Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà

Thứ tư - 29/04/2020 13:22   Đã xem: 2803   Phản hồi: 0

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2020), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tái bản lần thứ 5 có bổ sung cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Cuốn sách đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015, được dịch sang tiếng Anh, tiếng Lào và đang được dịch tiếp sang ngôn ngữ khác. Báo điện tử Tổ Quốc trích đăng chương cuối cùng viết về phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà.

Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong ba ngày cuối cùng 28, 29 và 30-4-1975 thê lương quá cảnh chợ chiều. Nó không còn cái vẻ uy nghi, cờ súy lộng lẫy như thuở vàng son ngày nào. Không một viên tướng nào còn tâm trí để mà ra lệnh ở cái Bộ Tổng tham mưu này nữa, số đông đã cuốn gói, số còn lại cũng đang cuống cuồng lo chuyện di tản. Còn lại có chăng một số sĩ quan mẫn cán chỉ biết chờ lệnh để thi hành. Đại tá Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận quân đội Sài Gòn là một trong số sĩ quan mẫn cán đến ngây thơ đó.

Trên tấm bản đồ tác chiến khổ rất lớn, màu sắc thật tươi trong văn phòng của tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng, những ký hiệu màu đỏ chỉ mũi tiến công của các sư đoàn Quân giải phóng đã đâm thẳng vào và bao vây chặt Sài Gòn. Hoa đếm được ở đó có tới 12 sư đoàn bộ binh, một sư đoàn pháo, hai trung đoàn pháo cao xạ và hỏa tiễn, và hai trung đoàn chiến xa. Vậy là số phận Sài Gòn đã được định đoạt. Vì bên trong Sài Gòn lúc này có đơn vị nào phòng thủ nữa đâu, chỉ có đám tàn quân của Sư đoàn dù, Sư đoàn 5, Sư đoàn 25, Sư đoàn 2, Sư đoàn lính thủy đánh bộ chạy nhớn nhác, tay không súng, đầu không mũ, tay dắt vợ, lưng cõng con, phờ phạc trong từng lớp sóng người tay xách nách mang ngược xuôi tìm đường di tản. Cảnh tượng thật là thảm hại. Tướng Viên sau khi ký quyết định cử Tướng Khuyên xử lý thường vụ chức vụ Tổng tham mưu trưởng, đã dắt theo Đại tá Tòng, Chỉ huy trưởng tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu chạy tới sứ quán Mỹ rồi lên trực thăng chuồn mất. Tướng Viên chạy, Tướng Khuyên được cử thay Tướng Viên cũng chạy. Thế là Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa như rắn mất đầu.

Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà - Ảnh 1.

Quân Giải phóng chiếm Bộ chỉ huy Quân sự Sài Gòn (ảnh tư liệu)

Trước tình cảnh ấy, Phạm Bá Hoa đánh liều gọi điện báo cáo thẳng với Đại tướng Dương Văn Minh, người vừa được lưỡng viện quốc hội tấn phong làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa:

- Kính trình Đại tướng, tôi Phạm Bá Hoa, Tham mưu trưởng Tổng cục tiếp vận thuộc Bộ Tổng tham mưu xin kính trình: Hiện không còn một tướng lãnh nào ở Bộ Tổng tham mưu nữa. Tướng Viên đi, Tướng Khuyên cũng đi. Đại tá cũng chỉ còn ba, bốn người nữa thôi. Nếu từ giờ đến tối mà không tướng nào vào giữ Bộ Tổng tham mưu thì chúng tôi sẽ dời qua Biệt khu Thủ đô làm việc.

Trả lời Hoa, Dương Văn Minh báo cho biết là trước khi trời tối sẽ có phái đoàn tướng lãnh vào tổng hành dinh Bộ Tổng tham mưu nhận việc. Và chính ngay lúc đó, Tổng thống Dương Văn Minh hạ bút ký lệnh bổ nhiệm Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng tham mưu trưởng Quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Khoảng 6 giờ chiều ngày 29-4-1975, phái đoàn tướng lãnh vào Bộ Tổng tham mưu, gồm có: Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng; Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Tham mưu trưởng; Chuẩn tướng Nguyễn Văn Chức, Tổng cục phó Tổng cục tiếp vận; Đại tá Nguyễn Khắc Tuân, Chánh văn phòng của Tướng Lộc; Đại tá Đỗ Ngọc Nhân, Tham mưu phó; Đại tá Trần Cao Thắng, Chỉ huy trưởng tổng hành dinh; cựu Chuẩn tướng Phạm Bá Lân và Trung tướng Lữ Lan. Phạm Bá Hoa bàn giao công việc lại cho Tướng Chức, Tổng cục trưởng Tổng cục tiếp vận sau khi đã thuyết trình ngắn về các sĩ quan ai còn ai chạy.

Trên khung cảnh đổ vỡ tan hoang của sân khấu chính trị và sự cắm cổ bỏ chạy của kép chính, kép phụ, những con rối ngây thơ cố sức trong màn diễn cuối cùng. Có lẽ Trung tướng về hưu Vĩnh Lộc là diễn viên gây ấn tượng nhất trong màn bi hài kịch cuối cùng. Tưởng rằng đã tuyệt vọng và bị lãng quên nay Dương Văn Minh lên, nhớ tới thuộc hạ cũ lại cho vời Lộc ra làm Tổng tham mưu trưởng. Sáng 29-4, Vĩnh Lộc thức dậy từ sớm, râu ria cạo nhẵn, áo quần tươm tất, sức nước hoa thơm lừng, khập khiễng chống ba-toong (vì Lộc bị khớp nặng) bước lên chiếc Mercedes đã được lau chùi bóng nhoáng từ đêm. Ngồi phưỡn bụng trong chiếc xe cắm cờ tướng, Vĩnh Lộc thúc lái xe mở hết tốc lực phóng tới trụ sở Bộ Tổng tham mưu để - như Lộc nói - "còn điều hành cuộc chiến, điều hành cuộc phòng thủ bảo vệ Sài Gòn". Trong lúc Vĩnh Lộc mũ áo chỉnh tề, mặt mày phởn phơ một cách hãnh tiến và ngu ngốc, chống ba-toong khập khiễng lên từng bậc thang ở tầng lầu trụ sở Bộ Tổng tham mưu, thì Nguyễn Hữu Có, viên trung tướng về hưu đã gần cả thập kỷ, năm nay vừa tròn 50 tuổi cũng thấy mình như chợt thức. Tướng Nguyễn Hữu Có từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn, rồi Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng (1966-1967), sau đó bị Thiệu - Kỳ cách chức khi đang cầm đầu một phái đoàn thăm Đài Loan. Tướng Có phải ở lại Hong Kong đến năm 1970 mới được về lại Sài Gòn, sau khi làm đơn cam kết với Thiệu là "chỉ về nước làm ăn, vĩnh viễn rời xa chính trường". Chiều 29-4, tướng Có mở tủ lấy bộ quần áo cấp tướng đã bạc màu, mặc vào, đứng trước gương ngắm nghía một hồi, rồi tự lái xe hơi đến thẳng "Dinh Phong Lan" của Tướng Dương Văn Minh.

Đúng 16 giờ, Nguyễn Hữu Có đến nhà lúc Dương Văn Minh đang ăn cơm với Lý Quý Chung. Vừa trông thấy Tướng Có, Dương Văn Minh nói ngay:

- Trời, Ba Có! Anh tới trễ! Tôi đã chỉ định Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng tham mưu trưởng. Vĩnh Lộc đang điều hành ở Bộ Tổng tham mưu. Anh đi ngay tới đó làm phụ tá, giúp hắn một tay.

Nguyễn Hữu Có hỏi Dương Văn Minh:

- Tình hình này liệu có giải pháp gì chưa?

Dương Văn Minh đáp:

- Yên tâm. Đúng 8 giờ sáng mai sẽ có giải pháp, một giải pháp tốt đẹp.

Ngay sau đó, Tướng Có phóng xe tới Bộ Tổng tham mưu. Nguyễn Hữu Có bước vào văn phòng Bộ Tổng tham mưu, thấy Vĩnh Lộc đang ngồi với Trung tướng Trần Văn Trung và Thiếu tướng Văn Thành Cao, Tổng cục trưởng và Tổng cục phó chiến tranh chính trị; Thiếu tướng quân y Vũ Ngọc Hoàn; Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Vĩnh Lộc và Chuẩn tướng về hưu Phạm Bá Lân.

Vừa thấy Nguyễn Hữu Có bước vào, Vĩnh Lộc đã xô ghế đứng lên khập khiễng bước sang một bên và chỉ chiếc ghế dành cho Tổng tham mưu trưởng, nói với Có:

- Ủa, anh Ba Có. Lẽ ra Trung tướng phải ngồi ghế này mới đúng!

Thăm hỏi xong, Vĩnh Lộc nhờ Tướng Có chủ trì cho buổi họp nắm lại tình hình của Bộ Tổng tham mưu, còn Vĩnh Lộc thì sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc bản nhật lệnh kêu gọi sĩ quan, binh lính đã bỏ trốn ra trình diện để "tiếp tục chiến đấu, đứng vững và chờ đợi một giải pháp".

18 giờ ngày 29-4-1975, buổi họp giao ban tình hình tác chiến của Bộ Tổng tham mưu do Tướng Có chủ trì bắt đầu. Đây chính là buổi giao ban tác chiến cuối cùng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Tham dự có Chuẩn tướng Hạnh, Chuẩn tướng Lân, Đại tá Nguyễn Khắc Tuân giúp việc cho Vĩnh Lộc, Đại tá Thanh mới được chỉ định phụ trách tổng hành dinh và Đại tá Nguyễn Ngọc Thân, phụ trách phòng nhân viên của Bộ Tổng tham mưu.

Mở đầu buổi giao ban, Đại tá Thanh báo cáo, theo danh sách các tướng lĩnh, sĩ quan Bộ Tổng tham mưu trình diện Trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng, tới phút này chỉ vẻn vẹn có 31 người. Trong đó có: hai trung tướng (Nguyễn Hữu Có - Bộ Tổng tham mưu; Trần Văn Trung - Tổng cục trưởng chiến tranh chính trị), sáu thiếu tướng (Lâm Văn Phát - Tư lệnh Biệt khu Thủ đô; Vũ Ngọc Hoàn - quân y; Đỗ Kế Giai - Chỉ huy trưởng biệt động quân; Văn Thành Cao - Tổng cục chiến tranh chính trị; Nguyễn Xuân Trang - Bộ Tổng tham mưu; Đoàn Văn Quảng - Bộ Tổng tham mưu) - bốn chuẩn tướng (Phạm Hà Thanh - quân y; Nguyễn Hữu Hạnh - Bộ Tổng tham mưu; Nguyễn Văn Chức - Tổng cục tiếp vận; Phạm Bá Lân - Bộ Tổng tham mưu) còn lại 19 sĩ quan từ cấp thiếu tá tới đại tá. Đại tá Thanh, phụ trách tổng hành dinh cũng báo cáo là kiểm tra thì được biết các trưởng phòng trực thuộc Bộ Tổng tham mưu đã di tản hết hoặc đang chạy lo gia đình, hiện không còn một ai. Thanh cũng cho biết không chỉ trưởng phòng mà các sĩ quan cũng đã đi, năm đại đội lính thường trực bảo vệ tổng hành dinh cũng bỏ chạy, hiện còn chưa tới 200 người. Đại tá Thanh cũng báo cáo không còn nắm được các đơn vị và đề nghị ngày mai (30-4) ra lời kêu gọi trên đài phát thanh là, mọi nhân viên bất kể quân hàm, cấp bậc đều phải tức thời về trình diện tại đơn vị gốc, kể cả các cơ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu.

Tướng Có đồng ý ra lời kêu gọi và cho rằng, đến giờ phút này, cơ cấu Bộ Tổng tham mưu đã không còn nữa. Cả một buổi họp giao ban tác chiến cuối cùng của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn chỉ giải quyết được độc một việc như vậy.

Là một sĩ quan cực kỳ mẫn cán, suốt từ 18 đến 23 giờ đêm ngày 29-4, Tướng Có lo nắm lại tình hình các đơn vị thuộc Quân khu 3 và Quân khu 4. Đêm đó, Dương Văn Minh gọi điện ra lệnh cho Nguyễn Hữu Có và Vĩnh Lộc bằng bất kỳ giá nào cũng phải giữ cho được Trung tâm phát tuyến Phú Lâm và Quán Tre. Tướng Có không về nhà. Đêm đó, Có thức trắng ở văn phòng thường trực Bộ Tổng tham mưu, đi đi lại lại, càng ngẫm càng thấy thất vọng vì không ngờ tình hình lại bi đát đến thế. Vào 4 giờ sáng ngày 30-4, Nguyễn Hữu Có nhấc điện thoại quay số nói chuyện trực tiếp với Dương Văn Minh. Đêm 29-4, vì sự an toàn, ông Dương Văn Minh đã rời "Dinh Hoa Lan" của mình và cùng với vợ vào ngủ trong Dinh Độc Lập. Ông Dương Văn Minh nghỉ tại phòng ngủ của vợ chồng Thiệu ở tầng hai. Phòng ngủ của vợ chồng Thiệu lúc đó đã trống trơn. Trên tấm thảm trước phòng ngủ chỉ còn bộ da cọp nằm trơ trọi. Trong phòng tắm không có một cục xà bông nào.

Nguyễn Hữu Có báo cáo:

- Trình Tổng thống! Tình hình tôi nắm được là hết sức nguy ngập. Các đơn vị đã bỏ chạy. Máy bay đã di tản hết sang Thái Lan. Chỉ còn có hai tiểu đoàn lính dù chặn ở ngã tư Bảy Hiền. Chúng ta đã thất bại, không còn gì để mà đánh, mà trông cậy nữa. Không hiểu tình hình giải pháp đến đâu rồi?

Nghe Nguyễn Hữu Có báo cáo, Dương Văn Minh không có vẻ gì là lo lắng. Dương Văn Minh động viên:

- Ba Có! Anh cứ yên tâm vui vẻ đi ngủ đi, 8 giờ sáng mai sẽ có giải pháp, sẽ có hòa hợp và ngừng bắn.

Đúng 6 giờ 30 phút sáng ngày 30-4-1975, Vĩnh Lộc và Trung tướng Trần Văn Trung tới Bộ Tổng tham mưu. Nguyễn Hữu Có nói ngay khi Lộc và Trung vừa bước vào phòng:

- Tình hình là tuyệt vọng rồi. Mấy sư đoàn còn lại cũng đã mất hết. Chúng ta có muốn đánh nữa cũng chẳng còn gì trong tay để mà đánh!

Vĩnh Lộc lúc đó trong bụng đã tính tới chuyện ra đi, vẫn nói rất mạnh:

- Tuyệt vọng thế nào được. Ta huy động thiết giáp chặn ở Gò Vấp và chặn ở ngã tư Bảy Hiền, cho không quân ném bom từ ngã tư Bảy Hiền tới Trung tâm huấn luyện Quang Trung.

Cho đó là một kế hoạch ảo tưởng, hão huyền, nhưng không tranh luận với Vĩnh Lộc, Tướng Có lặng lẽ kéo Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh đến gặp Dương Văn Minh. Nghe Tướng Có báo cáo tình hình, lúc đó Tổng thống Dương Văn Minh mới hốt hoảng, vội mặc áo, kéo Nguyễn Hữu Có và Nguyễn Hữu Hạnh từ Dinh Độc Lập đến Phủ Thủ tướng ở gần đấy, ngay cuối đại lộ Thống Nhất tìm Vũ Văn Mẫu. Lúc đó là 8 giờ sáng ngày 30-4. Đến Phủ Thủ tướng, một cảnh tượng bi hài diễn ra trước mắt. Đầy đủ các thành viên tham gia nội các của Vũ Văn Mẫu, vị nào vị nấy mặt mày hớn hở, lễ phục bảnh bao, nói cười vui vẻ chuẩn bị cho lễ ra mắt của tân nội các đã quyết định sẽ tổ chức trọng thể vào 10 giờ sáng hôm nay. Nhiều thành viên của tân chính phủ đã ngủ đêm tại đây.

Buông phịch tấm thân nặng nề xuống chiếc ghế bành bọc dạ đỏ, Tổng thống Dương Văn Minh gọi Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng của nội các mới chưa kịp ra mắt tới, hỏi:

- Sao, tình hình giải pháp chính trị tới đâu?

Vũ Văn Mẫu trả lời:

- Trình Tổng thống! Tình hình tốt đẹp. Đại sứ Pháp Merion đảm bảo việc liên lạc với Mặt trận.

Ngay lúc ấy, Dương Văn Minh đứng lên gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với Thích Trí Quang. Cuộc điện thoại diễn ra hết sức ngắn ngủi và bi đát:

- Thưa thầy! Người thầy cho đi bắt liên lạc đã về chưa?

- Chưa về!

- Như vậy vấn đề sáng nay chưa có kết quả?

- Không xong!

- Tôi tin thầy, bây giờ thầy nói vậy tôi còn biết tin ai, còn đánh gì nữa, còn giải pháp gì nữa!

- Tôi tu hành không biết về chính trị và quân sự, Đại tướng tự quyết định lấy.

Minh đặt mạnh máy điện thoại, nói với tất cả các thành viên có mặt:

Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà - Ảnh 2.

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 (ảnh tư liệu)

- Trời, chỉ còn có vài tiếng đồng hồ nữa thôi!

Ngồi lại trong phòng, Tổng thống Dương Văn Minh đưa ra ý kiến tuyên bố thành phố bỏ ngỏ và trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Dương Văn Minh nói: "Để tránh cho người dân Sài Gòn những tai họa đã xảy ra như tại Đà Nẵng, mà có thể còn tồi tệ hơn, tôi quyết định trao quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Phòng họp im lặng không có ai phản đối. Thấy vậy, Nguyễn Hữu Có lên tiếng lưu ý Dương Văn Minh và các thành viên nội các rằng, nếu tuyên bố thành phố bỏ ngỏ, Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 4 có thể hiểu nhầm là Tổng thống kêu gọi cứu viện thì thành phố này, Sài Gòn này sẽ tan nát hết. Bàn tính một hồi, cuối cùng Dương Văn Minh nói Vũ Văn Mẫu thảo bản tuyên bố đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Thế là không khí đám ma đổ sụp xuống cái chính phủ gồm 16 nhân vật trong chính thể cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa. Lúc đó là 9 giờ sáng ngày 30-4-1975. Vĩnh Lộc chạy bổ ra xe. Bị khớp nặng mà không hiểu sao lúc đó Vĩnh Lộc lại có thể chạy lẹ đến thế. Quăng ba-toong, giật phăng cờ tướng cắm ở đầu xe, Vĩnh Lộc phóng thục mạng ra cảng Sài Gòn, xuống tàu hải quân di tản. Tướng Nguyễn Hữu Có cũng lật đật về nhà, thu xếp vợ con chạy lên Chợ Lớn. Vợ Chuẩn tướng Trần Văn Hai, Tư lệnh Sư đoàn 7 tìm gặp khóc lóc kể với Nguyễn Hữu Có là chồng đã tự sát. Nguyễn Hữu Có không nói gì, chỉ lặng lẽ ngồi nghe...

Khoảng 10 giờ sáng, Tổng thống Dương Văn Minh lên ôtô đi tới Dinh Độc Lập. Các thành viên chính phủ và một số dân biểu nghị sĩ cũng lên xe mình tới Dinh Độc Lập. Trước đó, ông Dương Văn Minh đã tuyên bố với các thành viên chính phủ và những người đang còn ở bên ông Minh: "Bắt đầu từ giờ phút này, sự ràng buộc giữa anh em chúng ta không còn nữa. Mỗi người tự do quyết định sự lựa chọn của mình: Đi hay ở lại".

Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà - Ảnh 3.

Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện

Lời tuyên bố xin ngừng bắn và chờ bàn giao chính quyền do Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa đọc, được truyền đi trên làn sóng của Đài phát thanh Sài Gòn vào đúng 9 giờ 25 phút - giờ Hà Nội - ngày 30-4-1975, toàn văn như sau:

"Đường lối, chủ trương của chúng tôi hòa giải, hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào vụ hòa giải giữa người Việt Nam để khỏi phí phạm xương máu người Việt Nam. Vì lẽ đó tôi yêu cầu tất cả các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa bình tĩnh ngưng nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng thảo luận về lễ bàn giao chính quyền trong vòng trật tự và tránh sự đổ máu vô ích của đồng bào".

Tiếp ngay đó, Đài Sài Gòn đọc lệnh của Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá Tổng tham mưu trưởng, yêu cầu tất cả tướng lĩnh, chỉ huy các cấp của Quân lực Việt Nam Cộng hòa triệt để thi hành lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh, sẵn sàng liên hệ với các cấp chỉ huy quân đội của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để thực hiện cuộc ngừng bắn một cách không đổ máu.

Đúng 80 phút sau đó, kể từ khi Dương Văn Minh dứt tiếng nói, tức là vào 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng đầu tiên của Lữ đoàn xe tăng 203 hất tung cánh cổng sắt ở Dinh Độc Lập. Cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng ập vào chiếm lĩnh Dinh Độc Lập. Dương Văn Minh, Tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa và toàn thể nội các đứng dậy. Dương Văn Minh cất tiếng:

- Cách mạng đã về. Các anh đã về. Từ sáng chúng tôi chờ các anh tới để bàn giao!

Dương Văn Minh vừa dứt lời, một cán bộ chỉ huy Quân giải phóng đã dõng dạc tuyên bố:

- Toàn bộ chính quyền đã về tay cách mạng. Chính quyền cũ đã sụp đổ. Người ta không thể giao cái không còn có trong tay.

Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hoà - Ảnh 4.

Tổng thống Dương Văn Minh gặp Thượng tướng Trần Văn Trà

Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa đã diễn ra như vậy. Dương Văn Minh, Tổng thống và các thành viên nội các cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa thất vọng, lo lắng. Nhưng rồi sau đó mọi người yên tâm lại vì thấy mình được đối xử lịch sự, nhã nhặn. Một chương mới đã mở ra với cuộc đời mỗi người ngay sau đấy, ngay tại miền Nam, trong lòng Tổ quốc và đất nước Việt Nam thống nhất. Chỉ hai ngày sau, tối ngày 2-5-1975, tại buổi lễ trang trọng và thân mật tại hội trường Dinh Độc Lập, Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định đã công bố quyết định trả tự do cho các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu... Tại buổi lễ, ông Dương Văn Minh nói ngắn gọn thế này:

"... Ngày hôm nay đại diện cho các anh có mặt tại đây, tôi nhiệt liệt hoan nghênh sự thành công của Chính phủ Cách mạng trong công cuộc vãn hồi hòa bình cho đất nước. Với kỷ nguyên mới này, tôi mong rằng tất cả anh em có mặt tại đây, cũng như các tầng lớp đồng bào, sẽ có dịp đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng đất nước.

Riêng cá nhân tôi, hôm nay tôi rất hân hoan khi được 60 tuổi, trở thành công dân của một nước Việt Nam độc lập"… ./.

Theo http://toquoc.vn/

Tác giả bài viết: HG (tổng hợp)

Nguồn tin: toquoc.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay28,377
  • Tháng hiện tại355,460
  • Tổng lượt truy cập25,872,283

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:56 | lượt tải:29

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:289 | lượt tải:113

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:295 | lượt tải:114

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:757 | lượt tải:175

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:778 | lượt tải:247

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây