Phóng viên trẻ làm phóng sự điều tra: Vượt qua thách thức, chiến thắng chính bản thân mình

Thứ năm - 04/01/2024 10:12   Đã xem: 382   Phản hồi: 0

Khi vẫn đang là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nhóm phóng viên trẻ đã có nhiều tác phẩm báo chí được gửi đi và đăng tải. Đặc biệt trong số đó có cả những phóng sự điều tra dài kỳ về buôn bán động vật hoang dã thể hiện sự tự tin và tinh thần tuổi trẻ.

Loạt bài “Mánh khóe lách luật buôn bán công khai loài động vật nguy cấp ở Việt Nam” đăng trên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là một phóng sự được đầu tư. Trưởng nhóm Trần Như Ý và những người bạn đã đi nhiều địa phương, nhiều khu chợ khác nhau để tìm kiếm gặp phỏng vấn nhiều nhân vật để lật tẩy mánh khóe buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Vì vừa là sinh viên, vừa đảm bảo thời gian học tập, ôn thi, trong quá trình triển khai cả nhóm gặp không ít những khó khăn. Phóng viên trẻ Trần Như Ý cho biết, có lẽ điều khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là mất khá nhiều thời gian trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu và thời gian đi quay phóng sự. Chúng tôi vẫn luôn nhắc nhở nhau phải hoàn thiện phóng sự theo đúng kế hoạch đã đặt ra mà không ảnh hưởng đến việc đi học, chỉ tận dụng những buổi cuối tuần để thực hiện phóng sự khi phải di chuyển, khảo sát ở nhiều địa phương khác nhau.

phong vien tre lam phong su dieu tra vuot qua thach thuc chien thang chinh ban than minh hinh 1

Nhóm phóng viên trẻ đã về nhiều địa phương, nhiều khu chợ để tìm kiếm gặp phỏng vấn nhiều nhân vật. Ảnh: NVCC

Để thu thập được tài liệu phục vụ cho bài viết, cả nhóm đã phân công nhau mỗi người đảm nhận một vai trò khác nhau, đồng thời hỗ trợ, bảo vệ nhau khi cần thiết. Như việc nhập vai trở thành người mua rùa và các loài động vật hoang dã khác được thực hiện nghiêm túc. Việc quay phim, ghi âm và thực hiện một số công tác chuẩn bị thiết bị cũng làm chu đáo. Do việc buôn bán động vật hoang dã là một hành vi cấm, nên người bán rất cảnh giác. Cả nhóm phải tìm hiểu kỹ thông tin để khi trao đổi tạo được sự tin tưởng từ những người bán. Việc này cũng mất rất nhiều thời gian và sức lực của nhóm.

Phóng viên trẻ Trần Như Ý nhớ lại:“Lần đầu nên khi đối mặt với những tay buôn, sự sợ hãi vẫn xuất hiện nhưng may mắn, trước mỗi cuộc xâm nhập, cả nhóm đều động viên, hỗ trợ nhau rất nhiều. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ, quan tâm của anh, chị nhà báo có nhiều năm kinh nghiệm trong việc thực hiện loạt bài phóng sự điều tra. Đặc biệt, nhóm chúng tôi được sự hỗ trợ của nhà báo Hoàng Chiên - Báo điện tử Dân Việt, anh đã dạy cho chúng tôi nhiều điều về cách quay, ghi âm và cách trò chuyện để những con buôn có thể tin tưởng chia sẻ thông tin".

Có thể nói, viết về chủ đề bảo vệ động vật nguy cấp, động vật hoang dã là một chủ đề khó, bắt buộc phóng viên cần nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu, đặc biệt là các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã. May mắn trước đó nhóm đã được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ báo chí “Đi và Kể mùa 2” do Khoa Phát thanh Truyền hình kết hợp với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tổ chức.

phong vien tre lam phong su dieu tra vuot qua thach thuc chien thang chinh ban than minh hinh 2

Loạt bài "Mánh khóe lách luật buôn bán công khai loài động vật nguy cấp ở Việt Nam” được điều tra công phu, cách trình bày hấp dẫn. Ảnh: NVCC

Tại chương trình, nhóm được học tập kiến thức về làm báo điều tra, kỹ năng thực hiện phóng sự, kiến thức về động vật hoang dã và trải nghiệm thực tế tại vườn quốc gia Ba Vì. Từ chương trình này, nhóm được tiếp thêm động lực có cơ hội tự tin vào hoạt động điều tra và hoàn thiện loạt bài viết 4 kỳ.

Ngoài kiến thức được học tập tại chương trình, nhóm cũng lên thư viện tự tìm hiểu thêm thông tin kiến thức pháp luật và tự chia sẻ cho nhau các kiến thức cần thiết nhất. Các thành viên trong nhóm luôn tâm niệm, khi thực hiện điều tra, nhóm phải nắm chắc kiến thức về pháp luật trước, có như vậy, mới giải quyết và điều tra tận gốc rễ những vấn đề và đánh giá được thực trạng hiện nay về buôn bán động vật trái phép.

Chia sẻ về điều ấn tượng nhất đối với nhóm phóng viên khi thực hiện loạt bài, phóng viên Trần Như Ý cho biết: Đối với chúng tôi, chi tiết cảm thấy ưng ý nhất và cũng góp phần tạo nên kỉ niệm của nhóm, là chi tiết khi nhóm tìm được quán thịt rùa dành cho dân nhậu theo đường dây buôn bán thịt rùa trên chợ ảo. Thoạt đầu, với địa chỉ mà nhóm có, chúng tôi hy vọng đây là một quán hàng sang chảnh, được trang trí đẹp mắt nhưng trái lại, nằm ẩn mình trong một con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Xiển, hai bên đường chỉ toàn cỏ dại mọc um tùm, nơi mà chúng tôi và người lái xe lâu năm cũng hoài nghi: "Liệu đây có phải là một địa chỉ ảo hay không?". Đi vào ngõ cụt chúng tôi mới có thể nhìn thấy được ngôi nhà - nơi mà các cuộc nhậu của “người sành ăn” được diễn ra.

“Và điều khiến nhóm chúng tôi bất ngờ nhất là nhân viên cửa hàng đó liên tục nói, quen biết với sếp lớn, đã có lần mang rùa đến nhà riêng để mổ thịt phục vụ tận nơi sếp chỗ thân tình và yêu cầu ăn con mấy kg là có mấy kg,... Điều này làm chúng tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, người ăn thịt rùa và tiếp tay cho việc buôn bán rùa trái phép không chỉ có bộ phận người dân và mà còn là những người có địa vị trong xã hội. Và đây cũng là động lực để nhóm tiếp tục hành trình tìm hiểu và điều tra các hoạt động buôn bán trái phép rùa nói riêng và động vật hoang dã nói chung” Trần Như Ý chia sẻ.

phong vien tre lam phong su dieu tra vuot qua thach thuc chien thang chinh ban than minh hinh 3

Các bạn đã nhập vai trở thành người mua rùa và các loài động vật hoang dã để có được thông tin hình ảnh cho loạt bài. Ảnh: NVCC

Từ nguồn tư liệu khổng lồ, nhóm đã tập hợp lại cho ra đời các bài viết dạng megastory với hình ảnh, clip chân thực, rõ ràng. Sau khi loạt bài được đăng tải, các bài viết nhận được nhiều phản hồi của độc giả về thông tin được truyền tải trong bài viết. Mỗi bình luận đều giúp được gửi về giúp cả nhóm có thêm động lực thực hiện bài viết tiếp theo. Nhiều bình luận lên án hành động buôn bán, giết, ăn thịt rùa và động vật hoang dã của một bộ phận người dân. Lượng bình luận lớn thể hiện, mọi người rất quan tâm và mong muốn bảo tồn các loài động vật hoang dã hiện nay.

Phóng viên Trần Như Ý cho rằng: Với chúng tôi, ngoài kiến thức, kỹ năng làm báo, sinh viên phải có kiến thức đa nền tảng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước hết về kiến thức chuyên môn, tôi tin chắc rằng, lĩnh hội những kiến thức lý thuyết song hành với bài tập thực tế tại trường đại học là cơ hội tốt để mọi người có kiến thức chuyên môn vững vàng. Chưa kể, đạo đức nghề báo giúp các bạn sinh viên không bị sa đà thực hiện hành vi xấu, giữ tâm vững vàng khi thực hiện các cuộc điều tra, phỏng vấn.

“Là một người trẻ, sự nhiệt huyết và sức trẻ là vũ khí tối thượng mà nhóm mình có khi quyết định thực hiện loạt bài điều tra này. Sự quyết tâm, đoàn kết, tin tưởng là những yếu tố giúp nhóm thực hiện thành công phóng sự điều tra này trước vô vàn khó khăn, thử thách. Bởi, tôi luôn tâm niệm một điều rằng: Có thể bài phóng sự điều tra này chưa may mắn đạt giải tại các cuộc thi nhưng đã giúp chúng tôi chiến thắng được bản thân mình” , Trần Như Ý tâm sự.

Nguồn tin: congluan.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay5,719
  • Tháng hiện tại573,823
  • Tổng lượt truy cập27,433,447

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:191 | lượt tải:59

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:414 | lượt tải:141

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:417 | lượt tải:150

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:50 | lượt tải:14

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:49 | lượt tải:16

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây