Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững - Bài 1: Nền tảng kiến tạo không gian phát triển mới cho tỉnh Thái Nguyên

Thứ tư - 07/02/2024 14:25   Đã xem: 97   Phản hồi: 0

Nhìn từ Quy hoạch tổng thể quốc gia đến Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc - tỉnh Thái Nguyên sẽ có nhiều cơ hội mới, không gian phát triển mới.

Lời tòa soạn: Tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của khu vực Trung du miền núi phía Bắc, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng Trung du miền núi phía Bắc với vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Trong công cuộc đổi mới và dựng xây đất nước, Thái Nguyên đã “thay da đổi thịt” từng ngày. “Thành phố thép” Thái Nguyên được ghi nhận có bước chuyển mình mạnh mẽ, phù hợp với xu thế hội nhập. Ngày nay, để Thái Nguyên trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư thì điều kiện tiên quyết đó là cần các cơ chế, chính sách để mở đường cho địa phương vươn mình sải cánh.
Tuyến bài “Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững” gồm 5 bài viết giúp độc giả có góc nhìn rộng hơn về những chính sách giúp địa phương này phát huy hết tiềm năng, là bến đậu của “đại bàng”.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng được nâng cao, với các mục tiêu phát triển cụ thể cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mặc dù chịu tác động mạnh và tiêu cực của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh thế giới đang có nhiều thay đổi phức tạp, nhanh, mạnh và khó lường, Việt Nam vẫn bảo đảm được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tăng trưởng kinh tế trong các năm 2020, 2021 và 2022.
Cùng với tăng trưởng kinh tế là sự cải thiện về đời sống của người dân và sự ổn định của chính trị, xã hội. Chính vì vậy, phát triển vùng, liên kết vùng chuyển biến tích cực, hình thành nhiều vùng kinh tế lớn có vai trò quan trọng trong phát triển đất nước.
Ngày 20/4/2023 là ngày đánh dấu mốc quan trọng khi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 được công bố dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Với tiêu chí 4 mới, gồm: Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới, Quy hoạch tổng thể quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế.
“Quy hoạch nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ của quốc gia, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của các vùng, các ngành, các địa phương để tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho phát triển nhanh, bền vững đất nước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ khi công bố Nghị quyết số 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia.

 
p1090241

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại buổi công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia (Ảnh: VGP).
 
Các chỉ tiêu kinh tế được đề ra trong Quy hoạch là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD.
Đến năm 2050 là nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.Hệ thống đô thị thông minh, hiện đại, giàu bản sắc, xanh… Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031-2050 đạt khoảng 6,5-7,5%/năm.
Về không gian phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch tổng thể quốc gia chia cả nước thành 6 vùng kinh tế - xã hội, gồm: Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.
Nói riêng về vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm 14 tỉnh là Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Đây chính là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng Trung du và miền núi phía Bắc được định hướng phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện. Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản.
Trong đó, vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ được xây dựng trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng cả vùng.

 
giao thong14

Việc coi trọng liên kết vùng trong hạ tầng giao thông của các quy hoạch là động lực để các địa phương thúc phát triển (Ảnh: Phạm Tùng).
 
Trong bối cảnh tình hình mới, với các yêu cầu phát triển mới, việc phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, bằng một tư duy mới, tầm nhìn phát triển mới.
Quay ngược về quá khứ, tại thời điểm ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11 với mục tiêu phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Ngay sau đó, Nghị quyết 96 đã được Chính phủ ban hành để triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11.
Nghị quyết đặt lộ trình phát triển mới cho vùng đất “phên dậu” từ nay đến năm 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8 - 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 140 triệu đồng/người/năm, gấp khoảng hơn 2 lần so với hiện nay; tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40%, gần gấp đôi so với hiện tại và có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và mỗi tỉnh có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới...
Nghị quyết cũng đặt ra việc hình thành và phát triển các hành lang kinh tế dọc theo các trục giao thông kết nối với các hành lang kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, kết nối với Thủ đô Hà Nội và cảng biển khu vực như Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Cao Bằng; Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng; …
Đặc biệt, hình thành 5 cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng gồm Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn.
Bên cạnh đó, hình thành và phát triển các chuỗi liên kết khu vực động lực của vùng tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô; các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế - đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới và các cụm liên kết, trung tâm sản xuất trong các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp để trở thành động lực tăng trưởng cho cả vùng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng nhấn mạnh: “Để xây dựng và thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có chất lượng và tầm nhìn thì phải có sự gắn kết các địa phương trong vùng để tận dụng được lợi thế sẵn có, đồng thời hạn chế được việc triệt tiêu các nguồn lực của từng địa phương”.

 
c14a2722 1681523305175588759459

Lễ công bố Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên (Ảnh: VGP).
 

Trong số các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, Thái Nguyên là địa phương có Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất sớm, vào ngày 14/3/2023 tại Quyết định số 222.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa tỉnh Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.
Đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng Tp.Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.
Tại Quy hoạch này, liên kết nội vùng và liên kết với vùng Thủ đô đã được Thái Nguyên đặc biệt chú trọng. Trong đó, Thái Nguyên sẽ có thêm một tuyến đường cao tốc mới, đó là tuyến Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội.
Đường Vành đai 5 qua Thái Nguyên có điểm đầu là ranh giới Bắc Giang - Thái Nguyên, điểm cuối là ranh giới Thái Nguyên - Vĩnh Phúc.
Giai đoạn 2021 - 2025, tuyến đường này là đường cấp II, 4 làn xe và đường đô thị 6 làn xe. Giai đoạn sau, khi có đủ nguồn lực đầu tư và yêu cầu về nhu cầu vận tải, thực hiện đầu tư hoàn thiện đường vành đai 5 có quy mô là đường cao tốc, 6 làn xe bằng phương án xây dựng đường cao tốc trên cao hoặc đường thông thường.
Thời điểm trước khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được phê duyệt, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên hồi tháng 7/2022 khi tỉnh này xin ý kiến để hoàn thiện Quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi đó nói rằng, lợi thế vị trí địa lý của Thái Nguyên không tỉnh nào có được.
Đây là vị trí trung tâm vùng, là tỉnh kết nối vùng Thủ đô với vùng Trung du và miền núi phía Bắc, tiếp giáp với cực tăng trưởng, trung tâm chính trị, kinh tế lớn của cả nước là Hà Nội; Thái Nguyên hội tụ đầy đủ 4 phương thức giao thông, gồm: đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không vì sân bay Nội Bài tiếp giáp với tỉnh, giao thông kết nối thuận tiện.
Đặc biệt trong bối cảnh thế giới có dịch chuyển sản xuất công nghiệp hiện nay, Thái Nguyên đang là cứ điểm sản xuất công nghiệp, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư công nghệ.
Thái Nguyên cũng có thể phát triển mạnh thị trường du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trở thành trung tâm du lịch của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Thái Nguyên vốn đã có cơ hội, nếu biết nắm cơ hội, tạo ra cơ hội sẽ có bước phát triển đột phá mới.
Bộ trưởng cũng tin tưởng, Thái Nguyên sẽ có đột phá lần thứ 2 khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi vào thực tiễn, những tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển được khai mở và phát huy hiệu quả.
Có thể thấy rằng, đã đến lúc cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng phải nhanh chóng chuyển sang giai đoạn mới, chủ động kiến tạo, phát triển để quyết định tương lai của mình. Bên cạnh phát huy những cơ hội sẵn có phải tạo ra cơ hội cho mình để tận dụng hết các tiềm năng lợi thế.

Khơi thông nguồn lực thúc đẩy tỉnh Thái Nguyên phát triển

Để các địa phương trở thành cực tăng trưởng như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, ĐBQH đoàn Bình Dương cho biết: “Thông thường, để quyết định lựa chọn đầu tư tại quốc gia, địa phương nào đó thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều đến cơ sở hạ tầng đồng bộ (khu công nghiệp và các dịch vụ đi kèm, điện, nước, giao thông vận tải, thông tin, logistics...); nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, công nhân có tay nghề; công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ nội địa phát triển và tình hình an ninh trật tự của quốc gia, địa phương đó có ổn định hay không?
Như Thái Nguyên là một trong những tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô, có một vị thế địa - kinh tế đặc biệt. Sở hữu lợi thế về mặt giao thông thuận lợi liên kết với các địa phương lân cận như: Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ… Vì thế, tỉnh có tiềm năng tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư mạnh mẽ. Cùng với đó, điều kiện tự nhiên thuận lợi, ít thiên tai, tài nguyên phong phú giúp Thái Nguyên phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực…
Và để trở thành cực tăng trưởng như Nghị quyết đề ra, theo tôi, Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh như Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn… nói chung cần bám sát chủ trương, mục tiêu của Nghị quyết.
Chính phủ đã có Quyết định số 222 ngày 14/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để Thái Nguyên góp phần vào mục tiêu phát triển Vùng Thủ đô xứng tầm khu vực, TS. Trần Công Phàn cho rằng môi trường đầu tư, chính sách của Việt Nam nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đang tạo ra sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì thế, đã có nhiều dự án FDI tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, có nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là tại Thái Nguyên.
“Với những lợi thế và tiềm năng, tôi kỳ vọng Thái Nguyên sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ, thu hút được đông đảo các nhà đầu tư tham gia; đồng thời quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… và đạt được những mục tiêu như Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên đã đề ra”.

Để tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm

Đánh giá về việc liên kết vùng sẽ tạo bước ngoặt, lợi thế như thế nào trong việc phát triển Thủ đô Hà Nội nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung trong đó có Thái Nguyên, ĐBQH Hoàng Anh Công - Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện, đại biểu đoàn Thái Nguyên nói: “Rõ ràng, khi phát triển đồng bộ hệ thống giao thông thì việc kết nối giao thương, đi lại sẽ được thuận lợi hơn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong tỉnh nói riêng và giữa các tỉnh lân cận nói chung. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước…”.
Chia sẻ thêm về việc hoàn thiện chính sách để Thái Nguyên phát triển ngày càng bền vững, xứng tầm, đại biểu Hoàng Anh Công cho biết rất kỳ vọng trong quá trình triển khai quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, tỉnh sẽ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao… để Thái Nguyên ngày càng phát triển bền vững, xứng tầm.

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập115
  • Hôm nay32,816
  • Tháng hiện tại376,146
  • Tổng lượt truy cập26,658,558

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây