Tiếng sáo gọi xuân

Thứ hai - 04/01/2021 10:21   Đã xem: 1286   Phản hồi: 0

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Lịch, nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa (Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh) được công chúng mến mộ bởi sự đa tài. Ông chơi được nhiều loại nhạc cụ, biểu diễn xuất sắc nhiều thể loại dân ca. Tuy nhiên, gây bất ngờ nhất, ông là tác giả của bộ sáo dân tộc hàng trăm chiếc, trong đó có nhiều loại rất độc đáo do chính ông sáng chế và dàn dựng tiết mục để biểu diễn phục vụ công chúng vào dịp Xuân mới 2020 này.

NS Thanh Lich1

Nghệ sĩ Thanh Lịch độc tấu sáo với cây sáo đại

Thổi hồn vào tre trúc

Vốn có chất giọng trời phú được đào tạo thanh nhạc nên đến nay đã ở tuổi 64, mỗi khi nghệ sĩ Thanh Lịch cất tiếng hát “Nàng ới” hay “Giấc mơ Cha Pi” đều khiến người nghe xao xuyến. Sinh năm 1956 tại Bắc Giang, gia đình không có ai theo nghệ thuật, học hết phổ thông, ông theo người anh lên Cao Bằng làm công nhân xây dựng. Trưởng thành từ phong trào văn nghệ quần chúng, anh thi đỗ và theo học thanh nhạc tại Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc, năm 1984 về đoàn Nghệ thuật Bắc Thái. Mặc dù đã nghỉ hưu từ năm 2011 song ông vẫn luôn gắn bó với nghệ thuật biểu diễn, trực tiếp dàn dựng nhiều chương trình, tham gia biểu diễn tại các sự kiện và làm giám khảo các cuộc thi văn nghệ.
Khó mà gặp được ông vào dịp cuối năm bởi ông bận “chạy sô” dàn dựng các chương trình hội diễn và ca múa nhạc chào Xuân, mà trong đó ông sẽ đưa cây sáo khổng lồ lên sân khấu.
Là nghệ sĩ chuyên ngành biểu diễn nhưng nghệ sĩ rất ngại nói về bản thân, càng ngại “lên báo”. Vì thế, bộ sáo vô cùng độc đáo của ông rất ít người được biết đến.
Ông tâm sự, trong các loại nhạc cụ, ông đặc biệt mê cây sáo. Ban đầu ông chỉ biết đến cây sáo ngang truyền thống, loại sáo nứa hoặc sáo trúc có 6 lỗ, đó là âm thanh da diết của làng quê từ bao đời nay, dìu dặt bổng trầm, đặc biệt là tiếng sáo thơ đầy cuốn hút. Sau này, do tính chất công việc, thường xuyên tham gia các hội diễn khu vực và toàn quốc, ông có điều kiện tìm hiểu và sưu tầm nhiều loại sáo của nhiều dân tộc, như sáo Mông, sáo Thái,…
Mỗi khi gặp một cây sáo lạ, ông không chỉ học các thổi, mà còn cất công tìm gặp các nghệ nhân chế tác để học cách làm ra cây sáo. Là người tinh tế, ham học hỏi, ông luôn thấy mỗi cây sáo, bên cạnh cái hay tuyệt vời của nó thì vẫn có những điểm hạn chế mà có thể điều chỉnh được.
Như cây sáo ngang truyền thống, dù đã là loại nhạc cụ dân tộc được đặc biệt yêu thích từ nhiều đời nay, song ông thấy rằng, âm hưởng của nó còn khá hạn hẹp, vì thế, từ cây sáo 6 lỗ, ông đã cải tiến thành 7 loại sáo 10 lỗ để phù hợp với từng chất giọng, loại giọng, có thể độc tấu.
Hay như cây sáo Mèo (sáo Mông), vốn dĩ chỉ có một cây dùng chung cho cả nam và nữ, nhưng khi xem biểu diễn, ông thấy tiếng sáo không thật phù hợp vì tuy đồng âm nhưng giọng nữ luôn cao hơn giọng nam 1 quãng 8. Trăn trở nhiều ngày, ông đã tìm thầy giỏi và bỏ ra 15 triệu đồng học phí để học làm sáo Mèo và chế tác cặp sáo tạo được cả giọng nam có âm thanh trầm ấm và giọng nữ thì âm vang, sáng. Ông cho biết ý tưởng này thì nhiều người đã đề cập, tuy vậy, cần phải có chuyên môn thực sự và có thiết bị đo âm thanh chuẩn thì mới làm được. Thị trường cũng có bán sáo Mèo kép, song âm thanh không thể chuẩn.
Những năm qua nghệ sĩ Thanh Lịch đã làm ra hàng trăm cây sáo nứa, sáo trúc phục vụ luyện tập, biểu diễn của các đoàn, các câu lạc bộ nghệ thuật và người yêu tiếng sáo.
ông Lich SAO MEO

Những cây sáo do nghệ sĩ Thanh Lịch cải tiến, chế tác.

Không chỉ là sáo

Nổi bật trong bộ sưu tập sáo hàng trăm cây sáo của nghệ sĩ Thanh Lịch là những cây sáo khổng lồ, dài đến 2,6m. Ông chia sẻ, nghệ thuật biểu diễn luôn đòi hỏi tính mới lạ. Đồng thời với tài năng của người nghệ sĩ thì tính độc đáo của đạo cụ sẽ tạo nên sự hấp dẫn, vì thế ông có ý tưởng sử dụng một số nhạc cụ truyền thống làm đạo cụ. Cây sáo trúc loại sáo đại này sẽ đưa vào dàn dựng trong những bài nhạc võ hào hùng và được sử dụng như một cây gậy võ.
Cây sáo đại được ông nghiền ngẫm lên ý tưởng từ 8 năm trước đây. Đầu tiên sáo được làm thử nghiệm trên cây nứa. Ông đầu tư sắm nguyên một bộ đồ chuyên dụng gồm khoan, dao khoét lỗ, cùng trăm thứ linh tinh khác. Sáo được khoét dần từng lỗ, sau đó chỉnh trên đàn và thiết bị đo âm thanh. Nếu chưa chuẩn thì dùng băng dính bịt bớt. Cây sáo đại hoàn chỉnh được làm bằng trúc già Cao Bằng, gồm 17 lỗ cả thảy, trong đó có lỗ định âm và các lỗ thoát hơi. Cây sáo này cũng cùng tông “đô” như các cây sáo thông thường. Chính hình thức của nó tạo nên sự độc đáo. 
Theo nghệ sĩ Thanh Lịch, để sử dụng được cây sáo đại, đòi hỏi phải có sức khỏe, ngoài ra phải luyện tập kiên trì, vì ngay cả người thổi giỏi các loại sáo nhưng nếu không học thì không thể thổi được. 
Thực ra, ý thưởng dùng sáo kết hợp với biểu diễn võ thuật không phải mới mẻ, tại Bắc Giang có truyền thống múa võ sáo, bài võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” tương truyền có từ thời khởi nghĩa Yên Thế do chính cụ Đề Thám truyền dạy cho nghĩa quân. Bài múa võ diễn tả cảnh trời mây non nước đẹp đẽ và khát vọng của người võ sĩ. Cây sáo này được làm từ thép, thể hiện khí lực và nội công thâm hậu. Tiếng nhạc là nỗi lòng của người thổi, đôi khi nó cảnh báo với đối phương rằng người trước mặt không dễ bị khuất phục. 
Còn với cây sáo trúc, nghệ sĩ Thanh lịch hi vọng sự gần gũi, quen thuộc của tiếng sáo, đó là những âm điệu dìu dặt trong lời hát ru, tiếng sáo réo rắt, tươi vui như những tâm hồn thanh xuân hân hoan đón chào mùa xuân mới. Tiếng sáo trúc từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm tưởng mỗi người con đất Việt sẽ khiến cho cây sáo đại khi được sử dụng đồng thời vừa là nhạc cụ vừa là đạo cụ võ thuật trên sân khấu sẽ tạo nên sự hứng thú cho giới trẻ, được mọi người đón nhận. Và từ đó, sẽ thêm nhiều người yêu mến loại nhạc cụ dân tộc truyền thống rất độc đáo này.

 
Ngọc Khuê
Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập45
  • Hôm nay2,238
  • Tháng hiện tại636,577
  • Tổng lượt truy cập28,286,322

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:289 | lượt tải:70

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:522 | lượt tải:160

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:470 | lượt tải:164

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:103 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:109 | lượt tải:28

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây