đề kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo...đặc biệt càng trong bối cảnh dịch bệnh cam go, khốc liệt, điều này càng phải được quan tâm chú trọng.
Chống tin giả là một phần trong câu chuyện “tồn tại hay là chết” của báo chí. Ảnh: Vietnamplus
Rõ ràng là, đặt báo chí vào trung tâm đối kháng với tin giả là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Trên thực tế, người làm báo có vũ khí sắc bén là ngòi bút chuyên nghiệp, là tờ báo chính thống, có uy tín, sức lan tỏa nhanh, rộng khắp. Báo chí được mệnh danh là “quyền lực thứ 4”, là điểm tựa niềm tin nơi công chúng, là lượng hùng hậu có trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, lực lượng này phần lớn là đội ngũ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có trình độ, kỹ năng trong khai thác, xử lí thông tin, tổ chức thông tin, sản xuất và truyền tải thông tin hiệu quả nhất.
Trên thực tế, các cơ quan báo chí thời gian gần đây cũng đang nỗ lực rất lớn, trong cuộc chiến “sống còn”, lực lượng báo chí không được phép lùi bước, không ai ngoài cuộc và đó phải là "mệnh lệnh" của ngòi bút. Như Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Tôi nghĩ, chỉ khi chúng ta nhận thức sâu sắc rằng, chống tin giả là một phần trong câu chuyện “tồn tại hay là chết” của báo chí thì chúng ta mới vào cuộc một cách mạnh mẽ và hiệu quả được. Một nền báo chí giàu tính chiến đấu, giàu tính nhân văn, với một đội ngũ những người làm báo chuyên nghiệp, có trách nhiệm, làm nghề tử tế sẽ có sức mạnh thật sự trong cuộc chiến chống tin giả, tin xấu độc vì lợi ích của đất nước và nhân dân”.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng nhấn mạnh về vai trò quan trọng của báo chí trong việc tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho công chúng, hạn chế cơ hội cho những đối tượng dùng tin giả để kích động, trục lợi. Ông đặc biệt cho rằng, “người thư ký của thời đại” phải tỉnh táo trước những thông tin lệch lạc, chủ động đấu tranh dập tắt tin giả, nâng cao ý thức xây dựng, định hướng và tạo niềm tin cho xã hội... Đây cũng chính là một “barie” giúp nhà báo phần nào tránh được bẫy tin giả, hạn chế sự phát tán tin giả. Từ đó nâng cao khả năng “miễn dịch” với tin xấu độc trên mạng và chỉ khi chúng ta khỏe và sạch thì chúng ta mới làm tròn được sứ mệnh của mình là cung cấp thông tin chính xác và phản bác thông tin sai trái.
Hiểu được vai trò, trách nhiệm của mình, hơn lúc nào hết, lực lượng báo chí đã và đang tích cực chung sức, đồng lòng, đẩy lùi tin tức giả. Vậy trong cuộc chiến chống dịch tin giả, lực lượng báo chí đã đang làm gì, cần làm gì, thực hiện như thế nào để hiệu quả, sẽ tiếp tục được các nhà báo chia sẻ trong kỳ 2 của loạt bài.
Theo https://congluan.vn/
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam