Cụ bà Phạm Thị Yên đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn giữ thói quen làm chè hàng ngày. Ảnh: Văn Việt.
Cụ bà tóc bạc trắng ngồi gõ máy vi tính thoăn thoắt, kiểm tra đơn hàng, hóa đơn, “chốt” từng khách. Đã ngoài cái tuổi xưa nay hiếm, bà Phạm Thị Yên mỗi sáng ra vẫn giữ thói quen cùng cả nhà uống ít nhất 5 chén trà. Đó chính là những loại chè mà hợp tác xã của con trai bà bán ra cho khách.
Dù đắt nhất như trà đinh, đến những tôm nõn, ướp hoa sen, hoa nhài, bà Yên và con cháu vẫn cẩn thận nhấp từng chén một, đảm bảo đúng hàng, đúng giá.
“Rượu khà, trà chép”, các cụ từ xưa bảo vậy. Uống chén trà ở Tân Cương, không thể vội vàng, trà xuống họng rồi phải khẽ ngậm miệng, thẩm thấu vị ngọt lan ra từ cuống lưỡi, nhắm mắt để hương cốm ngậy lan tỏa từ mũi miệng đến tâm trí.
Trong nắng nhẹ sớm mai, chim chóc đua nhau khoe tiếng, phóng mắt ra xa thấy Tân Cương trập trùng đồi chè, không gì bằng ở không gian ấy mà chầm chậm thưởng thức chén trà nóng, ngưng tụ tinh hoa sông Công, núi Guộc.
“Bây giờ thương mại điện tử nhiều rồi, khách quen họ cũng ít lên thường xuyên vào mỗi vụ thu hái. Công nghệ vào, mới có chuyện trà hút túi chân không, mẫu mã đẹp bóng lên. Xưa thời chúng tôi, đến vỏ chăn cũng nhiều khi phải mang ra đựng chè”, cụ Yên bảo.
Chiếc túi bóng bán chè, bà Yên cũng các hộ làm chè khác, giữ như báu vật. Không thì chẳng có gì mà đựng, mang ra chợ bán. Chiếc túi cứ theo bà năm này qua năm khác. Nhà nào cũng vậy. Túi bóng đựng chè, nuôi đàn con ăn học. Chỉ khi chè trong túi bóng ngoài chợ bán hết, mẹ sẽ mang về cho đàn con thơ đồng quà, tấm bánh.
“Xưa chỉ có chợ Phúc Trìu, chợ Đán, chợ Gang thép. Sáng ra chồng nào vợ ấy, đèo nhau ra chợ bán chè. Tôi lớn lên đã thấy cây chè cao vượt đầu người, khác bây giờ lắm. Mà hồi đó sao chè bằng tay, nhà nào có tầm chục cân là mang đi bán rồi, không để lâu được”, bà Yên kể.
Vùng chè Tân Cương khi ấy ít người, đồi chè xen lẫn rừng nguyên sinh, đôi khi vẫn thấy muông thú chạy qua. Đáng tiếc, có một thời người ta nhổ hết cây chè cổ, để bây giờ “chè cụ Đội Năm” trở thành của hiếm.
Ngày ấy, cuối năm người ta đi hái quả. Ủ lên mầm, đợi quả nứt ra lấy hạt. 100% giống chè trung du trồng bằng hạt.
Bà Yên bảo thời bố mẹ bà từ Xuân Trường, Nam Định lên đây khai hoang, đã thấy cây chè rợp bóng. “Vất lắm, huy động nhân lực cả nhà làm tối ngày mới được một ít chè. Đến thời tôi cũng thế, 6 đứa con tôi cứ đi học về là phụ bố mẹ làm chè. Sao bằng tay, cực lắm. Tuổi ăn tuổi ngủ, nhiều khi người vã mồ hôi như tắm, mà con vẫn ngủ gật bên cạnh chảo chè đang sao”.
Phiên chợ chè đông đúc người mua, kẻ bán ở Thái Nguyên. Ảnh: Toán Nguyễn.
Tại các vùng chè nổi tiếng luôn có các “nghệ nhân làm chè” do có những đóng góp trong lĩnh vực trồng chè, sao chè và truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau. Nhưng tại các chợ chè ở Thái Nguyên, luôn có một số người được cả người bán chè và các tiểu thương gọi là “nghệ nhân buôn chè”. Họ đích thực là những cao thủ thông thạo mọi ngõ ngách về chè.
Đây là những người buôn chè lâu năm, luôn có mặt ở tất cả các chợ chè lớn ở khắp tỉnh Thái Nguyên, từ chợ Phúc Trìu, Phúc Xuân (thành phố Thái Nguyên), Phúc Thuận (thành phố Phổ Yên), La Bằng, Minh Tiến (huyện Đại Từ)… Tất cả những người bán chè rất muốn được bán cho những “nghệ nhân” này, do họ luôn mua với giá hợp lý hơn và với số lượng rất lớn.
“Nghệ nhân buôn chè” đầu tiên được nhắc tới là bà Hợp (72 tuổi), thường trú ở thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ và được công nhận là người có thâm niên buôn chè lâu nhất, lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên.
Bà Hợp rất dễ nhận biết, có dáng người đậm, luôn đi cùng một người đàn ông (vừa là lái xe, vừa là bốc hàng). Khi đi tới các chợ chè, tay bà chỉ cầm theo 1 cái điện thoại, 1 quyển sổ, rất ít khi đem theo tiền.
Tất cả những người có chè bán, tiểu thương đều biết đến người phụ nữ này và mong được bán chè cho bà, mặc dù là bán chịu. Thói quen của bà Hợp là về nhà rồi, vài ba hôm mới chuyển tiền trả, rất sòng phẳng và tạo được uy tín trong nghề.
Có ngày bà Hợp mua tới 3 – 4 tấn chè khô, giá trị có khi lên tới 600 - 700 triệu đồng. Nhà bà có 8 xe ô tô khách chạy từ huyện Đại Từ đi miền Nam, ngày nào cũng vận chuyển cả tấn chè vào cho hàng trăm đại lý, đầu mối của gia đình tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh…
Bà Hợp buôn chè từ lúc 15 tuổi, đến giờ tuổi nghề là được gần 60 năm. Từ thời bao cấp, buôn chè bị cấm nhưng vẫn tìm mọi cách để vận chuyển, giấu chè vào túi quần áo, vào trong người và cả đũng quần. Đến nay, bà Hợp xây dựng cho mình mối hàng tới các tỉnh miền Nam.
“Nói thật lòng với các anh, người nông dân làm ra chè vất vả lắm, giá bây giờ rẻ nên khi tôi mua sẽ thoáng hơn để họ đỡ thiệt. Mấy chợ chè ở thành phố như Phúc Xuân, Phúc Trìu (thuộc vùng chè Tân Cương), tôi khẳng định ở đây bà con làm chè chuẩn nhất tỉnh Thái Nguyên, không có tình trạng cố tình cho phẩm màu, mỳ chính trộn vào chè như ở nơi khác”.
Bà Hợp ngày nào cũng đi các chợ chè, cả năm chỉ nghỉ đúng dịp Tết nguyên Đán, từ 23 tháng Chạp cho đến hết mùng 8 tháng Giêng. Năm nay 72 tuổi, bà Hợp vẫn bảo nhất định phải đi buôn chè thêm 10 năm nữa mới giải nghệ, sẽ tiếp tục mang chè của bà con Thái Nguyên đi ra thị trường.
Bà Hợp (bên trái) buôn chè từ lúc 15 tuổi, đến nay đã có thâm niên gần 60 năm làm nghề buôn chè và được mọi người gọi là “nghệ nhân buôn chè”. Ảnh: Toán Nguyễn.
Dân sành chè, ra chợ không cần đến ấm. Dân bán cũng vậy. Tinh mơ, khi sương sớm còn chưa tan hẳn, chợ chè Phúc Xuân đã lao xao tiếng người.
Trong chợ luôn có hàng chục chiếc bàn gỗ cho người mua, kẻ bán. Bà Đoan, 72 tuổi, vẫn giữ thói quen mỗi tuần ra chợ bán chè ít nhất một lần, dù con trai bà đang là doanh nhân có tiếng về chè ở Tân Cương. Việc đi chợ chè, với bà Đoan, như là một niềm vui, một sự hoài niệm.
Người bán chè như bà Đoan ở chợ Phúc Xuân, luôn mang theo nhiều bao chè, và chục cái chén. Người mua sẽ bốc trà trong từng túi, tùy loại đắt rẻ khác nhau, họ dùng ngón tay gẩy nhẹ từng cánh chè trong lòng bàn tay còn lại. Đấy là xem độ săn, độ “mốc” của cánh chè, dân sành gọi đó là “hình”. Tiếp đó, người mua sẽ dùng mũi ngửi, đó là thẩm định “hương”.
Bỏ một dúm chè vào chén, người ta rót nước sôi vào. Dân trong nghề sẽ không dùng nước mới sôi, mà sẽ để nguội một chút, chừng 85-90 độ, rồi mới rót vào chén. Lấy một chén khác úp lên, chừng nửa phút sau, họ sẽ san nước từ chén này sang chén kia để thử. Uống hết, họ xem cả bã chè. Đó mới là hết một quy trình xem “hình, hương” của chè.
Quay hương, đánh mốc, để chè đạt đủ vị chát khi mới uống, “ngọt hậu” sau khi qua cổ họng. Ngần ấy công đoạn, ngàn lời quảng cáo, sẽ thể hiện bằng hết chỉ bằng vài thao tác của dân sành sỏi.
Chè ở đây thường thấp nhất là 200.000 đồng/kg, loại này nhiều khả năng được đưa ra các quán trà đá vỉa hè. Ở đó, rất có thể nó được trộn thêm với những loại chè chất lượng thấp hơn, ở vùng khác, để tăng lợi nhuận. Chứ nếu dùng đúng chè 200.000 đồng của Phúc Xuân, chắc chắn vị sẽ khác. Đắng dịu, ngọt nhẹ, thơm lâu. Dù không rõ rệt, nhưng 3 vị ấy đã thành thương hiệu.
Bã chè ở Phúc Xuân cũng không bị bỏ phí. Chẳng phải tự nhiên mà người ta có thể thoải mái thử từng túi chè do người bán mang đến. Cuối phiên chợ, chừng 11h trưa, sẽ có người đi gom mua bã chè. Bã này được mang về phơi khô, trộn với cám chè ngon (vụn chè thành phẩm) để rồi sao lại, giá khoảng 40.000 đồng/kg. Chính vì thế, dân gian còn gọi đây là “chè ướp xác”.
Nguồn tin: Nongnghiep.vn::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
Nghị quyết ban hành Quy định nội dung, mức chi đối với tập thể, cá nhân đoạt giải trong kỳ thi, cuộc thi Quốc tế, Quốc gia thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao, văn học- nghệ thuật, thông tin - truyền thông
Toàn văn kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam
mẫu đơn đề nghị tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam