Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững - Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực là "chìa khóa" bền vững

Thứ tư - 07/02/2024 16:09   Đã xem: 44   Phản hồi: 0

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, trong bối cảnh mới, Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục chuyển mình, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nêu rõ, là một trong 3 đại học vùng của cả nước, Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục nâng cao vị trí trong việc đào tạo nhân lực nguồn cho cả nước, đồng thời, cần phải tiếp tục chuyển mình, khẳng định uy tín và thương hiệu về giáo dục đại học.

Nhìn nhận đúng vai trò của đại học vùng

NĐT (Người Đưa Tin): Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vị trí, vai trò của Đại học Thái Nguyêntrong đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Thái Nguyên và vùng Trung du, miền núi phía Bắc?

Ông Hoàng Minh Sơn: Đại học Thái Nguyên là một trong 3 đại học vùng của cả nước, có sứ mệnh “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến; thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển bền vững vùng trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.

Theo số liệu thống kê, Đại học Thái Nguyên đã đào tạo hơn 800.000 sinh viên hệ đại học, cao đẳng, hơn 20.000 học viên cao học và nghiên cứu sinh, trong đó trên 36% là người dân tộc thiểu số; đào tạo hàng nghìn lưu học sinh nước ngoài ở trình độ đại học và sau đại học.

Trong 5 năm qua, số lượng thí sinh trúng tuyển đại học chính quy vào Đại học Thái Nguyên của 15 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc hàng năm từ 6.000 - 8.000 sinh viên, riêng tỉnh Thái Nguyên từ 3.200 - 4.400 sinh viên, chiếm 40 - 49% số sinh viên vào học của Đại học Thái Nguyên hàng năm.

Số người tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các địa phương vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm khoảng 70% số người học tốt nghiệp của Đại học Thái Nguyên giai đoạn 2017-2022.

Một số lượng nhân lực đáng kể có trình độ sau đại học đã được thu hút về các địa phương. Lực lượng cán bộ này tham gia tích cực, hiệu quả vào việc tham vấn và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngành và địa phương, có nhiều đóng góp quan trọng hoạch định chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Giáo dục - Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững - Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực là 'chìa khóa' bền vững
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn tại buổi làm việc với lãnh đạo Trường Đại học công nghệ thông tin và truyền thông (Đại học Thái Nguyên).

NĐT: Thứ trưởng nhìn nhận đâu là những thuận lợi và khó khăn của Đại học Thái Nguyên trong quá trình xây dựng và phát triển, nhất là trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao?

Ông Hoàng Minh Sơn: Thuận lợi đầu tiên của Đại học Thái Nguyên đến từ nền tảng của một cơ sở đào tạo đã có truyền thống, uy tín và thương hiệu - điều này rất quan trọng trong đào tạo đại học.

Thuận lợi đến từ việc khoanh vùng được đối tượng phục vụ là tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh Trung du, miền núi Bắc bộ cũng rất quan trọng để từ đó Đại học Thái Nguyên có những định hướng, hoạch định lâu dài mang tính trọng tâm, trọng điểm về cả đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Những năm qua, trường đã quan tâm đến việc mở rộng hợp tác với từng địa phương trong vùng, qua đó mở rộng phạm vi ảnh hưởng cả về bề rộng và chiều sâu, nắm bắt được nhu cầu của từng đối tượng phục vụ - đây cũng là bước đi phù hợp và năng động của Đại học Thái Nguyên.

Cùng với đó là việc quan tâm phát triển nội lực của chính mình thông qua phát triển đội ngũ, đầu tư cơ sở vật chất, mở thêm các phân hiệu tại địa phương.

Bối cảnh chung của tự chủ đại học ngày càng đi vào chiều sâu với rất nhiều cơ chế, chính sách được ban hành nhằm tạo điều kiện cho giáo dục đại học phát triển, cũng là thuận lợi đáng kể nếu Đại học Thái Nguyên biết tận dụng và tận dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cũng cần phải nhìn nhận một số khó khăn cả khách quan và chủ quan với Đại học Thái Nguyên. Có thể nói, việc thiết chế đại học vùng đang từng bước hoàn thiện và chưa có những tổng kết đánh giá về mô hình quản trị đại học vùng là một trong những khó khăn cho Đại học Thái Nguyên nói riêng và các đại học vùng nói chung.

Đại học vùng được tổ chức theo mô hình hai cấp, trong đó gồm các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc, đơn vị thuộc và đơn vị cấu thành có tính chất, chức năng, nhiệm vụ đa dạng, có sự chồng chéo, trùng lặp dẫn đến cồng kềnh về bộ máy, gia tăng biên chế lao động gián tiếp.

Thực tế hiện nay là đội ngũ giảng viên của trường còn mất cân đối giữa các ngành nghề đào tạo. Cùng với đó số lượng cán bộ khoa học đầu ngành còn ít, chưa tập trung xây dựng các nhóm nghiên cứu đủ mạnh để đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Khó khăn về nguồn lực tài chính là một rào cản lớn đối với sự phát triển lâu dài và mạnh mẽ của Đạihọc Thái Nguyên và hệ thống giáo dục đại học nói chung. Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học vốn đã không nhiều, hiện nay còn đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, khả năng chi trả của người học là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực Trung du và miền núi phía Bắc cũng rất hạn chế so với các khu vực kinh tế - xã hội khác.
 

dai hoc thai nguyen

Đại học Thái Nguyên là một trong những đại học vùng của cả nước
 

Gắn đào tạo nguồn nhân lực với yêu cầu thực tiễn

NĐT: Nhiều năm qua Đại học Thái Nguyên đã quan tâm tới đào tạo theo đơn đặt hàng, qua đó đào tạo có địa chỉ, gắn với nhu cầu địa phương. Để hình thức đào tạo này phát huy hiệu quả, khắc phục hạn chế dẫn đến lãng phí ngân sách, trường cần tiếp tục triển khai như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Ông Hoàng Minh Sơn: Theo cơ chế đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực, tuyển sinh theo đặt hàng do các chủ thể (UBND tỉnh/thành phố, các tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước) đặt hàng và cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp thực hiện theo hợp đồng giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, để việc đào tạo đạt hiệu quả cần uy tín, cam kết của các bên: nơi đặt hàng - nơi đào tạo - người học.

Trên thực tế, việc triển khai đào tạo theo đơn đặt hàng có thể gặp khó khăn nếu sau khi được đào tạo (sau 4-5 năm) chủ thể đặt hàng không bố trí được công việc phù hợp cho người vừa tốt nghiệp.

Cũng có trường hợp, sau khi tốt nghiệp sinh viên đặt hàng không quay về địa phương làm việc nhưng các chủ thể đặt hàng cũng không có những chế tài đủ mạnh để thực hiện cam kết.

Trung du và miền núi phía Bắc là vùng còn nhiều khó khăn, khan hiếm nhân lực khối nông, lâm nghiệp, môi trường và đặc biệt là ngành sư phạm.

Nhưng các chính sách lương, đãi ngộ cho nhân lực những nhóm ngành trên trong thực tế vẫn khá thấp, không thỏa mãn và đáp ứng được đòi hỏi của người học tỉ lệ tham gia đào tạo theo đơn đặt hàng còn quá thấp. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ đặc thù cho những đối tượng được đào tạo theo đơn đặt hàng.

Để tránh tình trạng người được đặt hàng đi học sai đối tượng như chính sách cử tuyển trước đây, đơn vị đặt hàng cần ký hợp đồng và cam kết sử dụng lao động. Địa phương phải công khai tất cả điều khoản như đối tượng được tuyển, lương bổng, chế độ ưu tiên khi làm việc và nghĩa vụ người được cử đi học. Khi điều khoản giữa 2 bên cam kết rõ ràng thì thực hiện hợp đồng sẽ thuận lợi, tránh rắc rối khó giải quyết về sau.

Mặt khác, các trường đại học cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương để xác định nhu cầu đặt hàng trên cơ sở dự báo nguồn nhân lực trong những năm tiếp theo, cam kết chất lượng trong quá trình đào tạo đặt hàng và đặc biệt hai bên phải có trách nhiệm cam kết việc làm cho sinh viên đặt hàng sau khi tốt nghiệp.

Như vậy mới có thể tạo được lòng tin với người học và đặc biệt tránh được lãng phí ngân sách trong quá trình đào tạo.

Giáo dục - Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững - Bài 4: Đào tạo nguồn nhân lực là 'chìa khóa' bền vững (Hình 3).

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng cần đặt sự phát triển của Đại học Thái Nguyên trong định hướng phát triển của vùng, của khu vực.

NĐT: Để Đại học Thái Nguyên tiếp tục phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của vùng và cả nước, Thứ trưởng có khuyến nghị gì?

Ông Hoàng Minh Sơn: Với những gì đã làm được trong suốt chặng đường vừa qua, Đại học Thái Nguyên đang có một nền tảng rất vững vàng cho chặng đường sắp tới.

Nhưng bối cảnh mới với đòi hỏi cao hơn về chất lượng giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước, Đại học Thái Nguyên cần phải tiếp tục chuyển mình, tạo ra uy tín và thương hiệu mạnh về giáo dục đại học.

Trước hết, Đại học Thái Nguyên cần rà soát lại phương hướng, nhiệm vụ, trong đó cần định vị thế mạnhphát triển, xác định được sứ mệnh, tầm nhìn của một đại học vùng trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ngày càng nhanh hơn.

Đại học Thái Nguyên đang đứng trước cơ hội rất lớn khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 11 về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có đề cập tới vai trò của Đại học Thái Nguyên và nhiều chính sách với miền núi, đồng bào dân tộc.

Cần đặt sự phát triển của Đại học Thái Nguyên trong định hướng phát triển của vùng, của khu vực, lấy lợi thế của vùng là lợi thế của trường.

Rà soát tổng thể về cơ cấu tổ chức bên trong của Đại học Thái Nguyên và các đơn vị thành viên, các đơn vị thuộc và trực thuộc, tiến hành tái cấu trúc sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới; đánh giá hiệu quả từng đơn vị, rà soát lại cơ cấu ngành nghề, xác định cái gì là trọng tâm, là trung tâm tạo nên đặc sắc, thế mạnh của Đại học Thái Nguyên. Bên cạnh đó cần kết hợp chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ cấu ngành nghề cho phù hợp.

Với một đại học hoạt động theo mô hình 2 cấp, cần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tập trung và phân tán, tập quyền và phân quyền, vấn đề tự chủ đại học trong các trường thành viên và Đại học Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay. Làm sao để phát triển được tính tự chủ cao nhất của các trường đại học thành viên nhưng cần giữ được định hướng chung của đơn vị.

Nội lực của một đại học là rất quan trọng, do đó, Đại học Thái Nguyên cần có chiến lược phát triển đội ngũ, nhóm nghiên cứu, chuyên gia đầu ngành, tiếp tục khai thác các nguồn lực để xây dựng Đại học Thái Nguyên khang trang, đồng bộ về cơ sở vật chất... phục vụ tốt nhất cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Phát huy mạnh mẽ vai trò trọng điểm quốc gia

Theo PGS.TS Phạm Việt Đức – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên: “Tỉnh Thái Nguyên luôn xác định giáo dục - đào tạo có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Có thể khẳng định đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển vì vậy Thái Nguyên xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó để đạt được mặt bằng chung, tăng cường xã hội hóa giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện để cộng đồng, doanh nghiệp tham gia quản lý, đầu tư các cơ sở giáo dục.

Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục của tỉnh Thái Nguyên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển giáo dục gắn với phát triển khoa học và công nghệ, tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành để một mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

Theo ông Đức, với quan điểm luôn coi giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Thái Nguyên với tổng số kinh phí thực hiện trên 20.727 tỷ đồng chính là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho phát triển giáo dục.

Theo đó, để giáo dục có bước đột phá, đi đúng hướng và đáp ứng được những nhu cầu của thực tế ngành giáo dục bám sát vào các chỉ tiêu nhiệm vụ đối với giáo dục trong quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, bám sát các nội dung đề ra trong chương trình phát triển giáo dục.

 

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhằm tiếp tục dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho vùng, PGS.TS Hoàng Văn Hùng - Giám đốc Đại học Thái Nguyên nhấn mạnh: “Chúng tôi định hướng điều chỉnh hợp lý theo lộ trình về cơ cấu đào tạo phù hợp với bộ tiêu chí phân loại trường đại học. Thiết kế lại khung thời gian đào tạo các cấp bậc học trong giáo dục đại học phù hợp với khung thời gian chung áp dụng rộng rãi trên thế giới.

Đặc biệt, chú trọng hợp tác với doanh nghiệp ngay từ khâu lên khung chương trình đào tạo, đến việc thiết kế từng chương trình, rồi cử chuyên gia tham gia giảng dạy, hoặc trực tiếp giảng dạy sinh viên tại doang nghiệp trong một số lĩnh vực thế mạnh.

Mô hình đào tạo hiện nay phải gắn liền với nhu cầu xã hội, liên kết chặt chẽ hơn với nhà trường và doanh nghiệp, luôn tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, đổi mới giáo trình.

Song hành với đó là nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình, nhận diện những biến động về kinh tế - xã hội để lập dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm điều chỉnh và định hướng kế hoạch đào tạo của nhà trường nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực một cách kịp thời với chất lượng tốt cho nhu cầu phát triển của khu vực”.

Nguồn tin: www.nguoiduatin.vn

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập104
  • Hôm nay21,533
  • Tháng hiện tại518,538
  • Tổng lượt truy cập25,065,481

Hình ảnh nổi bật

STT 13

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:235 | lượt tải:86

STT 13

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:241 | lượt tải:87

09/2023/NQ-HĐND

Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông

Lượt xem:714 | lượt tải:161

274/TB-VPCP

Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:719 | lượt tải:222

mẫu 1

mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam

Lượt xem:927 | lượt tải:226

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây