Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung đánh giá về tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân, về những nội dung còn ý kiến khác nhau như quy định về quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hằng năm; thẩm quyền thu hồi đất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất; đơn vị sự nghiệp công lập được giao đất không thu tiền sử dụng đất; trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê về cho thuê đất đối với dự án sử dụng đất thương mại dịch vụ; một số trường hợp giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu dự án có sử dụng đất; sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; đất quốc phòng, an ninh; điều khoản chuyển tiếp, điều khoản thi hành…
Đến nay, đã có trên 12 triệu lượt ý kiến đối với dự thảo Luật, các nội dung tập trung vào 4 nhóm nội dung lớn, có nhiều vướng mắc trên thực tiễn: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là dự án Luật rất quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, đối tượng nhiều, nội dung khó, phức tạp, nhạy cảm, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Dự án Luật được Quốc hội quyết định xem xét, thông qua trong 3 kỳ họp và Kỳ họp thứ 5 là lần thứ 2 Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật này.
Thủ tướng nêu rõ, cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến của nhân dân về dự án Luật, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn hiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, phù hợp với Hiến pháp, chủ trương của Đảng và Nhà nước, phù hợp tình hình thực tiễn.
Tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc các vấn đề tiếp thu theo tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, tôn trọng thực tiễn khách quan để nghiên cứu luật hóa các vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu các vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau, có thể thực hiện thí điểm để đánh giá tổng kết, mở rộng dần; các vấn đề giải trình cần có căn cứ xác đáng, lập luận thuyết phục.
Với các nội dung còn ý kiến khác nhau, cần phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án trình cấp có thẩm quyền, thể hiện rõ quan điểm với phương án. Trong quá trình chỉnh lý dự thảo Luật cần quán triệt nguyên tắc phát huy tối đa các nguồn lực về cơ chế, chính sách đất đai, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đồng thời có công cụ kiểm tra, giám sát phù hợp, chặt chẽ, tránh bị lợi dụng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ rõ ràng, kết hợp với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rà soát, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong giao dịch, sử dụng đất; tránh phiền hà, tăng chi phí về thủ tục tuân thủ các quy định. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực đất đai gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật này với các luật có liên quan để bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, không để có khoảng trống pháp lý và phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định cần tham khảo, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, đặc thù của đất nước.
Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu tập trung thảo luận về việc tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với dự án Luật và về một số nội dung cụ thể như sở hữu nhà chung cư có thời hạn; quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang…
Cho ý kiến về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, các ý kiến của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào những nội dung quan trọng, phức tạp, có tính nhạy cảm, ảnh hưởng sâu rộng đến người dân và xã hội. Đây là những ý kiến có căn cứ cần được nghiên cứu để tiếp thu một cách nghiêm túc, cẩn thận. Bộ Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan để tiếp thu, giải trình bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Thủ tướng cũng nêu ý kiến về một số vấn đề cụ thể, trong đó, lưu ý thiết kế các chính sách nhằm tạo điều kiện, khuyến khích đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân… bảo đảm công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Cùng với đó, Thủ tướng giao các cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án Luật là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội; chủ động truyền thông về các chính sách trong các dự thảo Luật để tạo sự đồng thuận; chọn lọc, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn thiện các dự án Luật; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quan tâm, trực tiếp chỉ đạo để hoàn thiện các dự án Luật theo phân công; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Nguồn tin: congluan.vn:
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024