Trong gian khó càng nhớ lời Bác dạy

Thứ hai - 18/05/2020 07:46   Đã xem: 822   Phản hồi: 0

Hơn bất cứ nơi đâu, mảnh đất và con người Thái Nguyên đặc biệt gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những dấu ấn lịch sử về năm tháng kháng chiến gian khổ, cùng ăn, cùng ở với đồng bào của Bác vẫn đọng mãi trong tâm trí mỗi người dân Thái Nguyên. Không chỉ lời căn dặn ân cần mà cả cách sống bình dị, nét sinh hoạt thường ngày của Bác đều là những bài vô cùng quý báu. Đặc biệt, trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid - 19, cùng với cả nước, người dân Thái Nguyên càng thấm thía hơn lời Bác dạy, đoàn kết đồng lòng, ra sức chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Bác Hồ

Chương trình Ngày thơ "ATK nhớ mãi ơn Người" do Hội VHNT tỉnh tổ chức
 
Bài học lớn từ  việc nhỏ 
 
Đã tròn một trăm tuổi, cụ Nguyễn Hoàng, trú tại phường Cam Giá, TP Thái Nguyên còn rất minh mẫn, tráng kiện mặc dù cụ nhiều lần bị thương cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cụ cho biết đó là nhờ sự kiên trì giữ vệ sinh và tập thể dục rèn luyện sức khỏe.
Hàng ngày, cụ Hoàng vẫn theo dõi chương trình thời sự trên đài và ti vi, đặc biệt là tình hình đại dịch Covid -19. Cụ Hoàng rất tâm đắc với biện pháp phòng ngừa dịch bệnh là giữ gìn vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang đúng lúc, đúng cách, rửa tay thường xuyên, đúng cách, khử trùng, dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, sạch sẽ. Cụ nói, biện pháp này chính là thực hiện lời Cụ Hồ dạy về giữ gìn vệ sinh, đến nay vẫn là bài học thuộc lòng quý giá để mỗi thiếu niên, nhi đồng, thậm chí cả người lớn ghi nhớ, học tập, rèn luyện và noi theo. Cụ phân tích, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên nhi đồng "giữ gìn vệ sinh thật tốt" chính là bài học quan trọng về bảo vệ sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Từ bé đã rèn được thói quen này thì suốt đời sẽ có ý thức thực hiện ăn sạch, ở sạch, giữ gìn trong lành, sạch sẽ, văn minh. Đây là thói quen tốt, vừa có ích cho cá nhân, mang lại lợi ích cho cộng đồng và đất nước.
Cụ cũng luôn tự mình làm gương cho con cháu, ngay sau khi nhà nước có các quy định về phòng chống dịch, dù không đi ra đường, cụ vẫn "đòi" đủ tiêu chuẩn 02 chiếc khẩu trang được thành phố trang bị, mỗi khi có khách đến nhà, cụ đều đeo khẩu trang cẩn thận. Trong thời gian thực hiện giãn cách toàn xã hội, cụ động viên các con cháu hạn chế về thăm, chấp hành nghiêm túc nhà nào ở tại nhà đó, ngay trong gia đình, càng cần đoàn kết, đồng lòng quyết tâm thực hiện các biện pháp thì mới nhanh đẩy lùi được dịch bệnh.

 
Sinh viên Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên) thi kể chuyện về tấm gương Bác Hồ nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người
Dành cho người khó hơn
 Cả chồng và con gái đều chịu di chứng của chất độc hóa học, cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Là, ở phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên rất khó khăn. Vừa chăm sóc, phục vụ sinh hoạt của 02 người bệnh, chị Là vừa tranh thủ bán cá vào mỗi buổi sáng để có thêm thu nhập. Hơn hai chục năm nay, vào mỗi sáng sớm, chị đến chợ đầu mối chọn khoảng 10kg cá chép, trắm các loại, sau đó đi bán rong tại các khu dân cư quanh thành phố, tầm trưa thì bán hết, kịp về nấu cơm và làm việc nhà. Mỗi buổi chị kiếm được từ 50 nghìn - 100 nghìn đồng, cũng tạm đủ chi tiêu tiết kiệm. Dịch bệnh Covid- 19 ảnh hưởng trực tiếp đến cả những người buôn bán nhỏ vặt như chị Là, do các trường trên địa bàn nghỉ dài ngày, các bếp ăn sinh viên đóng cửa, thực phẩm ế ẩm. Biết rõ hoàn cảnh của gia đình chị, nhiều người khuyên chị đến nhận gạo, mỳ hỗ trợ tại các siêu thị "0 đồng", nhưng chị từ chối với lý do để nhường cho người khó khăn hơn, vì với khoản trợ cấp 3 triệu đồng/tháng của chồng và con gái chị, vẫn có thể xoay xở được. 
Chị Là rưng rưng kể, trong thời gian khó khăn này, chị vẫn luôn nhận được những tình cảm thật ấm áp kể cả từ người xa lạ, như có hôm chị bị đổ xe, cá đổ hết xuống đường, có chị đang đi qua cũng dừng xe lại giúp đỡ mặc dù cá rất tanh. Một số người, thấy chị ế hàng, dù đã mua thức ăn rồi vẫn sẵn lòng "giải cứu" để chị khịp về chăm lo cho chồng, con. Vừa rồi, gia đình chị cũng được phường hộ trợ 30kg gạo rất ngon. 
Nhờ những sự quan tâm đó, gia đình chị rất yên tâm, bản thân chị luôn thực hiện đúng các hướng dẫn về phòng chống dịch, như lúc mua bán đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn với khách hàng.   
San sẻ giúp đỡ nhau trong hoạn nạn là truyền thống tốt đẹp "lá lành đùm lá rách" của dân tộc ta ngàn đời nay, cũng là hành động cụ thể của tình đoàn kết. 
Chương trình phát gạo miễn phí trong thời gian từ ngày 18 đến 24/4 do Thành đoàn Thái Nguyên chủ trì đã vận động được hàng chục tấn gạo, hỗ trợ cho trên 6.800 trường hợp thuộc hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trên địa bàn. 
Ngoài các doanh nghiệp lớn, nhiều người dân đã sẵn sàng "nhường cơm sẻ áo",  ông Đinh Văn Tập, ở khu đô thị Hồ Xương Rồng, phường Phan Đình Phùng đã tình nguyện chở 100kg bằng xe máy đến ủng hộ chương trình. Ông chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất vui khi phần nào giúp được những người nghèo vơi bớt khó khăn trong mùa dịch”.
Khó có thể kể hết những tấm lòng nhân ái của người Thái Nguyên trong mùa đại dịch này. Đó là những phần cơm còn nóng hôi hổi được các đoàn viên thanh niên phường Quang Trung (TP Thái Nguyên) phối hợp với cửa hàng thực phẩm An Khang Food nấu tặng người lao động đang phải nghỉ việc, những sinh viên không về quê, những hoàn cảnh nghèo khó. Thậm chí người ốm đau không tự đến lấy được sẽ có người mang cơm đến tận nhà. Đó là những chiếc bánh mì và nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, mua từ tiền đóng góp ủng hộ của cán bộ, giảng viên, sinh viên Khoa Quốc tế (ĐH Thái Nguyên) chăm lo cho sinh viên quốc tế bị kẹt lại trường trong thời gian cách ly phòng chống dịch bệnh. Đó là những mớ rau xanh do các hội viên phụ nữ xã Lục Ba (huyện Đại Từ) hái tại vườn nhà để hỗ trợ khu cách ly Trung đoàn 832 để thêm vào khẩu phần ăn cho những người đang thực hiện cách ly.
Hơn bao giờ hết, trong những ngày tháng chung tay cùng cả nước đẩy lùi đại dịch thế kỷ, Thái Nguyên càng xứng đáng với niềm tự hào của mảnh đất An toàn khu năm xưa. Đồng bào các địa phương trong tỉnh không chỉ luôn chấp hành tốt qui định về giãn cách xã hội, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh dịch bệnh mà còn thể hiện nghĩa cử cao đẹp như phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, hiến máu nhân đạo, góp tiền, gạo… Những việc làm này không chỉ thể hiện trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong phòng, chống dịch bệnh, mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng, thể hiện trách nhiệm khi Tổ quốc cần. Đây chính là kết quả cụ thể của việc học và làm theo Bác, cũng là những đóa hoa đẹp nhất để mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác kính yêu.

 
Ngọc Khuê
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập155
  • Hôm nay4,397
  • Tháng hiện tại603,903
  • Tổng lượt truy cập28,253,648

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:283 | lượt tải:69

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:518 | lượt tải:159

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:469 | lượt tải:163

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:102 | lượt tải:25

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:105 | lượt tải:26

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây