Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam

Thứ năm - 27/04/2023 15:55   Đã xem: 408   Phản hồi: 0

Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 375/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 124/QĐ-BNV ngày 09 tháng 02 năm 2011 của Bộ Nội vụ.

Theo đó, tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà báo Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Hội đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội. Hội đại diện quyền làm chủ, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp của người làm báo Việt Nam, góp phần xây dựng báo chí Việt Nam thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và diễn đàn của Nhân dân. Hội tập hợp, đoàn kết, động viên người làm báo Việt Nam phát huy năng lực sáng tạo, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, có biểu tượng, có tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật. Trụ sở của Hội đặt tại Thủ đô Hà Nội.
Hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc, trong lĩnh vực báo chí theo quy định pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành có liên quan về các lĩnh vực hoạt động của Hội. Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Hội tổ chức, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch; tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.
Hội Nhà báo Việt Nam có các nhiệm vụ sau:
1- Xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả theo quy định của pháp luật về báo chí, Điều lệ Hội và các quy định pháp luật có liên quan.
2- Tham gia giám sát việc tuân theo pháp luật về báo chí; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
3- Phản ánh, tư vấn, kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển đối với báo chí và người làm báo, văn bản quy phạm pháp luật về báo chí.
4- Tổ chức giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ và công tác hội cho hội viên.
5- Đề nghị các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức Hội, hội viên.
6- Hội phối hợp với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật; phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tuyên truyền, phổ biến pháp luật về báo chí.
7- Tham gia, phối hợp hoạt động báo chí với tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế có liên quan đến báo chí theo quy định pháp luật; hợp tác và tham gia các tổ chức báo chí trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
8- Tham gia thẩm định sản phẩm báo chí và thực hiện các nhiệm vụ khác khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9- Khen thưởng, kỷ luật tổ chức Hội, hội viên theo quy định pháp luật và Điều lệ Hội.
10- Tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động của Hội.
11- Hằng năm, Hội Nhà báo Việt Nam báo cáo tình hình hoạt động của Hội với Bộ Nội vụ và bộ, ngành quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà hội hoạt động theo quy định pháp luật.
Về quyền hạn của Hội như sau:
1- Đề xuất với Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành có liên quan về chủ trương chính sách và cơ chế phát triển báo chí.
2- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
3- Ban hành và tổ chức thực hiện Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.
4- Tổ chức các hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật.
5- Tổ chức các giải báo chí để tôn vinh những tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí chất lượng cao, có hiệu quả xã hội tích cực theo quy định pháp luật. Tuyển chọn các tác phẩm báo chí xuất sắc để tham gia các cuộc thi báo chí trong nước và quốc tế.
6- Đề xuất khen thưởng tổ chức, cá nhân thuộc Hội, các cơ quan báo chí có thành tích xuất sắc trong hoạt động báo chí theo quy định pháp luật.
7- Thành lập các tổ chức có tư cách pháp nhân trực thuộc Hội hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Hội và theo quy định của pháp luật.
Hội viên, điều kiện và tiêu chuẩn hội viên:
Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam gồm: Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội Nhà báo Việt Nam, tự nguyện xin vào Hội Nhà báo Việt Nam, được Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, kết nạp (hội viên tổ chức); Người làm báo theo Điều lệ này là công dân Việt Nam hoạt động báo chí hoặc liên quan đến hoạt động báo chí theo quy định pháp luật, tán thành tôn chỉ, mục đích của Hội, tự nguyện xin vào Hội, chấp hành Điều lệ Hội và đáp ứng điều kiện và tiêu chuẩn sau có thể trở thành hội viên cá nhân của Hội Nhà báo Việt Nam:
Đáp ứng 01 trong những điều kiện sau: 1- Tham gia vào quy trình sản xuất thông tin trong cơ quan báo chí, thông tấn (phóng viên, biên tập viên, đạo diễn, quay phim, biên kịch phát thanh - truyền hình, phát thanh viên; họa sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên tòa soạn); 2- Làm công tác nghiên cứu, giảng dạy báo chí; 3- Cán bộ cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; 4- Cán bộ chuyên trách tại cơ quan Hội Nhà báo Việt Nam và Văn phòng Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Liên chi hội nhà báo.
Các đối tượng trên có thời gian công tác ở các cơ quan nói trên từ 02 năm trở lên. Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định.
Về tiêu chuẩn: Có quan điểm, lập trường chính trị đúng đắn, lý lịch rõ ràng; Không vi phạm Luật Báo chí, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Trình độ học vấn: tốt nghiệp cao đẳng trở lên (trừ trường hợp hội viên đã được kết nạp trước khi Điều lệ này được ban hành). Trường hợp đặc biệt, do Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, quyết định; Hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ công dân, người làm báo.
Quyền của hội viên như sau: Được cấp thẻ hội viên theo niên hạn 05 năm; Được thông tin, thảo luận, tham gia và biểu quyết công việc của Hội; Được ứng cử, đề cử, bầu cử cơ quan lãnh đạo của Hội; Được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, đạo đức, nghiệp vụ báo chí; Hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, được pháp luật và Hội bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp; Hưởng các quyền lợi chính đáng khi tham gia các hoạt động của Hội; Chất vấn, báo cáo, đề đạt ý kiến và yêu cầu các cơ quan lãnh đạo Hội trả lời theo Điều lệ Hội; Giới thiệu người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Điều lệ này để kết nạp hội viên; Được xin ra khỏi Hội.
Nghĩa vụ của hội viên như sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động báo chí, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh; Chấp hành pháp luật, Điều lệ, Nghị quyết của Hội, Quy định về đạo đức nghề nghiệp, Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; hoàn thành các nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia các hoạt động của Hội; Hội viên sinh hoạt Hội theo Quy chế của Hội do Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam ban hành phù hợp với quy định pháp luật và Điều lệ này; Đoàn kết, giúp đỡ hội viên và đồng nghiệp; Bảo vệ uy tín của Hội, không được nhân danh Hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hội phân công bằng văn bản; không lạm dụng danh nghĩa hội viên để làm những việc trái pháp luật, Điều lệ Hội và các quy định khác của Hội; không tham gia các tổ chức trái quy định của pháp luật; Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội; Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội; Thường xuyên rèn luyện, học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, phẩm chất và năng lực nghiệp vụ;
Về cơ cấu tổ chức của Hội: Tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam gồm Đại hội đại biểu toàn quốc; Ban Chấp hành; Ban Thường vụ; Ban Kiểm tra; Các đơn vị, ban chuyên môn của Hội; Các cơ quan báo chí, các tổ chức có tư cách pháp nhân thuộc Hội.
Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thành lập theo quy định pháp luật; Liên chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam.
Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội, bao gồm Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam, Chi hội trực thuộc Liên chi hội và Hội Nhà báo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam gồm 10 Chương, 36 Điều đã được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30 tháng 12 năm 2021 và có hiệu lực thi hành theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quy định pháp luật về hội và Điều lệ Hội, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này.

 

Tác giả bài viết: Hồng Hải (TH )

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập188
  • Hôm nay38,339
  • Tháng hiện tại381,669
  • Tổng lượt truy cập26,664,081

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:125 | lượt tải:52

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:352 | lượt tải:129

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:363 | lượt tải:139

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:829 | lượt tải:190

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:858 | lượt tải:261

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây