Nghề nuôi ong mật

Thứ tư - 28/12/2022 09:16   Đã xem: 394   Phản hồi: 0

Nuôi ong mật là một trong những nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh. Chi phí đầu vào thấp, người nuôi dễ tiếp cận với nghề, cùng với đó là những vùng cây ăn quả đã tạo nên nguồn hoa dồi dào, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong ở nhiều địa phương.


Nằm ở sườn đông dãy Tam Đảo, xóm Khe Đù (xã Phúc Thuận, thị xã Phổ Yên) không chỉ là vùng cây ăn quả nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên mà nơi đây còn đang phát triển nghề nuôi ong lấy mật. 
Mỗi năm, người nuôi ong ở Khe Đù thu 2 vụ mật chính, mật hoa nhãn từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4, mật hoa rừng từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 7. Dân cư trong xóm hầu hết là các hộ dân quê gốc ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Vào cuối những năm 1974, khoảng 20 hộ đã tìm đến vùng đất còn rất hoang vu này để an cư lập nghiệp. Vốn có nghề truyền thống trồng cây ăn quả kết hợp với điều kiện tự nhiên, người dân Khe Đù đã sớm phát triển vùng cây ăn quả. Trong nhiều năm qua, các hộ dân đã trồng thử nghiệm và lựa chọn các giống tốt nhất như bưởi Diễn, bưởi Hoàng Trạch, bưởi Da xanh, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng, cam Vinh, cam Đường Canh, đặc biệt là nhãn và vải do Viện Giống Trung ương và các vườn giống uy tín cung cấp. Đến nay, xóm phát triển lên 95 hộ gia đình, tổng diện tích cây ăn quả của xóm gần 100 ha, nhiều hộ thu nhập đến 500 triệu đồng/năm. Tổ hợp tác ong mật Đông Tam Đảo duy trì quy mô gần 1.000 đàn ong lấy mật. Ông Nguyễn Đăng Thắng, 45 tuổi, Bí thư Chi bộ xóm, tổ trưởng chia sẻ:
- Tổng diện tích cây ăn quả của xã Phúc Thuận rất lớn với hơn 500 ha, các cây hoa màu được trồng đa dạng, thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật, bên cạnh đó là những cánh rừng của dãy Tam Đảo với vô số những loài hoa dại, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong mật. Tại địa phương, nghề nuôi ong đã có từ khá lâu, có những hộ nuôi hơn 30 năm nay, nhưng chủ yếu là tự phát, nuôi theo kiểu truyền thống và chưa được trang bị kỹ thuật bài bản nên năng suất, chất lượng chưa cao, việc tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. So với những con vật khác, nuôi ong tốn ít thời gian và công chăm sóc, song đòi hỏi người nuôi phải khéo léo, tỉ mỉ và cần mẫn. Con ong thường mắc bệnh bại liệt và tiêu chảy, nếu không phát hiện kịp thời để điều trị sẽ dẫn đến lây lan, mất cả đàn ong. 
Là một trong những người đầu tiên nuôi ong thương phẩm, gia đình ông Thắng hiện có 400 đàn ong, trung bình thu 2 tấn mật/năm, bán ra thị trường 120 nghìn đồng/kg.
Tổ hợp tác ong mật được thành lập đầu năm 2020, thu hút 07 thành viên tham gia nuôi giống ong nội. Sau khi được tập huấn khoa học kỹ thuật, từ cách nuôi ong truyền thống, các thành viên Tổ hợp tác đã chuyển sang nuôi theo đúng quy trình từ thiết kế thùng, kỹ thuật chọn giống, chọn địa điểm đặt đàn ong, tạo chúa cho đến thu hoạch mật …luôn được Tổ hợp tác đặc biệt chú trọng, các thành viên đều có sổ nhật ký để ghi chép, theo dõi hằng ngày. 
Nhờ áp dụng chặt chẽ quy trình nuôi ong an toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, không sử dụng thuốc kháng sinh, đàn ong của Tổ hợp tác phát triển ổn định, ít bị bệnh, số lượng đàn không ngừng tăng lên.  Kỹ thuật thu hoạch mật bằng máy quay ly tâm, sơ chế và bảo quản sản phẩm mật ong... cũng được áp dụng. Từ hơn 200 đàn ong khi mới thành lập, đến nay, Tổ hợp tác đã có gần 1.000 đàn đang cho khai thác mật, sản lượng mật đến nay đạt trên 4.000 lít, giá bán dao động từ 140 - 170 nghìn đồng/lít. 
 Nằm tại vùng na La Hiên nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, khu vườn của CCB Nguyễn Thành Nhật, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Võ Nhai tại xóm Hiên Bình, xã La Hiên được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế đồng thời gắn với bảo vệ môi trường sống trong lành.
Khu vườn của gia đình ông Nguyễn Thành Nhật, 64 tuổi tại vùng cây ăn quả tập trung Hiên Bình được quy hoạch rất quy củ với mô hình nuôi ong - thả cá - rồng na.
Ông Nhật chia sẻ:
- Tôi nuôi ong khoảng 7, 8 năm nay. Vốn ham học hỏi, nhân đi phụ giúp làm ong tôi bèn hỏi chuyện, rồi mua 1 thùng về nuôi thử. Cuộc đời quân ngũ 34 năm nên tớ rất thích loài ong ở tính “kỷ cương tuyệt vời lắm”. Nuôi ong rất nhàn nhưng rất bận vì mất thời gian với nó. Chủ nuôi cũng như ong đều phải cần cù chịu khó. Hiện tôi duy trì 100 đàn, mỗi năm quay được hơn 1 tấn mật, cũng chỉ đủ bán cho người quen.
Ông khẳng định nghề nuôi ong chi phí đầu tư ít, không mất nhiều công chăm sóc. Nguồn thức ăn chính của ong là mật của các loài hoa, khi đàn ong đi lấy mật về được khoảng 8 ngày là phải quay lấy mật, nếu không chúng sẽ đắp chúa khác và tự tách đàn, bốc bay mất. Cách quay mật cũng đòi hỏi kỹ thuật khéo léo, lấy cầu ong nhẹ nhàng để không làm tổn thương đàn ong. Do có kinh nghiệm và trình độ nuôi ong lấy mật nên chất lượng mật ong được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Mật có màu vàng óng, sánh quyện, vị ngọt đậm đà, để lâu ngày chất lượng không giảm, màu sắc không thay đổi. 
Nhìn những đàn ong cần mẫn rù rì trong vườn nhãn, trời lạnh nên dù tổ đầy ứ mật cũng vẫn không thu hoạch mà để lại cho ong có đủ thức ăn trong mùa đông. 

 

Ông Nguyễn Thành Nhật, xóm Hiên Bình, xã La Hiên, Võ Nhai đang kiểm tra đàn ong.
 
Tại xã  Hợp Thành, Ôn Lương (huyện Phú Lương), thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên" của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hàng chục hộ gia đình đã được hỗ trợ thùng ong giống và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong lấy mật. 
Nghề nuôi ong lấy mật kết hợp với trồng các loại cây ăn quả, hoa màu đang là hướng đi mới tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Tác giả bài viết: Hồng Hải

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm171
  • Hôm nay30,081
  • Tháng hiện tại95,460
  • Tổng lượt truy cập22,489,463

Hình ảnh nổi bật

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:30

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:80 | lượt tải:27

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:558 | lượt tải:129

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:554 | lượt tải:179

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:731 | lượt tải:182

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây