Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: Hoàng Anh.
Dọc con đường từ thành phố Thái Nguyên đi vào xã Tân Cương là những tấm pano màu vàng xanh nổi bật trên đồi chè miền trung du thoai thoải. Hợp tác xã chè Hảo Đạt, nơi thưởng trà miễn phí. Hợp tác xã Hảo Đạt, tự hào sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Không gian văn hóa trà Tân Cương. Điểm du lịch cộng đồng Liên hiệp Hợp tác xã chè Tân Cương… Anh bạn đồng nghiệp của chúng tôi ở Thái Nguyên nói, mấy năm gần đây khách lạ đến Tân Cương dù chủ đích hay chỉ vô tình ngang qua đều có thể dừng chân thưởng thức một ấm trà ngon, nhấm nhá với một vài chiếc kẹo lạc cũng được làm từ trà xanh. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Một nét văn hóa độc đáo đã được hình thành ở xứ trà, từ những con người tiên phong, hợp tác xã tiên phong.
Trong căn nhà gỗ kiến trúc theo lối nhà sàn của người Tày ở ngay đầu xã Tân Cương, bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt tỉ mẩn pha một ấm trà mời khách. Đó là thứ trà tôm nõn đã được vinh danh là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên vào tháng 6/2021. Nước xanh sóng sánh màu lá mạ, hương cốm thơm lừng. Mới sáng sớm mùa hè, ngoài thành phố nắng oi bức lắm rồi, vậy mà vừa vào đến nơi đây khí hậu khác rõ. Mát lành thật dễ chịu. Ăn một miếng kẹo lạc, nhấp một ngụm trà thật không có thú nào bằng. Mấy khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà người xơi, trà này quý lắm ai ơi, mỗi người một chén cho tôi vừa lòng… Ai đó ngân nga hát và câu chuyện về hợp tác xã chè danh tiếng nhất Tân Cương cứ miên man trong hương vị và không gian trong lành ấy.
Ông Phạm Tiến Đạt. Ảnh: Toán Nguyễn.
Cha ông tôi ngày trước vốn là những người nhiều ruộng đất nhất Tân Cương này. Rót thêm tuần trà mời khách, giọng ông Phạm Tiến Đạt, chồng bà Hảo trầm ngâm hồi tưởng. Đã có thời điểm gần nửa diện tích chè Tân Cương là đất đai của cụ thủ thư Phạm Văn Học, là ông nội của tôi. Nghe các cụ kể lại, năm 1928 có một nhóm anh em họ Phạm từ đất Vụ Bản, Nam Định lên trên này khai hoang. Nhờ đức tính cần cù, chịu khó, quen với gian lao của người vùng chiêm trũng mà dần dần tạo dựng lên được một vùng đất đai bề thế, gắn với nghề chè truyền thống của địa phương. Giàu có, hiển hách nhất vùng, thương hiệu chè cũng nổi tiếng nhất vùng. Trà Tân Cương của dòng họ Phạm nơi nơi biết đến. Có thời điểm lái buôn lưu trú trong nhà lên đến mấy chục người.
Thời buổi đầu kháng chiến, Tân Cương là một điểm dừng trên tuyến giao thông quan trọng đưa cán bộ cách mạng từ ATK2 đi lên Việt Bắc. Nhà cửa, gia sản cụ thủ thư Phạm Văn Học chính là “địa chỉ đỏ” để cách mạng trông cậy. Vốn là người rộng lòng, tin yêu cách mạng, ông cụ đã có những đóng góp lớn cả về vật chất lẫn xây dựng cơ sở nuôi giấu cán bộ. Giấy tờ chứng nhận, khen thưởng công lao cụ thủ thư Phạm Văn Học hiện vẫn còn được lưu giữ trong nhà thờ họ Phạm ở Tân Cương.
Tiếc rằng cái sự vẻ vang, giàu có ấy cuối cùng cũng đã lụi tàn vào thời kỳ cải cách ruộng đất. Dù có nhiều đóng góp cho cách mạng nhưng ông cụ Phạm Văn Học vẫn không thoát khỏi hoàn cảnh thời thế. Đất đai sung công, nhà cửa và toàn bộ gia sản chia lại hết cho dân tản cư, dân đi làm kinh tế mới. Con cháu họ Phạm mỗi người cũng chỉ còn lại mấy nghìn m2 đất trồng chè, chia bình quân như bao gia đình khác. Đến thời hợp tác xã, nhiều người trong họ thoát ly, số còn lại bám quê, bấu víu nghề chè thời lụn bại. Ông Đạt vốn là bộ đội. Trở về quê nhà đúng vào thời điểm trước Đổi mới, nhiều thứ ràng buộc nên đất đai mênh mông là thế mà dân Tân Cương đa phần là đói rách. Khát khao khôi phục nghề chè truyền thống của dòng họ xem chừng nan giải, cho đến khi xây dựng gia đình với cô Hảo bên làng chè Y Na. Ngày đầu về làm dâu nhà họ Phạm, cô gái làng Y Na ấy đã nói với anh chồng, muốn đưa tên tuổi chè Tân Cương phát triển mỗi vợ chồng mình không làm nổi đâu, phải liên kết mới cùng nhau đi xa được.
Bà Phạm Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: Văn Việt.
Tổ hợp tác rồi hợp tác xã được thành lập. Ban đầu chỉ có 7 hộ dân, vùng nguyên liệu cũng chỉ vỏn vẹn có vài vườn chè manh mún, vậy mà chỉ sau mấy năm Hảo Đạt đã trở thành hợp tác xã lớn nhất vùng chè Tân Cương. Hơn 50 thành viên chính thức, hàng trăm hộ dân liên kết, mỗi năm bán ra thị trường gần cả ngàn tấn chè đặc sản, doanh thu hàng chục tỷ đồng, toàn bộ diện tích liên kết, quy trình sản xuất đều được ứng dụng khoa học công nghệ, số hóa… Tất cả là nhờ niềm cảm hứng từ người đàn bà sinh năm 1964. Thậm chí có không ít người ví vui rằng cà phê Tây Nguyên có ông Đặng Lê Nguyên Vũ thì trà Tân Cương có bà Đào Thanh Hảo. Lẽ tất nhiên mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng những gì bà Hảo làm được ở xứ sở đệ nhất danh trà cũng rất đáng để tự hào.
Dẫn chúng tôi đi giữa những đồi chè đẹp tựa như tranh, bà Hảo thật lòng chia sẻ, mọi thứ ngày hôm nay cứ như giấc mơ vậy. Ngày trước vận động bà con vào hợp tác xã cũng chỉ với mong muốn cùng nhau xây dựng thương hiệu trà Tân Cương cha ông để lại một cách đàng hoàng, tử tế. Và có lẽ, chính con đường tử tế đó đã dẫn đến chuỗi liên kết Hảo Đạt ngày hôm nay. 60% chè Tân Cương đều thông qua hợp tác xã để đi ra thị trường. Từng ô, từng thửa đất của hộ thành viên và liên kết đều được số hóa, từ vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chế biến đều tuân thủ theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ… các thành viên hợp tác xã “đi làm bằng máy chấm công, trả tiền theo thẻ”.
Nghề làm chè ở Tân Cương hôm nay. Ảnh: Toán Nguyễn.
Hảo Đạt là hợp tác xã đầu tiên ở Tân Cương hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số, tham gia các sàn thương mại điện tử, đầu tư hệ thống nhà xưởng chế biến hiện đại, lắp đặt thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại… “Ngày trước nông dân xứ chè đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được vài bơ trà nhưng ngày nay máy móc làm đã tự động hóa đến hơn 70%, công suất chế biến cũng tăng lên từ 2 - 3 tấn chè búp tươi/ngày. Nhàn hơn và hiệu quả hơn nhiều so với trước”, một chị nông dân nghỉ tay chia sẻ. Anh thấy đấy, bà con làm chè bây giờ không chỉ cần cù mà còn am hiểu khoa học, thị trường và cả văn hóa trà Tân Cương nữa, bà Hảo tiếp lời.
Đầu năm nay Hợp tác xã chè Hảo Đạt vinh dự đón một vị khách đặc biệt. Trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm vùng chè Tân Cương và địa điểm chính ở hợp tác xã này. Niềm vinh dự mà bà Đào Thanh Hảo nói “hạnh phúc nhất trong cả cuộc đời sống chết với cây chè”.
Triết lý đi cùng nhau ở Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Ảnh: Hoàng Anh.
Thì anh bảo, giọng bà không giấu nổi tự hào, làm nông nghiệp vốn quen với gian lao vất vả, ít được đầu tư như những ngành nghề khác, nay được bác Tổng Bí thư đến thăm thì hạnh phúc quá còn gì. Bởi vì đó là điều vừa thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn vừa là lời khẳng định chất lượng sản phẩm nông sản của chúng ta ngày càng tử tế. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi đứng trên đồi chè, đồng chí Tổng Bí thư hỏi han đời sống bà con, hỏi han chuyện làm ăn của hợp tác xã rồi tự tay hái một búp chè tươi đưa lên miệng, thuần thục như một người dân sinh ra ở xứ chè này vậy. Cũng chẳng có lời quảng bá giới thiệu nào bằng được hình ảnh đó và người xứ chè cảm thấy được động viên xen lẫn niềm tự hào tột độ. Và sau những năm tháng thay đổi tư duy để nâng cao chất lượng sản phẩm thì giờ đây người xứ chè sẽ tiếp tục thay đổi để xứng đáng hơn với niềm tin yêu đó.
Trải nghiệm quy trình sản xuất, chế biến trà Tân Cương. Ảnh: Văn Việt.
Trước kia, xứ sở đệ nhất danh trà có tình trạng người dân sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Bài học đắt giá là chất lượng sản phẩm trà Tân Cương không đảm bảo, đất đai thoái hóa, gần như chỉ làm được mỗi chè, không thể làm thêm gì khác. Những năm gần đây nhờ thay đổi tư duy, dân chuyển sang làm nhiều chè sạch, chè hữu cơ nên hệ sinh thái đã được phục hồi trở lại. Ngoài chè dân có thể trồng thêm các loại cây ăn quả, cây lấy bóng mát. Dưới chân đồi, ven suối trồng thêm lúa hay đào ao thả cá, làm hồ sen… Tân Cương giờ đây là một bức tranh mà vẻ đẹp dễ chừng có thể đem so với mấy khu du lịch sinh thái nổi tiếng không hề thua kém. Người xứ trà cũng đang manh nha làm các dịch vụ du lịch nông nghiệp như xây dựng điểm check in đồi chè, homestay, du lịch trải nghiệm nghề làm chè…
“Phải tiếp tục thay đổi, để không chỉ bán mỗi sản phẩm trà mà còn bán cả giá trị văn hóa, cảnh sắc Tân Cương, tích hợp đa giá trị như lời kêu gọi của ngành nông nghiệp”, Giám đốc Hợp tác xã chè danh tiếng nhất Tân Cương khẳng định.
Du lịch đồi chè Tân Cương. Ảnh: Toán Nguyễn.
Vẫn với tính cách nói là làm và phải làm bằng được, cuối năm ngoái Hợp tác xã chè Hảo Đạt đã đứng ra liên kết với 3 hợp tác xã chè khác để thành lập Liên hiệp Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tân Cương. Cùng với đó là một không gian văn hóa trà của hợp tác xã được xây dựng.
Có khu vườn chè, khu sản xuất chế biến theo kiểu hiện đại, khu sản xuất thủ công, khu đóng gói thành phẩm, nhà sinh hoạt cộng đồng, không gian thưởng trà, không gian trưng bày sản phẩm… Mục tiêu nghe chia sẻ là để bất kể ai đến với mảnh đất này đều cảm nhận được sự tử tế của đất, trà và người Tân Cương. Uống một chén trà, thưởng thức một vài món ăn và lắng nghe những câu chuyện về vùng đất con người Tân Cương để du khách có thêm tình cảm, gắn bó với nơi này.
“Tôi luôn tự hỏi tại sao người Trung Quốc có thể làm ra những thứ trà có giá trị cao đến như thế, phải chăng là vì họ biết cách thổi hồn vào sản phẩm của mình? Vì sao Tân Cương chưa làm được điều đó? Chính vì vậy, trong không gian văn hóa trà chúng tôi đang xây dựng, khách vừa thưởng thức đệ nhất danh trà vừa được nghe các nghệ nhân Tân Cương kể những câu chuyện về vùng đất, con người và nghề chè nơi đây. Họ cũng có thể trực tiếp làm ra những sản phẩm hay trải nghiệm toàn bộ các khâu sản xuất, chế biến trà… Có như thế mới tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị của chè Tân Cương”, bà Hảo chia sẻ.
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên đã công nhận Tân Cương là điểm du lịch cộng đồng, cùng với xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng của huyện Võ Nhai. Chủ tịch Liên hiệp Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tân Cương nói rằng còn nhiều tiềm năng, lợi thế về tài nguyên, văn hóa bản địa của mảnh đất này chưa được đánh thức, khai thác.
Nhất là văn hóa trà. Trong số hơn 170 sản phẩm được xếp hạng tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao ở tỉnh Thái Nguyên thì nghề làm chè đã đóng góp hơn 121 sản phẩm. Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đó là những giá trị lớn cần phải khai thác để phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn bền vững, sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân.
Chủ đề năm du lịch 2023 này của tỉnh Thái Nguyên là Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc. Khát vọng “mang thị trường đến vùng sản xuất” đang được hiện thực trên xứ sở đệ nhất danh trà.
Nguồn tin: Nongnghiep.vn::
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Thông tư 12/2024/TT-BTTTT
Mẫu đơn xin gia nhập Hội Nhà báo Việt Nam
Mẫu danh sách đề nghị cấp thẻ hội viên mới
QĐ công bố công khai quyết toán ngân sách 2023 của Hội Nhà báo Thái Nguyên
công khai dự toán ngân sách 2024