Chè ở vùng cao

Thứ hai - 18/10/2021 08:18   Đã xem: 1031   Phản hồi: 0

Mặc dù là xứ sở của cây chè, nhưng những năm trước đây, người dân tại các địa phương trong tỉnh trồng chè chủ yếu ở vùng thấp. Gần đây, đến các xóm bản vùng cao, ta lại bắt gặp thấp thoáng trong mây những nương chè xanh mướt trải dài trên những ngọn núi xa, thực sự là những tác phẩm thiên nhiên tuyệt đẹp.

mỏ ba tư chăm sóc chè đẹp

Anh Dương Văn Tư xóm Mỏ Ba, xã Tân Long huyện Đồng Hỷ chăm sóc nương chè

1.
Muốn ngắm khung cảnh hùng vỹ của núi đá sừng sững soi bóng xuống mặt sông thăm thẳm thì Thần Sa là địa điểm lý tưởng. Là một trong những xã vùng cao xa xôi nhất của Thái Nguyên, Thần Sa đang lưu giữ những vết tích về người cổ đại sinh sống tại mảnh đất này từ thời đồ đá cách đây hàng vạn năm.
Leo lên núi Ngườm sừng sững một dải đá vôi được thiên nhiên tạo hình thành vô số tác phẩm điêu khắc kỳ lạ, sẽ đến một mái đá khổng lồ có tên là Mái Đá Ngườm, từng được tổ tiên loài người chọn làm nơi ăn chốn ở. Từ độ cao hàng chục mét nơi này, phóng tầm mắt xuống thung lũng phía bên kia núi là bắt gặp màu xanh tươi tốt của ruộng đồng cây cối, nhà cửa, đường xá, xe cộ và những đứa trẻ đuổi nhau vui đùa trên đường làng. Nơi đó là xóm Hạ Sơn với những sắc màu của cuộc sống hôm nay.
Bên kia núi Ngườm về hướng Bắc là xóm Hạ Sơn Dao, nhiều tên xóm của Thần Sa liên quan đến núi non, như Kim Sơn, Xuyên Sơn, Hạ Sơn… Sở dĩ gọi Hạ Sơn Dao để phân biệt với Hạ Sơn Tày. 
Trước đây, mặc dù Thần Sa là một nơi núi non hùng vỹ, sơn thủy hữu tình với rất nhiều cảnh đẹp nhưng ít người có thể đến ngắm cảnh. Hầu như chỉ có các đoàn công tác, các đoàn từ thiện và hiếm hoi các nhóm nghệ sỹ nhiếp ảnh băng rừng vượt suối đến Thần Sa. Vài ba năm trở lại đây, cùng với Chương trình xây dựng nông thôn mới, các Chương trình đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc đã được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đường vào Thần Sa đã được bê tông hóa, những đoạn qua sông suối đều có đập tràn. Để đến được xóm Hạ Sơn, có thêm một con đường mới mở khác, từ Văn Lăng (Đồng Hỷ) sang. Con đường này vừa hoàn thành năm ngoái, với số tiền 31 tỷ đồng cho tổng chiều dài 6km. Nhờ vậy, việc đi lại đã trở nên khá dễ dàng, xe ô tô gầm thấp đã có thể đến được nhiều xóm của Thần Sa.
Xóm Hạ Sơn Dao có 80 hộ dân sinh sống, toàn bộ đều dân tộc Dao. Cây chè được bà con trong xóm trồng từ hơn 20 năm trước, mọi nhà đều có vườn chè, tổng cộng lại khoảng 20ha. Ôm trong tay đứa chắt gái mới được gần tuổi, ông Triệu Đức Mao, 63 tuổi kể rằng vườn chè hơn 3 sào này là chính tay ông trồng, con lấy vợ lấy chồng thì chia cho con, nay con lại chia cho cháu ngoại làm của hồi môn.
Cháu gái ông Mao là Triệu Thị Mơ, năm nay 17 tuổi, chồng 20 tuổi, đứa bé ông Mao bế chính là con của Mơ.
Hỏi chuyện lâu lắm, Mơ mới nói chè năm nay khó bán lắm, không ai mua chè khô, chè búp tươi bán được 13 nghìn/kg, mỗi lứa chăm tốt hái được tạ rưỡi. Đến mùa cày cấy hay bận gặt lúa thì bỏ chè không chăm được, cũng không hái. Lúc không bận thì làm cỏ bón phân cho chè vì bán chè mới có tiền để mua phân, mua thuốc trừ sâu bón cho lúa.
Triệu Vĩnh Sửu, Bí thư chi bộ xóm, cũng được cha mẹ chia cho 4 sào chè làm của hồi môn. Chè nhà Sửu được 10 năm tuổi, mỗi lứa hái được 2 tạ búp tươi, mỗi năm hái 7 -8 lứa. 
Sửu khoe chè có người vào tận xóm thu mua hết, lúc đắt thì 150 đến 160 nghìn đồng/kg búp khô, lúc rẻ thì 80 nghìn, không phải mang ra chợ. Xã cũng đã tổ chức tập huấn chuyên đề về chè nhưng người dân không làm theo kỹ thuật được vì coi cây chè là phụ, ngô lúa mới là chính, chè cũng có thời gian thì chăm sóc, thu hái chứ không hái theo lứa đúng thời điểm theo kỹ thuật được hướng dẫn.
Mặc dù đủ ăn không thiếu đói nhưng nói đến khá giả thì còn xa lắm. Trưởng xóm khá trẻ, mới 29 tuổi, tên là Triệu Trung Lưu, tâm sự rằng xóm vẫn còn nghèo lắm, ngô thóc chỉ đủ ăn và chăn nuôi vài con gà vịt lấy trứng, ngoài chè thì không có cái gì bán ra tiền. Đầu năm nay, Lưu phá hết vườn chè cũ đã lâu quá đã có nhiều cây chết để trồng mới 7 nghìn gốc chè giống Kim Tuyên. Lưu tính vài năm tới đây chắc chắn chè của xóm sẽ bán được giá, trước hết vì đường giao thông đã rất thuận lợi rồi, cuộc sống đã thay đổi từng ngày, sau nữa là vì đất đai của xóm rất rộng, môi trường khí hậu trong lành, cây chè được phát triển tự nhiên rất sạch và ngon, sẽ được khách hàng ưa chuộng.
Chúng tôi rất nhất trí với những suy nghĩ của Lưu, nhớ lúc trao đổi về tình hình kinh tế của các xóm bản, lãnh đạo xã ngậm ngùi bảo cả 9 xóm chưa thấy có lấy một mô hình nào gọi là kha khá, nhìn khắp các vườn cũng chưa thấy cây gì ăn quả được, chỉ có Hạ Sơn phát triển cây chè.
Có lẽ, chỉ một vài năm tới, cùng với những thắng cảnh nổi tiếng như Thác Mưa rơi, Khu di tích người cổ đại  Mái Đá Ngườm… thì những xóm bản vùng cao của Thần Sa nói riêng và các huyện của tỉnh nói chung sẽ là những điểm du lịch sinh thái lịch sử hấp dẫn. 
Cùng với núi non, sông suối, bên cạnh những cánh rừng đặc dụng thẳm xanh màu đại ngàn, có màu xanh tươi non của những vườn chè đang trổ búp, phản ánh vẻ đẹp chân thực mà không kém phần quyến rũ của vùng cao Thái Nguyên hôm nay.

Chè Thần sa
Nương chè tại xóm
Hạ Sơn Dao, xã Thần Sa, huyện
Nhai

2.
Hành trình từ chân núi lên được xóm Mỏ Ba là quãng đường dài hơn 10km, dừng chân nửa chừng, nhìn xuống bên dưới, qua những đám mây trắng mỏng là cánh đồng lúa xanh mướt mải và khu trụ sở của UBND xã Quang Sơn (huyện Đồng Hỷ) nổi bật bởi những mái nhà màu đỏ sẫm. Tầm nhìn này tương đương với hàng chục phút đồng hồ chạy xe từ trung tâm huyện Đồng Hỷ, qua UBND xã Tân Long rồi đến Mỏ Ba - một trong các xóm nằm ở nơi cao nhất tỉnh.
Nằm khuất sau những cánh rừng và những tầng mây, ở đỉnh ngọn núi cao nhất, gần 1.000m so với mực nước biển, Mỏ Ba hiện có xấp xỉ 170 hộ dân, người Mông gần 100 hộ, người Kinh 12 hộ, còn lại là các dân tộc Cao Lan, Dao, Mường, Thái. Trong số đó, hộ nghèo vẫn chiếm tới hơn 50%. 
Anh Dương Văn Tư, 43 tuổi, dân tộc Dao, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỏ Ba, cũng là gương làm ăn giỏi nhất xóm, tâm sự rằng trước đây gần như tất cả các hộ đều nghèo đói, nhờ có cây chè mà cuộc sống được cải thiện nhiều. Cụ thể như nhà anh Tư, năm 2010 bắt đầu xuống xã theo học các lớp về tập huấn sản xuất chè an toàn, cũng là hộ đầu tiên của xóm làm chè với diện tích lớn, hiện giờ có 2ha. Nhờ chè mà thoát nghèo và có vốn để phát triển chăn nuôi. Năm 2017 anh Tư đầu tư nuôi 150 con dê chăn thả và nhanh chóng trở thành gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện với thu nhập từ 300- 400 triệu đồng/năm. Mới đây, anh Tư đã mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng để trồng 2ha ba kích và đinh lăng xen với chè nhằm tìm hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mỏ Ba đã có khá nhiều hộ trồng chè, tổng diện tích chè của cả xóm trên 16ha, đa số là chè trung du, sản xuất theo hướng an toàn, chất lượng chè búp khô khá cao. Gia đình bà Hoàng Thị Tân trồng chè từ năm 1990, trước đây chỉ để phục vụ gia đình và bà con trong xóm, sau này mới mở rộng diện tích để sản xuất hàng hoá. Chè chính vụ có giá từ 120 -150 nghìn đồng/kg búp khô, chè ngon nhất có lứa lên tới gần 300 nghìn đồng. Mặc dù giao thông khó khăn nhưng chè cũng dễ tiêu thụ, người buôn vẫn đến tận nhà để thu mua.
Nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh phát triển cây chè trong xóm, HTX Nông nghiệp Mỏ Ba được thành lập năm 2017, hoạt động chính là sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ chè của các hộ trong xóm, các năm vừa rồi mỗi năm sản lượng đạt khoảng 15 tấn búp khô, chiếm gần 20% sản lượng chè của xã Tân Long. HTX đã được đầu tư 4 máy vò và 3 tôn quay để sao sấy chè. 
Với triển vọng của cây chè, bà con Mỏ Ba tiếp tục mở rộng diện tích, dự kiến lên đến 30 ha và đưa các giống chè mới về trồng. Trong đó có nhiều hộ đồng bào Mông đã bắt đầu làm quen với cây chè và kỹ thuật trồng chè đặc sản.

3.
Nói về người Mông làm chè giỏi, phải kể đến các hộ ở xóm Na Sàng, xã Phú Đô, huyện Phú Lương. Đến được Na Sàng cũng phải vượt qua những con đường núi gian nan. Xóm có chưa đầy 30 hộ dân, mà phần lớn là người Mông. Cây chè đã giúp tha đổi bộ mặt xóm vùng cao này, giúp nhiều hộ dân trở lên khá giả. Điển hình là các gia đình anh Hoàng Văn Bình, Bí thư chi bộ xóm và anh Hoàng Văn Nhính, Trưởng xóm.
Anh Bình kể rằng trước đây bà con chủ yếu phá rừng để trồng ngô, tự cung tự cấp, no đói đều phụ thuộc vào thiên nhiên. Hơn chục năm nay, nhà nước đẩy mạnh đầu tư chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư, phân bón và dạy bà con cách làm ăn, nhờ thế mà các hộ đều biết sản xuất theo hướng hàng hoá, trồng rừng, trồng chè. Vì cây chè có hiệu quả kinh tế hơn nên bà con đã chuyển đổi nhiều diện tích ngô sang chè. Cả xóm hiện có 7ha chè, hầu hết đều được trồng bằng giống chè lai cao sản như LDP1, TRI 777, sản lượng trên 10 tấn chè búp khô mỗi năm, giá bán trên dưới 200 nghìn đồng/kg, là nguồn thu nhập đánh kể của các hộ gia đình trong xóm. 
Riêng về cây chè, nhà anh Bình có hơn 6 sào, trồng và chăm bón đúng như cán bộ khuyến nông tập huấn nên năng suất khá cao. Vợ anh Bình là chị Lý Thị Pàng đã nhanh chóng nắm bắt quy trình sản xuất, chế biến chè và trở thành lao động chính. Mỗi năm bình quân gia đình anh Bình chị Pàng thu hái 4 lứa chính và 4 lứa phụ, được hơn 1 tấn chè búp khô, bán tại nhà giá bình quân từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Tiền bán chè đủ phục vụ chi tiêu trong gia đình và đầu tư vào chăn nuôi và trồng 5ha rừng keo. Gia đình anh Bình mới xây được ngôi nhà to nhất xóm, không thua kém các căn biệt thự dưới xuôi.
Gia đình anh Nhính có hơn 8 sào chè, 8 sào lúa và 7ha rừng. Hai vợ chồng chia nhau vợ làm chè chồng làm rừng. Hàng ngày chị Lỵ vợ anh đi làm đổi công cho các nhà trong xóm, từ làm cỏ chè đến hái chè, sao chè. Anh Nhính tính toán rằng nếu không làm chè sẽ không có lực để đầu tư vào rừng. Tuy là bán rừng sẽ có món tiền to nhưng cũng cần thời gian trồng và chăm bón đến năm bảy năm mới được thu, trong khi đó cần đủ thứ vốn nào là cuốc hố, nào mua cây giống, mua phân bón, thuê người làm cỏ, phát cành,… rồi cái ăn cái mặc hàng ngày, tiền học cho con đều phải trông vào cây chè. 
Thế mạnh của Na Sàng là hầu hết các gia đình đều có mối quan hệ họ hàng ruột thịt, bên cạnh đó là việc sản xuất theo kiểu đổi công hỗ trợ lẫn nhau, nhờ vậy các hộ làm chè ở Na Sàng luôn sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm và mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chè. Điều này kết hợp với yếu tố khí hậu má mẻ, trong lành của xóm nằm ở vùng núi cao đã tạo nên sản phẩm chè Na Sàng có chất lượng khá nổi trội, không hề thua kém các vùng chè đặc sản của xã và của huyện.  
Anh Nhính tự hào bảo rằng trước đây nói đến vùng cao là nói đến đói nghèo lạc hậu. Còn nay, nói đến vùng cao là nói đến cuộc sống thanh bình, là không khí trong lành, là những sản phẩm xanh sạch và thiên nhiên tươi đẹp hiền hoà.
Nhìn những ngôi nhà khang trang, đường xe ô tô lên tận đỉnh trời, lại nhìn trên sườn núi cao, những vạt chè xanh non đan xen với màu xanh biếc của cây rừng và màu xanh thẳm của nền trời, cảm nhận rõ về sức sống của vùng cao hôm nay. 

Ngọc Khuê
 

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập186
  • Hôm nay29,890
  • Tháng hiện tại95,269
  • Tổng lượt truy cập22,489,272

Hình ảnh nổi bật

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:80 | lượt tải:30

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:80 | lượt tải:27

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:558 | lượt tải:129

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:554 | lượt tải:179

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:731 | lượt tải:182

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây