Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 10): Bác Hồ ở Định Hóa

Thứ hai - 18/10/2021 08:54   Đã xem: 1402   Phản hồi: 0

Tôi nhẩm đếm từng bậc đá lên đỉnh đèo De, nhẹ chân bước vào Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tới trước ban thờ Người, xin kính dâng nén hương lòng, lặng nghe tiếng chuông ngân vọng về sâu thẳm quá khứ. Tiếng chuông nhắc nhớ một thời năm xưa Bác về Định Hóa, cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

bacho3
Cụ Ma Đình Bài (bên phải) kể chuyện về Bác Hồ ở chiến khu.
 

Bỏ lại sau lưng những ồn ào náo nhiệt của thành phố, chúng tôi ngược đường về Thủ đô gió ngàn ATK Định Hóa, không phải để thưởng lãm những cảnh đẹp của một miền sơn dã “khó hững hờ”, mà tôi muốn tìm lại những ký ức thời gian xưa cũ, liên quan đến một con người vĩ đại - Hồ Chí Minh.

Thời gian nghiệt ngã giống như dòng sông cuộc đời, mang theo tất cả những gì có bên bờ, cũng đồng thời vun bồi nên những mùa vàng no ấm cho hôm nay và cả mai sau. Những người thuộc thế hệ của thời kháng chiến 9 năm phần nhiều đã về miền thiên cổ. Ngay như cụ Ma Đình Bài (gần 90 tuổi), nhà ở chân đồi Khau Tý đang kể chuyện về Bác Hồ ở chiến khu cho tôi nghe, hồi bấy giờ mới là cậu bé 13 tuổi. Cùng thời với cụ Bài còn có cụ Ma Đình Tín và Ma Đình Thưởng đều đã ngoài tuổi tám mươi.

Ngược dòng sử xanh để trở về với miền hoài nhớ ký ức, vinh quang mà đong đầy gian khổ của dân tộc. Trong bối cảnh Tổ quốc bị thực dân giầy xéo, giữa đêm dài nô lệ chợt bừng sáng niềm tin được thắp lên từ Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau gần 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn vùng đất hiểm trở đầy núi cao, sông sâu để trở về. Hang Pác Bó trở thành ngôi nhà ấm áp cho Người ở và làm việc trong giai đoạn đất nước gian nan nhất (1941-1945).

Đến tháng 5-1945, trước tình hình chính trị trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển, Người chỉ thị: “Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, đại thể nối liền nhau, nên thành lập một căn cứ lấy tên là Khu giải phóng”. Khu giải phóng lấy Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang làm trung tâm.

Cách mạng Tháng Tám thành công, sau ngày 2/9/1945, Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc trước toàn thể nhân dân thế giới chưa được bao ngày thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Trước tình hình cấp bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cơ quan Trung ương Đảng trở lại căn cứ địa Việt Bắc, trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Vùng ATK Trung ương hình thành, chủ yếu nằm trên địa bàn 4 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn (Tuyên Quang); Chợ Đồn (Bắc Kạn) và Định Hoá (Thái Nguyên).

Trở lại bên chân đồi Khau Tý, câu chuyện cụ Bài đã nhiều lần kể cho các thế hệ cháu con cùng nghe, mà nay nghe lại vẫn bồi bồi. Vuốt chòm râu bạc, cụ hướng đôi mắt vào một khoảng không vô định. Nhưng tôi biết trong cái khoảng vô hình ấy là những hình ảnh về ngày cách nay mấy mươi năm đang thức dậy. Sau một hồi nén kìm cảm xúc, cụ ôn tồn: Hồi bấy giờ dân cư thưa vắng, khu này chỉ có mấy nóc nhà, nhưng được Bác Hồ tin tưởng, lựa chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về Định Hóa. Mấy đứa trẻ chúng tôi đi chăn trâu vẫn thấy Bác Hồ cùng các chú cán bộ đi lại trên đường mòn lên, xuống đồi Khau Tý. 

Anh Nguyễn Ngọc Đức, hướng dẫn viên văn hóa (Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa) đưa tôi trở lại con đường mòn ấy lên với mái lán - Phủ Chủ tịch đầu tiên ở Định Hóa. Đó là một ngôi nhà dựng theo lối nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, vách bưng liếp nứa, mái lợp lá rừng. Anh Đức bắt đầu câu chuyện: Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mái lán này từ ngày 20/5 đến ngày 11/10/1947. Hơn 4 tháng ở đây, Người đã có những quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước. Người đã quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc, sau trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ”. Người chủ trì cuộc họp Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Phải phá cuộc tấn công mùa Đông của giặc Pháp” đánh lên căn cứ địa Việt Bắc. Đặc biệt, bản thảo cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” với bút danh X.Y.Z được Người hoàn thành tại đây. Cuốn sách không chỉ có ý nghĩa trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, rèn luyện đạo đức, tác phong cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quân đội hồi bấy giờ mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Vẫn còn đây cây đa cổ thụ, cây trám bùi năm nào cùng tán cây nhừ cổ kính tỏa bóng mát che chở cho mái lán bình yên. Và dưới nắng mưa cùng sự nghiệt ngã thời gian, khoảng sân nhỏ Người tập thể dục mỗi sáng vẫn còn đó với  xà kép, xà đơn. Chếch sau mái lán là một vầng dâm bụt Người trồng bốn mùa đỏ màu hoa. Bao quanh khắp đồi là rừng vầu đan xen với những thân cọ xù xì cổ kính. Từng câu chuyện về Người bao giờ cũng tươi mới.

Như vừa hôm qua Người nhàn tản cùng các anh cảnh vệ: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi đi lấy măng rừng, ngồi câu cá bên dòng suối kề chân đồi. Chợt lời bài thơ “Cảnh khuya” vẳng lên từ đâu đó, gợi sự bình yên bởi nơi này chỉ có tiếng gió ngàn lặng lẽ như lược trời chải vào vô số lá, cành của rừng vầu, cọ, gợi cho tôi liên tưởng tới bóng Người năm xưa ngồi lặng lẽ đêm thâu vì “nỗi nước non nhà”.

bacho4
 
Suối Khuôn Tát.

Lần lại dòng sử cách mạng, chúng tôi ngược Đèo De đến cây đa cổ kính, nơi Người cùng cán bộ, chiến sĩ tập luyện thể thao, đến suối Khuôn Tát đầy phiến đá lớn, nơi Người từng ngồi câu cá. Thiên nhiên hữu tình tạo nên cảnh vật “khó hững hờ”, dẫn dụ chúng tôi thả bộ đến cuối con đường mòn, ngược thêm một đoạn dốc nhỏ, đến lán Khuôn Tát - nơi Người nhiều lần ở, làm việc từ năm 1947 đến năm 1953.

Tại mái lán này, Người đã ở nhiều lần: Lần 1 từ ngày 20 đến ngày 28/11/1947; lần 2 từ 11/1 đến 7/3/1948; lần 3 từ 5-4 đến 1/5/1948 và một số lần khác trong năm 1953. Nhưng có lẽ gần gũi, thân thiện, khắc dấu ấn sâu đậm, không chỉ với “con rồng cháu tiên”, mà với nhiều chính khách, cả với du khách quốc tế có cảm tình với Việt Nam đều biết đến nơi ở của Người tại đồi Tỉn Keo. Đặc biệt ở nơi này, tháng 10-1953 Người đã chủ trì Hội nghị Bộ chính trị thông qua chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 của Tổng quân uỷ. Và ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp tại đồi Tỉn Keo đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ…

Một mái lán đơn sơ được ví là “Chùa rách, bụt vàng” ngự giữa lưng đồi đầy cây vầu đan kín. Và dưới tán lá chở che còn có từng đường giao thông hào từ lán Người ở, làm việc luồn sâu vào rừng, bảo đảm an toàn trong những trường hợp đặc biệt.

Ông Ma Doãn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đình cho biết: Theo đường mòn bấy giờ, từ chỗ Bác ở, làm việc tại mái lán Tỉn Keo đến nơi ở, làm việc của Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại đồi Thẩm Khen gần 2km; hoặc đến nơi ở, làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh tại đồi Nà Mòn gần 3km. Đồi Thẩm Khen và đồi Nà Mòn đều thuộc xã Lục Giã (sau này Lục Giã đổi lại thành Phú Đình). Rồi từ Tỉn Keo sang Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ đi bộ qua Đèo De...

Vẫn còn đây những Khau Tý, Tỉn Keo, Nà Lọm, Khuôn Tát, Bảo Biên, Khẩu Quắc, Đèo De, Núi Hồng… mãi khắc ghi hình ảnh của Bác cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quân đội nhân dân luận bàn việc nước, ban hành quyết sách quan trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.

Gắn bó với Thủ đô gió ngàn, từ sau ngày hòa bình lập lại (năm 1954) đến năm 1964, Người 7 lần trở lại Thái Nguyên, ân cần thăm hỏi, động viên cán bộ, nhân dân đoàn kết, ra sức phấn đấu “Làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc”.

Chợt từ đỉnh Đèo De có tiếng chuông ngân lên. Từng âm hưởng thanh tao vang rung cả một miền không gian lớn rộng. Tiếng chuông ấy đều đặn mỗi ngày vọng ngân vào mênh mông núi rừng Việt Bắc. Đó là tiếng chuông của các đoàn cháu con trên mọi miền Tổ quốc tìm về, là tiếng chuông gợi miền liên tưởng trong ký ức mỗi người về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đang “Ung dung yên ngựa trên đường suối reo”.

Tác giả bài viết: Phạm Ngọc Chuẩn ( BTN)

Nguồn tin: baothainguyen.org.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập40
  • Hôm nay16,339
  • Tháng hiện tại608,656
  • Tổng lượt truy cập27,468,280

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:197 | lượt tải:62

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:423 | lượt tải:143

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:421 | lượt tải:151

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:55 | lượt tải:15

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:56 | lượt tải:17

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây