Trăm năm đệ nhất danh trà: bài 1 Lạc vào xứ trà Tân Cương

Thứ năm - 08/02/2024 08:33   Đã xem: 118   Phản hồi: 0

Cả đất nước có biết bao vùng chè nức tiếng trải dài từ Bắc chí Nam nhưng danh xưng 'đệ nhất danh trà' chỉ có vùng đất Tân Cương của tỉnh Thái Nguyên.

z4381560072986 aaab49ccdfe77f1232477c92ce678f23 164927 93

Xã Tân Cương, xứ sở đệ nhất danh trà. Ảnh: Toán Nguyễn.

1.

"Chè Thái gái Tuyên", không ai rõ câu đúc kết ấy có tự bao giờ. Xa xưa Thái Nguyên đã là vùng đất có nhiều địa danh trồng chè nức tiếng. Chè Trại Cài, Minh Lập ở huyện Đồng Hỷ, chè La Bằng ở huyện Đại Từ, chè Tức Tranh, Vô Tranh thuộc huyện Phú Lương... Ấy thế mà mỗi khi nhắc đến chè Thái thì hầu như ai cũng nghĩ ngay đến Tân Cương và danh xưng đệ nhất danh trà cũng bắt nguồn chính từ mảnh đất này.

Đó là vùng đất ngoại ô thành phố Thái Nguyên, dưới chân phía Đông của dãy Tam Đảo. Dòng sông Công bắt nguồn từ đỉnh núi Ba Lá của Định Hóa chảy về đến đây đã chịu sự khuất phục của con người mà biến thành hồ Núi Cốc rộng lớn với chuyện tình chàng Cốc nàng Công huyền thoại. Phía bên dưới “hồ trên núi”, một vùng bán sơn địa với những quả đồi hình bát úp tiếp nối nhau thuộc địa phận hành chính 6 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, Thịnh Đức, Quyết Thắng, Phúc Hà. Người Thái Nguyên gọi đấy là xứ chè, cũng là vùng chỉ dẫn địa lý của chè Tân Cương.

Màu xanh ngút ngàn tầm mắt. Vào những thời khắc sớm mai hay hoàng hôn, khi ánh mặt trời rọi xuống, đứng trên những đồi chè Tân Cương nhìn những tia nắng lấp lánh xuyên qua màu xanh rừng núi, dòng sông, màu xanh những nương chè bạt ngàn tiếp nối mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh. Một miền quê yên ả, thanh bình ngay cạnh thành phố vốn nổi tiếng về công nghiệp. Thế nên mới có thơ rằng, vị ngọt thấm vào từ đất, hương thơm chắt lọc khí trời, anh về Thái Nguyên vui hội, nước chè sóng sánh vành môi.

 
123132

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Đài. Ảnh: Văn Việt.

Ở tuổi 80, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đình Đài đang còn minh mẫn lắm. Da dẻ hồng hào, dáng vẻ quắc thước, tai mắt tinh anh và trí nhớ thuộc loại siêu phàm. Người xứ chè thường gọi cụ Đài là thầy, muốn hiểu về mảnh đất này, khám phá “đệ nhất danh trà” mà chưa gặp thầy Đài thì như thể chưa biết gì. Ông cụ khoe, hàng ngày vẫn vác cuốc đào hố trồng chè, rảnh rang lại mò mẫm nghiên cứu lịch sử đất và người Tân Cương. Vào những ngày hội Hương sắc trà xuân hàng năm của xứ trà, ông lão vẫn đương còn “chân cứng” trong ban giám khảo thẩm định trà ngon trà dở. Bí quyết nghe chia sẻ là nhờ nghiện trà Tân Cương từ bé. Thuở còn dạy học bên Hàm Yên, cũng một vùng chè tiếng tăm của Tuyên Quang thế mà tháng nào ông giáo Đài cũng phải lặn lội về quê mang chè ta lên uống. Giả sử tháng nào không về được y như rằng thấy người khang khác, dường như muốn ốm thì phải.

Gốc gác thầy ở dưới làng Chèm, Hà Nội. Ông nội trước là “lính chào mào” thời Pháp, từng bị bắt đi đánh nhau trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất. May mắn sống sót trở về, mấy chục ông lính được chính quyền bảo hộ cấp đất khai hoang, lập ấp di thực, trong đó có 11 ông đến đất Tân Cương. Nôm na có thể coi họ chính là những người đầu tiên lên khai phá mảnh đất này. Ngày thầy Đài mới nghỉ nghề dạy, được xã mời tham gia xây dựng cuốn sách lịch sử Đảng bộ Tân Cương, tìm tòi mới biết nơi đây xưa kia chỉ toàn là rừng rậm, cuối thế kỷ 18 người Pháp từng lập 2 đồn điền lớn nhưng về sau lại bỏ hoang, chỉ có mấy hộ người dân tộc Ngái sống cạnh bờ sông Công, suối Đá, đâu đó giữa rừng già. Mấy ông lính chào mào đặt chân đến đây xong mới quay ngược lại quê tuyển mộ bà con đồng bằng lên khai thiên lập địa. Dần dà mới thành làng, thành xã. Cuốn sách lịch sử Đảng bộ xã Tân Cương do thầy Đài soạn thống kê dân Tân Cương ngày nay đến từ 17 tỉnh, chủ yếu vùng đồng bằng như Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam…

 
222


Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương và ảnh cụ Nguyễn Đình Tuân. Ảnh: Hoàng Anh.

Nói danh trà phải nói từ thời ấy, đất trăm năm mà nghề chè cũng trăm năm, thầy Đài chậm rãi. Ai để ý sẽ thấy hầu hết các hợp tác xã, hộ kinh doanh chè ở Tân Cương ngày nay đều lấy biểu tượng ngọn trà hình cánh hạc, là cách để ghi nhớ công ơn của ông Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân và ông Đội Năm Vũ Văn Hiệt. Hai con người ấy được ví như thành hoàng xã Tân Cương và ông tổ của nghề chè. Một người thành lập nên xã Tân Cương, người kia có công mang giống chè từ bên Thanh Ba, Phú Thọ về trồng, biến nơi đây thành quê hương của đệ nhất danh trà Tân Cương nức tiếng về sau.

Đó là khoảng những năm 1925 -1926, Tuần phủ Nguyễn Đình Tuân quyết định thành lập xã Tân Cương. Một vùng đất mới, rộng mênh mông nhưng khó có thể nghĩ ra trồng cây gì cho phù hợp. Quan Tuần phủ và ông Đội Năm nghe nói bên Phú Thọ dân sống dựa vào chè cũng khá nên mới bàn nhau sang đấy xin giống về trồng. Ban đầu cũng chỉ một vài hộ trồng thử, chẳng ngờ thứ cây miền trung du vốn xưa kia chẳng mấy tiếng tăm thế mà khi bén duyên với đất Tân Cương lại phát triển như thể hóa rồng. Những địa danh của Tân Cương ngày nay như xóm Guộc, Soi Vàng, Hồng Thái... đều là gốc phát tích của cây chè Tân Cương. Dần dà lan sang các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu, rồi thành hàng hóa, không chỉ nổi danh khắp mọi miền thời bấy giờ mà còn bán sang cả Trung Quốc, châu Âu, Ấn Độ…

 
z4381078277156 2ae65f2dd01d5286d06a377fb3a234d7 165527 242

Giống chè trung du ngày nay ở Tân Cương. Ảnh: Văn Việt.

Năm 1935, người Pháp có tổ chức một cuộc Đấu Xảo tại Hà Nội, chỗ gần ga Hàng Cỏ, có đến trăm thứ chè đến từ khắp mọi miền mang về đấy thi thố nhưng không có một loại nào vượt qua nổi chè Tân Cương. Sau cuộc thi đó thương hiệu chè Cánh Hạc của ông Đội Năm lại càng bay xa, khách quốc tế đến tận Tân Cương đặt hàng. Thế giới đã biết đến Thái Nguyên có một vùng chè rất ngon và danh xưng đệ nhất danh trà xem ra đã có từ thuở ấy. Nhà nhà trồng chè, người người làm chè. Chính gia đình thầy Đài đến nay cũng đã 4 đời làm chè. Ông giáo sau nửa cuộc đời bôn ba dạy học cuối cùng cũng lại về với vườn chè. Những năm tháng bao cấp, nhất nông nhì sĩ, nghề giáo đa phần đói khổ, nếu không có vườn chè này, gia đình ông giáo biết bấu víu vào đâu.

“Đáng ra Tân Cương phải có nơi thờ tự cụ Tuân, cụ Hiệt, vừa để ghi nhớ công ơn họ vừa truyền dạy lại con cháu sau này, tiếc rằng chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần rồi nhưng chưa được”, cụ Đài trầm ngâm.

2.

Ngày nay vùng chè đặc sản Tân Cương bao gồm 6 xã ngoại ô thành phố, với khoảng gần 1.500ha đã được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương.

Theo lời Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, ông Phạm Tiến Sỹ, cây chè giờ đây không những thoát nghèo mà còn là cây làm giàu, sản lượng mỗi năm sản xuất khoảng hơn 22 ngàn tấn. Từ những nông hộ nhỏ lẻ, manh mún thuở trước, kể từ khi có hồ Núi Cốc, có điện lưới, dân Tân Cương mở rộng quy mô, liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề chè truyền thống… Không ít người trồng chè trở nên giàu có, thành tên tuổi lớn ở xứ trà như Hợp tác xã Thắng Hường, Hảo Đạt, An Dương, Hương Vân Trà…

 
z4381577665466 a35383e95f79416251475ecfc7a5d991 165811 708

Vùng chè Tân Cương. Ảnh: Toán Nguyễn.

“Nhất là giai đoạn sau năm 2011, khi Festival trà Thái lần đầu tiên được tổ chức, vừa quảng bá để lan tỏa hình ảnh, thương hiệu chè Thái vừa nâng cao giá trị kinh tế cho người dân trồng chè”, ông Sỹ chia sẻ. Một không gian văn hóa trà Tân Cương cũng đã được xây dựng hoành tráng ở ngay trung tâm xã. Giá trị được nâng lên, khách quốc tế biết đến chè Thái nhiều hơn.

Năm 2017 có sản phẩm trà Đinh Vương Phẩm của dòng chè Tân Cương mang đi thi quốc tế đã giành được giải thưởng đặc biệt Chè đặc sản Quốc tế Bắc Mỹ do Hiệp hội chè Hoa Kỳ và Canada vinh danh. Cũng trong năm ấy trà Tân Cương được lựa chọn làm quà tặng cho các đại biểu tại Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng.

Chỉ mới cách đây khoảng gần hai tháng, trong một ngày xã Tân Cương đã công bố ba quyết định quan trọng. Đó là quyết định đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”, quyết định xã Tân Cương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022 và Công nhận điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương.

Ông Phạm Tiến Sỹ không giấu giếm niềm tự hào, vui sướng, nghĩa là ở xứ trà hôm nay cây chè đã không chỉ là sinh kế mà còn là văn hóa, kết tinh từ vùng đất, từ nghề truyền thống lâu đời, cần bảo vệ, gìn giữ và trao truyền. Còn tương lai phía trước, Đề án bảo tồn và phát triển vùng chè đặc sản Tân Cương giai đoạn 2021 - 2025 cũng đang được triển khai. Mục tiêu của đề án là bảo vệ diện tích chè hiện có và mở rộng diện tích đến năm 2025 phấn đấu đạt 1.700ha, năng suất chè búp tươi đạt 155 tạ/ha; sản lượng 25.000 tấn; giá trị thu nhập trên 1ha đất trồng chè đạt trên 1 tỷ đồng.

 
z4381577720445 ff281e514bb71313e8beced0af10b178 165927 864

Người nông dân Tân Cương thu hoạch chè. Ảnh: Hoàng Anh.

“Đất trồng lúa, đất rừng sản xuất kém hiệu quả sẽ chuyển sang trồng chè theo hướng gia tăng giá trị, hình thành các vùng sản xuất chè tập trung. Rồi đây không chỉ riêng xã Tân Cương mà các xã khác trong vùng chè sẽ có 100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chất lượng; 100% sản phẩm chè do doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc...”, giọng ông Bí thư kiêm Chủ tịch xã Tân Cương sang sảng.

3.

Thầy Đài hỏi tôi, anh biết nhờ đâu mà Tân Cương được vinh danh là đệ nhất danh trà hay không? Hỏi rồi tự trả lời, là nhờ vào đặc trưng của chất đất, nguồn nước, khí hậu sông Công núi Guộc và đôi tay tài hoa của nhân dân đấy. Từ thuở đầu thế kỷ trước, khi cụ Đội Năm mới đưa giống chè từ bên Phú Thọ về trồng ở đất này đã thấy khác biệt. Cùng một giống ấy mà trồng trên Tân Cương lại cho thứ trà có đủ thanh, sắc, hương, vị, thần. Đệ nhất chính là chỗ đó.

Ông cụ rót một tuần trà. Ấy là thứ trà làm từ giống chè trung du cổ. Ở Tân Cương từ trẻ đến già, nhà nào nhà nấy đều có cách thức “chén trà đầu câu chuyện” một cách khoan thai như vậy. Nói thế này để anh dễ so sánh, cũng cùng một giống nhưng ban đầu đem trồng bên đất Bình Sơn, cách Tân Cương có một con sông nhưng chẳng có gì đặc biệt. Chỉ khi đem sang trồng ở nơi này mới có loại trà nước trong xanh sánh màu hổ phách, uống vào tiền chát hậu ngọt, ngầy ngậy béo mà lại thơm hương cốm. Và thứ làm nên tên tuổi đệ nhất danh trà chính là thần. Uống trà Tân Cương ngoài vị chát ngọt, hương cốm thơm luôn khiến tinh thần người thưởng trà cảm thấy lâng lâng sảng khoái.

 
909

Thiên thời, địa lợi, nhân hòa tạo nên danh tiếng chè Tân Cương. Ảnh: Toán Nguyễn.

Nó đặc trưng đến nỗi đứa trẻ Tân Cương sinh ra vốn thấm đẫm vị trà từ trong bụng mẹ, tuổi trưởng thành dù có bôn ba khắp chốn cũng chẳng thể nào quên được thứ thức uống danh tiếng quê nhà.

Có đoàn cán bộ xã Tân Cương lần đầu được đi du lịch các tỉnh phía Nam, háo hức thế nào lại quên luôn cả việc mang trà quê theo cùng. Máy bay vừa hạ cánh cũng là lúc lên cơn vật trà, mua thử mấy gói trà túi lọc kiểu công nghiệp uống thử, không đến mức móc họng nôn mửa nhưng ông nào ông nấy ngẩn ngơ như mất hồn suốt cả tuần liền. Còn với người xứ lạ, nếu lỡ nếm trà Tân Cương dù chỉ một lần sẽ bị nó làm cho mê muội. Vị chát ngọt, mềm môi của thứ chè ta như thể thấm luôn vào máu, đến khi uống trà nơi khác thấy nhạt nhẽo, vô vị hẳn.

Tinh hoa đất trời hội tụ. Đã có biết bao công trình nghiên cứu của cả chuyên gia trong và ngoài nước về chè Tân Cương, cuối cùng các nhà khoa học kết luận, sở dĩ nơi đây được xem là đệ nhất danh trà trước hết là nhờ chất đất, khí hậu và vị trí địa lý đặc biệt. Đất Tân Cương chủ yếu địa hình đồi bát úp, thừa hưởng nguồn phù sa ngàn đời của sông Công, là đất feralit vàng đỏ, trồng cây gì cũng tươi tốt cả. Còn khí hậu Tân Cương chia thành hai mùa. Mùa nóng bắt đầu từ tháng Tư đến tháng Mười, còn lại là mùa lạnh. Tiết trời ôn hòa kết hợp với nguồn nước trong xanh từ dãy Tam Đảo đổ về cứ như thể ông trời sinh ra vùng đất này là để trồng chè vậy. Đất không quá cao hay quá thấp, lại được dãy Tam Đảo che chắn, tán xạ ánh nắng mặt trời, thiên thời, địa lợi đều có cả. Những thứ trời ban ấy khi kết hợp với công sức lao động được kết tinh, đúc rút từ đời này qua đời khác của nghề chè truyền thống ở Tân Cương làm các loại trà ngon nức tiếng.

Đó là nhân hòa. Thầy Đài thủng thẳng. Kể ra cũng lạ, toàn gốc gác vùng chiêm trũng cả mà lại nổi tiếng với nghề chè là cớ làm sao, phải chăng là vì tạo hóa đã thương sự cần cù, không ngại gian khổ của một lớp người tha hương mà ban cho cái nghề làm chè để lấy kế sinh nhai đó hay chăng? 

Nguồn tin: Nongnghiep.vn:

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

  • Đang truy cập47
  • Hôm nay5,670
  • Tháng hiện tại308,051
  • Tổng lượt truy cập27,167,675

Hình ảnh nổi bật

12/2024/TT-BTTTT

Thông tư 12/2024/TT-BTTTT

Lượt xem:154 | lượt tải:56

Mau ĐXKNHV - HNB

Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam

Lượt xem:384 | lượt tải:138

Mau ĐNCTHV

Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới

Lượt xem:398 | lượt tải:146

144/QĐ-HNB

QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên

Lượt xem:30 | lượt tải:10

136/QĐ-HNB

công khai dự toán ngân sách 2024

Lượt xem:29 | lượt tải:12

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây