Đi thật xa để nghĩ thật gần: Kỳ 2

Thứ ba - 06/02/2024 15:01   Đã xem: 215   Phản hồi: 0

Kỳ 2: ...Để nghĩ điều trong vòng tayDường như tôi yêu Thái Nguyên từ lúc được sinh ra. Có lẽ vì thế chăng mà đi bất cứ nơi nào trên đất nước này, tôi luôn nghĩ: làm sao cho quê mình đẹp lên, tốt lên như quê người? Thế nên, xem bà con Cồn Chim, Cồn Hô (Trà Vinh) làm du lịch cộng đồng, tôi cứ nghĩ đến Bản Tèn và Bản Quyên quê mình. Cảnh sắc xinh đẹp, lòng người ấm áp, văn hóa đặc sắc, sao du lịch “vào” rồi lại “đi”?

Hoa tam giác mạch ở Bản Tèn
Hoa tam giác mạch ở Bản Tèn

Có hoa tam giác mạch mới có du lịch?

Tôi đến Bản Tèn (xã Văn Lăng) vào một ngày cuối tháng 9. So với 4 năm trước, khi tôi đến dự Lễ hội Văn hóa Thể thao dân tộc Mông lần thứ nhất, thì đường lên Bản đã xấu đi đáng kể. Thế nhưng, so với mươi năm trước tôi đến nơi này, thì con đường hôm nay là giấc mơ có thật. Nhà nước đã đầu tư gần 40 tỷ đồng để vạt núi xuyên rừng làm đường bê tông, ô tô leo đến trung tâm bản. Trên độ cao 1.200 mét so với mặt nước biển, 140 hộ dân đều là người Mông sống trọn trong một thung lũng tứ bề núi đá. Đến thời điểm này, Bản Tèn vẫn là xóm đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Tôi ngẩn ngơ đứng ngắm khung cảnh yên bình của bản. Triền ruộng bậc thang lượn mềm như tà váy Mông xếp nếp, óng lên màu của lúa vừa vào độ chín. Những ngôi nhà vách gỗ sẫm thời gian nép bên cây đào, cây mận. Đám trẻ má hồng chân đất chơi cù quay bên hông nhà.

Tôi men bờ ruộng đến chỗ bà con đang gặt. Mắt ai cũng vui khi tôi gợi chuyện 4 năm trước, du khách nô nức đổ về đây. Cả triền ruộng tím màu hoa tam giác mạch, chỗ này thi chọi chim, chỗ kia thanh niên đánh cù quay, thổi khèn. Du khách tò mò xem các bà đồ mèn mén, nếm thử muôi thắng cố nóng bỏng. Thế nhưng, khung cảnh nhộn nhịp ấy chẳng được bao lăm. Sau Lễ hội, hoa nhanh chóng tàn héo, người ta đến chụp ảnh một lúc, cái bụng đói, cái chân mỏi, họ phải xuống núi tìm chỗ ăn chỗ nghỉ. Bà con Bản Tèn hầu như không thu nhập thêm nhờ khách du lịch.

Làm mèn mén ở Bản Tèn
Làm mèn mén ở Bản Tèn

Anh Vương Văn Pình 22 tuổi, có nhà ngay mặt đường lớn vào Bản, địa điểm lý tưởng có thể mở quán bán hàng. Pình nhớ lại: “Lễ hội năm 2018, nhà em bán được gần trăm bát phở mỗi ngày. Trong bản cũng có người bán nước mía, trông xe thuê, đông khách lắm. Nhưng chỉ được hai ngày rồi hết khách. Pình bảo: nhà có vạt ruộng, nhưng phải vào rừng trồng ngô chăn nuôi gà lợn thêm. Vợ chồng Pình còn đi hái chè thuê dưới Văn Lăng.

Men con đường lởm chởm đá nhọn vừa đủ đặt bàn chân, tôi đến nhà anh Ngô Văn Chiến và chị Dương Thị Sầu ở lưng chừng bản. Căn nhà vách gỗ nhiều chỗ mục, nền nhà đất mấp mô. Nghe tôi nói về chương trình trồng hoa tam giác mạch tỉnh sẽ triển khai đầu tháng 10 này, vợ chồng Chiến - Sầu vui lắm. Anh Chiến rủ rỉ: “Có người bảo hạt tam giác mạch có thể làm bánh bán, nhưng nói thật ở đây chỉ cho trẻ con ăn “ví dụ” thôi, không làm thành món bán cho khách được đâu”. Tôi hỏi tên người nấu ăn giỏi của bản, Chiến và Sầu bảo: nhà nào cũng nấu được món truyền thống như đồ mèn mén, làm bánh nếp, nấu rượu chõ gỗ.

Như vậy, nếu tính cả mùa tam giác mạch năm nay (gieo tháng 10/2022, dự định khai thác vào tháng 3/2023) thì đã 3 lần Bản Tèn “làm đẹp” để đón Lễ hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Mông, đồng thời thu hút khách du lịch. Nhưng nếu theo cách này, thì mùa du lịch thật ngắn ngủi, dài lắm cũng chỉ bằng thời gian nở - tàn của một đời hoa.

Bản Tèn có vô số thứ hấp dẫn người đến tìm hiểu và trải nghiệm. Đó là vùng văn hóa dân tộc Mông đậm chất với tiếng nói, lối sống, trang phục, ẩm thực, trò chơi… Tôi mê mải ngắm những em bé chơi đùa trên sân nhà, hầu hết các em mặc quần áo dân tộc, nói tiếng Mông. Trên đường vào Bản, tôi gặp người dân dùng ngựa làm phương tiện đi lại, chuyên chở. Tôi nghĩ: Dưới mỗi mái nhà kia, trong mỗi người già kia, còn biết bao câu chuyện có thể kể, bao nét đẹp văn hóa có thể lưu truyền và cho du khách trải nghiệm như thêu hoa văn, thổi sáo, múa khèn, cưỡi ngựa, bắn nỏ. Các sản phẩm du lịch ở đây sẽ là khăn, túi, váy áo thổ cẩm, thịt treo gác bếp, mèn mén, thắng cố, bánh ngô, phở chua…

Chỉ cần 30% số nhà ở đây làm du lịch, cả Bản sẽ đổi khác. Bởi họ sẽ tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu, bán tạp hóa, trông giữ xe, làm homestay, dẫn khách leo núi, cho thuê ngựa, v.v.. Khung cảnh nguyên sơ, cuộc sống mộc mạc, kể cả cái khó cái khổ đều có thể “bán” được cho du khách. Bản Tèn sẽ hút khách 4 mùa, chứ không chỉ có mùa hoa tam giác mạch.
 

di that xa de nghi that gan2

Một thoáng Bản Tèn


Bản Quyên - thời xa vắng

Nếu như Bản Tèn có 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thì Bản Quyên lại là vùng văn hóa dân tộc Tày đậm nét.

Tôi mê đắm cảnh sắc dịu dàng của rừng cọ đồi chè, tiếng suối róc rách, vạt hoa râm bụt hiền lành; những nếp nhà sàn truyền thống ngun ngút khói lam tỏa từ vuông bếp. Đặc biệt, Bản Quyên có di tích Đồi Khau Tý, địa điểm đầu tiên Bác Hồ ở và làm việc tại An toàn khu Định Hóa trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Bản Quyên lại nằm trong xã Điềm Mặc (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), nơi có 24 điểm di tích lịch sử kháng chiến được xếp hạng.

Với nhiều lợi thế hiếm có như vậy, từ năm 2006, Bản Quyên được Nhà nước đầu tư bảo tồn, nâng cấp 15 ngôi nhà sàn và xây dựng Làng Văn hóa Du lịch cộng đồng. Bản còn được xây dựng cổng làng đắp nổi 2 cây đàn tính; nhà văn hóa 2 tầng bằng gỗ lợp lá cọ; hệ thống cọn nước như những vầng mặt trời tỏa nắng giữa cánh đồng lúa xanh mướt; chiếc cối giã gạo bằng sức nước đặt ở dòng suối chảy qua bản tạo cảnh cho du khách chụp ảnh. Bà con còn được hướng dẫn cách trồng nấm, nấu ăn, hát then, chơi đàn tính…
 

di that xa de nghi that gan3


Cổng vào Bản Quyên
 

Tôi ngồi uống trà với ông Ma Đình Soạn trong ngôi nhà sàn 36 cột của gia đình. Ông Soạn là người nhiệt tình tham gia chương trình du lịch cộng đồng Bản Quyên từ khi mới triển khai. Ông kể: Làng Văn hóa Du lịch Bản Quyên một thời rộn ràng lắm. Khách sau khi thăm các điểm di tích thì vào bản trải nghiệm hái chè, sao chè, chụp ảnh với cọn nước, nghe hát then… ăn và ngủ lại đến sáng hôm sau mới đi. Nhưng rồi, quang cảnh rộn ràng, lời then tiếng tính vui tươi lui dần vào… thời xa vắng. Giải thích tình trạng này, theo ông Soạn là do sản phẩm du lịch ở đây không có gì đặc biệt, môi trường chưa tốt, đường vào bản nhỏ hẹp (ô tô to không có chỗ quay đầu)…

Ông Ma Đình Hiệu, Trưởng xóm Bản Quyên từ năm 2010 đến 2020 (xóm Bản Quyên gồm Bản Quyên, Bản Tiến, Bản Hóa) tiếp chuyện tôi cạnh con suối chạy xuyên bản, nơi xưa đặt chiếc cối giã gạo bằng sức nước cho khách tham quan, nay đã không còn. Ông Hiệu bày tỏ: Các nghề bà con được dạy trước kia để làm du lịch cộng đồng đã “tàn” hết rồi. Không có khách là “tắc” hết, bà con phải làm lúa, làm chè mà sống thôi.
 

di that xa de nghi that gan4


Dấu tích còn lại của hệ thống cọn nước đầu tư phục vụ du lịch ở Bản Quyên


Tôi tha thẩn dạo khắp Bản Quyên, buồn vì hầu hết các công trình dựng lên phục vụ du khách đều đã hỏng. Nhưng tôi biết, bản người Tày hình thành từ hàng trăm năm này còn nhiều sức hút lắm. Một bề dày văn hóa lịch sử đồ sộ chưa được khai thác; bao điệu then cổ nằm trong óc người già; bên vuông bếp lửa giữa sàn, các mế tỉ mẩn chuốt nan lợp nón Tày; ống nếp lam lùi than xém vỏ thơm nức; món gà nấu canh gừng đánh tan cơn mệt… sẽ là những sản phẩm du lịch níu lòng du khách.

di that xa de nghi that gan5

Nghề làm nón Tày ở bản Quyên


Du lịch chậm để sống sâu

Có một “dòng” khách đi du lịch để tưới tẩm tâm hồn hơn là đánh dấu bước chân trên nhiều vùng đất. Họ sống thật chậm, thật sâu để hóa ngây thơ cùng nụ cười em bé, thả cảm xúc trong tiếng đàn tính ấm áp, tiếng khèn du dương trong hương núi, hương rừng. Với những người như thế, thì thiên nhiên êm đềm, cuộc sống an nhiên của dân cư bản địa như Bản Tèn, Bản Quyên sẽ là nơi níu chân họ.

Đào tạo cho chính người dân làm du lịch sẽ quyết định sự thành công của loại hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, việc “đặt viên gạch đầu tiên” để một vùng dân cư trở thành địa chỉ du lịch phải do các chuyên gia đảm nhiệm. Họ sẽ phải ở đủ lâu với người dân để hiểu vùng đất, con người, xắn tay cùng làm, hướng dẫn bà con thật tỉ mỉ. Khi có sản phẩm du lịch rồi thì họ kết nối với các công ty lữ hành đưa khách đến. Vài tháng, thậm chí vài năm, vừa làm vừa kê chỉnh, khi người dân thành thục, gắn bó với du lịch rồi, họ mới có thể rút đi.

Tôi biết, không phải kinh nghiệm ở nơi này có thể áp dụng thành công ở nơi khác. Nhưng một điều chắc chắn rằng, yếu tố NHẬP THÂN BỀN BỈ như nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu, phát triển Kinh tế và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh đã làm ở Trà Vinh là kinh nghiệm luôn luôn đúng với mọi địa phương.

Tôi nhói lên lo lắng khi thấy ở giữa Bản Tèn xuất hiện một ngôi nhà mới sơn màu vàng chói. Tôi cũng nhói lên lo lắng khi nhìn các mế chuốt nan lợp nón Tày ở Bản Quyên đều lưng còng tay run cả rồi. Nếu không còn nếp nhà vách gỗ thẫm thời gian, nếu không còn đá tai mèo và tiếng khèn gọi bạn, nếu không còn chiếc vòng bạc lóng lánh trên cổ người già… thì sẽ không còn bản Mông, bản Tày nữa.

Được biết, chính quyền hai huyện Đồng Hỷ và Định Hóa đang cố gắng đưa du lịch vào để cải thiện đời sống của bà con. Vậy xin hãy làm ngay và thật quyết liệt đi. Khi quyết tâm làm việc có ích cho dân thì mọi vướng mắc sẽ được tháo gỡ để thành công.

Nguồn tin: Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập666
  • Hôm nay16,176
  • Tháng hiện tại596,840
  • Tổng lượt truy cập28,246,585

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:281 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:516 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:468 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:100 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:104 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây